Bài học về sự tự tin
Nếu không tự tin đối đầu với thử thách thì chúng ta chẳng biết khả năng của mình đến đâu và cũng khó vươn tới đỉnh điểm của thành công.
Hôm ấy là ngày đầu tiên tôi học môn Toán với thầy Peter. Vừa vào lớp, thầy cho cả lớp làm bài kiểm tra đầu năm.
Cả lớp ngạc nhiên khi thầy phát cho chúng tôi ba loại đề khác nhau rồi nói:
- Đề thứ nhất gồm những câu hỏi vừa dễ và khó, nếu làm hết các em sẽ được 10 điểm. Đề thứ hai có số điểm cao nhất là 8 với những câu hỏi tương đối dễ. Đề thứ 3 có số điểm tối đa là 6 với những câu hỏi rất dễ. Các em được quyền chọn đề cho mình.
Thầy chỉ cho làm bài trong 15 phút nên tôi đã chọn đề thứ 2 cho chắc ăn.
Video đang HOT
Không chỉ tôi mà các bạn cùng lớp cũng thế, chẳng có ai chọn đề thứ nhất cả.
Một tuần sau, thầy Peter phát bài kiểm tra ra. Cả lớp lại càng ngạc nhiên hơn khi biết ai chọn đề nào thì được tổng số điểm của đề đó, bất kể làm đúng hay sai. Lớp trưởng hỏi thầy:
- Thưa thầy tại sao lại như thế?
Thầy cười rồi nghiêm nghị trả lời:
- Với bài kiểm tra này, thầy chỉ muốn thử thách sự tự tin của lớp mình. Ai trong số các em cũng mơ ước đạt được điểm 10 nhưng ít ai dám vượt qua thử thách để biến ước mơ ấy thành sự thật.
Bài kiểm tra kỳ lạ ấy của thầy Peter đã dạy chúng tôi một bài học: “Có những việc thoạt nhìn tưởng như rất khó khăn nên dễ làm cho chúng ta rút lui ngay từ phút đầu tiên. Nhưng nếu không tự tin đối đầu với thử thách thì chúng ta chẳng biết khả năng của mình đến đâu và cũng khó vươn tới đỉnh điểm của thành công.”
Điểm số mà mỗi chúng ta đạt được trong cuộc đời không phải được quyết định bởi chúng ta trả lời đúng hay sai bao nhiêu câu hỏi mà nó được quyết định bởi ta đã dám lựa chọn điểm số nào cho cuộc đời mình.
Theo Guu
Lựa chọn và quyết định
Nếu tôi không biết tự quyết định cho mình, thì rất có thể người khác sẽ phải đưa ra quyết định cho tôi. Và lại rất có thể quyết định của họ chẳng phù hợp với tôi một chút nào.
Joseph Henry là một nhà khoa học Mỹ, ông là Chủ tịch đầu tiên của tổ chức danh giá Smithsonian (Học viện nghiên cứu và giáo dục kết hợp với khu liên hợp bảo tàng cấp quốc gia). Trong cuộc đời mình, ông được coi là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của nước Mỹ, nổi tiếng vì sự tài năng và tính kiên quyết. Tuy nhiên, ông cũng từng kể một câu chuyện khá kỳ khôi về thời thơ ấu của mình.
Hồi nhỏ, cậu bé Joseph sống với bà, và có lần, bà của cậu trả tiền trước cho một người thợ đóng giày để ông ta làm cho Joseph một đôi giày mới.
Ông thợ đóng giày đo chân cho Joseph và nói với cậu rằng cậu có thể chọn một trong hai kiểu: giày mũi tròn và giày mũi vuông. Cậu bé Joseph không thể quyết định được. Bởi vì đối với một gia đình như nhà Joseph, thì lâu lắm mới có thể có một đôi giày mới - và chắc chắn đó sẽ là đôi giày duy nhất của cậu trong một thời gian dài trước mắt. Tức là, đây sẽ là một quyết định thật lớn lao!
Thấy Joseph còn lúng túng, ông thợ đóng giày bảo cậu bé cứ về suy nghĩ vài ngày rồi quyết định cũng được. Thế là ngày qua ngày, hôm nào Joseph cũng tới cửa hàng, có khi một ngày còn tới 3-4 lần! Lần nào Joseph cũng xem xét tất cả các đôi giày của ông thợ kia đóng ra để cố gắng chọn ra mẫu giày cho mình. Giày mũi tròn có vẻ thực tế và thuận tiện hơn, nhưng giày mũi vuông thì trông rõ ràng là người lớn và hợp thời hơn. Joseph lại tiếp tục lần lữa. Cậu cũng muốn quyết định thật nhanh để có giày đi, nhưng cậu cũng muốn mình phải chọn được mẫu giày mà chắc chắn sau đó không phải hối tiếc. Thế là Joseph vẫn không thể quyết định được.
Cuối cùng, ông thợ đóng giày đã quá sốt ruột nên bảo Joseph phải nghĩ nhanh lên. Nhưng Joseph vẫn như vậy: hôm nào cũng đến tiệm giày và hôm nào cũng ra về trong khi chẳng được ra được câu trả lời nào dứt khoát. Thế rồi một hôm, khi Joseph tới tới cửa hàng giày thì ông thợ đóng giày đưa cho cậu một chiếc hộp được gói kỹ bằng giấy nâu. Chính là đôi giày mới của cậu! Joseph sung sướng chạy như bay về nhà, vội vã xé lớp giấy bọc ra và thấy một đôi giày da mới tinh, bóng loáng, đẹp tuyệt. Chỉ có điều: một chiếc có mũi tròn và một chiếc là mũi vuông!
Joseph Henry kết luận: "Đó là bài học để đời của tôi về sự chọn lựa và quyết định. Nếu tôi không biết tự quyết định cho mình, thì rất có thể người khác sẽ phải đưa ra quyết định cho tôi. Và lại rất có thể quyết định của họ chẳng phù hợp với tôi một chút nào. Cho nên tốt nhất là tôi tự đưa ra quyết định của mình ngay từ đầu.
Và nếu tôi lựa chọn sai từ lần này sang lần khác, cũng không sao cả. ít nhất tôi cũng sẽ không phải đi đôi giày một bên mũi tròn và một bên mũi vuông. Ngoài ra, cho dù tôi có sai thì có thể đó chính là kinh nghiệm để lần sau tôi lựa chọn tốt hơn kia mà".
Theo Guu