Bài văn 4 điểm, chữ ‘xấu lạ’ của học sinh ở Hà Nội
Theo lãnh đạo trường THCS Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội), học sinh viết bài văn 4 điểm từng bị gọi lên phòng hiệu trưởng để luyện chữ.
Ngày 9/1, cộng đồng mạng chia sẻ bài văn chữ xấu của một học sinh được cho thuộc trường THCS Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Nhiều độc giả bình luận chữ viết của nam sinh như “sắp ngã”, “nghiêng ngả”, “bó tay”…
Sáng 10/1, thầy Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng trường THCS Phùng Xá xác nhận bài văn trên của học sinh lớp 8 tên Tuấn.
Thầy giáo cho biết trước đây, Tuấn viết chữ xấu nhưng không “tệ hại” như bây giờ. Bài kiểm tra đăng trên mạng có thể do bạn bè em chụp lại.
Bức ảnh chụp bài văn của Tuấn. Ảnh: Facebook D Ta Ki.
Gia đình cam kết luyện chữ cho con một năm
Thầy hiệu trưởng thông tin dịp nghỉ hè năm học 2015-2016, nhà trường cho Tuấn ở nhà một tuần để luyện chữ. Em có tiến bộ nhưng ngay sau đó chữ viết lại “đổ nghiêng” khi vào năm học mới.
Nam giáo viên kể ông từng đưa em lên phòng riêng để luyện chữ cái như học sinh lớp một. Thầy Xuân viết chữ mẫu a, b, c vào quyển vở ô ly để Tuấn viết theo. Sau một giờ tập luyện, nam sinh viết khá thẳng. Tuy nhiên, khi ghép các chữ cái, nhất là khi làm văn, em lại viết chữ theo kiểu… đổ nghiêng.
Thầy Xuân phân tích: “Có thể do tâm lý muốn bỏ học, Tuấn cố tình viết chữ xấu như vậy”.
Trước câu hỏi học sinh này có ngồi nhầm lớp, vị hiệu trưởng nói em vẫn làm được bài các môn trắc nghiệm, đủ điều kiện lên lớp. Ở lớp, em không ngỗ ngược nhưng hay mất trật tự. Tuấn đã nhiều năm bị lưu ban ở cấp một và cấp hai.
Hiệu trưởng trường THCS Phùng Xá phân tích để một học sinh ở lại lớp không khó nhưng với trách nhiệm của người làm trong ngành giáo dục, thầy cô tiếp tục các biện pháp rèn luyện cho em.
“Tôi mong Tuấn cố gắng tốt nghiệp THCS để có những điều kiện tối thiểu khi bước vào đời, ví dụ như thi bằng lái xe hay trở thành thợ kim khí – nghề truyền thống của làng quê”, thầy Xuân tâm sự.
Gia đình Tuấn có bản cam kết với nhà trường sẽ luyện chữ cho nam sinh trong một năm. Sau đó, chữ viết của Tuấn tốt hơn, em sẽ trở lại học tập, còn không sẽ bị lưu ban.
Ngoài trường hợp của Tuấn, với những học sinh yếu kém, trường THCS Phùng Xá có nhiều biện pháp như chia thành lớp “đặc biệt” gồm 15 đến 17 em, giáo viên dạy theo cách chỉ tay uốn nắn. Từ năm 2016, với mỗi khối, nhà trường chia thành 2 lớp khá, 2 lớp trung bình và một lớp yếu.
Video đang HOT
Chấm 4 điểm còn ‘rộng tay’
“Tôi chưa được xem đáp án nhưng rõ ràng cho điểm 4 như vậy là hơi ‘rộng tay’. Xét về quy chuẩn, chữ viết bài văn trên rất khó đọc, sai chính tả”, thầy Nguyễn Tuấn Minh – giáo viên dạy Ngữ văn, trường THPT Marie Curie, Hà Nội – nhận xét về “bài văn chữ xấu”.
Theo thầy Tuấn Minh và một số giáo viên bộ môn Ngữ văn khác, nguyên tắc chấm bài dựa trên cả nội dung và hình thức. Thông thường, hình thức chiếm một phần trong thang điểm 10.
Đồng quan điểm với thầy Tuấn Minh, cô Mình Hà, giáo viên một trường THCS tại Hà Nội, cũng cho hay cô sẽ không chấm điểm bài văn như vậy và yêu cầu học sinh viết lại.
“Chữ trong bài viết không phải cẩu thả mà là mất căn bản về chữ viết. Với trường hợp này, tôi sẽ yêu cầu làm lại và rèn chữ cho đến khi đạt chuẩn mới chấm điểm”, nữ giáo viên nêu quan điểm.
Rèn chữ cần kiên trì
Thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc soạn thảo văn bản trở nên phổ biến, ít người phải viết chữ. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chữ viết của học sinh không đẹp.
Nhiều người cho rằng không ít học sinh viết chữ quá xấu, trách nhiệm thuộc về thầy cô, phụ huynh.
“Học sinh được luyện chữ từ cấp tiểu học. Chữ viết như vậy rõ ràng không đạt mà vẫn được lên lớp, lên cấp. Giáo viên chấm bài kiểm tra chữ xấu cho 4 điểm dù có thể không dịch được nội dung. Sự thiếu nghiêm khắc khiến học trò khó tiến bộ”, thành viên Mai Lan nhận xét.
Thầy Tuấn Minh cho hay nhiều phụ huynh thường mua vở tập tô của học sinh lớp một và 2 để luyện chữ cho con.
“Mỗi ngày, các em chỉ cần bỏ ra 15 phút tập tô. Đầu tiên, học sinh nên tô bằng bút chì, sau đó bằng bút bi. Tôi nghĩ, rèn luyện kiên trì bao giờ cũng mang lại sự khác biệt”, thầy giáo này nói.
Giáo viên có thể không yêu cầu học sinh quá cao về nét chữ. Tuy nhiên, họ cũng cần phân tích cho các em hiểu “ai cũng thích và ngưỡng mộ cái đẹp, nét chữ là nét người”. Vì vậy, học sinh phải đạt được quy chuẩn rõ ràng để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Theo Zing
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và những lời sấm truyền
Trạng nguyên thời Mạc - Nguyễn Bỉnh Khiêm - không chỉ nổi danh nhờ tài học sâu rộng, tầm nhìn chiến lược mà còn được người đời tôn kính vì những lời sấm truyền chính xác.
Trong lịch sử khoa cử nước ta, Nguyễn Bỉnh Khiêm là vị trạng nguyên đặc biệt. Ông không nổi tiếng vì thành danh khi còn ít tuổi.
Trên thực tế, Nguyễn Bỉnh Khiêm tham dự khoa thi đầu tiên khi tuổi đã ngoài 40. Dân gian cũng không lưu truyền nhiều giai thoại về các màn đối đáp xuất sắc hay tài ứng xử khéo léo của trạng Trình.
Nguyễn Bỉnh Khiêm được triều đình đương thời trọng dụng bởi tầm nhìn chính trị sâu rộng. Sử sách cũng như người đời thừa nhận, Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài, là nhà tiên tri số một Việt Nam.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, thường được tôn xưng là Tuyết Giang phu tử.
Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, hiếu học. Đến khi trưởng thành, nghe tiếng Bảng nhãn Lương Đắc Bằng nổi danh trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cất công tìm đến bái sư học đạo.
Học vấn uyên thâm nhưng sinh phải thời đại nhiều biến cố, ông không vội tham gia khoa cử. Mãi đến năm 1535, dưới thời Mạc Thái Tông thịnh trị nhất triều Mạc, ông mới ứng thí và đỗ trạng nguyên.
Đền thờ trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: lyhocdongphuong.
Tân khoa trạng nguyên được bổ nhiệm làm Đông các hiệu thử, rồi lần lượt giữ chức Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ.
Khi Mạc Hiển Tông lên ngôi, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ trị tội 18 lộng thần nhưng vua không chấp nhận. Năm 1542, ông xin về quê.
Hai năm sau, vua Mạc lại mời ông ra làm quan, phong tước Trình Tuyền Hầu, thăng chức Thượng thư bộ Lại, Thái phó, tước Trình Quốc Công. Vì thế, người đời thường gọi ông là trạng Trình.
Sau này, dù không ở kinh đô, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn lo liệu việc triều chính, giúp vua bàn quốc sự. Khi có chuyện trọng đại, vua thường hỏi ý kiến ông. Việc ông khuyên nhà Mạc dời lên Cao Bằng đã đi vào sử sách.
Ông cũng từng người khuyên Nguyễn Hoàng: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (có tài liệu ghi là "Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân").
Không chỉ có tầm nhìn sâu rộng, Tuyết Giang phu tử còn nổi tiếng với khả năng tiên tri. Ngày nay, người đời còn lưu truyền nhiều tiên đoán được cho là của ông và gọi chung là Sấm trạng Trình.
Thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng điều Nguyễn Công Trứ đi khai hoang ở Hải Dương. Nguyễn Công Trứ xem xét địa thế, thấy cần phải phá đền thờ trạng Trình để đào sông.
Sau khi người dân đào bát hương lên, ông thấy dưới bát hương có tấm bia đá phủ vải điều. Nguyễn Công Trứ sai người lau sạch bia thì đọc được mấy câu:
Minh Mạng thập tứ
Thằng Trứ phá đền
Phá đền phải làm đền
Nào ai động đến doanh điền nhà bay.
Ông liền thảo sứ về triều, xin bãi bỏ lệnh phá đền, đồng thời sửa sang lại ngôi đền của vị trạng nguyên nhà Mạc.
Tương truyền, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là người đưa ra lời sấm về sự ra đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Đụn Sơn phân giải
Bò Đái thất thanh
Thủy đáo Lam thành
Nam Đàn sinh thánh.
Ban đầu, nhiều người cho rằng, lời sấm này ứng nghiệm với nhà yêu nước Phan Bội Châu. Tuy nhiên, trong cuộc nói chuyện với học giả Đào Duy Anh và nhà nho Trần Lê Hữu, Phan Bội Châu khẳng định, nếu Nam Đàn thực sự "sinh thánh" thì vị thánh đó phải là Nguyễn Ái Quốc.
Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể được coi là người đầu tiên trong lịch sử nước ta nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ chủ quyền biển Đông. Trong bài Cự Ngao Đới Sơn (Bạch Vân am thi tập), cụ dặn:
Biển Đông vạn dặm dang tay giữ
Đất Việt muôn năm vững trị bình
Chí những phù nguy xin gắng sức
Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình.
Theo Zing
Cụm thi tốt nghiệp điểm cao: Lại là bệnh thành tích? Cụm thi tốt nghiệp tại nhiều địa phương có điểm cao hơn cụm thi do các trường đại học chủ trì ở cùng địa phương. Trước thông tin cụm thi tốt nghiệp do Sở GD&ĐT ở một vài tỉnh, thành tổ chức trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 có điểm thi cao hơn cụm thi đại học tại cùng địa phương,...