Bám bản vận động học sinh đến trường
Chúng tôi về thăm Trường Tiểu học & THCS Zà Hung, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Tại ngôi trường mới khang trang này, các thầy, cô giáo vẫn đang bận bịu, uốn nắn từng con chữ, bài toán cho các em học sinh là con em các đồng bào dân tộc thiểu số. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Phan Thị Thiện chia sẻ rằng, quê cô ở huyện Đại Lộc. Cô học nghề sư phạm tốt nghiệp ra trường và lên dạy cho các em ở miền núi Đông Giang này đã được 10 năm rồi.
“Dạy học trên này dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn hơn so với dưới đồng bằng. Song đổi lại, các em học sinh trên này rất ngoan, hiền và yêu quý thầy cô lắm. Ở đây, vào mỗi dịp lễ, Tết hay Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy cô giáo thường nhận quà từ các em và phụ huynh chỉ là nhánh hoa rừng, một ít sản vật địa phương như rau dớn, chuối rừng… nhưng ai cũng thấy hạnh phúc và ấm cúng với tình cảm mà học sinh và phụ huynh dành tặng cho mình”, cô Thiện bày tỏ.
Theo cô Thiện, để đảm bảo học sinh đi học đều đặn, cô và các đồng nghiệp thường đến từng nhà các em để thăm hỏi, động viên phụ huynh cho con mình đến lớp. Nhiều hôm có em không đi học, ở nhà lên rẫy với cha mẹ thì giáo viên phải lên tận rẫy để đưa các em về đến trường học…
Cô giáo Phan Thị Thiện luôn tận tình với học sinh.
Thầy giáo Hồ Văn Khẩn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Zà Hung, cho biết, năm học 2019-2020, toàn trường có 7 lớp, với 144 học sinh bậc Tiểu học; 4 lớp, 135 học sinh bậc THCS hầu hết là người đồng bào Cơ Tu.
Để đảm bảo các em đến trường đều đặn, Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm đến từng nhà động viên gia đình đưa con, em đi học hằng ngày. Với những gia đình nào khó khăn trong việc đưa con đến trường, các thầy cô giáo sẽ phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tiếp cận để tuyên truyền, vận động, nhờ đó mang lại hiệu quả rất thiết thực.
“Với đặc điểm các em học sinh người đồng bào Cơ Tu trên này khá nhút nhát nên các thầy cô phải vừa dạy, vừa dỗ các em, chứ không thì các em dễ giận dỗi rồi bỏ học lắm. Toàn trường hiện có 20 cán bộ giáo viên, trong đó có 14 người là đồng bào Cơ Tu, nhờ đó mà việc tiếp cận gia đình học sinh và tận dụng các già làng uy tín để động viên phụ huynh đưa học sinh đến trường gặp nhiều thuận lợi hơn. Vì các giáo viên người địa phương am hiểu phong tục của người Cơ Tu hơn”, thầy Khẩn giải thích thêm.
Ông Trần Văn Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Giang, nhận xét, nhờ làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp mà năm học 2019-2020, trên địa bàn huyện có 100% học sinh 5 tuổi được đến trường học Mẫu giáo; 100% học sinh 6 tuổi vào lớp 1.
Video đang HOT
Toàn huyện Đông Giang năm học này có 68 lớp, với 1.609 học sinh mẫu giáo; bậc Tiểu học có 129 lớp, 2.685 học sinh; bậc THCS có 58 lớp, 1.866 học sinh. Đây thực sự là kết quả đáng mừng trong công tác giáo dục đối với một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như huyện Đông Giang.
Ngọc Thi
Theo CAND
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Thắp sáng vùng cao
Bằng niềm say mê và lòng nhiệt huyết của mình, những người thầy, cô đã và đang đóng góp sức lực và trí tuệ của mình trong công cuộc thắp sáng vùng cao.
Ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đồng bào các nơi khác, nhất là cán bộ từ khu đến huyện cần phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao nhiều hơn nữa", trong suốt những năm vừa qua, nhiều thầy cô giáo vẫn miệt mài khoác ba lô vượt núi, mang "cái chữ của Bác Hồ" gieo lên miền đá. Bằng niềm say mê và lòng nhiệt huyết của mình, họ đã và đang đóng góp sức lực và trí tuệ của mình trong công cuộc thắp sáng vùng cao.
Vượt núi vận động trò đi học
Trong những năm gần đây, công cuộc khai mở tri thức cho đồng bào vùng cao có một phần công sức không nhỏ của những thầy cô giáo. Trong số họ, không ít người khi bắt đầu khoác ba lô ngược núi đã tâm niệm rằng, sẽ không trụ lại ở nơi rừng thiêng nước độc, thế nhưng dần dà nhiều thầy cô đã "sâu rễ bền gốc", gắn bó với vùng đất biên cương. Họ đã thực sự trở thành những người con của bản Mông, bản Thái. Để từ đó, câu chuyện về những người mang "cái chữ Bác Hồ" đi gieo giữa mây xanh cứ nối dài ra mãi...
Vượt khó để "trồng người"
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, người từng có thâm niên nhiều năm "cắm bản" ở một số điểm trường thuộc các xã của huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai kể, ngày xưa, lúc mới ra trường, dù đã tìm đọc qua sách báo, nhưng khi đặt chân lên Si Ma Cai - nơi mà "con sông Hồng chảy vào đất Việt", cảm giác đầu tiên của cô là vô cùng choáng ngợp. Ngước về bốn phía đều là đá núi điệp trùng, nhà cửa, dân cư thưa thớt. Nhưng, điều khiến Hằng bị ám ảnh nhất đó là những đứa trẻ người dân tộc quen ở truồng, rét tím tái, thịt da ngoang nguếch.
Cho đến trước khi cắp sách bước vào lớp một, trẻ em ở nhiều bản làng mà Hằng đã đi qua, hầu như các cháu không biết đến khái niệm mặc quần, đi dép, đội mũ và tiếng Kinh. Điểm trường đầu tiên mà Hằng về công tác chỉ là một căn nhà cấp 4 đứng xiên xẹo trên lưng núi. Trường tất thảy chỉ hơn chục học sinh, nhưng lại trải đều từ lớp 1 đến lớp 5. Đứa lớn nhất 16, nhỏ nhất cũng vừa 8 tuổi.
Đêm đầu tiên ngủ lại trong ngôi trường mới, Hằng đã không cầm nổi lòng mình. Cô khóc vì sự cô đơn, trống trải, khóc vì nhớ nhà. Đã ba bốn lần sắp đồ đạc, tư trang định quay về, nhưng, chính những đứa trẻ học trò mặt mũi ngây ngô, mắt trong veo như nước suối kia đã níu chân Hằng ở lại.
Sáng nào cũng vậy, công việc đầu tiên của Hằng là điểm danh xem lớp có vắng hay không, học sinh nào bỏ học. Thậm chí, nhiều hôm cô phải băng rừng, lội suối đến tận nhà vận động bố mẹ các em cho con cái họ đến trường. Bấy giờ, vận động trẻ con dân tộc đi học là rất khó. Bởi, nhà các em quá xa, leo núi mất cả ngày đường. Trời mưa là đám trẻ núi bỏ học hàng loạt. Có hôm cả trường chỉ hai học trò đến lớp. Nhiều em đến trường còn phải địu theo cả em để vừa học vừa trông. Mỗi lần đứa bé trong địu khóc là cả lớp lại nháo nhào như vỡ chợ...
Phần nữa vì đa phần những gia đình ở đây đều nghèo, miếng cơm manh áo đối với họ luôn là điều quan tâm nhất, còn chuyện học chỉ là thứ yếu, thế cho nên, công tác vận động của Hằng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Nhưng, vì nể cái tình của cô giáo, dần dà các bậc phụ huynh cũng bớt chuyện bắt con ở nhà chăn bò, lên nương, lấy chồng, lấy vợ thay vì đi học. Khi lớp học dần đi vào ổn định, Hằng lại chạy đôn, chạy đáo, vận động bà con dân bản góp tre pheo, gỗ lạt để tu sửa lại phòng học cho đỡ dột. Nhờ vậy, lớp học của Hằng khang trang hơn và số lượng học sinh cũng tăng lên dần theo mỗi năm học mới.
Thấy cô giáo ân cần, gần gũi, lũ trẻ cũng dần "hợp tác". Chúng bắt đầu chăm chỉ, chịu khó đến lớp thường xuyên hơn để bắt đầu học a, b, c. Con chữ cứ thế thầm dần vào bọn trẻ. Chừng hơn một tháng, học trò bám Nguyệt hơn bố mẹ, cô không còn phải tới từng nhà vận động....
Hằng kể: "Ngày đó, bản làng còn nghèo khó, đường xá đi lại khó khăn. Mỗi khi trời mưa, đường trơn trượt, gần như không thể đi được xe, chỉ có thế "cuốc bộ". Ở đây, em không chỉ phải dạy chữ, gọi học sinh đi học mỗi ngày mà còn cùng người dân làm việc đồng, hướng dẫn người dân cách chăm con, vừa phải tranh thủ học tiếng dân tộc... Kể cả khi em lập gia đình, sinh con thì nhiều tối vẫn phải nhờ hàng xóm trông giúp để đi dạy xóa mù chữ cho đồng bào, có hôm đến tận 11 - 12 giờ khuya mới về. Từ lúc thằng bé nhà em lớn lên một chút thì gửi về xuôi cho bà ngoại ở dưới thành phố Lào Cai trông hộ, chứ ở trên này điều kiện chăm sóc không có, nhìn con tội lắm. Nhưng gửi con về dưới đó mình cũng khổ, nhớ nhung dứt ruột. Ban ngày còn đỡ, vì có lũ học trò quấn quýt, chứ mỗi khi chiều xuống thì lại nhớ chồng, nhớ con anh ạ! Có dạo em đi lâu quá, về con nhất định không theo...".
Gian nan gieo chữ
Một giáo viên miền xuôi đời sống vốn đã khó khăn nhưng có lẽ chẳng thấm vào đâu so những vất vả mà các giáo viên vùng cao, vùng hải đảo đang trải qua. Không chỉ công tác trên địa bàn mới, xa nhà, xa gia đình, mà ở nhiều nơi, họ vừa dạy trẻ em tiếng Việt lại vừa phải học tiếng của bà con địa phương; làm tốt công tác vận động bà con dựng trường, đưa trẻ đến trường. Họ cũng luôn phải tìm tòi phương pháp dạy học hiệu quả hơn, phù hợp hơn với đặc điểm của học sinh vùng cao.
Cô Huyền, một giáo viên đã từng có nhiều năm "cắm bản" ở Mường Nhé, Điện Biên bảo, trong những khó khăn mà các giáo viên vùng cao thường xuyên phải đối mặt như cơ sở vật chất thiếu thốn, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về phong tục tập quán, thì việc vận động học sinh đến lớp và "giữ" được các em không bỏ lớp là vất vả nhất. Vì đói nghèo, vì xa xôi cách trở, vì phải ở nhà trông em..., có trăm ngàn lý do để những đứa trẻ Mông, Dao Tày, Thái từ chối hoặc chểnh mảng chuyện học hành.
Đó là chưa kể, cứ mỗi khi mùa vụ đến, học sinh thường ở nhà lên rẫy và không trở lại trường nữa. Bởi, nhiều người vẫn nhận thức rằng: "Chúng tôi không biết chữ, trồng cây ngô nó cũng mọc, cần gì phải đi học, để nó ở nhà giúp bố mẹ thôi...", hoặc: "Con gái chỉ cần biết thêu thùa, dệt vải, biết ủ ngô nấu rượu là tốt rồi. Học cái chữ cũng có no cái bụng được đâu?!". Lối tư duy ấy, đã và đang đè nặng trên núi cao.
Có một lớp học khang trang, kiên cố luôn là ước mơ của nhiều thầy cô "cắm bản"
Bên cạnh đó, nạn tảo hôn cũng góp một phần làm suy giảm sĩ số của các lớp học vùng cao. Cá biệt có những em mới đang học lớp 7, lớp 8 đã nhất nhất đòi nghỉ để lấy chồng. Thầy cô lại phải băng rừng vượt suối đi vận động các gia đình không dựng vợ gả chồng cho con sớm. Tuy nhiên, việc vận động của các thầy cô giáo không phải lúc nào cũng thành công, như trường hợp của em Sùng Thị Mẩy, nhà ở xã Nậm Vì.
Cuối năm học lớp 8, Mẩy "phải lòng" một bạn lớp trên là Sùng A Kháy. Và, với sự mộc mạc, hồn nhiên nhất của dân tộc mình, cô cậu học trò này nghĩ việc thích nhau, cưới nhau chẳng liên quan gì đến... việc học cả! Khi thầy cô giáo phát hiện thì "chuyện đã rồi", đành để hai gia đình tổ chức đám cưới cho 2 đứa trẻ. Lúc đó, Mẩy vừa bước sang tuổi 17 và mới học được nửa học kỳ của năm lớp 9.
Với những thiếu nữ dân tộc, lấy chồng có nghĩa là yên phận làm dâu, sinh con, làm lụng phụng sự nhà chồng, thế nên chuyện động viên cặp "vợ chồng mũi dãi" Kháy - Mẩy quay lại học tiếp còn "khó hơn cả leo hàng trăm ngọn núi". Đó là chưa kể đến chuyện sinh con đẻ cái, rồi miếng cơm manh áo ghì sát đất, cuộc sống của những đôi vợ chồng trẻ như thế này rất khó để thoát ra khỏi cảnh đói nghèo, tăm tối.
Ở vùng đất biên viễn này, không chỉ riêng mình Mẩy lâm vào cảnh khốn cùng vì trót mang gánh nặng mưu sinh từ quá sớm, mà mẹ Mẩy, bà ngoại, bà cố ngoại Mẩy cũng đều như vậy. Trong số họ, không ai biết được chính xác phong tục lấy vợ, lấy chồng sớm có tự bao giờ. Đồng thời, họ cũng không hề biết Luật Hôn nhân - Gia đình ra sao, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, kế hoạch hóa gia đình thế nào, bởi tập tục tảo hôn đã ăn sâu trong suy nghĩ của đồng bào đã quá lâu rồi. Thế nên, cứ đời nọ nối đời kia, con gái bản Mông mới thấc lên, chưa kịp làm dáng trước ánh mắt đàn ông đã vội vàng làm vợ.
Để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và cũng để cố gắng hạn chế nạn tảo hôn, trong nhiều năm qua, chính quyền, đoàn thể ở Mường Nhé đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhưng hủ tục này thi thoảng vẫn xảy ra, nhất là ở một số bản làng vùng sâu, vùng xa. Và, vì thế công cuộc "gieo chữ, trồng người" trên núi càng thêm gian khó...
Cứ thế, tháng này qua năm khác và dẫu phải đối mặt với trăm ngàn thiếu khó, những cô giáo như Hằng, như Huyền và rất nhiều thầy cô khác nữa đã và đang cần mẫn góp phần công sức của mình để làm thức dậy nhiều vùng đất thậm hoang vu. Đồng thời, họ cũng giúp những đồng bào đời đời sống sau nách núi ủ mây mù hoang lạnh kia nhận ra tình yêu với "cái chữ của Bác Hồ", để từ đó "giặc đói", "giặc dốt" cũng từng bước bị đẩy lùi.
Theo congly
Cô và trò trao nhau những tình cảm đặc biệt trong ngày 20/11 Hình ảnh các em học sinh tặng hoa cô giáo Ánh Tuyết và cô giáo đáp trả các em bằng những cái nắm tay, xoa đầu và cái ôm đã làm rung động hàng triệu trái tim. Ngày 20/11, nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, các em học sinh lớp 2A Trường tiểu học Liên Hoa (huyện Phù...