Bài phát biểu xúc động của Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa: Chúng ta đang có 1 cuộc chiến trên toàn cầu với một kẻ địch không nhìn thấy
Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa bày tỏ niềm tự hào về những nghiên cứu của thầy và trò nhà trường được ứng dụng trong thời gian vừa qua, đồng thời hi vọng sớm được gặp lại các bạn sinh viên trên giảng đường.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các trường Đại học trên cả nước đều tạm thời ngưng việc giảng dạy trực tiếp tại trường, chuyển sang hình thức học trực tuyến trên nền tảng Internet. Từ đây, rất nhiều thách thức được đặt ra, nhiều sinh viên không đủ điều kiện kinh tế, kỹ thuật để phục vụ việc học, thầy cô lớn tuổi chưa thể tiếp cận nhanh chóng với công nghệ thông tin, việc tương tác qua màn hình máy tính dễ gặp trục trặc do lỗi đường truyền,…
Trước tình hình đó, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã quyết định dành 20 tỷ đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ sinh viên, tiết kiệm chi vận hành trong thời gian học trực tuyến, tiết giảm đầu tư xây dựng cơ bản và các khoản chi khác để miễn giảm học phí cho những sinh viên có gia đình bị ảnh hưởng kinh tế bởi dịch COVID-19. Đồng thời tổ chức quyên góp từ các giảng viên, cán bộ viên chức của nhà trường, dành ra 3 tỉ đồng để trợ giá cho khoảng 3000 sinh viên mua máy tính.
Mới đây, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội – PGS. TS Hoàng Minh Sơn đã có bài phát biểu cực kì xúc động, trong đó nêu rõ những khó khăn mà thầy và trò Đại học Bách Khoa đang phải vượt qua, cũng như thể hiện sự tự hào với những kết quả nghiên cứu của trường đã được ứng dụng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, thầy cũng cho biết các khoản chi phí hỗ trợ cho sinh viên và thể hiện tinh thần lạc quan, mong muốn sớm gặp lại các bạn sinh viên tại giảng đường.
Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội – PGS. TS Hoàng Minh Sơn đã có bài phát biểu cực kì xúc động gửi đến các thầy cô, cán bộ viên chức và các sinh viên của trường.
Chúng ta đang sống, học tập và làm việc trong một hoàn cảnh chưa từng có, cùng trải nghiệm những thay đổi lạ thường mà chỉ 80 ngày trước đây chưa ai từng nghĩ tới. Hằng ngày tôi và các thầy trong Ban Giám hiệu cùng nhiều thầy cô, các đơn vị vẫn đến trường làm việc, nhưng chưa bao giờ khuôn viên trường giữa tháng Tư này lại vắng lặng đến thế. Gần đến tuần thi giữa kì mà các giảng đường, phòng học, thư viện vẫn khóa chặt cửa, các ghế gỗ bên hồ tiền đầy bụi phủ, cổng parabol trong trường không người qua lại, kí túc xá thưa thớt bóng sinh viên và cả sân bóng cũng im lìm.
Nhưng những người thầy Bách Khoa vẫn cặm cụi làm việc, các bạn sinh viên, học viên Bách Khoa vẫn miệt mài học tập, nghiên cứu, thầy trò vẫn hằng ngày gặp nhau trên lớp, nỗ lực cùng nhau đi qua từng bài học. Nhờ một thầy giáo nhiếp ảnh gia, tất cả chúng ta vẫn được thấy cổng parabol tỏa sáng dưới trời xanh ngát, những cây sồi rụng lá vàng đẹp thơ mộng.
Chúng ta đang sống như một thời chiến, một cuộc chiến trên toàn cầu với một kẻ địch không nhìn thấy, làm đảo lộn cuộc sống bình yên của mỗi chúng ta
Vì thời gian không đợi ai, sự học không đợi ai, công việc vẫn phải làm, cuộc sống vẫn phải tiếp tục đi lên, chỉ là qua một môi trường khác với một xã hội ảo mà thực, tự do sáng tạo không có giãn cách. Chúng ta đang sống như một thời chiến, một cuộc chiến trên toàn cầu với một kẻ địch không nhìn thấy, len lỏi vào đâu đó làm đảo lộn cuộc sống bình yên của mỗi chúng ta.
Trong khi cả thế giới đang vật lộn với đại dịch, thật may mắn cho chúng ta khi Đảng, Chính phủ quyết định chọn chiến lược phòng, chống dịch đúng đắn, chính quyền các cấp đã chỉ đạo kịp thời và quyết liệt, các chiến sĩ quân đội, công an, cùng đội ngũ thầy thuốc đang ngày đêm giữ vững trận địa. Thầy và trò Bách Khoa chúng ta cũng đã rất tự hào, cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, vừa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ năm học, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho cán bộ và sinh viên, góp sức cùng cả nước chống dịch.
Trong những tình huống chưa từng có, tập thể lãnh đạo trường đã thảo luận rất kĩ để đưa ra những quyết định đúng đắn và kịp thời, chủ động ứng phó với những diễn biến của dịch. Ban chỉ đạo phòng chống dịch luôn sát sao chỉ đạo các đơn vị, Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên làm tất cả những gì có thể để ngăn ngừa dịch bệnh vào trường. Gần như 100% các cuộc họp giao ban, 100% các hoạt động chỉ đạo, điều hành, tư vấn diễn ra trực tuyến không kể vào thời gian buổi tối, ngày nghỉ, cuối tuần hay ngày lễ, tất cả vì mục tiêu tiếp tục duy trì việc dạy và học với chất lượng cao nhất, đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ và sinh viên.
Chúng ta tự hào khi những kết quả nghiên cứu của thầy cô và sinh viên Bách Khoa đã được ứng dụng, tạo ra những sản phẩm công nghệ rất có ý nghĩa cho cộng đồng
Hơn 7000 lít dung dịch sát khuẩn đã được pha chế tại chỗ phục vụ cho cán bộ, sinh viên và hỗ trợ cho các đơn vị, tổ chức bên ngoài. 40000 chiếc khẩu trang kháng khuẩn 3 lớp sản xuất theo công nghệ của trường đã được phát cho cán bộ và sinh viên.
Chúng ta biết ơn những người thầy đã cùng làm nên một điều phi thường khi chỉ sau một đêm phát động và hai tuần khởi động đã chuyển đổi trên 3500 lớp học sang hình thức trực tuyến tương ứng 99% các lớp giảng lý thuyết và bài tập.
Thật cảm phục tấm gương của nhiều thầy cô dù mái đầu đã bạc nhưng vẫn cần mẫn học hỏi để sử dụng thành thạo công cụ dạy học trực tuyến, đã biên soạn bài giảng, tận tình giảng dạy và hướng dẫn sinh viên.
Thật ngưỡng mộ những giảng viên trẻ đầy nhiệt huyết khi tiên phong thực hiện và luôn sẵn sàng chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm sử dụng công cụ và kĩ năng dạy học trực tuyến cho đồng nghiệp. Chưa bao giờ tinh thần học tập và đổi mới của trường Đại học được thể hiện rõ như vừa qua.
Chúng ta tự hào khi những kết quả nghiên cứu của thầy cô và sinh viên Bách Khoa đã được ứng dụng, tạo ra những sản phẩm công nghệ rất có ý nghĩa cho cộng đồng trong thời dịch bệnh này. Công nghệ vải kháng khuẩn đã được chuyển giao cho một doanh nghiệp bên ngoài để sản xuất khẩu trang 3 lớp. Kit thử nhanh virus đã được thử nghiệm thành công và đang trong quá trình chuyển giao công nghệ, xin cấp phép sản xuất. Buồn khử khuẩn toàn thân di động, máy khử khuẩn tay di động, công nghệ cô đặc chế biến nước quả và nhiều nghiên cứu khác đang được thực hiện, đã và sẽ góp phần chung tay với cộng đồng và xã hội trong cuộc chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh.
Các bạn sinh viên yêu quý, dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế – xã hội của toàn cầu, của cả nước ta và tới cuộc sống của từng gia đình. Lãnh đạo trường và các thầy cô hết sức cảm thông và chia sẻ với nhiều bạn có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, đặc biệt các bạn đến từ vùng nông thôn.
Mặc dù các thầy cô đã đều rất nhiệt tình và cố gắng nhưng chắc chắn các bạn đã khá mệt mỏi với học trực tuyến vì thiếu máy tính, vì đường truyền kém, vì tương tác chưa hiệu quả và vì mỏi mắt, đau đầu. Các thầy cô cũng vậy, lên lớp trực tuyến vất vả hơn nhiều, các thầy cô cũng muốn nhìn thấy sinh viên trên giảng đường lắm rồi, chúng ta cũng cùng chán cô-vy lắm rồi, nhưng chúng ta không có giải pháp nào tốt hơn hiện nay.
Video đang HOT
Sau khi trở lại trường, các thầy cô sẽ sẵn sàng lên lớp, bổ sung và bù đắp kiến thức, những buổi thí nghiệm thực hành trên các thiết bị vật lý cũng sẽ được tổ chức lại đủ theo kế hoạch. Chúng ta có thể kéo dài học kì thêm một vài tuần nhưng kiên quyết không để suy giảm chất lượng đào tạo.
Số tiền 3 tỉ đồng sẽ được sử dụng để trợ giá cho khoảng 3000 sinh viên mua máy tính
Trong điều kiện tài chính của nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh mà chưa được Nhà nước hỗ trợ, lãnh đạo trường cũng đã tính đến việc giảm đều học phí cho tất cả sinh viên trên cơ sở tiết kiệm chi phí vận hành khi tổ chức dạy học trực tuyến, nhưng quả thực, chi phí tiết kiệm được trong 2 tháng chỉ đủ giảm được 0,4% học phí cho mỗi em trong học kì này.
Vì vậy, lãnh đạo trường quyết định chọn một giải pháp khác, là tiết giảm đầu tư xây dựng cơ bản và dành ra một khoản 20 tỷ để tập trung hỗ trợ cho những bạn có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhất là những bạn có bố mẹ bị mất việc làm, bị giảm thu nhập nặng dù là làm bất cứ nghề gì. Với truyền thống văn hóa Bách Khoa, lãnh đạo trường tin rằng những bạn có điều kiện hơn sẽ sẵn sàng nhường lại và chịu thiệt thòi một chút để tất cả các bạn thực sự có hoàn cảnh khó khăn đều được hỗ trợ khá, không phải nghỉ học.
Các thầy cô, cán bộ viên chức và các bạn sinh viên yêu quý, để chia sẻ bớt những khó khăn của sinh viên khi học trực tuyến, lãnh đạo trường đã phát động kêu gọi các thầy cô, cán bộ viên chức nhà trường chung tay quyên góp một số ngày lương, các doanh nghiệp hợp tác để tài trợ, giảm giá để tổ chức các chương trình tặng hoặc trợ giá máy tính cho sinh viên. Một số nhóm sinh viên cũng chủ động liên hệ và quyên góp ủng hộ.
Hôm nay tôi rất cảm động, vui mừng thông báo tổng số tiền mà cán bộ, giảng viên và một số cựu sinh viên của trường đã quyên góp được là là 3 tỉ 773 triệu đồng. Trong đó, ngoài một phần sẽ được gửi cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ phòng chống dịch chung với cả nước, một phần sẽ được chuyển vào quỹ Tấm lòng vàng của công đoàn trường. Số tiền 3 tỉ đồng sẽ được sử dụng để trợ giá cho khoảng 3000 sinh viên mua máy tính. Đây là món quà thể hiện tình cảm quý báu và tinh thần cao đẹp của thầy cô, cán bộ viên chức Bách Khoa cho những học trò của mình.
Thay mặt tập thể lãnh đạo trường và các bạn sinh viên, tôi xin trân trọng cảm ơn các thầy cô và cán bộ đã hết lòng vì học trò. Số tiền nhận được này vượt quá dự tính ban đầu vì nhiều thầy cô đã quyên góp nhiều hơn hẳn mức mà lãnh đạo trường kêu gọi và cũng vì một số cựu sinh viên giấu tên đã cùng quyên góp lần này. Tôi được biết rằng hiện nay một số câu lạc bộ trong mạng lưới cựu sinh viên Bách Khoa Hà Nội cũng đang vận động quyên góp cho hoạt động này. Nghĩa cử cao đẹp này thể hiện giá trị truyền thống của người Bách Khoa mà tất cả chúng ta đều rất tự hào.
Chúng ta cũng gửi lời cảm ơn tới các doanh nghiệp, đối tác thân thiết luôn đồng hành với trường trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, trong dịp này đã đưa ra các chương trình cho, tặng, giảm giá máy tính và giảm giá các gói dữ liệu tốc độ cao để hỗ trợ sinh viên Bách Khoa Hà Nội. Ngay trong đợt này, 75 máy tính sẽ được chuyển tặng cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhất.
Với sự chung tay, sẻ chia của toàn thể thầy cô, đồng chí, anh chị em cựu sinh viên và các doanh nghiệp thân thiết, với sự cố gắng, nỗ lực của mỗi sinh viên, chúng ta sẽ cùng vượt qua những khó khăn và chiến thắng đại dịch. Dù bất cứ khó khăn gì, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhất định sẽ không thể để sinh viên thất học và chậm trễ việc làm mai sau, không để thời gian một ngày, một tháng trôi đi lãng phí cho cả người học và xã hội.
Điều quan trọng nhất chúng ta cần làm bây giờ là cùng nhau vượt qua khó khăn để dạy thật tốt, học thật tốt như lời dạy của Bác. Đại dịch sẽ sớm qua đi, cuộc sống thường ngày sẽ trở lại với Hà Nội, với Đại học Bách Khoa Hà Nội của chúng ta. Khuôn viên trường sẽ nhộn nhịp trở lại, các giảng đường, phòng thí nghiệm và thư viện sẽ mở toang cửa, chúng ta sẽ được gặp nhau để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học và sẽ không để sinh viên nào bị bỏ lại phía sau.
Hẹn sớm gặp lại thầy cô và các bạn.”
Bé Táo
"Kỳ nghỉ Tết" dài nhất lịch sử của học sinh, sinh viên Việt Nam: Đây là lúc để chúng ta cùng thay đổi và tiến lên
"Kỳ nghỉ Tết" kéo dài 3 tháng của học sinh Việt Nam kéo theo những thử thách trong việc thay đổi cách dạy và học, để tất cả chúng ta đều có thể nắm tay nhau tiến lên phía trước - giữa bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến thật khó lường.
Chỉ mới cách đây 3 tháng, chúng ta bước vào thập kỉ mới với thế giới đang thay đổi theo một tương lai tươi sáng hơn. Không ai nghĩ đến viễn cảnh cuộc sống bị đảo lộn đến nhường này - ở gần như mọi quốc gia trên thế giới, thậm chí là ở những nước phát triển nhất. Tất cả đều khởi nguồn từ một thứ virus bé nhỏ nhưng ẩn chứa đầy những hiểm hoạ: Corona.
Covid-19 mang đến những thay đổi mang tính bước ngoặt ở mọi lĩnh vực. Giáo dục - cũng không nằm ngoại lệ trong cuộc tàn phá này. Trong suốt khoảng thời gian ngắn ngủi vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự khó khăn chưa từng có trong ngành giáo dục cả thế giới. Ở Việt Nam, đây là câu chuyện chưa từng có tiền lệ. Hàng loạt trường học buộc phải tạm đóng cửa. Liên tục trong nhiều tuần, để đảm bảo sự an toàn của học sinh, các tỉnh/ thành phải đắn đo trong việc lùi lịch trở lại trường lớp. Trong khi đó, học sinh và các thầy cô giáo đã bắt đầu làm quen với những phương pháp dạy và học mới qua màn hình máy tính.
Cuộc sống vẫn cần tiếp diễn, học sinh vẫn cần có kiến thức, và đây là lúc để chúng ta cùng nắm tay nhau vượt qua thử thách này, một cách linh hoạt và nhanh chóng nhất.
Trong gần 2 tháng qua, hàng loạt công văn khẩn được gửi giữa đêm thông báo học sinh, sinh viên nghỉ học. Không ai biết chắc chắn thời điểm an toàn để các trường mở cửa trở lại khi số ca nhiễm ngày một tăng lên. Đại dịch không chỉ khiến biến học kỳ thành một kỳ nghỉ Tết tiếp nối, mà còn khiến chúng ta buộc phải nghiêm túc nghĩ về việc thay đổi kiểu giáo dục truyền thống vẫn gắn bó bấy lâu nay. Việc học dần được số hóa, cách dạy được chẻ ra trên nhiều nền tảng tóm gọn trong hai từ "thích nghi" để vượt qua tâm bão.
Học sinh dần mày mò cách sử dụng các ứng dụng học hành trực tuyến và hiểu được nguyên tắc vận hành của lớp học online. Không ít thầy cô vẫn thường xuyên đến trường hoàn thành việc phun khử khuẩn và thiết kế các bài dạy trực tuyến. Giảng viên ngoài việc nâng cao năng lực chuyên môn, bài giảng thì tập trung vào công việc dang dở, tập trung nghiên cứu khoa học. Dường như ai cũng hiểu thời gian là giới hạn nên cố gắng không để thời gian rảnh trở nên dư thừa và vô nghĩa.
Thầy Phạm Duy Khôi (Giáo viên Ngữ văn, trường Trung học thực hành - Đại học Sư phạm TP.HCM)
Về mặt lý thuyết là vậy, song, thực tiễn lại khó khăn nhiều hơn thế.
Không chỉ học sinh "kêu khóc" mà đến giáo viên cũng cần xã hội chung tay giải cứu. Nhiều thầy cô trường tư, giáo viên hợp đồng ở trường công hay giáo viên Mầm non rơi vào cảnh không lương mùa dịch. Có ai ngờ những giáo viên lương tháng hàng chục triệu đồng, ngày ngày đến trường "mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu" mà giờ đây đành nhìn nhau ái ngại vì không biết thu nhập tháng này có được hưởng không. Nhiều giáo viên đành hủy hợp đồng, xoay xở đủ việc như làm công nhân, thợ may, lau nhà thuê, bóc vỏ tôm... Trường tư không có nguồn thu tài chính từ học phí, giờ đây lại thêm chật vật vì gồng gánh tiền bảo hiểm với chi phí mặt bằng. Lương cho giáo viên không có, dù lạc quan đến mấy thì đội ngũ Ban Giám hiệu cũng không giấu nổi những nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thời gian quay lại trường chưa biết bao giờ nhưng 2 từ "phá sản" đã cận kề ngay trước mắt.
Thế hệ học sinh bây giờ vẫn lớn lên với những lớp học truyền thống, tuổi học trò vẫn xoay quanh chiếc bảng đen - phấn trắng. Biến cố lớn đột nhiên xảy ra khiến cho vai trò độc tôn của việc học truyền thống tưởng chừng không thể nào thay đổi, bỗng chốc trở nên vô giá trị trong thời đại khó khăn này.
Học trực tuyến - vốn được chúng ta trải nghiệm từ lâu, nhưng vốn dĩ chỉ là học thêm chứ không thể thay thế được việc đến trường và tiếp thu kiến thức trực tiếp. Cách dạy quá mới nên nhiều người chưa kịp làm quen. Chưa kể, những vấn đề như mạng nghẽn, tài liệu chưa đa dạng,... cũng là trở ngại lớn với rất nhiều học sinh/ sinh viên.
Nếu bạn hỏi tôi nơi nào an toàn nhất? Nhất định đó là trường học!
Dù biết bao địa phương đã cho học sinh THPT quay trở lại một thời gian nhưng tuyệt nhiên không hề có ca lây nhiễm chéo nào từ học sinh. Từ lúc dịch bắt đầu bùng phát, các tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc phun trùng khử khuẩn trường học, tuyên truyền đến cha mẹ phụ huynh và học sinh, tập huấn giáo viên và đội ngũ cán bộ kĩ năng cần thiết khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu bất thường. Nhiều thầy cô sẵn sàng hi sinh thời gian nghỉ để đến trường trực tiếp dọn dẹp và thiết kế bài giảng.
Ngay khi Bộ GD-ĐT quán triệt việc dạy học online, Sở GD-ĐT các tỉnh đã có công văn hướng dẫn việc dạy trực tuyến, một số nơi còn triển khai dạy học trên truyền hình. Mọi nỗ lực đều chỉ mong không học sinh nào bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc học và tiếp thu kiến thức trong mùa dịch, cũng như giúp học trò cuối cấp an tâm rằng việc thi cử vẫn diễn ra bình thường, sự cạnh tranh công bằng vào các trường đại học top vẫn sẽ được đảm bảo. Chúng ta luôn cần những chính sách cứng rắn, quyết liệt và linh hoạt như thế, để đảm bảo cuộc sống và sự an tâm của học sinh giữa "sóng thần" Covid-19.
Trường học, ký túc xá... vắng bóng sinh viên
Bức tranh mùa dịch có thể không đầy những màu sắc rực rỡ nhưng chắc chắn luôn có những điểm sáng để chúng ta tin tưởng rằng giáo dục luôn công bằng và tình người vẫn luôn ở đó. Trong khi các nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn đang chồng chất, nhiều trường tư bằng mọi giá vẫn nhất quyết trả đủ tiền lương cho giáo viên.
Hiệu trưởng THPT Marie Curie cam kết trả đủ lương trong tháng 2 và tháng 3, không quên nhắn nhủ các thầy cô giáo: "Mọi người hạn chế tiêu xài hạn chế để cầm cự trong lúc khó khăn này". Hội đồng Quản trị trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn vay tiền ngân hàng hoặc vay ngắn hạn phụ huynh trả lương giáo viên nhưng nhất quyết không nhận phí dạy online. Kết quả sau 2 ngày thông báo, trường đã nhận được hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ là đoàn kết bên nhau mùa dịch, họ nhận ra gốc rễ việc duy trì trường học là sự công bằng với giáo viên và chỉ có đối xử tốt với nhà giáo, học sinh mới học được những bài giảng chất lượng nhất.
Suốt nhiều năm nay, chúng ta trung thành với việc dạy và học truyền thống, chưa từng có một kịch bản nào được đặt ra để vận hành trong tình huống "tiến thoái lưỡng nan" như những ngày này. Đại dịch Covid-19 không chỉ là một thử thách ta phải vượt qua, mà còn là thử thách cho chúng ta nhận ra bản chất việc học đang cần được thay đổi. Bởi không chỉ đến khi đất nước đối mặt với đại dịch, chúng ta mới nhận ra sự tiện lợi của việc học online, áp dụng các công nghệ 4.0 vào giáo dục.
"Chúng ta có thể coi đây là một khoảng thời gian tạm nghỉ ngơi, dĩ nhiên không phải ai cũng thích việc nghỉ ngơi nhưng nếu bi quan hay lo lắng thì tình hình cũng chỉ tệ hơn thôi. Blending Learning và Online Learning phổ biến ở các nước phát triển từ khá lâu, nhưng ở Việt Nam vẫn ưa chuộng giáo dục truyền thống. Đây là cơ hội cho các trung tâm, tổ chức, từ nhỏ đến lớn hay cả ngành giáo dục, tận dụng và phát triển nguồn lực để xây dựng và cải thiện chất lượng bài giảng trực tuyến, tạo thêm nguồn bài giảng trực tuyến thu sẵn cũng như giảng dạy trực tiếp qua Internet. Về lâu dài, tạo ra thêm tài nguyên để khai thác kinh doanh cũng như đối phó tốt với tình hình nghỉ học kéo dài.
Bên cạnh đó chúng ta cần linh hoạt trong việc dạy học và thi cử đặc biệt trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Rất nhiều phương án được đề xuất như tiếp tục lùi khung thời gian năm học, chỉ thi một số môn chính, tinh giản kiến thức không cần thiết để học sinh cuối cấp có thêm nhiều thời gian ôn tập... Đặc biệt, chúng ta cần có phương án dự trù cho những tình huống khẩn cấp để đảm bảo học sinh sau khi quay lại trường có thể học tập hiệu quả nhất.
Tháng nghỉ dịch có thể là thời gian nghỉ của người này nhưng lại là thời gian học thêm kỹ năng của người khác. Đặc biệt với học sinh cuối cấp, hãy cố gắng tranh thủ quãng thời gian này thay cho kì hè vì kì thi không chờ một ai, cánh cửa đại học chỉ mở ra cho những con người xứng đáng nhất. Ngay cả khi, Việt Nam và thế giới chiến thắng dịch bệnh - chúng ta cũng không thể biết bao giờ lại đối mặt với một "cơn sóng thần" nữa. Thế giới luôn thay đổi khó lường, và cách tốt nhất là chuẩn bị kỹ càng cho hiện tại, thay đổi và coi đây là cơ hội cho những ai biết tận dụng để không lãng phí thời gian.
Dù virus nào xuất hiện hay biến cố to tát nào xảy ra, tôi mong bạn vẫn bình tĩnh sống. Covid-19 chỉ là phép thử với mỗi chúng ta và trên đường đời chúng ta sẽ gặp nhiều phép thử khác nữa. Không ai biết trước tương lai sẽ thế nào nhưng có một điều chắc chắn, chúng ta là sản phẩm được dựng hình từ hiện tại. Thế hệ chúng ta phải là những con người sẵn sàng đối diện và thay đổi. Ai cũng có 24 tiếng như nhau nhưng việc quyết định thay đổi lại bản thân hay đợi con virus "tấn công" lại là sự lựa chọn của mỗi người.
Bài viết: Vân Trang; Thiết kế: Jordy
Cập nhật: Đã có 25 trường Đại học cho sinh viên nghỉ học đến đầu tháng 3/2020 phòng dịch Corona Ngày 21/2, có thêm 2 trường đại học ở Hà Nội là Đại học Bách Khoa và Đại học Thủy Lợi quyết định cho sinh viên nghỉ đến hết tháng 2, nâng tổng số lên 25 trường. Mới đây, ngày 21/2, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết trường sẵn sàng đón sinh viên trở lại. Tuy...