‘Bản dịch cũ Nam quốc sơn hà không đáp ứng tiêu chuẩn cao’
GS Nguyễn Khắc Phi cho rằng, bản dịch cũ bài thơ “Nam quốc sơn hà” có ưu điểm nghe êm tai, nhưng không đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất.
GS Nguyễn Khắc Phi, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 đã trao đổi với Zing.vn về việc đưa bản dịch bài thơ Nam quốc sơn hà (của Lê Thước và Nam Trân) thay cho bản cũ.
Theo GS Phi, Nam quốc sơn hà tương truyền của danh tướng Lý Thường Kiệt, ngay cả văn bản chữ Hán cũng có nhiều dị bản khác nhau.
“Khi làm sách, chúng tôi phải cân nhắc ngay từ bản chữ Hán, nên dùng bản nào. Cuối cùng, chúng tôi chọn bản theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng có đảo chữ Tiệt nhiên phận định thành Tiệt nhiên định phận. Phiên âm chữ Hán trong bức tranh sơn mài ở Viện Bảo tàng lịch sử cũng sửa lại là định phận”, GS Phi nói.
Phần chú thích về bài thơ trong SGK Ngữ văn lớp 7, tập 1.
GS Phi cho rằng, hiểu được cặn kẽ bài thơ không đơn giản. Không có văn bản nào dịch hoàn thiện cả. Vì thế, những người biên soạn sách đã chọn ba văn bản, đúng theo phương châm giảng dạy mới của Bộ GD&ĐT, không trói buộc vào văn bản nào.
Trong SGK Ngữ văn lớp 7, có đến 3 bản dịch chữ quốc ngữ của bài thơ Nam quốc sơn hà. Đó là bản dịch của Lê Thước và Nam Trân: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ”. Lê Thước và Nam Trân đều là những nhà Hán-Nôm học nổi tiếng.
GS Trần Đình Sử, thành viên nhóm chủ biên, cho biết, bản của Lê Thước và Nam Trân dịch theo vần trắc, rắn rỏi và gân guốc hơn, còn dịch theo vần bằng thì nghe êm ái.
“Tôi nghĩ rằng, một vài người hiểu chưa đúng nên phản ứng. Khi chọn bản dịch nào, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ”, GS Phi nói.
Ngoài bản dịch trên, sách giáo khoa lớp 7 còn in hai bản dịch khác (in trên bức sơn mài ở Viện Bảo tàng Lịch sử): Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Sách trời phân định đã rạch ròi/ Cớ sao giặc cướp xâm phạm tới/ Chúng bay thất bại hãy chờ coi.
Video đang HOT
Bản dịch của nhà thơ, dịch giả Ngô Linh Ngọc: “Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự/ Sách trời định phận rõ non sông/ Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?/ Bay hãy chờ coi, chuốc bại vong.
GS Phi cho rằng, văn bản mọi người biết lâu nay có ưu điểm là nghe êm tai nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất.
“Bản dịch Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời, từ định phận để nguyên không dịch, đó là từ khóa. Vì chữ phận có hai nghĩa, phận là địa phận, ranh giới, biên giới và phận có nghĩa là số phận, cho nên nếu không dịch thìđịnh phận là số phận đã định. Nó gợi lên liên tưởng tiêu cực, dễ gây hiểu lầm”, Tổng chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 nói.
GS Phi nhấn mạnh, bản dịch nói lên vấn đề bờ cõi, biên giới nên đã cân nhắc rất nhiều. Thứ nữa, dùng từ vằng vặc vừa sáng vừa rõ ràng, nó cụ thể và ý nghĩa hơn rành rành.
“Chúng tôi không thể đưa tất cả các bản dịch. Ngoài ra hiện nay sách, Internet rất thuận tiện để mọi người tham khảo, đọc thêm các tài liệu ở ngoài”, GS Phi nói.
Những ngày qua, nhiều ý kiến tranh luận quanh bản dịch khác của bài thơ Nam quốc sơn hà tại trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.
Đối với nhiều người, bản dịch Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời thân thuộc và đi vào tiềm thức. Vì vậy, nhiều ý kiến tranh luận về bản dịch mới.
Trao đổi với Zing.vn, giáo sư sử học Dương Trung Quốc cho rằng, một bản gốc tiếng hán có thể dịch ra nhiều bản tiếng nôm là chuyện bình thường, quan trọng là tìm ra bản hay hơn.
“Cá nhân tôi thấy bản dịch nào đã đi vào nhận thức của mọi người thì không nên thay đổi. Nếu dịch lại phải dựa trên một chuẩn nhất định và giải thích tại sao thay đổi”, ông Quốc nói.
Theo Zing
Giáo viên nói gì về bản dịch mới 'Sông núi nước Nam'?
Theo một số giáo viên, bản dịch mới bài thơ 'Sông núi nước Nam' đọc trúc trắc, khiến học sinh khó tiếp thu.
Bài thơ Sông núi nước Nam được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, đã được dịch khác và in trong SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1, khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.
Trước đây, bài được dịch là: "Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời".
Trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập I, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành có bản dịch mới: "Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ".
Cuốn sách Ngữ Văn lớp 7 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Ảnh: Infonet.
Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, không đồng tình với bản dịch mới. Theo thầy Hiếu, tác phẩm này đã quá quen thuộc mà nhiều người đã thuộc từ thuở học sinh phổ thông.
Theo giáo sư sử học Dương Trung Quốc, một bản gốc tiếng hán có thể dịch ra nhiều bản tiếng nôm là chuyện bình thường, quan trọng là tìm ra bản hay hơn.
"Cá nhân tôi thấy bản dịch nào đã đi vào nhận thức của mọi người thì không nên thay đổi. Nếu dịch lại phải dựa trên một chuẩn nhất định và giải thích tại sao thay đổi", ông Quốc nói.
"Dù ý nghĩa không thay đổi so với bản dịch lâu nay nhưng bản dịch mới sẽ xa lạ và phức tạp về ngôn từ tiếng Việt", thầy Hiếu nhận định.
Cô giáo Nguyễn Phương - giáo viên dạy Ngữ văn lớp 7 tại Hà Nội - chia sẻ: Có nhiều cách tiếp cận một tác phẩm văn học. Tuy nhiên, đọc bản mới Sông núi nước Nam thấy trúc trắc, khiến học sinh khó tiếp thu. Trong khi đó, bản dịch cũ đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Việt.
"Tôi nghiêng về ý kiến ủng hộ văn bản cũ. Khi tôi tham khảo ý kiến nhiều người, họ cũng nhận định rõ ràng văn bản cũ hay hơn, mặc dù ý nghĩa của bài thơ không thay đổi", nữ giáo viên nói.
Cũng theo cô Nguyễn Phương, một trong những mục đích của Ngữ văn là mang lại sự thích thú, hấp dẫn cho học sinh. Văn bản cũ của bài thơ đã đáp ứng được điều đó, còn bản mới gây trắc trở, khó đọc cho học sinh và giáo viên khó giảng dạy.
Cô Phương cho biết, chương trình Ngữ văn lớp 7 được đánh giá khó nhất cấp THCS bởi phần văn học trung đại. Học sinh lớp 7 khó cảm thụ hết cái hay, cái đẹp của tác phẩm, vì vậy cần những bản dịch hay và dễ đọc.
Nữ giáo viên mong muốn đến năm 2018, khi đổi mới chương trình sách giáo khoa theo chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa", bản dịch cũ sẽ được giữ nguyên.
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức (top 30 người nổi bật năm 2014 dưới 30 tuổi do tạp chí Forbes bình chọn), văn bản mới là một trong số nhiều dị bản của Nam quốc sơn hà.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh chép nhiều câu chuyện có nội dung giống nhau, song lưu truyền qua vài trăm năm, đều tồn tại nhiều dị bản. Các sử gia thời Lê cũng chỉ lựa chọn một trong số các dị bản đó.
"Những gì khác với điều tai nghe mắt thấy xưa nay chưa hẳn đã sai, và cũng không nên nâng cao quan điểm. Nguyên tác còn có nhiều dị bản, huống hồ là bản dịch", ông Đức nói.
Cuốn sách này do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành vào tháng 8/2015. Nhóm tác giả chủ biên gồm: Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên) - Nguyễn Đình Chú (Chủ biên phần Văn)- Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên phần Tiếng Việt)- Trần Đình Sử (Chủ biên phần Tập làm văn). Các biên tập viên là Đỗ Kim Hồi - Nguyễn Văn Long - Bùi Mạnh Nhị - Lê Xuân Thại - Đỗ Ngọc Thống.
Là một trong những người biên tập cuốn sách Ngữ văn lớp 7 tập 1 này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT, cho Infonet biết, bài thơ có thể dịch ra nhiều nghĩa khác nhau, nhưng ý của bài thơ không thay đổi. Khi phát hành sách đã có các nhà thẩm định rồi, nên không sai được.
Ông Thống cho biết, tham gia biên soạn sách Ngữ văn tập I lớp 7, nhưng chỉ biên soạn Tập làm văn.
Theo Zing
Bài thơ 'Nam quốc sơn hà' có 35 dị bản TS Phạm Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ với Zing.vn bài viết quanh việc cộng đồng mạng tranh luận bản dịch khác của bài thơ "Nam quốc sơn hà" trong SGK Ngữ văn lớp 7. "Nam quốc sơn hà" không phải của Lý Thường Kiệt Trong khoảng 10 năm trước, PGS Bùi Duy Tân là một trong những người...