Balotelli lại bị báo chí Ý phân biệt chủng tộc
Sau vụ tờ Gazzetta dello Sport phải đăng lời xin lỗi Mario Balotelli vì một bức biếm họa có ý ví anh với nhân vật khỉ đột khổng lồ trong phim King Kong, đến lượt tờ Tuttosport gặp rắc rối vì một cáo buộc phân biệt chủng tộc khác nhắm vào chân sút da màu này.
Tờ nhật báo thể thao có trụ sở tại Turin đã đăng bức ảnh Balotelli ăn mừng bàn thắng thứ hai vào lưới đội tuyển Đức kèm theo dòng tít “Li Abbiamo Fatti Neri”, tạm dịch thô là “Chúng ta đã nhuộm đen họ”. Bìa báo này tiếp tục hứng chịu chỉ trích, chỉ vài ngày sau khi bức biếm họa của tờ Gazzetta khiến các tổ chức chống phân biệt chủng tộc phải lên tiếng: Họa sĩ Valerio Marini đã vẽ hình Balotelli trèo lên tháp Big Ben tung hứng bóng, gợi hình ảnh nhân vật King Kong trên tòa nhà Empire State trong tác phẩm điện ảnh cùng tên.
Bìa tờ Tuttosport được cho là mang tính phân biệt chủng tộc nhắm vào Balotelli- Ảnh Internet
Video đang HOT
Từ ngữ được sử dụng trong dòng tít của tờ Tuttosport là tiếng lóng, ám chỉ rằng Italia đã khiến đội tuyển Đức bầm tím, nhưng cũng ám chỉ đến màu sắc của vết bầm là xanh đen. Gianni De Pace, trợ lý biên tập của tờ Tuttosport, thừa nhận rằng dòng tít ấy có đề cập đến màu da của Balotelli, nhưng ông vẫn kiên quyết bảo vệ sự trong sạch của nó: “Đúng là dòng tít có ám chỉ đến màu da đen của anh ta, nhưng đó đơn thuần chỉ là chơi chữ. Khi Balotelli cởi áo, anh ta trông giống hệt một võ sĩ quyền anh vừa đấm cho đối thủ bầm tím”.
“Có ba tờ báo thể thao ở Italia và chúng tôi phải tìm cách tạo ra ấn tượng về mặt ngôn ngữ, nhưng không người Italia nào coi việc này là một hành vi phân biệt chủng tộc” – De Pace bào chữa thêm. Ông cũng khẳng định rằng Tuttosport, một tờ báo thân Juventus, không phải là một ấn bản chủ trương phân biệt chủng tộc: “Khi các CĐV Juventus có hành vi phân biệt chủng tộc với Balotelli, chúng tôi đã tỏ ra gay gắt với họ. Chúng tôi tự hào về Balotelli và coi anh ấy là một đại sứ cho tính đa sắc tộc ở Italia”.
Nhưng các nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc cho rằng đây là một hình thức thúc đẩy chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thông qua một cái tít: “Đây là một màn công kích rõ ràng. Bạn không thể phủi sạch trách nhiệm bằng cách nói rằng đó là trò chơi chữ” – Theo lời ông Robert Elliott, người làm việc cho Occhio Ai Media, một tổ chức giám sát phân biệt chủng tội trên các tờ báo Italia.
“Hướng sự chú ý và màu da của Balotelli là một hành động phi nhân tính với anh ta và nhấn mạnh rằng trước hết, anh ta là một cầu thủ da đen, dù anh ta có tự hào khi được chơi cho đội Italia đến thế nào đi nữa”. Trước đó, tờ Gazzetta cũng đã bào chữa rằng bức biếm họa King Kong của họ chỉ hướng đến mục đích là khắc họa một Balotelli “tả xung hữu đột” trước đội tuyển Anh.
Tất cả cho thấy sự kỳ thị ghê gớm và những lời bào chữa vụng về càng nhấn mạnh sự hẹp hòi ấy của báo chí Italia, với một cầu thủ đã đem lại niềm vui cho rất nhiều CĐV đất nước này, bằng một cú đúp đưa Italia vào chung kết.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Chuyện Chelsea: Đại gia, chiếc áo và người thợ may
Chiếc áo và nhà tu hành là mốt từ nghìn xưa. Nhưng với Chelsea của Abramovich, có lẽ phải chuyển thành chiếc áo, đại gia và người thợ may.
Chelsea của Abramovich là đại gia, điều đó thì ai cũng hiểu. Nhưng đã là đại gia thì phải chứng tỏ được đẳng cấp của mình, nếu không muốn bị gọi là "trọc phú". Đẳng cấp của một đại gia là một chiếc áo sang trọng, để nhìn vào đó người ta có thể phân biệt đại gia này với đại gia khác. Đẳng cấp của Chelsea phải được chứng minh bằng những danh hiệu, mà danh hiệu cao quý nhất đương nhiên là cúp VĐ Champions League. Chính vì danh hiệu đó mà Abramovich đã không tiếc tiền, đưa về Stamford Bridge rất nhiều ngôi sao và sa thải cũng không ít các HLV. Chỉ sau khi đã sa thải 7 vị HLV chính thức trong 8 năm, Abramovich mới được thỏa ước nguyện đứng trên đỉnh châu Âu. Một cái giá khá đắt, nhưng đã là đại gia thì tiếc gì... tiền.
Abramovich vẫn đang nuôi ý định làm một cuộc cách mạng lớn cho Chelsea - Ảnh Getty
Di Matteo có thể coi là một người thợ may tài giỏi khi đã đưa về Stamford Bridge một chiếc áo sang trọng là cúp VĐ Champions League. Những tưởng kết cục của mối quan hệ giữa Di Matteo và Chelsea sẽ có hậu, một bản hợp đồng dài hạn giữa vị HLV người Italia và ông chủ người Nga sẽ được kí kết thì bất ngờ xảy ra. Pep Guardiola xuất hiện. Pep được xem là HLV vĩ đại của Barcelona với 14 danh hiệu chỉ trong 4 năm dẫn dắt Azulgrana và ông vừa mới chia tay Camp Nou. Bảng thành tích ấn tượng ấy có thể quyến rũ bất cứ ông chủ của đội bóng lớn nào. Và khi Abramovich sẵn sàng chi mức lương 11 triệu bảng/năm cho Pep, người ta hiểu rằng tương lai của Di Matteo đang bấp bênh hơn lúc nào hết.
Sở dĩ Abramovich muốn đưa Pep về là bởi ông muốn thay đổi diện mạo của Chelsea, từ một đội bóng nổi tiếng về phòng ngự sang một đội bóng có lối tấn công đẹp mắt. Ông chủ người Nga đang muôn làm một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu. Dĩ nhiên, để làm nên cuộc cách mạng ấy thì phải có kẻ ra đi.
Từ câu chuyện của Abramovich và Di Matteo, không ít người nhớ tới chuyện Lưu Bang và Hàn Tín thời xưa. Lưu Bang sau khi nhất thống thiên hạ, đã trừ khử Hàn Tín, công thần số một của mình. Di Matteo cũng đang đứng trước tình cảnh "Điểu tận, cung diệt" ( Chim hết, cung bị bẻ gãy) ấy. Chính ông là người đã vực Chelsea đứng dậy sau những thất bại của người tiền nhiệm Villas Boas. Cũng chính ông đã đánh bại Pep và Barca ở vòng bán kết Champions League và chấm dứt cơn khát danh hiệu của Abramovich. Nhưng khi Abramovich muốn thay đổi Chelsea, ông lại có nguy cơ trở thành người bị hắt hủi. Và nếu Di Matteo có phải khăn gói rời khỏi Stamford Bridge, thì nên hiểu rằng đó là do Abramovich. Đôi khi đại gia vẫn không muốn trả công xứng đáng cho người thợ may của mình.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Ám ảnh tệ nạn phân biệt chủng tộc - Thay việc mổ xẻ các trận giao hữu như thường lệ, giới truyền thông đang tập trung vào chủ đề phân biệt chủng tộc ở Ba Lan và Ukraine. Diễn biến này khiến giới hâm mộ và đặc biệt là các nước đồng chủ nhà thực sự lo lắng... Balotelli lớn tiếng dọa giết bất cứ ai có hành vi phân biệt...