Bạn có đang bị “bệnh” học thêm?
Phong trào “chạy show” học thêm đang thu hút rất nhiều bạn học sinh, không ngoại lệ học sinh giỏi hay học sinh yếu. Đó phải chăng là một chứng bệnh? Thuốc nào chữa được bệnh ấy?
Chủ nhật được nghỉ, bạn dự định sẽ làm gì? – Mình “chạy show” học thêm đến không kịp thở, làm gì có thời gian để làm chuyện khác. Đó là câu trả lời thường gặp ở các bạn học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp. Nhưng đằng sau chuyện học thêm thì không đơn giản chút nào.
Vào lớp học thêm bạn làm gì?
Vào lớp học thêm đương nhiên là để học thêm, có thật như thế?
H trường Đ thì nói: “Có hôm mệt quá, mình úp mặt xuống ngủ một giấc ngay trong lớp học thêm, thầy cũng chẳng nói gì cả”…
“Tới giờ vào đó học, hết giờ về, cuối tháng đóng tiền hoặc đóng vào đầu tháng. Học thêm trả tiền, một số bạn xem mình đóng tiền mình có quyền, vào đó ngồi cho “có tụ” thậm chí có bạn còn quá đáng đến mức xem thường thầy cô, vui thì học, buồn thì cúp cua. “Nói chung trong đó nhiều thành phần lắm, có nhiều bạn không tập trung, số tập trung học chỉ vài người ngồi ở bàn đầu, chỉ khoảng 20%” – H cho biết.
Video đang HOT
Có nhiều bạn như một cái máy, trên bảng viết sao chép y vào tập, nhớ được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Biết làm bài tập thì làm, không biết thì thôi. Vô lớp đụng trúng bài thì “xổ tủ” ra, không thì chịu chết. Vậy một câu hỏi được đặt ra: “Vào lớp học thêm bạn làm gì?”
Ảnh minh họa
Bạn có đang bị bệnh học thêm?
M trường Đ học thêm 4 môn: toán, lý, hóa, anh. Từ thứ hai đến thứ sáu, học từ 6h chiều đến 8h30 tối. Chủ nhật thì học từ 6h sáng đến 6h chiều. Nhiều bạn phải lè lưỡi khi nghe M kể về lịch học thêm của mình.
Học thêm nhiều thì biết nhiều, thôi thì cứ học. Một số bạn chăm chỉ “chạy show” học thêm chỉ mong mình hơn bạn hơn bè. Đáng nói hơn, đó đã trở thành một phong trào. Người đứng ngoài trào lưu ấy sẽ tự cho mình là thua người kém bạn, tất tả vắt cặp lên cổ “chạy show” mỗi đêm.
Như H thì khác, “show” của bạn chỉ tập trung vào thứ bảy, chủ nhật với hai môn: Toán, Anh nhưng bạn học chỉ vì…thương mẹ. Ba mất khi H mới ba tuổi, mẹ H vất vả làm thuê một mình nuôi H, sợ con học không bằng bạn nên đã bảo H đi học thêm. Thương mẹ, H vẫn “chạy show” nhưng theo bạn nói thì “Mình không hiểu gì hết”.
Phong trào “chạy show” học thêm đang thu hút rất nhiều bạn học sinh, không ngoại lệ học sinh giỏi hay học sinh yếu. Đó phải chăng là một chứng bệnh! Thuốc nào chữa đựơc bệnh ấy?
Có chắc học thêm là giỏi?
Như A (trường Đ), từ năm lớp 10 bạn chủ trương không học thêm. Hàng tuần bạn dành thời gian lên thư viện kiếm sách về tự học. Mặc dù kiến thức của bạn không nhiều như những người được giảng dạy tại lớp học thêm, nhưng nhờ thế bạn học được cách suy luận logic. Và cuối cùng bạn đã giành được ngôi quán quân ở lớp với danh hiệu học sinh giỏi.
T (trường Đ) cũng chẳng khác A, bạn không “chạy show” mỗi đêm nhưng mỗi lần bài kiểm tra phát ra, mọi người luôn trầm trồ vì điểm số “hơn người” của bạn. Cũng chẳng thiếu những trường hợp những bạn có khả năng học tốt nhưng do “chạy show” quá mệt mỏi nên chỉ biết những công thức, dạng bài tập thầy cô giải cho, còn gặp bài “lắc léo” hơn thì đành bất lực. Như V (bạn người viết) chẳng hạn, chỉ số IQ của bạn không thấp nhưng do phụ thuộc vào học thêm, gặp những dạng bài tập thầy cô chưa cho làm là bạn chẳng cần suy nghĩ gì hết và tự phán: “Mình không biết làm”.
Hậu quả của những ngày “chạy show”
M có tài suy luận rất tốt nhưng với lịch học thêm dày đặc đó hiển nhiên bài vở ở lớp cũng khó hoàn thành. Các môn tự nhiên thì khỏi chê, còn các môn học bài thì hỡi ôi, M hầu như ít đạt điểm cao khi bị “dính chưởng” trả bài. Riêng hai môn toán, lý, bạn “chạy show” hai chỗ. Trong đó có show do thầy cô trên lớp dạy vì theo bạn: “Không học sợ bị đì”.
Có một tác hại rất lớn của việc “chạy show” học thêm, đó là tâm lý của các bạn học sinh. Hơi bị điểm tháp một chút thì các bạn lại than “Do không học thêm nên bị đì”. Dù rằng có những trường hợp như vậy nhưng không phải thầy cô nào cũng thế. Nỗi lo sợ ấy khiến các bạn lại thành bệnh nhân của bệnh “chạy show” học thêm.
Còn N (bạn người viết) thì đã phải nhập viện với bệnh án: suy nhược thần kinh do những tháng ngày “chạy show” không ngừng, nghỉ ngơi không đủ.
***
Cái gì cũng có hai mặt. Nếu như biết học thêm đúng cách, sử dụng thời gian hợp lý, chăm sóc bản thân tốt hơn thì bạn sẽ rất giỏi. Như H trường HV, nỗ lực vào trường chuyên, đậu rồi bạn kiếm những lớp học thêm dạy nâng cao, mở rộng kiến thức, thầy (cô) giảng dạy có phương pháp phù hợp, bạn cũng không quên hoàn thành bài vở trên lớp thật chu đáo. Học sinh giỏi là thành tích cuối năm bạn đạt được.
Nhiều người vẫn khuyến khích tự học nhưng vẫn không cấm học thêm. Làm sao để cân bằng giữa học thêm với tự học? Đó là câu hỏi hóc búa dành cho giới học trò.
Hãy xem việc học như một đam mê và bạn muốn khám phá những điều bạn chưa biết, lúc ấy bạn sẽ có cách học phù hợp với mình.