Bản đồ ẩm thực: Kẹo dồi lạc vừng món quà quê đất Hải Dương
Bên cạnh đặc sản bánh đậu xanh nổi tiếng, Hải Dương còn là nơi sản xuất kẹo dồi lạc vừng trứ danh mang đậm dấu ấn của quê hương xứ sở, gắn bó sâu đậm với tuổi thơ của người dân nơi đây.
Thực chất, kẹo dồi có xuất xứ từ huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định rồi theo chân người dân Thành Nam du nhập và phát triển ở Hải Dương. Dần dần, nó đã trở thành một thức quà đậm chất thôn quê, một món kẹo làm nao lòng du khách gần xa khi ghé thăm Hải Dương. Kẹo vừng dồi lạc nơi đây đặc biệt ở kỹ thuật khử mùi hôi của dầu lạc và bảo quản được lâu.
Vì kẹo mang hình dạng giống như món dồi phổ biến tại các tỉnh, thành phía Bắc nên được đặt cho cái tên thú vị như thế. Bên ngoài là lớp vỏ mỏng giòn rụm, màu trắng phau còn phần nhân gồm những viên lạc (đậu phộng) đã được rang thơm. Kẹo có hương vị ngọt đậm nhưng không gắt nhờ mạch nha nên được các “tín đồ” hảo ngọt rất yêu thích.
Nguyên liệu để làm món kẹo này đơn giản và dân dã gồm có đường, mạch nha, vani và lạc. Tuy nhiên, khi có dịp chứng kiến quy trình làm kẹo vừng dồi lạc của người dân Hải Dương, người viết cảm thấy thán phục bởi công sức cũng như sự tỉ mỉ của họ.
Video đang HOT
Lớp vỏ kẹo ngon và giòn hay không phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của người làm. Chẳng thế mà người trong nghề thường đùa rằng phải có đôi tay to khỏe như thợ rèn hay thợ đắp đê thì lớp vỏ kẹo mới chuẩn vị.
Để hoàn thành một chiếc kẹo vừng dồi lạc phải trải qua nhiều công đoạn. Đây cũng chính là bí quyết tạo nên hương vị khó quên ở món kẹo quê. Đầu tiên, mạch nha và đường được nấu sao cho khéo để đạt độ keo nhất định, không quá lỏng hay quá đặc.
Trong cách làm truyền thống, công đoạn “đánh” kẹo là quan trọng cũng như vất vả nhất. Theo đó, phần mạch nha và đường sau khi nấu sẽ được quật vào một chiếc cột cho đến khi dẻo quẹo và có màu trắng đục.
Sau đó, lớp vỏ kẹo sẽ được dàn thật mỏng rồi cho phần nhân là hỗn hợp lạc, vani, mạch nha, đường đã được trộn đều vào giữa. Cuối cùng, cẩn thận cuộn phần vỏ và nhân lại với nhau thành hình trụ dài và chờ đến khi kẹo nguội thì cắt thành những khoanh vừa.
Khi thử qua miếng kẹo dồi lạc vừng, người viết hoàn toàn bị chinh phục bởi miếng kẹo có vị ngọt của mạch nha cùng vị bùi thơm của lạc, vừng tạo cảm giác nhai càng lâu càng thấy thích thú, ăn hết miếng này cứ muốn ăn thêm miếng nữa. Ngoài ra, thưởng thức kẹo với ly trà nóng sẽ thấy hậu vị đọng lại rất lâu vị ngọt, vị bùi và vị chan chát lạ lùng mà cuốn hút.
Kẹo dồi lạc vừng là loại kẹo dễ ăn, mang nét đặc trưng của hương vị ẩm thực Hải Dương nên rất được thực khách ưa chuộng. Bất cứ ai ghé thăm Hải Dương đều bớt chút thời gian mua bánh đậu xanh cùng kẹo vừng dồi lạc mang về để vừa ăn, vừa làm quà cho người thân, bạn bè.
Bản đồ ẩm thực: Ghé Nam Định, nhớ bánh nhãn Hải Hậu nổi tiếng gần xa
Nếu Thái Bình có bánh cáy, Hải Dương nổi tiếng với bánh đậu xanh, bánh cốm gắn liền với thủ đô Hà Nội thì bánh nhãn Hải Hậu được coi như một thức quà ý nghĩa, mang nét riêng độc đáo của vùng đất ven châu thổ sông Hồng.
Từ lâu, công việc sản xuất bánh nhãn đã trở thành một nghề truyền thống ở Hải Hậu, Nam Định. Dù nổi tiếng là đặc sản trứ danh của Nam Định, bánh nhãn Hải Hậu lại mộc mạc và chân phương từ hương vị đến hình thức, giống như chính người dân Thành Nam.
Tên gọi của bánh khiến nhiều người nhầm lẫn nguyên liệu chính là quả nhãn tươi. Tuy nhiên, bánh được làm từ bốn nguyên liệu chính gồm bột nếp cái hoa vàng, trứng gà, đường kính và mỡ heo. Thành phẩm bánh nhãn có hình tròn xoe, màu vàng óng giống trái nhãn nên được người dân địa phương đặt tên như thế.
Được biết, quy trình thực hiện bánh nhãn không quá phức tạp. Thế nhưng, để làm ra món đặc sản nức tiếng gần xa thì phải tốn nhiều thời gian và công sức. Để bánh thơm ngon, đúng chuẩn, người chế biến cần tỉ mẩn từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến lúc vò bột, chiên bánh và tẩm đường. Công thức làm bánh nhãn không có bất kỳ chất phụ gia nào, vì thế tỷ lệ bột và trứng quyết định phần lớn độ giòn, nở đều của bánh.
Bí kíp để bánh giòn, dậy mùi thơm của bột, trứng gà và đạt màu vàng đẹp là dùng mỡ heo để chiên. Bột sau khi nhào, vo tròn thành những viên bằng đầu ngón tay rồi chiên nhỏ lửa trong chảo lớn ngập mỡ. Bánh bắt đầu ngả vàng, đủ độ phồng thì vớt ra, để ráo. Cuối cùng, khéo léo áo một lớp đường vừa đủ xung quanh để bánh có vị ngọt thanh.
Thưởng thức qua một miếng bánh nhãn giòn tan, vị giác ngay lập tức ngập tràn mùi thơm của trứng và độ dẻo từ gạo nếp, ngọt nhẹ của đường trắng. Người dân Nam Định thường nhâm nhi bánh nhãn với một chén nước trà xanh nhằm cân bằng giữa vị thơm giòn, béo ngậy của bánh và vị thanh mát của trà.
Có dịp ghé thăm làng nghề Đông Cường (Yên Định, Hải Hậu, Nam Định), du khách sẽ choáng ngợp khi tận mắt chiêm ngưỡng nhiều cửa hàng bánh nhãn được bày bán khắp nơi. Những gói bánh nhãn béo ngậy, hấp dẫn như mời gọi du khách đến thưởng thức cũng như mua về làm quà mỗi khi ghé du lịch ở Nam Định.
Ngoài sự thơm ngon, điểm đặc biệt khiến bánh nhãn Hải Hậu được nhiều du khách yêu thích nằm ở các nguyên liệu giản dị, đậm chất quê cùng sự gợi nhắc về mảnh đất và con người đất Thành Nam. Mỗi viên bánh nhãn như chứa đựng tinh hoa của đất trời, ẩn sâu trong đó còn là sự tỉ mẩn, khéo léo của đức tính cần cù, tình yêu quê hương thắm thiết của người dân nơi đây.
Về Hải Dương nhớ thưởng thức món quà quê "rồng đất" Được mệnh danh là "rồng đất" hay "sâm đất", con rươi của vùng đất Hải Dương ngày nay không chỉ là món quà quê mà nó còn có mặt trong thực đơn ở những nhà hàng cao cấp. Chả rươi là một trong những món ăn phổ biến nhất khi nhắc về con rươi. Ảnh minh họa: Internet Rươi là loài vật có...