Bài thi ĐH giải độc đáo được thưởng tối đa một điểm
“Các bài làm đúng và có cách giải độc đáo, sáng tạo vẫn chấm điểm bình thường, mức điểm thưởng tối đa là một điểm”, ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết trong buổi họp báo tổng kết hai đợt tuyển sinh ĐH năm nay.
Nhiều câu hỏi liên quan đến đánh giá mức độ khó dễ của đề thi, dự kiến điểm sàn năm nay được đề cập trong buổi họp báo.
Trước câu hỏi của phóng viên cho rằng đề thi năm nay khó, đòi hỏi tính sáng tạo của thí sinh, ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định, đề thi không có câu nào mang tính đánh đố, thí sinh hoàn toàn sử dụng kiến thức phổ thông có thể giải được. Tuy nhiên, đây là kỳ thi tuyển sinh nên trong đề có các câu hỏi mang tính phân loại học sinh rõ ràng, đảm bảo quỹ thời gian quy định.
Về công tác chấm thi, ông Chiến cho biết, trong đáp án hướng dẫn rất rõ ràng, nếu thí sinh làm phương án khác mà đúng vẫn được điểm theo phương án của đáp án. Trước khi chấm, đề nghị hội đồng chấm thi đọc kỹ đáp án, chấm thử một số bài rồi thống nhất phương án chấm đối với các bài có cách giải khác với đáp án. “Đề thi năm nay cơ bản không khác với năm ngoái. Do đó, năm ngoái chúng ta làm được thì năm nay chúng ta cũng làm được, đảm bảo độ chính xác và công bằng cho thí sinh”, ông Chiến nói.
Cũng trong buổi họp báo, nhiều phóng viên đề cập đến mức điểm sàn dự kiến của Bộ cao hơn hay thấp hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT chưa có câu trả lời về vấn đề này. Ông Khôi cho biết, mức điểm sàn đưa ra dựa trên nguyên tắc, là mức điểm tối thiểu để thí sinh được đăng ký xét vào các trường và nó được căn cứ vào kết quả thi chung của thí sinh.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong số 1.237.870 thí sinh dự thi hai đợt tuyển sinh ĐH năm nay, có 256 thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật, trong đó, 34 thí sinh bị khiển trách, 22 cảnh cáo và 200 bị đình chỉ thi. “Mặc dù đã rút kinh nghiệm hàng năm, kỷ luật trường thi tiếp tục được siết chặt nhưng kỳ tuyển sinh năm nay vẫn còn thí sinh vi phạm bị xử lý, nhất là các trường hợp thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi còn chiếm xấp xỉ 60% so với tổng số thí sinh vi phạm quy chế’, ông Khôi cho biết.
Video đang HOT
Ngoài ra, trong hai đợt thi có 9 cán bộ trên tổng số hơn 120.000 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật. Trong đó, 1 cán bộ chịu hình thức kỷ luật khiển trách, hai cảnh cáo và 6 đình chỉ công tác coi thi.
Cũng theo ông Khôi, mặc dù Bộ GD-ĐT đã quy định mỗi phòng thi bố trí không quá 40 người nhưng cá biệt còn một số phòng thi ở một số hội đồng tuyển sinh bố trí số lượng thí sinh trong phòng thi không đúng quy định. Một số Hội đồng thi còn đặt địa điểm thi tại các trường tiểu học, bàn ghế nhỏ, thấp, không phù hợp với thí sinh là người đã tốt nghiệp THPT. &’Chúng tôi sẽ lưu ý các trường rút kinh nghiệm trong những năm sau”, ông Khôi nói.
Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH cả hai đợt năm nay là 1.607.653, giảm 10,74% so với năm 2009. Số thí sinh dự thi lả 1.237.870, đạt tỷ lệ 77,0% so với tổng hồ sơ đăng ký dự thi, tăng 6,93% so với năm 2009.
Theo Đất Việt
Bài thi tốt nghiệp: vẫn còn những chuyện cười buồn
Học sinh đã nắm được những kiến thức cơ bản, không nhiều bài thi mắc những lỗi ngớ ngẩn và cười ra nước mắt như các năm trước, tuy nhiên lại có những lỗi thuộc về "truyền thống" mà các học sinh cần rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho kỳ thi đại học đầu tháng 7 tới.
Đó là chia sẻ của các giáo viên khối C khi hầu hết các địa phương đã chấm thi xong, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2010 bắt đầu được công bố.
Những chuyện cười... buồn
"Kính thưa thầy hoặc cô đang chấm bài thi của con, con thi ban A nên con xin thưa thật là con không chuẩn bị gì nhiều cho các môn khối C (đặc biệt năm nay có tới 3 môn). Để làm bài thi này con đã cố gắng bằng tất cả sự hiểu, nhớ lại những bài giảng cũ, tuy nhiên con biết sẽ có chỗ đúng chỗ sai. Vậy nên con mong được thầy cô nương tay để con có thể không bị điểm liệt, vượt qua kỳ thi. Con xin hứa sẽ cố gắng hơn trong quá trình học tập sau này. Mong được thầy cô bao dung, tha thứ. Con: Đứa học trò ngu dốt!".
Đó là một trong những bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2010 gây "ấn tượng" mà cô H.L.Hương (giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) kể lại. Cô Hương cho biết, em thí sinh viết 4 trang dầy đặc chữ thể hiện sự "cố gắng" và có những chi tiết đúng nên thầy cô cũng... nương tay.
Còn cô N.T.Vân (giáo viên Sử, trường trung học phổ thông chuyên Hạ Long, Quảng Ninh) kể, trong câu 2 (phần chung) nói về Diễn biến cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến (từ ngày 19.12.1946 đến ngày 17.2.1947) đáng lẽ ra phải nói là "đánh ở chợ Đồng Xuân" thì có học sinh lại viết thành "đánh ở Berlin", "Chúng tôi đánh giá em thí sinh này có phần "liên hệ với thế giới" tốt", cô Vân cười.
Hoặc có một số em khi đề bài hỏi về cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội, lại liên tưởng và phát triển tới tận... Việt Bắc. Thậm chí có em còn viết trong bài, "Em chỉ thích học các chiến dịch thôi, mấy tổ chức nước ngoài em học không vào" tại phần câu hỏi theo chương trình chuẩn.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Mất điểm nhiều do lạc đề, bịa lung tung
Thầy T.Dũng (tổ trưởng tổ Sử, trường THPT Chu Văn An) đánh giá, năm nay chất lượng thí sinh làm bài thi môn Sử khá tốt, điểm số đa phần là khá giỏi. Không có những bài thi mang tính chất có vấn đề như mọi năm, hiếm gặp những bài thi "cười ra nước mắt".
Đồng quan điểm này, cô Trần Thị Nhung (giáo viên Sử - Hải Phòng) chia sẻ, tuy các em không mắc những lỗi được cho là "ngớ ngẩn" nhưng có những lỗi thường năm nào khi chấm thi cũng gặp mà các em cần phải tránh để không bị trừ điểm khi thi đại học, cao đẳng sắp tới.
Cô Nhung ví dụ, các em mắc quá nhiều lỗi chính tả, chưa chú trọng cách viết, hành văn tùy ý. Đặc biệt, do không thuộc bài nên các em cứ "bịa" lung tung để thầy cô thấy viết dài mà thương, nhưng như thế chỉ gây mệt mỏi cho người chấm. Nếu cứ bê nguyên xi cách hành văn ấy khi thi đại học, chắc chắn sẽ bị trừ điểm.
Ngoài ra cần phải đọc kỹ đề bài, vì lạc đề là lỗi rất hay mắc ở các bài thi, cô Nhung nói thêm.
Còn tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết (giáo viên Văn, trường THPT Chu Văn An) cho hay, trong đề Văn năm nay, với câu hỏi về Lòng yêu thương của tuổi trẻ thời hiện đại, đáng lẽ các em phải nói được trực diện về tình yêu thương với sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm với khó khăn của người khác... thì nhiều em lại lạc đề khi quá sa đà vào khía cạnh "mặt trái" - nhiều bạn trẻ với lối sống thờ ơ, vô cảm, vị kỷ. Trong khi ý này chỉ được có 0,5 điểm. Nhiều em kiến thức tốt, phân tích sâu nhưng vì quá sa đà vào ý nhỏ khiến tổng điểm bài viết không cao.
Tại ý phân tích nhân vật văn học Việt (trong tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi), thay vì "phân tích"các em đều biến thành "diễn xuôi". Rồi ở phần sau phân tích bài thơ Sóng cũng vậy, thâm chí còn tách bạch hẳn bài thơ đề đi phân tích riêng về... tình yêu. Hay khi phân tích nhân vật Việt, nhiều em lại sa đà vào phân tích các nhân vật không được đề cập đến trong đề như bố mẹ, chị Chiến...
Tiến sĩ Tuyết cũng đề xuất, đề Văn trong kỳ thi mang tính quốc gia nên có tính định hướng cho thí sinh. Ví dụ, khi phân tích nhân vật Việt, có thể hướng thí sinh về chủ nghĩa anh hùng cách mạng hay chất Nam bộ trong tác phẩm, phân tích bài thơ Sóng nên hướng cho các em vào một vấn đề như tình yêu của người con gái hay hình thức nghệ thuật... sẽ giúp thí sinh tập trung vào hẳn một khía cạnh, bài văn không bị tản mạn quá.
Theo kênh 14
Ba bước làm bài thi Toán ĐH dễ "ăn" điểm Dưới đây là những gợi ý của thầy Trần Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng về cách làm bài môn Toán dễ "ăn" điểm. Thí sinh cần phân biệt, kinh nghiệm thi cử khác với cách học ôn. Bởi, mục đích của thi cử là làm thế nào để thể hiện hết công suất những kiến thức...