Bài học ngoài giáo án
Lớp 9C niên học 1969-1970 của trường cấp 3 (THPT) Phù Ninh năm ấy, tôi, cậu Hoàng, cậu Dung là ba tên chuyên đầu trò nghịch ngợm nhất. Bọn tôi nghĩ ra đủ các trò chọc phá mọi người, nhất là với các bạn nữ. Cả các thầy cô giáo dạy bộ môn cũng không thoát khỏi trò đó.
Tất nhiên với các thầy cô thì khác, bọn tôi chỉ dám đặt biệt danh cho các thầy cô và nói sau lưng. Ví dụ, cô Lượng dạy văn có biệt danh cô “điệu” thầy Oánh dạy lý thì gọi là ông “đại hàn”, thầy Hải dạy sinh vật thì gọi là ông “Li-pít”. So với thầy Oánh thường ném phấn vào trán mấy đứa hay nói chuyện riêng, thầy Hải rất hiền, thương học sinh và quan trọng nhất là thầy giảng bài rất hay. Môn sinh nhạt phèo mà cứ đến giờ thầy Hải là bọn tôi há hốc mồm ra nghe.
Không hiểu tại tướng tá thầy Hải “nông dân” quá hay tại thầy hiền lành không nặng lời với trò bao giờ, mà nhóm ba tên bọn tôi đặt biệt danh cho thầy là “li-pít”. Cứ thấy bóng thầy thấp thoáng đằng xa là một trong ba thằng bọn tôi lại kêu lên: “Li-pít tới rồi!”. Lần ấy, vừa qua giờ văn, nghỉ mười phút thì tới giờ sinh. Vừa thấy thầy Hải ôm chồng vở sắp vào lớp, cậu Hoàng to mồm nhất la lên. “Cô điệu vừa đi, Li -pít lại tới”. Nó còn nhai nhải những hai ba lần.
Video đang HOT
Hình như thầy Hải chợt dừng lại trước cửa lớp, lắng nghe, im lặng một lúc rồi mới bước vào. Bọn tôi lo lắng đã đành, trên mặt cô bạn lớp trưởng đầy vẻ lo sợ, hoang mang. Trò nghịch ngợm hỗn láo của ba tên bọn tôi chắc chắn sẽ đến tai thầy chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng. Ba tên nhìn nhau, hoang mang, hối hận. Tôi cấu vào tay cậu Hoàng: “ Sao to mồm thế? Đầu tuần chuẩn bị mà đứng dưới cờ”. Cả lớp đứng dậy chào thầy, 42 cặp mắt nhìn chăm chú nét mặt thầy Hải. Thầy vẫn cười tươi, đặt chồng vở và giáo án lên bàn, gọi lớp trưởng trả vở kiểm tra cho các bạn. Nhìn thầy bình thản ngồi giở giáo án, ngón tay gõ nhè nhẹ lên trang giấy, tôi thở phào. Thoát rồi, chắc thầy không nghe tiếng.
Thầy Hải bước xuống lớp, đi dọc hai dãy bàn, dừng lại trước bàn tôi và cậu Hoàng. Thầy nhìn chúng tôi thân thiện, rồi chỉ tay vào Hoàng. “Mời em Hoàng đứng dậy!”. Cậu Hoàng tái mặt, run run vịn bàn đứng lên.
Thầy quay lên bục giảng, nhìn bao quát cả lớp. “Trước khi vào bài mới, thầy muốn kể cho cả lớp nghe chuyện này. Hôm qua trên đường từ trường về nhà, qua khúc đường vắng, thầy bị một chú bé chăn bò bốc đất ném vào xe đạp. Thầy dừng lại, thấy cậu bé trông cũng khôi ngô, hỏi tại sao ném đất đá vào người đi đường? Nó cười và trả lời rất hỗn. Lúc đầu thầy rất ngạc nhiên, bây giờ mà vẫn còn những thiếu niên như thế sao. Thầy mới hỏi cậu bé. “Em có đi học không?”. Nó trả lời cộc lốc: “Không!”. Ồ, trẻ em bằng này tuổi không được đi học chắc hoàn cảnh gia đình sao đây? Thầy lại hỏi: “Thế em còn bố mẹ không?”. “Không!”. Nó nói xong, tự nhiên thầy không còn ngạc nhiên về hành động của cậu bé nữa. Hôm nay, vừa tới cửa lớp, thầy nghe tiếng có ai đó gọi thầy là “li-pít”, gọi cô Lượng là “cô điệu”. Chắc là ai đó vui miệng thôi, nhưng với thầy cô thì không được. Lúc đầu, thầy cũng rất ngạc nhiên… Các em được đi học, được gia đình và nhà trường dạy dỗ đến nơi đến chốn. Không phải học văn hóa, mà phải học cả cách làm người. Mai này khôn lớn, đi ra xã hội, mỗi khi tiếp xúc với ai, nói điều gì, các em cần cẩn trọng, suy nghĩ. Đừng để người mới gặp ngạc nhiên về mình, rồi sau họ lại không còn ngạc nhiên nữa, như câu chuyện của thầy vừa kể trên. Mời em Hoàng ngồi xuống. Chúng ta học bài mới”.
Khỏi phải nói hôm đó chúng tôi xấu hổ, nhục nhã đến thế nào, còn trong lòng thì vô cùng biết ơn, thán phục cách dạy học trò của thầy Hải. Tất nhiên sau này, trò nghịch ngợm của chúng tôi chấm dứt. Mấy chục năm trôi qua, tôi từng trải qua nhiều công việc, tiếp xúc với rất nhiều loại người, nhưng mỗi lần định mở miệng cất lên một câu nói đùa, tôi lại giật mình nhớ tới lời thầy Hải.
Theo người lao động
Miếng vá
Trong hành trang cuộc đời chúng tôi mang theo hôm nay luôn có bóng dáng một người thầy với bài học thuở nào. Đó là kỷ niệm năm chúng tôi học lớp 10A2 (niên khóa 2002-2005) Trường THPT Số II Quảng Trạch (Quảng Bình) với thầy Nguyễn Minh Hóa, hiện đang công tác tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Lệ Thủy, Quảng Bình).
Hôm đó, thầy bước vào lớp với tâm thế của một giáo viên mới ra trường đứng lớp tiết đầu tiên. Sau màn "khởi động" với lớp, thầy nói: "Sau giảng đường đại học nhiều mộng mơ chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm, mong các em phát hiện giùm tôi những chỗ sai sót để chúng ta cùng tiến lên mỗi ngày". Hơn bốn mươi gương mặt non choẹt chúng tôi đón nhận lời thầy bằng cử chỉ bưng miệng cười, những tiếng cười mà sau khi thầy vào lớp đã có và chính bản thân thầy cũng không hiểu vì sao. Thầy bắt đầu giảng bài. Thế nhưng, càng nói to chừng nào, càng diễn giải về những kiến thức của môn học bao nhiêu thì những gì mà thầy nhận lại được lúc đó chỉ là những tiếng cười.
Ảnh chỉ có tính minh họa (Từ Internet)
Thầy bèn gọi Liêm, lớp trưởng, để hỏi vì sao. Liêm gãi đầu, loay hoay không biết nói sao, càng mắc cỡ bao nhiêu thì khuôn mặt của bạn ấy ửng đỏ lên để cuối cùng chợt vỡ ra mấy tiếng: "Dạ, là tại miếng vá ở đầu gối nơi cái quần thầy đang mặc ạ!" Thầy giáo nhìn xuống ống quần bên trái, một miếng vá rất khéo chừng hơn một centimet rồi nở một nụ cười thân thiện. Giọng thầy ân cần: "Thầy tưởng chuyên môn nghiệp vụ của thầy có vấn đề, còn miếng vá này thì thầy đã vá cách đây mấy tháng khi còn trong giảng đường đại học. Thầy nghĩ rằng vì gián cắn một lỗ nhỏ như thế mà vứt đi chiếc quần mới may hoàn toàn ưng ý là điều không nên".
Khác hẳn với lúc thầy và trò mới gặp gỡ, giờ đây là một không gian im ắng của lớp học. Thầy tiếp tục bảo ban: "Cũng như các em, gia đình thầy sống ở nông thôn, với cảnh bố ì ạch đẩy chiếc xe bò chất đầy thóc khi ngày mùa tới, liêu xiêu lưng còng dáng mẹ hằng ngày trên những ruộng vườn xanh tươi. Rồi mai này, các em xa gia đình, tới các thành phố để học tập, các em mới hiểu hết sự vất vả chạy vạy của bố mẹ với ước mơ cho con cái ăn học thành tài. Rồi các em sẽ hiểu vì sao thầy lại không bỏ đi những thứ mà theo các em là không hợp, là lỗi thời và quê mùa. Đơn giản là thầy không muốn làm người vô ơn, vứt bỏ đi công sức của bậc sinh thành khi thầy đang còn sống nhờ vào bố mẹ". Rồi giờ học lại tiếp tục trong sự ngơ ngác, vòng vo những suy tư trong đầu chúng tôi xung quanh lời giải đáp của thầy về miếng vá.
Cũng từ khoảnh khắc tuổi học trò đó mà mỗi ngày trôi qua, chúng tôi càng thấm thía hơn kỷ niệm giữa thầy và trò năm nào. Không hẳn là một dấu ấn khó phai, đó còn là một bài học.
Theo người lao động
Chương trình lạ: Trò dạy lại thầy Nếu ngày thường, Ms. O'Bryant, giáo viên môn nghiên cứu xã hội phải đứng lớp giảng bài thì hôm nay, cô lại đóng vai trò là học sinh của "giáo viên" Kare Spencer, 14 tuổi. Khi vai trò được hoán đổi, cô Ms. O'Bryant và các giáo viên khác của viện Brick Avon Academy sẽ lắng nghe các ý kiến, gợi ý của...