Bài học cuộc sống đắt giá từ “ngôi sao” Lê Công Vinh
Trong bóng đá, không hiếm những trường hợp các cầu thủ mất bình tĩnh dẫn đến những hành động bốc đồng, thiếu kiềm chế. Điều đáng nói là sau những tình huống sân cỏ (và những án phạt), cầu thủ sẽ rút ra bài học gì để hoàn thiện mình, để vẫn nhận được sự thông cảm và yêu mến của khán giả. Và không chỉ trên sân cỏ, trong cuộc sống cũng chứa đựng nhiều bài học khiến bạn phải suy ngẫm thật kĩ trước khi đưa ra những quyết định quá muộn màng.
Công Vinh đã làm sai… (Ảnh: VSI)
Lê Công Vinh là ngôi sao bóng đá hàng đầu Việt Nam hiện nay, vì tài năng và những cống hiến của anh dành cho đội tuyển Quốc Gia. Anh là người hùng khi mang tặng nước nhà chiếc cúp Vàng AFF 2008, bằng cú đánh đầu ngược ghi bàn tuyển Thái. Thời gian Vinh thi đấu ở Bồ Đào Nha, người hâm mộ vẫn dõi theo và ủng hộ anh. Càng yêu mến, giới yêu thể thao lại càng thất vọng trước hành vi vái lạy trọng tài của Vinh trong trận gặp Đồng Tháp. Dù sau đó, anh đã chủ động xin lỗi khán giả và trọng tài Vũ Bảo Linh. Hành động của Công Vinh không thể quay trở lại được, các án phạt cũng đã ban ra, cách giải quyết của anh cũng là chuyện riêng của cầu thủ xứ Nghệ này. Nhưng điều quan trọng hơn cả, chúng ta có học được gì từ hành động đang gây xôn xao dư luận trong thời gian qua?
Video đang HOT
Nhưng liệu anh có cảm thấy hối lỗi? (Ảnh: VSI)
Năm 2006, trong trận Chung Kết World Cup với Ý, huyền thoại Zinedine Zidane của tuyển Pháp cũng đã có cú “húc đầu” để đời với hậu vệ đối phương. Một chiếc thẻ đỏ và tuột mất cúp vàng, một kết thúc buồn cho các chàng trai Gô Loa. Chẳng phải nói đâu xa, ngay tại V-League mùa giải trước, cầu thủ Hoàng Danh Ngọc của Nam Định cũng đã phải chịu án phạt nặng khi chĩa “ngón tay thối” về phía CĐV đội bạn.
Zidane và cú “húc đầu” lịch sử
Nhưng anh vẫn được tôn vinh
Trong mỗi chúng ta, ai ai cũng có những hành động sai lầm trong cuộc sống, nhưng chắc chắn rằng mọi người sẽ không nhìn vào sai lầm cũ của bạn nếu biết cách sửa chữa sao cho hợp tình hợp lý.
Người ta sẽ thông cảm cho Zidane, vì sự điềm tĩnh và hối lỗi của anh. Và bây giờ, những người yêu mến bóng đá vẫn tôn vinh Zidane như một hình ảnh vĩ đại trong thể thao. Người ta cũng không nhắc nhiều đến Danh Ngọc, vì anh vẫn còn là một cầu thủ trẻ và thiếu kinh nghiệm.
Danh Ngọc bình tĩnh chấp nhận án phạt.
Anh đã “ghi điểm” trong lòng người hâm mộ (Ảnh Bóng đá)
Nhưng với Công Vinh thì khác, một cầu thủ trải qua biết bao trận chiến, thất bại có, vinh quang có. Nhưng chỉ vì không đồng tình với án phạt, Rồi anh giãy nảy đòi giải nghệ. “Tôi còn nguyên nhiệt huyết thi đấu nhưng e rằng không thể vượt qua nếu bị treo giò 6 trận”. Nếu có “nhiệt huyết”, Vinh sẽ chẳng nói như thế. Cách hành xử của anh liệu có xứng đáng với những gì mà mọi người nghĩ về anh?
Với người trẻ, nhất là người trẻ thành công, việc giữ được thái độ đúng đắn trong hành xử luôn là bài toán khó. Nhưng không thể chỉ vì chính những điều sai trái do chính mình tự tạo ra để rồi đánh mất đi tình cảm của những người xung quanh. Là một người trẻ, thiết nghĩ họ còn có những suy nghĩ nông nổi và hành động bộc phát, nhưng liệu cách giải quyết quá đề cao cái tôi có thể tốt hơn việc đưa ra suy nghĩ chín chắn và thành thật nhận lỗi hay không?
Công Vinh có còn trở lại được như xưa?
Mong rằng sau chuyện lần này, Vinh sớm trở lại với đúng vị trí của mình, và rút ra những bài học quí giá. Sai lầm có thể rất tệ, nhưng cũng có thể là bước dừng để nhìn nhận, học hỏi cho tương lai. Không bao giờ là thừa, dù là một ngôi sao bóng đá hay bạn trẻ trong xã hội ngày nay, giữ bên mình bài học về cách xử sự, thái độ đúng mực trong mọi hoàn cảnh. Cả cách xin lỗi để được thông cảm và tha thứ cũng cần thiết như lời cảm ơn khi nhận thưởng. Luôn học hỏi, dù là từ sai lầm, chính là cách tốt nhất để vươn đến thành công trong cuộc sống.
Xem theo nguồn PLXH