Bản đồ ẩm thực: Tiết trời se lạnh nhâm nhi bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt nóng, giòn
Là một trong những đặc sản của Đà Lạt mộng mơ, bánh tráng mắm ruốc được hòa quyện tinh túy từ vị ngọt của lúa gạo thêm chút hương vị đậm đà bởi mắm ruốc miền biển.
Giữa tiết trời se lạnh những ngày cuối năm, nhâm nhi từng mẩu bánh giòn rụm, nóng hổi bên bếp than hồng thì thật sự thi vị biết bao.
Nhắc đến Đà Lạt không thể nào không nhắc đến bánh tráng mắm ruốc. Món bánh này là đặc sản nên ai đến đây cũng mang về cho mình vài gói để làm quà. Từ đó, nó theo chân lữ khách về muôn miền đất nước.
Thông thường, bánh tráng xuất hiện trong nhiều món ăn vùng miền, từ bánh tráng cuốn rau sống, bánh tráng đi kèm với tô bún bò, giò heo đến món bánh tráng ướt, bánh tráng rập… Nhưng món ngon làm từ bánh tráng, khiến bao thế hệ học trò quê tôi lưu luyến nhất, có lẽ là bánh tráng mắm ruốc cay cay xen lẫn chút mặn mặn, ngọt ngọt.
Video đang HOT
Chứa đựng trong từng mẩu bánh tráng là câu chuyện lịch sử của những năm đất nước còn khói lửa. Mang theo hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở một vùng đất mới, những người con từ quê hương Xuân Hòa (Bắc Ninh) vào lập nghiệp ở đất Lâm Đồng, Tây Nguyên vẫn lưu luyến nghề làm bánh tráng truyền thống và tiếp tục phát triển thành một làng nghề.
Bánh tráng nơi đây được làm từ những nguyên liệu sẵn có như gạo, mè, ớt… Theo đó, gạo được ngâm, xay thành bột, pha thêm chút mì cho bánh dẻo, rồi kèm thêm ít mè đen/mè trắng hay muối, ớt xay, mỡ hành, đường, dừa… Tiếp đến, gạo làm bánh đem vo thật kỹ và xay nhuyễn mịn.
Thông thường công đoạn pha bột tráng bánh thường được những người có kinh nghiệm làm bởi bột pha đúng thì khi tráng bánh mới không bị dính khuôn, dễ dàng trong việc lật trở khi phơi khô. Bột gạo được ngâm lắng một đêm, người tráng bánh phải là người quen tay thì miếng bánh tráng thành phẩm mới tròn và đều.
Còn mắm ruốc thì dùng con ruốc, sống ở ven biển, sau khi được sơ chế sạch thì ủ qua một lớp muối. Sau một thời gian dài cô đọng lại tạo thành mắm ruốc với hương vị đậm đà. Mặc dù nguyên liệu đơn giản, nhưng xét về hương vị thì khó có món bánh tráng nào có thể kích thích vị giác người ăn như bánh tráng mắm ruốc.
Là món ăn gắn với quãng đời học sinh, nên khi vào Sài Gòn đi học, có hôm nhớ mùi bánh tráng mắm ruốc đến nao lòng, tôi mới thấm được rằng khó có món ăn nào sánh bằng hương vị chân chất của món ăn quê nhà. Thế nên, cứ mỗi dịp về quê, những người bạn xưa lại rủ tôi đi thong dong, nhâm nhi món ăn thuở học trò. Vừa bẻ những mẩu bánh tráng mắm ruốc giòn tan, vừa cười hồn nhiên ôn lại những chuyện ngày xưa.
Bản đồ ẩm thực: Một thoáng Vĩnh Long cùng bánh tráng cuốn chuối khô bình dị
Bánh tráng cuốn chuối khô là món ăn vặt lạ miệng thường xuất hiện ở những vùng quê Việt Nam. Đối với người dân Vĩnh Long cũng không là ngoại lệ, có lẽ vị mằn mặn của bánh tráng kết hợp với cái ngọt dẻo của chuối khô sẽ khiến bất cứ ai cũng phải thích thú khi thưởng thức.
Không phải là chuối sấy hay chuối phơi nguyên trái, món bánh tráng cuốn chuối khô thường sử dụng những mẻ chuối ép phơi khô tự nhiên. Loại chuối này thường được xem như là mứt dùng kèm với trà trong những ngày Tết.
Để có mẻ chuối ngon, thông thường người ta chọn chuối xiêm bởi nó có độ ngọt vừa phải. Sau đó, loại bỏ chỉ trên thịt chuối để tránh làm chuối bị thâm đen. Trước khi phơi thì dùng thớt ép chuối trong màng bọc thực phẩm thành những mẹt dài vừa phải rồi đem phơi nắng.
Thông thường, sau một nắng thì nên đảo mặt chuối để chuối được khô đều hơn. Cứ thế, sau 4-5 ngày thì đã có thành phẩm để làm món ăn dân dã này. Với những ai thích vị cay, the nồng nhẹ của gừng thì ở công đoạn phơi chuối có thể quét nhẹ một lớp nước gừng để dậy vị hơn.
Sau khi đã chuẩn bị xong chuối ép phơi khô, chỉ cần trải 1-2 miếng bánh tráng đã nhúng nước ra đĩa chuẩn bị trước, sau đó để chuối vào giữa và cuốn bánh lại như nhiều món cuốn khác. Vị mằn mặn của bánh tráng sẽ trung hòa lại vị ngọt từ chuối khô giúp cho món ăn không bị ngấy, kết hợp với nước trà thì độ ngon sẽ khiến nhiều người bất ngờ khi được nếm thử.
Chẳng mất nhiều thời gian (ngoài công đoạn phơi chuối) mà món quà vặt này đã ra đời, thế nhưng ngoài ngon miệng thì nó còn tốt cho hệ tiêu hóa bởi dinh dưỡng từ trong chuối. Việc ép khô chuối cũng sẽ giúp bảo quản chuối trong thời gian lâu hơn nếu chưa dùng hết.
Lớn lên ở một vùng đất mà trái cây là đặc sản, cái vị ngòn ngọt, dẻo dẻo của món bánh tráng cuốn chuối khô gần như gắn liền với người viết. Chắc hẳn rằng không chỉ người viết mà bất kể thực khách nào khi đã trải nghiệm thử rồi sẽ lại ăn thêm, cuối cùng thành "ghiền" lúc nào mà không hay.
Trong những lần rong ruổi khám phá ẩm thực-du lịch vùng miền, nếu có ghé đến Vĩnh Long, xin mời bạn thưởng thức món quà quê chân tình, giản dị như chính tính cách của người dân nơi đây.
Bản đồ ẩm thực: Mộc mạc bánh tráng phơi sương và muối ớt trứ danh đất Tây Ninh Nhắc đến vùng đất Tây Ninh đầy nắng gió, người ta không thể không nhớ đến đặc sản bánh tráng phơi sương và một thứ gia vị độc đáo: muối ớt Tây Ninh. Bánh tráng phơi sương là đặc sản nổi tiếng của huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh bởi độ mềm và dẻo của bánh. Bánh ngon nhờ độ mặn vừa phải,...