Baidu “làm tổ” ngay sát nách Google
Đối thủ khổng lồ tới từ Trung Quốc Baidu muốn “giải phóng” cho các kỹ sư Google (và sao chép công nghệ?). Khoảng 9,5 km về phía Nam của trụ sở Google tại Mountain View, California công ty tìm kiếm Trung Quốc Baidu đã chính thức mở một văn phòng mang cái tên kì quặc: “Học viện học sâu”. Baidu là công ty mẹ của ứng dụng tìm kiếm Baidu nổi tiếng nhất Trung Quốc thời điểm bây giờ, gần đây nhất mối liên hệ với Baidu và Google chính là sản phẩm Baidu Eye với các chi tiết và cách thức sử dụng chẳng khác Google Glass là bao.
Trụ sở của Google tại Mountain View, California, Mỹ.
Tại “Học viện học sâu”, Baidu sẽ nghiên cứu để tạo ra những chiếc máy tính có khả năng mô phỏng não bộ đồng thời suy nghĩ giống như con người. Tất nhiên Baidu không phải là công ty đầu tiên đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất máy tính… biết nghĩ, Google đã bắt đầu công cuộc sản xuất máy tính tự nghĩ vào 5 tháng trước, ông lớn này còn mời cả nhà “tương lai học” Ray Kurzweil về để phụ trách dự án. Theo như Zurzweil thì Google sẽ tạo nên loại máy tính mới có thể hiểu được ngôn ngữ chúng đang đọc.
Nhà “tương lai học” Ray Kurzweil hiện tại đang là trưởng dự án máy tính biết suy nghĩ của Google.
Nói về quyết định chuyển trụ sở gần Google, giám đốc dự án “Học viện học sâu” của Baidu là ông Kai Yu nói rằng Baidu muốn lôi kéo những kĩ sư giỏi nhất về làm việc cho mình mà giúp… giải phóng họ khỏi Google. Theo như ông, Google đang có quá nhiều lợi thế khi sở hữu một lượng lớn các nhà khoa học, kĩ sư hàng đầu thế giới nhưng Baidu sẵn sàng trả cao hơn với những gì họ đang làm.
Sản phẩm Baidu Eye của Baidu hay thực chất chỉ là một chiếc Google Glass sao chép?
Có vẻ như sau khi sao chép bộ công cụ tìm kiếm của Google, chuyển tên thành Baidu sau đó tiếp tục sao chép Google Glass, chuyển tên thành Baidu Eye có lẽ Baidu nên dần dần sao chép tất cả các sản phẩm của Google để trở thành một Google “phẩy” mới. Những sản phẩm như Gdu, Baidu Earth, And-ruid… có lẽ không quá khó để có thể sao chép với trình độ hiện tại của Baidu.
Video đang HOT
Theo GenK
Điểm danh những trang tìm kiếm hạ gục Google
Vừa rồi, trang CocCoc lại làm nóng thị trường tìm kiếm Việt khi tuyên chiến với Google. Tại Việt Nam, đã có khá nhiều tuyên bố đánh bại Google như thế nhưng đều thất bại và rơi vào quên lãng. Nhưng Google không phải là kẻ bất bại, vẫn có rất nhiều nơi gã khổng lồ tìm kiếm phải chịu lép vế.
Nga: Yandex
Yandex là công cụ tìm kiếm tiếng Nga hiện đang chiếm tới hơn 60% thị phần tại Nga, trong khi kẻ thù lớn Google chỉ chiếm có 26% tại đất nước này (2012).
Giá trị thị trường của Yandex hiện ở mức khoảng 7,5 tỷ USD và doanh thu năm 2012 đạt khoảng 8 tỷ USD.
Yandex được đánh giá là vượt qua Google nhờ khả năng phân tích và tìm kiếm tiếng Nga vượt trội so với Google. Không chỉ mạnh mẽ ở Nga, gã khổng lồ Yandex còn vươn vòi bạch tuộc ra thống trị Ukraina, Belorussia và Kazakhstan.
Ngoài ra, Yandex còn đánh bại công cụ Bing của gã khổng lồ Microsoft để giành vị trí thứ 4 thị trường tìm kiếm thế giới. Trong tháng 11 và 12 năm 2012, Yandex đã xử lý 4.844 tỷ truy vấn, còn con số của Bing chỉ là 4.477 tỷ.
Yandex cũng đang mở rộng đầu tư sang nhiều thị trường, trong đó có việc mở rộng sang cung cấp dịch vụ bản đồ tại Mỹ (hợp tác cùng Nokia) hoặc đầu tư vào các quốc gia để cung cấp công cụ tìm kiếm bằng ngôn ngữ bản địa như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam. Tại Việt Nam, Yandex đầu tư vào công ty cổ phần mạng Tầm Nhìn Mới để cho ra mắt trang tìm kiếm Wada với tham vọng sánh vai cùng Google.
Baidu
Là công cụ tìm kiếm số 2 thế giới và chiếm tới 76% thị phần tìm kiếm tại Trung Quốc, nhưng có vẻ thắng lợi của Baidu không vẻ vang như Google.
Gã khổng lồ tìm kiếm Trung Quốc cũng có một công nghệ nhận diện tiếng Trung dược đánh giá là vượt bậc. Tuy nhiên, sự thành công của Baidu được cho rằng nhờ chính sách chặn truy cập vào các dịch vụ ngoại quốc của Trung Quốc. Một phần nhờ cái Vạn Lý Tường Lửa đã chặn Facebook, Twitter và Google,... mà tại Trung Quốc mới xuất hiện những dịch vụ thống trị thị trường trực tuyến Trung Quốc như Renren, Sina, Youku, Baidu,...
Trong năm 2012 doanh thu của Baidu đạt khoảng 1 tỷ USD.
Baidu hiện đang đầu tư sang một loạt các nước. Hiện tại ở Việt Nam, Baidu đang triển khai một số dịch vụ như mạng Baidu Trà đá quán hay trang danh bạ web Hao123.com.vn. Khi các dịch vụ này ra mắt, đã có rất nhiều cáo buộc trong nước về mối nguy bảo mật từ các dịch vụ này. Baidu hiện chưa tham gia vào thị trường tìm kiếm Việt Nam.
Naver
Tại Hàn Quốc, công cụ tìm kiếm Naver hiện đang chiếm 73% thị phần, tiếp theo là công cụ Daum với 18% thị phần.
Trụ sở NHN Corp - chủ quản trang Naver.
Hàn Quốc là quốc gia Google có thị phần tệ nhất với chỉ khoảng 3%. Với sự thống trị của Naver và Daum, trong ngắn hạn Google sẽ không có nổi 10% thị phần ở quốc gia Đông Bắc Á.
Theo nhiều chuyên gia, Google bị đánh bại ở Hàn Quốc do hãng quá thiếu các nội dung được địa phương hóa. Thêm nữa, kết quả tìm kiếm từ Naver hiển thị nhiều nội dung có thể tương tác hơn hẳn so với kết quả tìm kiếm của Googe. Điều đó một phần là do Naver vốn là một cổng thông tin với nội dung tổng hợp phong phú cùng các dịch vụ như Blog và một dịch vụ "mạng xã hội" Café.
NHN Corp (công ty chủ quản Naver) đạt doanh thu hơn 2 tỷ USD trong năm 2012.
Tại thị trường Việt Nam, Naver đã từng ra mắt thanh công cụ Naver Toolbar hỗ trợ một số công cụ như từ điển, trình duyệt virus online cho người dùng. Nhưng hiện nay NHN (công ty chủ quản Naver) nổi tiếng nhờ việc cung cấp ứng dụng liên lạc miễn phí Line hơn.
Nhật Bản: Yahoo Nhật Bản
Tại Nhật, Yahoo Nhật chiếm tới 56% thị phần, trong khi Google chỉ chiếm 31% thị phần.
Tuy nhiên, Yahoo lại sử dụng các kết quả tìm kiếm của Google trong công cụ tìm kiếm của mình. Thị phần tìm kiếm vẫn được tính cho Yahoo Nhật bởi đây là cổng thông tin lớn nhất và là trang web có lượng truy cập số 1 Nhật Bản. Trước đó, vào năm 2009, Yahoo Nhật Bản dùng Bing, theo thỏa thuận hợp tác giữa Yahoo Mỹ và Microsoft.
Có sự "ngược dòng" này là do Yahoo Mỹ chỉ chiếm 34,74% cổ phần của Yahoo Nhật Bản, trong khi nhà mạng SoftBank nắm 35,44%, phần còn lại thuộc về các cổ đông Nhật.
Tại Việt Nam, Softbank, cổ đông lớn nhất của Yahoo Nhật hiện đang có cổ phần tại Socbay, một trang tìm kiếm tiếng Việt.
Ngoài ra, tại Cộng hòa Séc, trang Seznam cũng từng số một so với Google trong nhiều năm ròng (46% so với 45% vào tháng 3/2012), nhưng với sự mở rộng quy mô gần đây của Google ở thị trường Séc, Seznam sẽ bị Google vượt qua. Theo một nguồn chưa được kiểm chứng, Google đã vượt qua Seznam với 52% thị phần.
Nhìn qua những thị trường mà Google bị đánh bại, có thể thấy gã khổng lồ tìm kiếm chỉ chịu "ngã ngựa" ở các quốc gia sử dụng ngôn ngữ không thuộc ngữ hệ Latin như Nga, Hàn Quốc, hay sự ngăn chặn của chính phủ sở tại như ở Trung Quốc.
Theo GenK
Coccoc.com chính thức "tuyên chiến "với Google Coccoc - Tham vọng lớn của ngành công nghệ Việt Nam? Liệu Google có bảo toàn được vị trí là công cụ tìm kiếm số 1 tại Việt Nam khi đầu năm 2013 vừa qua cộng đồng công nghệ lại đón chào một sản phẩm mới: Cốc Cốc( coccoc.com) -công cụ tìm kiếm dành riêng cho tiếng Việt với quyết tâm vượt qua...