Bám trụ vị trí thứ 3, bất động sản duy trì thứ hạng thu hút FDI
Tính đến cuối tháng 8, với tổng số vốn đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD, kinh doanh bất động sản nhiều tháng liên tục bám trụ ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng nhóm các lĩnh vực, ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài ( FDI).
Mặc dù vẫn tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 nhưng con số này đang thấp hơn nhiều so với mức thu hut FDI đạt được của lĩnh vực kinh doanh, bất động sản vào cùng kỳ năm 2020 với 2,87 tỷ USD.
Bất động sản duy trì vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng thu hút FDI. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là do tác động của dịch bệnh khiến việc dịch chuyển khó khăn cũng ảnh hưởng đến việc khảo sát thực địa cũng như đưa ra quyết định của nhà đầu tư. Do đó, duy nhất chỉ có lĩnh vực bất động sản công nghiệp vẫn được kỳ vọng là điểm sáng trong tâm dịch.
Mặc dù vậy, theo dữ liệu của Savills Hong Kong (Trung Quốc), Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới được nâng hạng đánh giá tích cực bởi cả ba tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế bao gồm Moody’s, S&P và Fitch.
Các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore có chiến lược mở rộng và đa dạng hoá kênh đầu tư cũng tìm đến các thị trường mới nổi hoặc những thị trường cận biên như Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận – các chuyên gia của Savills phân tích.
Đánh giá về “điểm sáng” bất động sản công nghiệp, các chuyên gia nhận xét, hiện thu hút FDI vào Việt Nam vẫn khả quan và kỳ vọng vào sự ra đời của nhiều nhà máy sản xuất lớn tại nhiều khu vực trong cả nước. Đây chính là cơ sở thuận lợi để bất động sản công nghiệp tiếp tục phát triển, duy trì ưu thế trên thị trường.
Công ty Savills Việt Nam dẫn chứng, mặc dù những tháng đầu Việt Nam phải chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhưng thị trường bất động sản công nghiệp vẫn chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực như các thương vụ mua bán sáp nhật doanh nghiệp cũng như sự gia tăng các diện tích đất công nghiệp mới.
Điển hình là những nhà máy sản xuất có quy mô lớn nhất trong 2 quý đầu của năm 2021 là những dự án được đầu tư bởi các nhà đầu tư Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore tại hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang.
Video đang HOT
Phân tích chung về thị trường, ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, tính theo khu vực thì phía Bắc nhận được phần lớn các khoản đầu tư mới đăng ký vào lĩnh vực sản xuất lên đến 1,97 tỷ USD, chiếm 64% thị phần. Tiếp theo là khu vực phía Nam với 728 triệu USD, tương đương 23% và khu vực miền Trung thu hút 395 triệu USD, khoảng13%.
Đón đầu cơ hội, Việt Nam đã chủ động chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản các khu công nghiệp, đầu tư, đưa vào sử dụng hàng nghìn km đường cao tốc liên vùng, giúp thúc đẩy sự giao lưu kinh tế – văn hóa thuận tiện giữa các vùng trong cả nước.
Chính vì thế, yêu cầu đầu tư phát triển bất động sản công nghiệp đang là cơ sở tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp và nền kinh tế trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Đây là những điểm nổi bật làm giúp cho thu hút FDI của Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản vẫn duy trì thứ hạng.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, một trong những nguyên nhân để dòng vốn FDI tiếp tục rót vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam là sự ổn định về chính trị vững chắc, đoàn kết và quyết tâm phòng chống, khống chế dịch COVID. Đặc biệt, Việt Nam vẫn duy trì nền kinh tế tăng trưởng dương, lạm phát ổn định, thị trường tài chính tiền tệ không biến động lớn… Những yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô đã giúp thị trường bất động sản Việt Nam giữ được sự ổn định cần thiết.
Mặt khác, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra với tốc độ cao, dân số đô thị tăng nhanh, nhất là tại các đô thị lớn. Cùng đó, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng nên nhu cầu phát triển về nhà ở vẫn còn nhiều dư địa trong tương lai. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và công trình thương mại cũng đang tăng nhanh, nhất là nhu cầu thuê căn hộ, khách sạn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế tại các đô thị lớn cũng như các khu du lịch trên địa bàn cả nước.
Một điểm sáng đáng ghi nhận tác động tích cực đến thu hút FDI của Việt Nam chính là việc cải thiện môi trường đầu tư, liên tiếp được các tổ chức quốc tế nâng hạng về môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh. Nhờ đó, thị trường bất động sản vẫn thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Các chuyên gia nhận xét, việc tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do và mới đây nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… khiến nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, các nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm tới Việt Nam và cho rằng, hiện môi trường đầu tư tại Việt Nam đang được cải thiện so với nhiều năm trước. Việt Nam đang nắm giữ các lợi thế lớn về môi trường đầu tư, chính trị ổn định, chính sách quản lý vốn hấp dẫn với đầu tư nước ngoài. Ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19 có nhiều tác động không mấy khả quan lên thị trường toàn cầu thì Việt Nam vẫn hoạt động tốt hơn hơn nhiều thị trường khác.
Tuy vậy, ông Matthew Powell cho rằng, các nhà đầu tư và phát triển bất động sản nước ngoài vẫn sẽ đối mặt với những thách thức nhất định khi tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam. Bởi khó khăn của nhà đầu tư còn liên quan đến chất lượng đầu tư và khả năng tiếp cận.
Với các nhà đầu tư nước ngoài, cơ sở hạ tầng chất lượng như đường xá, hải cảng và hệ thống đường sắt vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện một số địa phương có không gian kinh tế tốt nhưng lại gặp hạn chế về cơ sở hạ tầng, gây khó khăn trong việc tiếp cận nguyên vật liệu hoặc gặp nhiều vấn đề trong khâu vận chuyển sản phẩm.
Trước đây, doanh nghiệp FDI thường tự đầu tư và xây dựng dự án nhưng nay họ đang có xu hướng hợp tác với các đơn vị uy tín trong nước để tiết kiệm thời gian và mang lại hiệu quả cao hơn. Việc thu hút vốn, kỹ thuật, nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng, tầm nhìn và khách hàng quen thuộc ở các nước có nền kinh tế phát triển sẽ đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài cho các dự án. Đặc biệt, việc liên kết này còn tạo cho thị trường bất động sản luồng sinh khí mới, tạo ra đầu tư thực chất, gắn đầu tư với sản xuất, kinh doanh thực – chuyên gia này phân tích.
Nhiều 'đòn bẩy' chính sách cho thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng nhận định, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng thị trường bất động sản vẫn cơ bản ổn định.
Trong đó, phải kể đến nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản đã được ban hành, tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung cho thị trường.
Ảnh minh họa: Vân Sơn/Báo Tin tức
Do đó, lượng giao dịch, giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng "đóng băng" hay "sốt nóng". Hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương đã kịp thời được kiểm soát. Các hoạt động kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản thiếu tính pháp lý, gây nhiễu loại thị trường đã được chấn chỉnh kịp thời.
Theo Bộ Xây dựng, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, bất động sản; trong đó, các chính sách hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư, người dân có nhu cầu mua nhà ở cũng được triển khai khi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều gói lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân vay mua nhà.
Đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2021/NĐ-CP ngày 21/5/2021 quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Tại nghị định này quy định chi tiết về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư xây dựng và hoạt động cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trừ trường hợp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Theo ông Vũ Thế Hưng, Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, sơ bộ tác động môi trường là một bước rất cần thiết để xem xét, cân nhắc trước khi có quyết định đầu tư, hoặc cấp phép đầu tư của một dự án. Nghị định 54/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật về đầu tư - môi trường. Từ đó, giúp nhận định sớm vấn đề môi trường từ các dự án phát triển, đảm bảo nguyên tắc phòng ngừa ô nhiễm và mục tiêu chung về phát triển bền vững.
Thêm một chính sách mới được cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương chờ đợi là Nghị định số 69/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 15/7/2021 quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9 tới. Nghị định số 69/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thuộc diện quy định tại Điều 110 của Luật Nhà ở, bao gồm: việc kiểm định đánh giá chất lượng nhà chung cư, việc lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; yêu cầu về quy hoạch đối với khu vực cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP đã quy định rõ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho người được tái định cư; quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong việc di dời, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và một số cơ chế trong việc thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư... Nghị định này với nhiều điểm đổi mới đáng ghi nhận được kỳ vọng sẽ giải quyết cơ bản các vướng mắc trong thời gian qua để giúp việc cải tạo chung cư cũ thoát khỏi tình trạng "rùa bò" bởi chính "rào cản" chính sách.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng ghi nhận "trợ lực" từ chính sách. Chương trình phát triển nhà ở xã hội luôn được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp có nhà ở để đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài.
Mới đây, Nghị định 49/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 1/4/2021 thay thế cho Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo "cú hích" quan trọng cho phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, giải quyết căn bản nhu cầu về nhà ở cho đối tượng chính sách trong lĩnh vực nhà ở với sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ nhiều tổ chức tín dụng khác bên cạnh Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định số 697/QĐ-NHNN ngày 22/4/2021, về mức lãi suất vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là 4,8%/năm. Các chính sách hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư, người dân có nhu cầu mua nhà ở cũng được triển khai khi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều gói lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân vay mua nhà...
Các chuyên gia nhận định, nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ cũng như quyết định, thông tư hướng dẫn của các bộ ngành liên quan ban hành từ đầu năm 2021 hứa hẹn sẽ mang lại "trợ lực" cho thị trường bất động sản.
Liên tiếp từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 lần tái bùng phát dịch COVID-19, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với tình hình phát triển kinh tế; trong đó, thị trường bất động sản không phải ngoại lệ với hàng nghìn giao dịch bị ngừng lại. Hàng loạt dự án án chậm hoặc phải dừng triển khai do vướng mắc khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại thoái vốn khỏi thị trường. Hàng trăm doanh nghiệp bất động sản lần lượt tuyên bố giải thể, dừng hoạt động,...
Tuy nhiên, trước thách thức của dịch bệnh, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị...; đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng chủ động đưa ra nhiều giải pháp hợp lý, sử dụng hiệu quả công cụ điều tiết chính như: tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch... Từ đó, giúp thị trường bất động sản duy trì trạng thái thăng bằng.
Thiếu dự án lớn, chịu 2 năm Covid-19, vốn ngoại vào bất động sản giảm mạnh Không có dự án lớn, lại chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 năm thứ 2 liên tiếp, vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam 6 tháng qua đã giảm 58% so với cùng kỳ. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, lượng vốn FDI vào bất động sản vào Việt Nam 7 tháng đầu...