Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia kiểm tra tại Điện Biên
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Điện Biên có tổng số 17 điểm thi, trong đó số điểm thi liên trường là 14 điểm, còn lại là điểm thi độc lập.
Sáng nay (5/6), đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Điện Biên về công tác đảm bảo, chuẩn bị cho kỳ thi tại địa phương.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ yêu cầu tỉnh Điện Biên bảo đảm an toàn tuyệt đối các điểm in sao đề thi, tuyệt đối bảo mật đề thi trong quá trình in không được phép để lộ lọt ra ngoài.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tỉnh Điện Biên có trên 5.300 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có khoảng 440 thí sinh tự do. So với năm 2018, năm nay lượng thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia giảm gần 200 thí sinh, số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp chiếm tỷ lệ gần 47%.
Tổng số điểm thi là 17 điểm, trong đó số điểm thi liên trường là 14 điểm, còn lại là điểm thi độc lập không tổ chức liên trường. Ban chỉ đạo kỳ thi của tỉnh dự kiến sẽ có trên 700 cán bộ, giảng viên, giáo viên trực tiếp tham gia làm thi, trong đó sẽ có khoảng 330 cán bộ là của Trường Đại học Thuỷ Lợi.
Video đang HOT
Để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, tại các điểm thi đã được lắp đặt hệ thống camera, bố trí hơn 250 cán bộ chiến sỹ lực lượng công an tham gia trực và bảo vệ 24 giờ /ngày để bảo quản đề thi, bài thi và an ninh khu vực. Ngay cả đối với các điểm thi xa tại các địa phương như: Tủa Chùa, Mường Nhé cũng đã hoàn tất công tác rà soát an ninh, đảm bảo cho kỳ thi. Các phương án đảm bảo về cơ sở vật chất cũng đã được triển khai sẵn sàng.
Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại Điện Biên cho biết: đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được hoàn tất, lên đầy đủ phương án xử lý khi có sự cố xảy ra.
Tỉnh kiên quyết chỉ đạo các ngành, các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy chế của kỳ thi, nâng cao trách nhiệm của cán bộ làm thi, đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng cho các thí sinh tham dự kỳ thi năm nay.
Riêng đối với các điểm thi xa, học sinh còn nhiều khó khăn, tỉnh đã giao Sở Giao thông Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương lên phương án đảm bảo giao thông, trích kinh phí hỗ trợ gạo cho các thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh: Điện Biên cần tập trung vào việc bố trí đội ngũ cán bộ làm thi, các cán bộ được lựa chọn phải có đạo đức tốt, trải qua các lớp tập huấn về công tác coi thi, chấm thi; bảo đảm an toàn tuyệt đối các điểm in sao đề thi, tuyệt đối bảo mật đề thi trong quá trình in không được phép để lộ lọt ra ngoài. Từ đó đảm bảo cho kỳ thi trên địa bàn được diễn ra một cách tuyệt đối an toàn, nghiêm túc.
Theo VOV
Chống gian lận thi cử, con người vẫn là yếu tố quyết định
Đây là khẳng định của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT khi đề cập tới các giải pháp quan trọng của Bộ GDĐT nhằm siết chặt kỷ luật trường thi, chống gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Trong năm 2019, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm trước để không ảnh hưởng tới quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh. Đồng thời Bộ thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để đảm bảo tổ chức Kỳ thi nghiêm túc,khách quan, an toàn.
Theo thông báo của Bộ này hồi tháng 12/2018, các nội dung được điều chỉnh chính như: Đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.
Tăng cường trách nhiệm của cán bộ các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng trong tổ chức thi và bảo mật đề thi, bài thi.
Bộ GDĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GDĐT và của các trường ĐH, CĐ đối với việc chấm bài thi tự luận.
Tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh ĐH, CĐ.
Để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ cũng đang đăng tải lấy ý kiến góp ý về dự thảo Thông tin sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 04/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Thời hạn lấy ý kiến đóng góp đến ngày 31/3/2019.
Ảnh minh họa
Có thể nói, gian lận thi cử có thể xảy ra ở tất cả các khâu nên trong buổi chia sẻ với báo giới gần đây về các giải pháp chống gian lận thi cử trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, ông Mai Văn Trinh lại một lần nữa nhắc lại điều này, đồng thời nhấn mạnh tới vai trò của con người trong từng khâu trong quá trình tổ chức Kỳ thi và khẳng định yếu tố quyết định vẫn là con người.
Đề cập tới việc giảm bớt sự can thiệp của con người trong quá trình tổ chức thi, về lâu dài, ông Trinh cho biết, "Việc này được định hướng rõ trong Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chúng ta đổi mới kỳ thi THPT, đổi mới tuyển sinh theo hướng ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực, nhưng kết quả thi có độ tin cậy. Hiện nay, các giải pháp về công nghệ, đặc biệt là CNTT, hệ thống mạng máy tính và các thiết bị khác phát triển, cho phép chúng ta suy nghĩ và tính toán dần, đồng thời có bước chuẩn bị để làm sao tăng cường sự hiện diện của công nghệ, đặc biệt là CNTT. Chúng tôi cũng đang suy nghĩ đến phương án, đến một thời điểm nào đó, khi ngân hàng thi đủ lớn, cùng các điều kiện khác nữa, có thể xem xét tổ chức thi trên máy tính. Nhưng không có nghĩa, khi tổ chức thi trên máy tính là mọi công việc được giải quyết; bởi khi đó sẽ xuất hiện những vấn đề mới. Cuối cùng, con người vẫn là nhân tố quyết định sự thành bại của kì thi này."
Cục trưởng cũng cho biết, trong năm 2019, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đặt dưới dự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, nhưng người chịu trách nhiệm trực tiếp là Ban Chỉ đạo thi tại các tỉnh, thành phố, do đó, trách nhiệm các tỉnh thành phố phải được đặt lên rất cao. Mọi thành công của Kỳ thi đều để con em/ học sinh địa phương thụ hưởng nên các địa phương cần nâng cao trách nhiệm để tạo niềm tin cho người dân địa phương. Mọi điều chỉnh năm 2019 chủ yếu hướng tới các thầy cô giáo, các cán bộ tham gia tổ chức kì thi, còn với các em căn bản vẫn giữ ổn định vì vậy các em yên tâm, tham khảo kĩ đề thi tham khảo, đồng thời chuẩn bị tâm lý vững vàng trước kỳ thi sắp tới.
Minh Vy (t/h)
Theo toquoc
Phát triển vốn tiếng Việt cho học sinh dân tộc bằng song ngữ "Chúng tôi vui lắm vì gần đây các em rất hăng say học tập, có hứng thú khi đến trường, đến lớp!", thầy giáo Đoàn Minh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) hồ hởi chia sẻ sau thời gian triển khai đề án phát triển vốn tiếng Việt cho học sinh dân tộc...