Bài học theo năm tháng của sách Đạo Đức 1 ngày xưa
Hơn 15 năm trôi qua kể từ khi bộ sách giáo khoa cũ được cải cách, đối với một thế hệ học sinh Việt Nam, cuốn sách Đạo Đức 1 cũ luôn gợi nhiều kỷ niệm khó quên.
Thu Trang (sinh năm 1987, Hà Nội) kể, hồi nhỏ, truyện tranh là thứ quý hiếm. Chỉ có quyển Đạo Đức được “hợp thức hóa” nhất.
“Ngày xưa, mình học thuộc lòng từng câu trong cuốn Đạo Đức. Câu thơ ‘Trống trường đã điểm. Này các bạn ơi! Đừng bước thảnh thơi. Nhanh chân vào lớp’ ai cũng biết”, Trang tâm sự.
Sách cũ – bài học không cũ
Thu Trang bảo trang sách em bé đi học, giơ tay chào chú gà trống, kính cẩn nghiêm trang khi chào cờ, cùng học cùng chơi… là những hình ảnh ai cũng nhớ.
Bài học “Gà trống dậy sớm. Mèo lười ngủ trưa. Còn em đi học. Đi cho đúng giờ” đã trở thành miền ký ức hồn nhiên thật đẹp của trẻ em Việt Nam thời kỳ sau năm 1975, trước năm 2000.
Bạn đọc Ha Hoai Phuong viết: “Nhìn lại hình ảnh này, chắc chắn học trò 8X và 9X đời đầu sẽ không thể quên thời học sinh đầy ‘dữ dội’ của mình. Những chú cò lặn lội bờ sông, anh bạn cặp sách òa khóc vì vất vả, bà nội nằm ngủ trên chiếc chõng tre, bác Gấu thưởng mật ong cho Thỏ con lễ phép… ai cho tôi một vé đi tuổi thơ”.
Các bài học giản đơn trong cuốn sách Đạo đức lớp 1, lại trở nên khó thực hiện trong thời buổi bận rộn ngày nay.
Video đang HOT
“Mấy ai bây giờ làm đúng ‘Đi xin phép, về chào hỏi’, ‘Lễ phép chào hỏi người lớn’, ‘Biết cảm ơn, biết xin lỗi’. Chính mình đôi khi còn vi phạm những điều tưởng như dễ dàng trong cuốn Đạo Đức 1″, anh Hoàng Việt ngậm ngùi.
Những bài học không bao giờ quên của thệ hệ 8X, đầu 9X. Ảnh: FB.
Người thầy đầu tiên
Những năm khó khăn ngày xưa, học sinh cấp 1 thường ăn bán trú tại trường. Một ngày có 24 tiếng, thì 11 giờ ở lớp học. “Ngày đó, một lớp có 2 cô giáo. Một cô dạy văn hóa, một cô chăm lo việc ăn, ngủ”, Nguyễn Quang Huy (sinh năm 1988) kể.
“Mỗi ngày vào 15 phút đầu giờ, cả lớp cùng nhau ê a: ‘Nam được cô giáo dạy bảo nhiều điều. Vâng lời cô, Nam đã có ngay góc học tập. Đến giờ học, không cần ai nhắc nhở, Nam tự động ngồi vào bàn. Bố mẹ khen ngợi Nam. Cô giáo khen ngợi Nam”.
Đã rời ghế nhà trường 10 năm, nhưng anh Quang Huy vẫn đọc được từng câu của bài “Vâng lời thầy giáo, cô giáo”. Anh chia sẻ, những bài học Đạo Đức ngày xưa giản dị, ngắn gọn, nội dung cô đọng.
“Sở dĩ nhớ những bài học như vậy vì môn Đạo đức có thể vừa học vừa chơi, không giảng giải những điều to tát, chỉ dùng lời văn và câu thơ giản dị để dạy bảo học sinh”, Quang Huy nói.
Người cô giáo trong ký ức mỗi học sinh. Ảnh: FB.
Đối với mỗi học sinh, cô giáo lớp 1 bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Thanh Hương (sinh năm 1983) nhớ lại, người cô đầu tiên của chị đúng y như cuốn sách Đạo Đức tả.
“Cô để tóc ngang vai, hay mặc áo dài hoa, quần trắng, đi guốc bệt 3 phân. Bức tranh ‘Cô giáo căn dặn: Phải lắng nghe cô giảng để học cho tốt’ làm mình nhớ đến người thầy đầu tiên của cuộc đời”.
Đối với mỗi người, có những bài học từ ngày thơ ấu, khi lớn lên sẽ cất sâu vào trong miền ký ức, chỉ để nâng niu và trân trọng.
Những bài học theo năm tháng
Có những bài học trong cuốn sách Đạo Đức 1 đã xa, nhưng vẫn được nhớ đến tận bây giờ. Sinh năm 1991, tốt nghiệp trung học 7-8 năm, những Trần Quỳnh Trang vẫn nhớ bài “Đi bộ trên vỉa hè, tránh nhau phía tay phải”.
“Giao thông ngày đó không phức tạp như bây giờ, cũng có thể vì thế, bài học về an toàn giao thông đơn giản và ngắn gọn hơn. Bây giờ mình vẫn nhớ hình ảnh bài học ‘Đi bộ trên vỉa hè. Tránh nhau phía tay phải. Quan sát kỹ khi qua đường’ của sách Đạo Đức 1″.
Quỳnh Trang nhận xét, những bài học được đơn giản hóa, khiến học sinh tiếp nhận thật nhẹ nhàng, những mang ấn tượng sâu sắc đến mãi sau này.
Bài học Thỏ và Rùa đầy ý nghĩa. Ảnh: FB.
Câu truyện ngụ ngôn Thỏ và Rùa có lẽ được cả thế hệ học sinh những năm 80-90 thuộc lòng. Câu chuyện kể về chú Thỏ vì chủ quan, ham chơi, mà thua chú Rùa vốn chậm chạp nhưng chăm chỉ, cần cù.
Bạn đọc Tien Minh Nguyen bình luận: “Đây có lẽ là bài học dành cho cả người lớn: Thành công sẽ đến với những ai chăm chỉ làm việc. Bất chợt đọc lại được bài Thỏ và Rùa, thấy thật xúc động. Xin cảm ơn người đã chia sẻ bộ ảnh đầy ý nghĩa này”.
Ai đó nói rằng, thời gian và hoài niệm tỷ lệ thuận với nhau. Thời gian trôi nhanh, sự hoài niệm càng đong đầy. Có những bài học được dạy vào thời thơ ấu nhưng sẽ theo ta đến suốt cuộc đời. Còn nhiều lắm những kỷ vật của tuổi thơ đã trôi xa nhưng vẫn để lại bao thương nhớ về một thời hồn nhiên, trong trẻo.
Theo Zing