Bài văn về người trẻ đua đòi không tạo nên khác biệt
Nữ sinh lớp 12 viết: “Có những bạn xăm trổ, xỏ khuyên, thậm chí xẻ lưỡi, tạo sừng như quỷ Satan chỉ để trở nên khác biệt, lập dị mà chẳng hiểu biết gì về chúng”.
Mới đây, thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên THPT Bùi Thị Xuân TP HCM) chia sẻ bài văn gây ấn tượng của học sinh Đỗ Thị Phương Thảo, lớp 12 Sinh – trường Phổ thông Năng Khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM) trên Facebook. Bài được đánh giá cao với 2,75 điểm (thang điểm 3).
Đề bài nêu: “Biết tự khẳng định mình là một đòi hỏi bức thiết đối với thế hệ trẻ trong cuộc sống hôm nay”.
Thầy Đỗ Đức Anh cho biết, đây là đề thi ôn tập, làm trong 60 phút: “Bài viết của Thảo đã vận dụng tốt các yêu cầu kỹ năng của bài văn nghị luận xã hội, có kiến thức rộng và sâu, tư duy phản biện đa chiều, văn phong mượt mà”.
Theo thầy Đỗ Đức Anh, đề bài được ra trong bối cảnh có rất nhiều bạn trẻ có những biểu hiện lệch lạc khi thể hiện bản thân. Đề văn có tác dụng tích cực trong việc uốn nắn lối đi, khẳng định giá trị bản thân theo hướng đúng đắn.
Bài văn của học sinh Phương Thảo.
Bài viết của học sinh Phương Thảo như sau:
Sẽ có một ngày nào đó trong cuộc đời, bạn ngồi ngắm một giọt cà phê vỡ tan nơi đáy tách và tự hỏi: “Nếu cuộc đời này suôn sẻ, nước mắt còn biết dành cho ai?”.
Và sẽ có một ngày nào đó trong cuộc đời, bạn mỉm cười khi bắt gặp một tấm bưu thiếp đi lạc, in hình nữ kình ngư Ánh Viên với nụ cười tươi tắn và tấm huy chương vàng lấp lánh trên cổ, mặt bên kia là lời đề tự gợi nhiều suy ngẫm: “Biết tự khẳng định mình là một đòi hỏi bức thiết đối với thế hệ trẻ trong cuộc sống hôm nay”. Chúng ta cùng làm một trắc nghiệm nhỏ nhé, câu trả lời của bạn là gì?
A. Đồng ý B. Không đồng ý C. Một ý kiến khác.
Tôi chắc rằng, bạn đã tìm được câu trả lời của mình. Còn tôi, nếu bạn dành chút thời gian lắng nghe những điều tôi sắp loan báo sau đây, có lẽ bạn sẽ đoán được nó. Phiền lòng bạn vì điều tôi sắp nói là một câu chuyện dài, mà ngay cả bản thân tôi cũng không biết rút gọn.
Có bao giờ bạn tự hỏi rằng: “Bạn là ai? Bạn đến với thế giới này vì điều gì? Những người xung quanh nhìn nhận bạn như thế nào?”.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc trả lời những câu hỏi mà tôi vừa đặt ra, có lẽ bạn chưa khẳng định được mình.
“Tự khẳng định mình” là khi bạn sống đúng với bản chất của con người, nỗ lực để đạt được ước mơ, hoài bão của bản thân và để lại ấn tượng trong mắt người khác. Nói cách khác, đó là tự đánh dấu bản thân bằng một ký hiệu mà chỉ bạn mới có để không bị nhầm lẫn.
Giữa một xã hội mà gần như ai cũng có cơ hội ngang nhau, việc tự khẳng định bản thân càng trở nên quan trọng. Vì lẽ đó, câu phát biểu đã khái quát được một sự thật, một mong muốn cháy bỏng của giới trẻ mà không phải ai cũng làm được.
Giá trị bản thân là thứ khiến bạn trở nên khác biệt. Nó cũng giúp bạn thực hiện được khát vọng của mình. Hãy tìm hiểu thực lực của bản thân và phát huy nó hết khả năng. Có thể bạn sẽ không trở thành người giỏi nhất, giàu nhất nhưng có một điều tôi luôn chắc rằng bạn là duy nhất.
Chỉ khi bạn thực sự hiểu mình cần gì, giỏi ở điểm nào, bạn mới có thể thành công. Đơn cử như chàng tiền vệ Mesut Ozil, anh ta không cố gắng ghi thật nhiều bàn mà trái lại, luôn cố gắng chuyền cho đồng đội của mình sút tung lưới đối phương. Điều này không làm cho Ozil trở nên nhạt nhòa mà khiến anh trở thành cầu thủ đắt giá. Anh ta thành công là nhờ biết tự khẳng định điểm mạnh của mình, chứng tỏ cho người khác thấy tôi tài giỏi theo cách riêng của mình.
Vị giáo sư đại học trong một buổi tư vấn tại trường tôi đã chỉ ra rằng: “Gần đây, bằng cấp không còn quan trọng như xưa nữa, các nhà tuyển dụng đang hướng tới những người trẻ có đam mê nghề nghiệp và thực sự biết làm mình nổi bật”.
Những nhà tuyển dụng là đại diện cho xã hội, qua đó có thể thấy rằng, bên cạnh những quy chuẩn đã xưa cũ thì cá tính và nét riêng của từng người đang ngày càng được chú trọng. Là người trẻ, bạn không thể tách mình ra khỏi xã hội mà phải hòa nhập với xu thế chung. Đây cũng là sức ép, là lực đẩy khiến các bạn trở nên nỗ lực hơn, cố gắng hơn, cố gắng hơn để trở thành một cá nhân nổi bật.
Đã qua rồi thời kỳ mà người ta ỷ lại vào gia thế và hoàn cảnh, giờ đây, chính bạn là người quyết định tương lai của mình. Nếu bạn chọn cho mình một hình ảnh nào đó thì người khác sẽ nghĩ về bạn như vậy. Xã hội mới đòi hỏi nhiều hơn ở mỗi cá thể, dẫn tới việc khẳng định bản thân ngày càng quan trọng.
Tự khẳng định mình không phải điều đơn giản. Một bác sĩ muốn được người bệnh tin tưởng phải trải qua hàng năm trời học hỏi nghiên cứu và thực tập. Nói rộng hơn, một chính khách trên con đường chứng tỏ bản thân là ứng viên sáng giá nhất cho ghế tổng thống đã trải qua bao thất bại. Nếu ta nghĩ khác đi một chút, tự khẳng định mình là quá trình học hỏi, rèn luyện, hoàn thiện bản thân để trở nên tốt hơn. Mà một quốc gia, một cộng đồng trên đà phát triển luôn khát cầu những con người như thế.
Một linh mục trong buổi thuyết giảng vào sáng chủ nhật tuần trước đã dạy rằng: “Giá trị của con người nằm ở chỗ mà họ thường bỏ qua để chạy theo thị hiếu, nhưng đó mới chính là thứ ta nên trân trọng và giữ gìn”.
Thật vậy, chúng ta thường quên mất mình thích gì, giỏi những gì, điểm mạnh ở đâu. Đó là mũi dao nhọn làm ta bị thương và khiến ta thất bại. Những lúc như vậy, hãy ngồi trong thinh lặng trong bóng tối và ngẫm rằng: Hãy quay về với bản chất thật của mình.
Video đang HOT
Vị linh mục đó cũng răn rằng: “Đừng để lời nói của người khác làm lệch đi định hướng của bản thân. Một khi đã khẳng định được mình, con là người duy nhất”. Trước vô vàn những bình luận trái chiều nhau, giá trị của bản thân là gốc rễ giúp bạn đứng vững giữa phong ba bão táp.
Ấy vậy mà, vẫn còn những người trẻ thờ ơ trước vấn đề cấp thiết này. Họ cho rằng, việc gì phải tốn công khẳng định mình. Đó là những kẻ ỷ lại, không nhận thức được cá tính, nét riêng, cũng như tầm quan trọng của nó.
Lại có một bộ phận người trẻ khác chọn cách khẳng định bản thân theo hướng tiêu cực quái đản. Có những bạn xăm trổ, xỏ khuyên, thậm chí xẻ lưỡi, tạo sừng như quỷ Satan chỉ để trở nên khác biệt, lập dị mà chẳng hiểu biết gì về chúng. Đây thực sự là những cách sai lầm, đi ngược lại với quy chuẩn và yêu cầu của xã hội.
Họ không phải tự khẳng định mình mà chỉ là chạy theo một trường phái dị biệt, đua đòi để trở nên “khác người”. Cần phải có cách giáo dục, uốn nắn tư tưởng và hành vi của họ.
Khẳng định bản thân là một quá trình cần được định hướng đúng đắn ngay từ thuở ban đầu. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần quan tâm hơn tới tâm tư, nguyện vọng của lứa tuổi vị thành niên bên cạnh việc truyền đạt kiến thức giáo khoa cho các em.
Mỗi cá nhân cũng nên nhận thức đúng và sớm về khả năng và cá tính của bản thân để tìm cho mình lối đi đúng đắn. Cũng nên tham khảo, học hỏi những nhân vật nổi tiếng hay những người trẻ xung quanh. Hãy luôn nhớ rằng, đây là đòi hỏi bức thiết đối với thế hệ trẻ hôm nay.
Đến đây chắc các bạn cũng đoán được câu trả lời của tôi rồi phải không. Bài viết này không dạy các bạn cách kiếm ra nhiều tiền, hay trở thành một nhà phát minh đại tài. Đơn giản đây chỉ là nơi làm tôi giãi bày tâm sự của mình – cô bé chưa tròn 18 tuổi có phần ngây thơ trong việc tự khẳng định bản thân.
Nào, nắm tay tôi và đi tiếp, bảng chỉ dẫn kia rồi: “Con đường tự khẳng định mình”. Gần tới nơi rồi, đừng bỏ cuộc, hãy hứa với tôi vài điều nhé: 1. Ngay bây giờ, hãy tìm hiểu giá trị bản thân và chứng tỏ nó nhé. 2. Đừng bỏ quên con người thật của bạn. 3. Cười lên nào.
Theo Zing
Bài văn ứng xử trước nỗi đau khiến giáo viên phải học hỏi
"Như một con sâu gây hại gặm nhấm dần những xúc cảm tốt đẹp, nỗi đau ru con người vào cõi quên lãng, vào cảm giác mệt mỏi, chán chường", nữ sinh lớp 11 viết.
Trong một cuộc thi trên diễn đàn văn học, đề bài về "Ứng xử trước nỗi đau" khiến nhiều học sinh quan tâm. Bài viết của Phan Thị Thanh Ngọc (học sinh lớp 11A, trường THPT Trung Phú, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM) nhận được nhiều lời khen ngợi.
Đề bài như sau:
Câu chuyện 1: Một cô gái đến tìm một nhà sư, cô hỏi:
- Thưa thầy, con muốn buông một vài thứ mà không thể, con mệt mỏi quá.
Nhà sư đưa cho cô gái 1 cốc nước và bảo cô cầm, đoạn ông liên tục rót nước sôi nóng vào cốc, nước chảy tràn ra cả tay, làm cô bị phỏng, cô buông tay làm vỡ cốc. Lúc này nhà sư từ tốn hỏi:
- Đau rồi tự khắc sẽ buông!
Vấn đề là, tại sao phải đợi tổn thương thật sâu rồi mới buông?
Câu chuyện 2: Một chàng trai đến tìm nhà sư, anh hỏi:
- Thưa thầy, con muốn buông một vài thứ mà không thể, con mệt mỏi quá.
Nhà sư đưa anh ta 1 cái tách và bảo anh cầm, đoạn ông rót đầy tách trà nóng vừa mới pha xong.
Chàng trai nóng quá nhưng anh vẫn không buông tay mà chuyển từ tay này sang tay kia cho đến khi nguội rồi uống và cảm nhận thấy rất ngon. Lúc này, nhà sư từ tốn nói:
- Cứ đau là buông thì con đã bỏ lỡ những cái tốt đẹp sau đó rồi.
Vấn đề là tại sao cứ đau là phải buông trong khi còn có thể làm cho nó tốt đẹp lên.
Bài học rút ra: Trong cuộc đời vốn phức tạp này, chỉ có ta mới biết lúc nào nên cầm lên và bỏ xuống chuyện của chính mình. Em nghĩ như thế nào về cách ứng xử trước nỗi đau của chàng trai và cô gái trong hai câu chuyện trên?
Thanh Ngọc - tác giả của bài văn được cộng đồng mạng yêu mến.
Bài viết của học sinh Thanh Ngọc:
Cuộc sống mỗi con người cũng như con lắc đơn chênh vênh giữa hai thái cực đối lập nhau: Những thăng trầm biến động, những quanh co bằng phẳng, những nụ cười hạnh phúc hay những giọt nước mắt đắng cay. Chính vì thế, cuộc đời luôn đặt ra những câu hỏi thử thách con người trước những dao động không ngừng trong cuộc sống.
Liệu con người sẽ đứng dậy trước những bão giông, cố gắng gượng chung sống với nỗi đau hay buông xuôi phó mặt bản thân cho số phận? Mỗi câu trả lời sẽ dẫn cuộc đời mỗi người đến những ngã rẽ khác nhau, nơi được bao phủ bởi niềm vui hay ngập chìm trong nỗi hối hận.
Do đó, "trong cuộc đời vốn dĩ phức tạp này, chỉ có ta mới biết lúc nào nên cầm lên và bỏ xuống chuyện của chính mình". Đó chính là thái độ ứng xử trước nỗi đau mà chàng trai và cô gái trong hai câu chuyện đã lựa chọn giải quyết theo hai hướng riêng biệt.
Con đường đời mà mỗi người bước đi không chỉ trải đầy hoa hồng mà còn lấm láp những đớn đau, nghiệt ngã. Không ai có thể vỗ ngực tự tin rằng đời mình là một chuỗi những ngày dài hạnh phúc và cũng không một ai có thể chắc chắn rằng đời mình bị lấp đầy bởi nỗi đau khôn tả.
Nỗi đau cũng như hạnh phúc, chúng luôn túc trực bên cuộc hành trình của mỗi cá nhân, luôn luân phiên nhau hiện hữu, tô điểm bức tranh đời sống thêm muôn màu muôn vẻ.
Nỗi đau là một trạng thái tâm lý của con người khi những sự việc xung quanh diễn ra theo chiều hướng ngược lại những ước muốn của bản thân. Người ta đau khi gặp thất bại, đau khi bị khước từ tình cảm, đau khi phải trải qua những mất mát lớn lao không thể chấp nhận được.
Nỗi đau nhấn chìm tâm hồn con người vào những hố sâu tuyệt vọng, vẽ ra trước mắt họ một thế giới u ám, mù mịt, một không gian bất hạnh bị bóng tối che lấp, khỏa đầy. Nỗi đau như một cây kim châm cắm sâu vào trái tim người chịu đựng, khiến họ ngập ngụa trong nỗi dày vò, day dứt khôn nguôi.
Chính vì sợ bị vấy bẩn bởi những vệt màu đen tối ấy, con người sợ nỗi đau, sợ những giọt nước mắt xót xa như một lẽ thường tình. Như một con sâu gây hại gậm nhấm dần những xúc cảm tốt đẹp, nỗi đau ru con người vào cõi quên lãng, vào cảm giác mệt mỏi, chán chường, thúc giục "nạn nhân" buông tay từ bỏ những câu chuyện mà mình đang nắm giữ. Dần dần, con người tự động buông bỏ những khó khăn, những tâm sự đang chất chứa trong lòng như một phản xạ tất yếu mà trái tim chỉ huy.
"Đau rồi tự khắc sẽ buông" cũng như việc buông tay một cốc trà nóng để cơ thể tránh được những thương tổn không đáng. Thế nhưng, vẫn có người chọn cho mình phương hướng giải quyết tự chữa lành những vết thương, là khi "chuyển từ tay này sang tay kia" mà không đành lòng làm vỡ cốc.
Bởi chiếc cốc là một sản phẩm được nhào nặn nên từ bàn tay tinh xảo của người nghệ nhân. Đó là đứa con của sự cố gắng, không thể muốn làm vỡ là làm vỡ được. Chiếc cốc xuất hiện trong hai câu chuyện tượng trưng cho những mối quan hệ, những công việc, những tâm huyết mà bản thân ta đã đặt từng viên gạch dựng xây từng ngày.
Thanh Ngọc vẽ sơ đồ tư duy cho bài văn của mình.
Do đó, có nên hay không khi buông tay những điều có giá trị mà mình từng rất trân quý? Mỗi người sẽ có câu trả lời riêng để quyết định từ bỏ hay níu giữ. Nhưng dẫu sao, trước khi đưa ra cách giải quyết chính thức, chúng ta cần phải cân nhắc thật kỹ về giá trị của những "chiếc cốc".
"Đau rồi tự khắc sẽ buông" thế nhưng "tại sao phải đợi tổn thương thật sâu rồi mới buông?". Bởi đâu dễ dàng để buông tay những điều mà mình từng quý trọng, đâu dễ dàng cắt đứt những mối quan hệ mà mình từng gieo trồng, vun xới bấy lâu nay.
Con người luôn muốn bảo vệ những hạt ngọc quý giá trong cuộc đời mình dù có ngày, nó hóa thành cây kim làm rỉ máu trái tim ta. Sự chần chừ, do dự trong việc tìm cách giải quyết luôn bắt nguồn từ những dòng ý nghĩ "không nỡ".
Nếu con người có thể dứt khoát hơn, khối óc có thể minh mẫn hơn, trái tim có thể mạnh mẽ hơn thì có lẽ những vết thương sẽ không thâm nhập vào cõi lòng sâu đến như vậy. Để rồi cũng đến lúc, nỗi đau lan tỏa, đôi tay cũng tự buông xuôi. Vậy thì khi đã chọn cách buông, nếu buông ngay từ đầu chẳng phải tốt hơn sao?
Sự do dự khiến con người đau trong lặng câm, day dứt từ ngày này qua ngày khác rồi cũng dẫn đến kết quả không như mong đợi. Như thế chẳng khác nào lãng phí thời gian, lãng phí tình cảm, tâm huyết bấy lâu nay.
Do đó, khi cảm thấy những nỗ lực của mình là phí hoài vô nghĩa, khi nhìn thấy tương lai phía trước vẫn tối tăm nếu cứ tiếp tục, thì hãy buông tay ngay từ đầu, đừng để trái tim chìm sâu trong đau đớn, tuyệt vọng.
Bên cạnh đó, con người có thể chọn cách níu giữ nỗi đau, dần dà xoa dịu tâm hồn đang bỏng rát để thổi nguội sức nóng trong tâm can. Bởi "Tại sao cứ đau là phải buông trong khi còn có thể làm cho nó tốt đẹp lên".
Thật vậy, nếu buông tay từ bỏ những điều quan trọng trong đời chỉ vì một chút nỗi đau vừa chớm nở thì có lẽ chúng ta sẽ đánh mất "những cái tốt đẹp sau đó". Trước khi muốn buông tay, hãy nghĩ đến lý do tại sao mình bắt đầu. Không thể vì một chút khó khăn, một vài thử thách mà ta đi ngược lại mơ ước thoạt đầu của bản thân, dập tắt những kế hoạch, những mối quan hệ đang trong giai đoạn đơm hoa kết trái.
Với lòng kiên trì bền bỉ, với nỗ lực vững chãi theo thời gian, với tâm hồn yêu thương, thấu hiểu cặn kẽ thì nỗi đau sẽ vơi đi nhanh chóng, trái tim sẽ vượt qua những vùng ranh giới quẩn quanh, bế tắc.
Có vượt qua nỗi đau, có gạt đi giọt nước mắt, thì con người mới có thể chạm đến bến bờ hạnh phúc rực rỡ sắc màu. Nỗi đau, sự tuyệt vọng chỉ là bài toán nhỏ để đo đạc sự bền bỉ của trái tim:
"Biển lặng không làm nên những người thủy thủ tài giỏi"
(Ngạn ngữ Châu Phi)
Cũng như cuộc đời không vướng đau khổ thì mãi mãi cũng không thể nào tốt đẹp. Cứ chạm ngõ đau thương mà buông tay thì cố gắng ban đầu thật vô nghĩa. Vì vậy, khi cảm thấy vẫn còn hy vọng, trái tim vẫn còn day dứt khó phai thì nên tiếp tục lưu giữ "chiếc cốc" của đời mình, hàn gắn những vết nứt mà suýt nữa chỉ vì chúng mà ta buông tay gạt bỏ những cơ hội sau này.
Hai cách giải quyết hoàn toàn đối lập nhau, nhưng bài học giữa hai câu chuyện không hề tồn tại sự mâu thuẫn. Xâu kết lại tất cả, cả hai phương pháp như bổ sung, hòa quyện lẫn nhau để hình thành nên những thái độ sống tốt đẹp, những hành động ứng xử thấu đáo trước nỗi đau.
Trong cuộc đời vốn phức tạp này, chỉ có ta mới biết lúc nào nên cầm lên và bỏ xuống chuyện của mình. Lúc cần thiết nhất hãy buông cũng như lúc cảm thấy vẫn còn hy vọng, hãy níu giữ. Tất cả đều tùy thuộc vào từng ngữ cảnh, từng giá trị mà mỗi người nắm giữ.
Trong cuộc sống này vẫn hiện hữu những con người ứng xử đẹp trước nỗi đau mà mình phải gánh chịu. Lê Thanh Thúy - đóa hướng dương không đợi mặt trời đã lựa chọn cho mình cách giải quyết tích cực với nỗi đau, căn bệnh ung thư xương đang dày vò tấm thân cô từng ngày.
Nỗi đau thể xác không thể nào khỏa lấp tâm hồn nhân đạo của cô gái trẻ. Thúy gắng gượng vượt lên trên tất cả để sống tiếp cuộc đời còn lại sao cho thật xứng đáng với ước mơ của mình. Cô gái với nghị lực thép ấy đã lập nên quỹ "Ước mơ của Thúy" để giúp đỡ những trẻ em ung thư mang trong mình số phận nghiệt ngã. Nếu Thúy không tiếp tục nắm giữ "chiếc cốc" của chính mình, phó mặc cho số phận đẩy đưa thì có lẽ những hành động ấm áp lòng người sẽ không được tiếp diễn.
Nếu chị buông tay từ bỏ mọi thứ thì một đóa hướng dương rạng rỡ sẽ không có dịp nở rộ giữa vườn hoa cuộc sống. Thúy đã lựa chọn cầm nắm vận mệnh đầy đớn đau của chính mình thay vì thả trôi tất cả vào cõi hư vô, quên lãng. Một lựa chọn thật đúng đắn, đẹp đẽ và cao thượng biết bao.
Thế nhưng, không phải ai cũng mang một trái tim mạnh mẽ như Thúy. Một số người không chịu nổi sự đau đớn dày vò mà buông tay bỏ lỡ những điều mình từng trân quý. Cô gái vội vàng chia tay người mình yêu chỉ vì những cuộc cãi vã nhỏ nhoi.
Một anh giám đốc dễ dàng từ bỏ sự nghiệp cả đời khi một chút thất bại, một chút tuyệt vọng bám víu anh trong những giai đoạn thua lỗ, cạn kiệt tài chính. Một vận động viên lập tức dập tắt mơ ước cả đời mình sau một vụ chấn thương đầy đau đớn...
Nếu vượt qua được ranh giới của nỗi đau đang ngự trị trong lòng, có lẽ cuộc đời họ sẽ được thắp bởi những ánh sáng lung linh và hạnh phúc. Thật đáng tiếc. Song, không chỉ có những trái tim mềm yếu vứt bỏ cơ hội tốt đẹp của mình mà còn tồn tại những con người cố chấp đến không tưởng.
Biết rõ người mình yêu là một kẻ tồi tệ nhưng họ vẫn ngang nhiên sa vào lưới tình để rồi đau lại càng đau. Biết rõ công việc mình đang làm hoàn toàn không tốt nhưng họ vẫn miệt mài cặm cụi bên bàn làm việc để rồi nhận lấy những nỗi day dứt dằn xé cõi lòng. Biết rõ con đường mình đang đi là một tương lai mù mịt nhưng họ vẫn không dám quay đầu lại vì "tiếc" những năm tháng đã qua.
Sự chần chừ, do dự không muốn buông bỏ những nỗi đau đang đeo bám tâm hồn chỉ khiến những con người đó lặn ngụp trong bể sâu tuyệt vọng, khốn khổ. Cuộc sống ấy thật vô nghĩa.
Sự mất mát, nỗi đau khiến chúng ta trở nên trống rỗng nhưng hãy học cách ngăn cản những vệt đen u uất ấy đóng lại trái tim và tâm hồn mình. Hãy giữ một khối óc minh mẫn và một cái đầu tỉnh táo để quyết định ứng xử ra sao trước nỗi đau mà mình phải đối mặt.
Chính chúng ta mới là người thấu hiểu rõ nhất lúc nào nên cầm lên và bỏ xuống chuyện đời mình. Có thể bạn chọn phương án "Đau rồi tự khắc sẽ buông" cũng như bạn có thể quyết định "cứ đau là buông thì con đã bỏ lỡ những cái tốt đẹp sau đó rồi".
Dù bạn chọn như thế nào đi nữa, hãy chắc chắn rằng phần đời còn lại của chúng ta không khuất lấp sau màn đêm đặc quánh, nơi được đổ đầy bởi nỗi day dứt, hối hận khôn nguôi.
Bởi: "Phần lớn những nỗi thống khổ của nhân loại đều do con người tự gây ra vì đánh giá nhầm giá trị của nhiều điều."
( Benjamin Franklin)
Phan Thị Thanh Ngọc từng giành huy chương vàng môn Ngữ văn năm lớp 10, huy chương bạc môn Ngữ văn lớp 11, kỳ thi Olympic tháng 4 tại TP HCM. Ngọc đạt thành tích học sinh cấp ba tích cực cấp thành phố năm học 2015-2016.
Nữ sinh sinh năm 1999 chia sẻ, đây là đề bài em rất tâm đắc. Cảm xúc dâng trào đã thôi thúc nữ sinh viết bài văn bằng những suy nghĩ tự nhiên, chân thành.
Thanh Ngọc cho biết, khi làm bài, chi tiết khiến em xúc động nhất là ở phần phê phán. Những con người không đủ dũng cảm đối mặt nỗi đau hay những con người chần chừ do dự khi quyết định số phận đều khiến em thương cảm. Thật ra cuộc đời họ đáng thương hơn đáng trách.
Theo Zing
Bài văn về cô gái Ngã ba Đồng Lộc đạt 9,3 điểm Nữ sinh lớp 11 viết: "Đọc về những cô gái thanh niên xung phong ngày hôm qua để tìm thấy đam mê, nhiệt huyết của mình ngày hôm nay, nhận thức rõ nhiệm vụ của mình với đất nước". Trong đề bài 90 phút dành cho học sinh lớp 11, cô giáo Nguyễn Thị Lâm, giáo viên Ngữ văn, trường THPT chuyên Trần...