Bản đồ ẩm thực Việt Nam: Đặc sắc món bánh ăn ‘beo béo’ của người dân Sa Đéc
Vùng đất Tây Nam bộ quanh năm là những cánh đồng vàng trù phú, nơi cho ra đời các món ăn đặc sắc từ hạt gạo thơm dẻo. Và nổi bật trong đó là bánh tằm bì, thức quà thân quen tại các phiên chợ ở Sa Đéc, Đồng Tháp.
Bánh tằm bì, món ăn nổi tiếng tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Ảnh: Nhật Minh
Lần đầu nhìn thấy bánh tằm bì, nhiều du khách thường nhầm đây là biến tấu của món bánh canh quen thuộc. Tuy nhiên, bánh tằm có vị beo béo đặc trưng, vừa mềm vừa ngọt.
Qua tìm hiểu, một phần tạo nên nét đặc trưng của bánh tằm bì chính là quá trình chế biến kỳ công, tỉ mỉ của người nấu. Cụ thể, muốn có bánh tằm ngon, trước hết phải chọn gạo tẻ loại chất lượng có hạt thơm, dẻo rồi đem ngâm vài đêm mới xay thành bột.
Tiếp đến, pha thêm ít nước muỗi loãng và ngâm tiếp hai đêm cho bột nở. Đến công đoạn hồ bột, người làm phải khuấy thật đều tay, cân đo đong đếm cẩn thận, không được để bột cứng vì bánh không còn dẻo và dai. Còn nếu mềm quá thì lại bị nhũn và dính, trông không đẹp mắt. Sau đó, mới đem bột đi hấp để cho ra lò những mẻ bánh tằm thơm lừng mùi gạo.
Video đang HOT
Món bì ăn kèm cũng phải được chế biến tinh tế khi chọn da heo loại ngon, đem luộc và xắt thành từng sợi nhỏ đều nhau. Đem tất cả trộn chung với thính rồi nêm nếm sao cho vừa khẩu vị.
Cuối cùng, nguyên liệu được xem như linh hồn của món bánh tằm bì phải kể đến là nước cốt dừa. Người dân Sa Đéc thường thắng nước cốt dừa đến khi sệt lại, nêm thêm ít muối, đường, bột để tạo độ sánh mịn. Xong xuôi thì bày ra đĩa, rắc thêm ít hành lá cắt nhuyễn là đã đủ để khiến mùi hương tỏa ra, thu hút sự chú ý của biết bao thực khách.
Có nhiều nơi bán bánh tằm bì trong tô lớn nhưng nếu có dịp đến Sa Đéc, bánh tằm bì sẽ được đựng trên một chiếc đĩa rộng, sâu lòng. Khi dùng món ăn đựng trên đĩa, thực khách mới có thể ngắm nghía hết dụng ý sắp đặt của từng loại nguyên liệu có trong món ăn.
Theo đó, bánh tằm trắng mịn, mềm mại như lớp mây phủ trên đủ loại rau xanh, rau thơm, dưa leo, giá, đồ chua, rồi áo thêm lớp bì vàng bắt mắt kèm ít đậu phộng rang. Lòng đĩa sâu, gói ghém đủ cả nước cốt dừa và nước mắm pha, khi thưởng thức thực khách phải húp trọn nước mắm lẫn nước cốt dừa mới gọi là chuẩn vị.
Thử một miếng bánh tằm béo mịn, ăn cùng miếng bì dai ngon, sần sật mà thấm vào đó là đủ thức vị mằn mặn, cay cay của nước mắm; ngậy ngậy, beo béo của nước cốt dừa; thơm của húng; giòn mát của rau tươi như tạo nên hương vị dân dã, thuần túy của vùng đất Sa Đéc mà khó tìm thấy ở nơi khác.
Đối với du khách phương xa, họ có đôi chút lạ lẫm khi nghe, thưởng thức bánh tằm bì nhưng còn người dân miền Tây thì quá đỗi quen thuộc bởi ẩn chứa trong đó là nét tinh hoa phong vị ẩm thực ngọt ngào, dìu dàng như chính tính cách của bà con miền Tây.
Bản đồ ẩm thực: Ghé thành Nam nhớ thưởng thức món bún riêu 'nâng cấp'
Trong bản đồ ẩm thực Việt Nam, bún riêu cua là món quen thuộc, gắn liền với hương vị đồng quê. Chỉ cần nhắc tới là người ta có thể tưởng tượng ra vị chua chua, thanh thanh, thơm thơm mùi gạch của riêu.
Nhưng nếu lúc nào đó bạn muốn đổi vị với một phiên bản bún riêu rất khác thì hãy về Nam Định cùng tôi, thưởng thức bún sung - món ăn chỉ có ở thành Nam.
Bún sung nghe có vẻ lạ tai nhưng lại là món ăn quen thuộc. Tên gọi xuất phát từ loại nguyên liệu ăn kèm là quả sung được muối chua. Sung muối xắt lát vốn không thể thiếu trong ốc luộc ở miền Bắc, hoặc giữa ngày nắng nóng, thêm ít thịt luộc thì còn gì đưa cơm bằng. Khi thử dùng chung với bún, người ta mới khám phá ra một hương vị rất lạ miệng.
Chọn những quả sung nếp, tức là sung còn xanh, đang độ ngon giòn nhất, không quá non và cũng không quá già. Muối xong, sung bắt đầu chua thì có thể lấy ra dùng. Sung muối hơi ngả vàng, không bị thâm, có vị chua nhè nhẹ, cay cay, hơi chát. Có người chỉ dùng mỗi sung, có người trộn thêm ít khế chua cho thêm phần đa dạng.
Đây thực ra là sự kết hợp giữa bún riêu và sung muối, lâu dần biến tấu thành món ăn đặc trưng của thành Nam. Từ bún riêu cua nguyên bản, có người cho tóp mỡ chiên giòn để tô bún thêm phần đầy đặn. Sau đó, thêm ít sung muối ăn kèm đổi vị. Ban đầu người ta còn gọi đây là bún riêu, bún tóp mỡ, dần dần chốt lại ở cái tên "bún sung" bởi sự khác biệt và độc đáo của nó.
Bắt nguồn từ bún riêu nên bún sung vẫn giữ lại hương vị thơm ngon, chua dịu, dễ ăn của món bún nguyên bản. Toàn bộ đều dùng cua đồng cùng nước hầm xương thanh ngọt. Sung muối đã được cắt lát mỏng, khi ăn thực khách có thể bỏ trực tiếp vào tô bún. Nếu thích đậm vị hơn thì tự trộn sung với ớt, dấm, đường, muối tùy thích.
Khi ăn, cô chủ sẽ múc một tô bún đầy ụ, nóng hổi, sóng sánh ánh vàng của riêu và sắc đỏ cà chua, thêm chút tóp mỡ đã được rim qua mắm vừa giòn vừa đậm đà kết hợp cùng miếng sung chua giòn, hơi chát nhẹ giúp cân bằng độ béo. Sau này thức ăn kèm còn có thêm mọc, chả cá, cá chiên để chiều lòng thực khách.
Ngoài hương vị dân dã và khác biệt, bún sung có giá bán rất bình dân, chỉ 10.000 đồng/tô. Nếu gọi thêm mọc, cá chiên, chả cá... các loại thì mới tính thêm tiền. Bún sung bán trong chợ Diên Hồng, có thể đi vào từ số 7 Hàng Cấp hoặc từ 216 Quang Trung. Ở đây có 2 quán gần nhau: quán cô Hiền bán trong nhà, trên bậc vỉa hè cao hơn; quán còn lại phía đối diện, nằm thấp hơn, ngay dưới những tấm bạt che giữa chợ.
Vì nằm trong chợ nên hơi bất tiện về đường đi nhưng các quán vẫn rất đông khách, nhất là buổi sáng giờ đi làm hoặc ngày cuối tuần. Bún sung bán từ 6:00 đến 19:00 nên bạn có thể đến lúc nào cũng được.
Tô bún sung chợ Diên Hồng đầy hấp dẫn này đã lớn lên cùng nhiều người Nam Định. Nếu có dịp ghé nơi đây, bạn hãy thử thưởng thức món ăn bình dân mà độc đáo này.
Bản đồ ẩm thực: Về sông Ngân Sơn ăn cá mương nướng mộc Ai đã từng đến Phú Yên hẳn không thể quên món đặc sản cá mương nướng mộc. Đây chỉ là những con cá nhỏ bình dị nơi sông suối quê nhà, nhưng khi nướng lên, nó lại trở thành "đặc sản" hấp dẫn, riêng biệt vùng miền. Các bậc cao niên sinh sống ở huyện Tuy An cho hay, con sông Kỳ Lộ...