Bài thi tốt nghiệp: vẫn còn những chuyện cười buồn
Học sinh đã nắm được những kiến thức cơ bản, không nhiều bài thi mắc những lỗi ngớ ngẩn và cười ra nước mắt như các năm trước, tuy nhiên lại có những lỗi thuộc về “truyền thống” mà các học sinh cần rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho kỳ thi đại học đầu tháng 7 tới.
Đó là chia sẻ của các giáo viên khối C khi hầu hết các địa phương đã chấm thi xong, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2010 bắt đầu được công bố.
Những chuyện cười… buồn
“Kính thưa thầy hoặc cô đang chấm bài thi của con, con thi ban A nên con xin thưa thật là con không chuẩn bị gì nhiều cho các môn khối C (đặc biệt năm nay có tới 3 môn). Để làm bài thi này con đã cố gắng bằng tất cả sự hiểu, nhớ lại những bài giảng cũ, tuy nhiên con biết sẽ có chỗ đúng chỗ sai. Vậy nên con mong được thầy cô nương tay để con có thể không bị điểm liệt, vượt qua kỳ thi. Con xin hứa sẽ cố gắng hơn trong quá trình học tập sau này. Mong được thầy cô bao dung, tha thứ. Con: Đứa học trò ngu dốt!”.
Đó là một trong những bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2010 gây “ấn tượng” mà cô H.L.Hương (giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) kể lại. Cô Hương cho biết, em thí sinh viết 4 trang dầy đặc chữ thể hiện sự “cố gắng” và có những chi tiết đúng nên thầy cô cũng… nương tay.
Còn cô N.T.Vân (giáo viên Sử, trường trung học phổ thông chuyên Hạ Long, Quảng Ninh) kể, trong câu 2 (phần chung) nói về Diễn biến cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến (từ ngày 19.12.1946 đến ngày 17.2.1947) đáng lẽ ra phải nói là “đánh ở chợ Đồng Xuân” thì có học sinh lại viết thành “đánh ở Berlin”, “Chúng tôi đánh giá em thí sinh này có phần “liên hệ với thế giới” tốt”, cô Vân cười.
Hoặc có một số em khi đề bài hỏi về cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội, lại liên tưởng và phát triển tới tận… Việt Bắc. Thậm chí có em còn viết trong bài, “Em chỉ thích học các chiến dịch thôi, mấy tổ chức nước ngoài em học không vào” tại phần câu hỏi theo chương trình chuẩn.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Video đang HOT
Mất điểm nhiều do lạc đề, bịa lung tung
Thầy T.Dũng (tổ trưởng tổ Sử, trường THPT Chu Văn An) đánh giá, năm nay chất lượng thí sinh làm bài thi môn Sử khá tốt, điểm số đa phần là khá giỏi. Không có những bài thi mang tính chất có vấn đề như mọi năm, hiếm gặp những bài thi “cười ra nước mắt”.
Đồng quan điểm này, cô Trần Thị Nhung (giáo viên Sử – Hải Phòng) chia sẻ, tuy các em không mắc những lỗi được cho là “ngớ ngẩn” nhưng có những lỗi thường năm nào khi chấm thi cũng gặp mà các em cần phải tránh để không bị trừ điểm khi thi đại học, cao đẳng sắp tới.
Cô Nhung ví dụ, các em mắc quá nhiều lỗi chính tả, chưa chú trọng cách viết, hành văn tùy ý. Đặc biệt, do không thuộc bài nên các em cứ “bịa” lung tung để thầy cô thấy viết dài mà thương, nhưng như thế chỉ gây mệt mỏi cho người chấm. Nếu cứ bê nguyên xi cách hành văn ấy khi thi đại học, chắc chắn sẽ bị trừ điểm.
Ngoài ra cần phải đọc kỹ đề bài, vì lạc đề là lỗi rất hay mắc ở các bài thi, cô Nhung nói thêm.
Còn tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết (giáo viên Văn, trường THPT Chu Văn An) cho hay, trong đề Văn năm nay, với câu hỏi về Lòng yêu thương của tuổi trẻ thời hiện đại, đáng lẽ các em phải nói được trực diện về tình yêu thương với sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm với khó khăn của người khác… thì nhiều em lại lạc đề khi quá sa đà vào khía cạnh “mặt trái” – nhiều bạn trẻ với lối sống thờ ơ, vô cảm, vị kỷ. Trong khi ý này chỉ được có 0,5 điểm. Nhiều em kiến thức tốt, phân tích sâu nhưng vì quá sa đà vào ý nhỏ khiến tổng điểm bài viết không cao.
Tại ý phân tích nhân vật văn học Việt (trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi), thay vì “phân tích”các em đều biến thành “diễn xuôi”. Rồi ở phần sau phân tích bài thơ Sóng cũng vậy, thâm chí còn tách bạch hẳn bài thơ đề đi phân tích riêng về… tình yêu. Hay khi phân tích nhân vật Việt, nhiều em lại sa đà vào phân tích các nhân vật không được đề cập đến trong đề như bố mẹ, chị Chiến…
Tiến sĩ Tuyết cũng đề xuất, đề Văn trong kỳ thi mang tính quốc gia nên có tính định hướng cho thí sinh. Ví dụ, khi phân tích nhân vật Việt, có thể hướng thí sinh về chủ nghĩa anh hùng cách mạng hay chất Nam bộ trong tác phẩm, phân tích bài thơ Sóng nên hướng cho các em vào một vấn đề như tình yêu của người con gái hay hình thức nghệ thuật… sẽ giúp thí sinh tập trung vào hẳn một khía cạnh, bài văn không bị tản mạn quá.
Theo kênh 14
Ba bước làm bài thi Toán ĐH dễ "ăn" điểm
Dưới đây là những gợi ý của thầy Trần Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng về cách làm bài môn Toán dễ "ăn" điểm.
Thí sinh cần phân biệt, kinh nghiệm thi cử khác với cách học ôn. Bởi, mục đích của thi cử là làm thế nào để thể hiện hết công suất những kiến thức đã tích lũy đạt hiệu quả cao nhất. Tránh tình trạng kiến thức tích lũy thì nhiều nhưng phần thể hiện bị hạn chế hoặc có nhiều sai sót, đến khi bước ra khỏi phòng thi lại tiếc nuối.
Vậy cách làm bài thi trong phòng thi thế nào để hết giờ làm bài không ân hận?
Bước 1: khi tiếp cận đề thi thì nên đọc lướt qua đề một lượt (khoảng 3 phút) để có cảm nhận đề thi. Sau đó đọc quay lại chậm hơn và đánh dấu câu theo trình trình tự và lên sơ đồ chiến lược để có xử lý phù hợp với thời gian làm bài. Trong đó, câu quen biết, câu dễ có thể làm được ngay, không nên lao vào những câu khó rồi bị tắc dễ mất phương hướng và rơi vào trạng thái mất năng lượng và không tự tin vào bản thân. Rồi khi quay sang bài khác lại bị tắc, đến khi quay lại câu dễ cũng dễ nhầm lẫn....
Bước 2: sắp xếp theo trình tự tối ưu: nên làm nhưng câu dễ (loại 1) trước, rồi mới sang câu loại 2 vẫn dạng quen nhưng đòi hỏi phải biến đổi kỹ năng - thêm vào một số kỹ năng tính toán, loại 3 thường là những câu hỏi có mức độ suy luận tích hợp nhiều kiến thức khác nhau. Loại 4 là những câu rất khó.
Bước 3: làm bài thi theo trình tự đã sắp xếp. Thậm chí trong nhiều trường hợp có thể buông câu loại 4 (câu rất khó). Với những thí sinh giỏi thì có thể thi trên thang 10 điểm để phấn đấu làm thủ khoa. Còn HS trung bình thì thi co lại (tùy theo năng lực), dựa vào phân loại đề thì có thể chọn thang điểm 10 hay 9 hoặc 8 - thậm chí là thang 6, 7 điểm.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Điều thí sinh cần biết, điểm sàn ĐH mấy năm gần đây ấn định trong khoảng 14-15 điểm ba môn thì phấn đấu đạt 6-7 điểm/ môn là có thể đỗ một trường ĐH nào đó. Do vậy, với những thí sinh có sức học trung bình nên lượng sức để làm bài thi đến đâu chắc đến đó để đạt hoặc vượt "ngưỡng" điểm sàn ĐH theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, trong thi cử không thể chủ quan bất cứ điều gì. Có nhiều trường hợp học sinh giỏi kiểu a-ma-tơ hay thích thể hiện là mình hoàn thành được bài thi trong thời gian sớm nhất nên dễ mắc lỗi cẩu thả - làm bài thi không theo chiến lược. Cũng có những thí sinh ngay khi nhận đề chủ quan và lao vào làm câu khó trước, đến khi "ngốn" hết nhiều thời gian làm bài thì cuống dễ mất điểm...
Ở môn thi Toán, thí sinh cần sắp xếp các câu từ dễ đến khó theo trình tự nêu trên và lượng sức để chọn "gói" điểm "đạt thủ khoa" hoặc "đậu ĐH"... Với những thí sinh làm bài thi tùy tiện thì rất ít bài thi đạt điểm từ 9,5-10 điểm mà chỉ đạt 7-8 điểm vì không sai sót ở khâu này sẽ sai câu khác.
Thường người ra đề thi cũng đã sắp xếp theo trình tự khoa học từ dễ cơ bản - nâng cao - khó. Vậy nguyên lý làm bài cũng nên được sắp xếp khoa học để không bị mất năng lượng.
Để tránh bài làm tưởng được hết nhưng lại bị "rơi" 0,25 - 0,5 điểm thì kỹ năng trình bầy bài thi rất quan trọng. Đồng thời, phải xem barem điểm theo cấu trúc nào thì làm bài theo cấu trúc đó.
Điều đó cũng chứng minh một điều, các HS giỏi có thể làm được các câu khó nhưng bị rơi vãi ở những câu dễ sẽ bị trừ điểm lỗi trình bầy. Có những bài thi đúng hết đáp số nhưng bị trừ...
Việc phân loại các câu trong đề thi từ dễ đến khó để định ra một chiến lược là đạt điểm 7, 8 - để tranh bị phân tán năng lượng một cách không cần thiết. HS giỏi để nhắc là không được tinh vi vì đề thi ĐH là đề cơ bản chưa phải là đề thi khó.
Một điểm cần lưu ý trong thi ĐH là nếu chúng ta làm câu dễ mà bị sai hoặc không làm được thì khả năng trượt ĐH là rất lớn. Vì nếu có 500.000 người thi mà câu dễ không làm được thì khả năng sẽ thua 490.000 người (họ làm được), còn nếu câu khó không làm được thì khả năng chỉ thua 5.000 người - thì sẽ không là vấn đề.
Mùa thi đến, sức ép tâm lý thường ở nhóm HS có khát vọng thi đỗ vào trường ĐH top 1. Lời khuyên cho HS cơ sức học trung bình có khát vọng vào ĐH thì không quá lo lắng vì chỉ cần phấn đấu làm thế nào bài thi đạt điểm sàn (tối đa 15 điểm) - thì không cần thiết phải áp lực vào trường lớn.
Theo Vietnamnet