Bài học về xử lý tình huống sư phạm
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại cảnh nữ sinh văng tục thách thức thầy giáo ngay ở lớp.
Xử lý tình huống khéo léo trong sư phạm là cách giáo dục tốt nhất cho học sinh. Ảnh minh họa
Bên cạnh việc lên án hành vi lệch chuẩn của học sinh, các chuyên gia cho rằng, giáo viên cũng cần có kỹ năng xử lý trước những tình huống sư phạm ngoài giáo án.
Lệch chuẩn
Thầy Hà Văn Thọ – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) – xác nhận sự việc trên được cho là xảy ra tại trường mình. Nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp với gia đình để nắm tình hình, động viên học sinh tiếp tục đi học. “Chúng tôi sẽ trực tiếp làm việc với phụ huynh để có hướng xử lý phù hợp” – thầy Hà Văn Thọ nói.
Sau sự việc trên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã có tâm thư với lời tựa: “Hãy tin tưởng chúng tôi”. Trong thư, thầy Thọ viết, Hội đồng nhà trường, cùng gia đình đang tìm hiểu sự việc, cùng nhau tìm cách giáo dục, uốn nắn học sinh để các em nhận thấy cái sai, cái thiếu chuẩn mực mà sửa đổi.
Nữ sinh văng tục với thầy giáo. Ảnh: Cắt từ clip/Internet
Video đang HOT
“Trong lúc này đây, chúng tôi mong muốn mọi người đồng hành và chia sẻ để cùng nhà trường giáo dục những học sinh chưa ngoan để các em tốt hơn khi rời khỏi ghế nhà trường. Chúng tôi đang tìm cách tốt nhất để dạy dỗ. Chúng tôi tin tưởng, bằng sự quan tâm và cảm thông sâu sắc, bằng tình cảm yêu thương chân thành của người thầy đối với học sinh sẽ uốn nắn được các em đi đúng con đường. Các em sẽ nhận thấy được cái sai của mình để sửa đổi, nhất định các em sẽ có những ký ức đẹp đẽ trong cách giáo dục của chúng ta” – thầy Thọ viết.
Trước sự việc này, ông Võ Hoàn Hải – Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa – cho hay, quan điểm của ngành Giáo dục là xử lý nghiêm, tuy nhiên cũng cần hài hòa, không nên vì một lỗi lầm mà hủy hoại tương lai của trò, thầy giáo trong clip. Đây là sự việc đáng tiếc, không nên có và cần có biện pháp xử lý phù hợp chứ không trù dập nữ sinh. Ông Hải mong muốn dư luận chia sẻ để nữ sinh này có cơ hội sửa chữa cái sai của mình và tiếp tục tới trường.
Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Ảnh: Facebook nhà trường
Tránh tình huống “leo thang cảm xúc”
Cho rằng, đây là tình huống sư phạm ngoài giáo án, TS Hoàng Trung Học – Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục – nhấn mạnh, chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo trước tình huống này. Trước hết, hành vi lệch chuẩn của học sinh cho thấy, trong nền giáo dục dân chủ, khai phóng nếu không triển khai phù hợp, không thông tin đầy đủ sẽ làm cho học trò hiểu chưa đúng.
Các em có thể nghĩ rằng, mình được tôn trọng, được bảo vệ, được thụ hưởng các dịch vụ học đường mà quên mất trách nhiệm, nghĩa vụ hợp tác và thái độ tôn trọng đối với người khác, đặc biệt là nhà giáo – người đang hàng ngày dạy dỗ mình.
Trong ứng xử sư phạm, người thầy dường như đang “chới với” giữa cách giáo dục cũ. Thầy giáo cũng chưa hiểu đúng, chưa áp dụng đúng cách giáo dục mới dẫn đến không đủ quyết liệt, “mất uy” trong giáo dục học trò.
Theo TS Hoàng Trung Học, thầy giáo cần lưu ý trong các tác động sư phạm cần tránh những đụng chạm cơ thể, đặc biệt với học sinh khác giới. Đặc biệt, cần kiểm soát hành vi và cảm xúc, tránh tình huống “leo thang cảm xúc” ở cả thầy và trò, gây ra những tổn thương cho cả hai bên.
TS Trịnh Thị Xim – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương – cho rằng, giáo viên phải được trang bị kỹ năng xử lý tình huống. Khi đứng trên bục giảng, có thể có vô vàn tình huống “éo le”, thậm chí là “dở khóc, dở cười” nhưng giáo viên phải biết quản trị cảm xúc. “Trong nhiều trường hợp, giáo viên phải lắng nghe học sinh nói, không áp đặt, giáo điều… Hãy là bạn của học trò để đồng hành cùng các em”
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, kỹ năng không tự nhiên mà có. Vì thế, giáo viên phải rèn luyện thường xuyên, liên tục thông qua quan sát, qua việc làm và độ “nhạy”, tinh tế của người thầy. Ngoài ra, giáo viên cần tự tìm tài liệu để tự học, tự trang bị cho mình năng lực sư phạm để có những ứng xử chuẩn mực, phù hợp trước mọi tình huống.
Ở góc độ học sinh, TS Trịnh Thị Xim nhìn nhận, giáo dục từ gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách. Trước hết, cha mẹ phải là tấm gương, hình mẫu để các con học tập, noi theo và dạy các con từ “lời ăn, tiếng nói”. “Tôi vẫn nhấn mạnh, giáo dục đạo đức, nhân cách của học sinh phải được quan tâm, chú trọng ngay từ bậc mầm non. Cây non dễ uốn, cho nên cha mẹ cần hiểu điều này để đầu tư cho các con trong 6 năm đầu đời. Khi trưởng thành, các em sẽ là cây xanh vững vàng trước mọi bão tố” – TS Trịnh Thị Xim nhấn mạnh.
Trong mối quan hệ “kiềng 3 chân”: Nhà trường, gia đình và xã hội, TS Trịnh Thị Xim đặc biệt lưu tâm đến “mắt xích” gia đình. Sự chuẩn mực từ cha mẹ sẽ giúp các con trưởng thành và hoàn thiện về phẩm chất, đạo đức. Hơn bao giờ hết, gia đình hãy chia sẻ và đồng hành với nhà trường trong giáo dục con cái; tuyệt đối không đẩy hết trách nhiệm cho thầy, cô giáo và nhà trường.
Quảng Ngãi: Kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm học, xử lý trường hợp thu sai quy định
Nhằm giảm bớt khó khăn cho người học, cha mẹ người học, các cơ sở giáo dục không được gộp các khoản thu và đóng góp vào đầu năm học.
Đây là nội dung trong văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu tại các cơ sở giáo dục công lập trong tỉnh Quảng Ngãi năm học 2022-2023 của Sở GD-ĐT.
Về học phí, tạm thời chưa thu học phí năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Khi có quy định mức thu cụ thể của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT sẽ có hướng dẫn mức thu học phí cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Các khoản đóng góp tự nguyện, gồm thực hiện tiếp nhận tài trợ, viện trợ, bảo hiểm thân thể, các khoản thu của tổ chức đoàn thể trong nhà trường về tài chính thực hiện theo điều lệ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh.
Trường Tiểu học Quảng Phú 2, TP Quảng Ngãi, thu các khoản thu sai quy định khiến phụ huynh bức xúc
Đối với quỹ hội cha mẹ học sinh, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác.
Văn bản nêu rõ, tuyệt đối cấm lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Các khoản thu thỏa thuận gồm nhà trường thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi dạy, phục vụ học sinh gồm tiền phục vụ bán trú, tiền nước uống, phù hiệu, bảng tên, logo, ghế ngồi (học sinh đầu cấp), giấy thi, giấy pháp (phục vụ kiểm tra theo đề chung nếu có).
Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm tại các cơ sở giáo dục kịp thời xử lý sai phạm nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu các khoản trái quy định. Có hình thức xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với Hiệu trưởng, các cá nhân liên quan ở những cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện thu, chi không đúng quy định...
Sở GD-ĐT tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm, kịp thời xử lý sai phạm, có hình thức xử lý nghiêm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đối với cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi không đúng quy định.
Khuôn viên Trường Tiểu học Quảng Phú 2, TP Quảng Ngãi
Liên quan đến vấn đề lạm thu đầu năm, Đoàn kiểm tra của Phòng GD-ĐT TP Quảng Ngãi kiểm tra tại Trường Tiểu học Quảng Phú 2, xác định một số khoản thu không đúng quy định như thu 80.000 đồng/học sinh tiền xã hội hóa, 100.000 đồng/học sinh/tháng tiền học 2 buổi/ngày, 180.000 đồng tiền vệ sinh lớp học...
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Quảng Ngãi khẳng định, việc Trường Tiểu học Quảng Phú 2 thu tiền xã hội hóa, tiền phục vụ việc dạy tăng tiết 2 buổi/ngày, tiền vệ sinh lớp là sai quy định, buộc phải xuất toán trả lại cho phụ huynh nếu đã thu rồi. Phòng GD-ĐT sẽ tiếp tục kiểm tra tình hình thu chi đầu năm tại các trường trên địa bàn thành phố.
Trường ĐH Sư phạm HN 2 tập huấn Trưởng, Phó đoàn, SV thực tập năm học 2022-2023 Chương trình tập huấn cho Trưởng, Phó đoàn và sinh viên Khóa 46 thực tập sư phạm được tổ chức trước khi sinh viên chính thức tham gia thực tập sư phạm. Ngày 01/10/2022, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức khai mạc chương trình tập huấn cho Trưởng, Phó đoàn và sinh viên Khóa 46 thực tập sư phạm...