Bài giảng đạo đức cười ra nước mắt: ‘Để nó dân dã’
Gần đây dư luận đang xôn xao về cuốn tài liệu bài giảng đạo đức dành cho học sinh trường THPT Đồng Hòa (Kiến An, Hải Phòng). Hiệu trưởng nhà trường- tác giả biên soạn cuốn tài liệu đã lên tiếng về nội dung cuốn sách và mục đích tại sao nó được ra đời.
Chỉ là tập tài liệu hỗ trợ giảng dạy
Trước dư luận phản đối gay gắt về nội dung của cuốn tài liệu, bà Đỗ Thị Lai, hiệu trưởng trường THPT Đồng Hòa đã dành cho VTC News khá nhiều thời gian để giải thích về nội dung cuốn tài liệu trên.
Ngay khi đề cập về cuốn sách, bà Đỗ Thị Lai khẳng định: “Cuốn sách không dùng để giảng dạy mà chỉ là tài liệu tham khảo, dùng trong tiết sinh hoạt của học sinh khối 10 từ năm 2007″.
Cuốn tài liệu được giảng dạy từ năm 2007 nhưng đến nay
mới được nhiều người biết tới
Bà Lai cũng cho biết thêm, hiện các thông tin được cung cấp trên báo chí đều do một người tự nhận là phụ huynh học sinh chia sẻ và bà cũng chưa thấy phụ huynh nào khác có ý kiến trong các cuộc họp.
Khi được hỏi về tác giả của cuốn tài liệu này, bà Lai cũng tự nhận “chủ yếu tôi biên soạn”. “Cuốn sách viết theo kiểu bài giảng chứ không phải là sách, gồm các bài sưu tầm được biên tập để cho học sinh tham khảo, hướng dẫn cách cư xử rất dân dã hàng ngày”. Bà Lai lại khẳng định.
Trao đổi với VTC News, bà Lai chia sẻ: “Thực tế đây không phải là sách, văn phong chỉ có tính chất nôm na, dân dã hướng dẫn cách cư xử cho học sinh”. Bà cũng giải thích thêm:”Nếu là sách thì văn phong phải chỉn chu còn đây chỉ là tập bài có tính chất hướng dẫn, tham khảo, hành xử. Với chủ đích là khai thác về cách hành xử của học sinh, hướng dẫn. Ngoài ra không nhằm một mục đích gì cả”.
Video đang HOT
“Cuốn sách viết rất dễ hiểu”. Bà Lai nhấn mạnh.
Cuốn tài liệu ra đời như thế nào?
Bà Lai cũng tâm sự về lý do bà đưa cuốn tài liệu này vào trong các buổi sinh hoạt lớp của học sinh: “Vì thi đầu vào trường học sinh điểm rất thấp, có một bộ phận học sinh được 1,5 đến 2 điểm văn. Nhưng năm vừa rồi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là 97,07%, năm trước là 99,08%. Đề văn trong trường phổ thông hiện nay là theo hướng mở, nhờ (tài liệu này-PV) mà các em viết thu hoạch nâng cao khả năng tự viết, tự sáng tạo”.
Cuốn tài liệu bài giảng đạo đức liệu có giúp học sinh trở nên ngoan hơn?
Bà Lai liên tục nhắc lại rằng: “Tôi khẳng định lại đây không phải là sách, giáo viên cũng không dùng nó để giảng cho học sinh. Đó chỉ là tài liệu tham khảo bổ trợ cho môn văn viết theo hướng mở mà Bộ GD&ĐT quy định nhằm giúp học sinh viết bài thu hoạch, chứ không hề học các khái niệm trong đó. Ví dụ như “Tiên học lễ, hậu học văn” chỉ là khai thác một khía cạnh trong đó mà thôi.
Hiệu trưởng trường THPT Đồng Hòa cho rằng thực tế mỗi trường có một đặc điểm khác nhau. Trường THPT Đồng Hòa có học sinh đầu vào yếu, những nơi khác có học sinh có đầu vào cao chắc sẽ không phải tham khảo tài liệu này. Tài liệu chỉ dành cho học sinh của trường THPT Đồng Hòa.
Khi phóng viên đề cập đến nguồn tài liệu tham khảo để viết ra cuốn tài liệu này, bà Lai tỏ ra bối rối: “Thực ra cũng có rất nhiều nguồn sách tham khảo khác nhau”. Bà Lai cho biết, trong quá trình mấy chục năm công tác bà có ý tưởng tâm huyết nên viết như vậy. Thí dụ những mẩu chuyện ghi lại được trong quá trình dạy học. Ý tưởng này theo bà đã có từ lâu. Đến khi làm hiệu trưởng nhận thấy văn hóa ứng xử học đường của học sinh có nhiều vấn đề nên bà biên soạn tập tài liệu nhằm mục đích giáo dục, ngăn ngừa và tạo một môi trường lành mạnh, yên ổn cho học sinh.
Những bài học dạng như thế này có giúp học sinh rèn luyện được kỹ năng làm văn?
Trước thông tin có ý kiến cho rằng lãnh đạo trường THPT Đồng Hòa “ép” học sinh sử dụng cuốn tài liệu này để thu tiền trái phép, bà Lai thanh minh: “Học sinh nói với phụ huynh là 20 nghìn đồng có thể học sinh xin thêm tiền của bố mẹ để tiêu. Tất cả các thầy cô giáo chủ nhiệm lớp 10 điều khẳng định chỉ có 10 nghìn đồng mà thôi”.
Sau khi dư luận xôn xao về nội dung cuốn tài liệu, bà Lai đã khẳng định: “Đến thời điểm này tôi đã cho dừng và không triển khai tập tài liệu này nữa”.
Theo VTC
GV trường THPT Đồng Hòa nói gì về "Bài giảng đạo đức"
Ngay sau khi nội dung cuốn "Bài giảng đạo đức dành cho học sinh THPT Đồng Hòa" được đưa lên mạng đã khiến dư luận hết sức xôn xao. Các giáo viên đang giảng dạy tại trường THPT Đồng Hòa đều xác nhận cuốn tài liệu này có thật và đã được giảng từ nhiều năm nay.
Theo thông tin VTC News được biết, cuốn " Bài giảng đạo đức" được phát hành đầu năm học, thư viện nhà trường phát hành trực tiếp cho học sinh cùng với sách giáo khoa. Các giáo viên chủ nhiệm sẽ phải dạy cuốn bài giảng này vào các tiết sinh hoạt cuối tuần.
Nhiều giáo viên tại trường THPT Đồng Hòa cho biết, do thấy cuốn bài giảng không có giá trị nên chống đối bằng cách cho học sinh tự nghiên cứu, về nhà chép thu hoạch. Các giáo viên sẽ chấm điểm theo kiểu chữ đẹp hay xấu sau đó nộp cho Ban chấp hành đoàn trường kết quả để xếp loại đạo đức học sinh và thi đua của lớp. Tuy nhiên, khi được hỏi về tác giả của cuốn " Bài giảng đạo đức", nhiều giáo viên trong trường tỏ ra nghi ngại và không muốn chia sẻ.
Hầu hết các học sinh đều chép lại nội dung cuốn "Bài giảng đạo đức" một cách rập khuôn, sáo rỗng
Giáo viên K (THPT Đồng Hòa) cho biết, dù biết cuốn " Bài giảng đạo đức" hết sức "vô vị" nhưng vì do cấp trên yêu cầu nên vẫn phải thực hiện. Theo giáo viên này, các học sinh trong lớp khi học "Bài giảng đạo đức" thì đều không chị đọc và suy nghĩ mà chủ yếu ngồi chép lại nội dung cuốn tài liệu.
"Tất nhiên giáo dục đạo đức phải là yếu tố hàng đầu nhưng phải phù hợp. Đến lứa tuổi này (học sinh cấp 3-pv) mà vẫn còn giáo dục cách đi đứng như thế nào, không được nhổ bọt... thì không còn phù hợp nữa. Nhà trường yêu cầu giáo viên phải chấm điểm các bài thu hoạch này của học sinh nhưng thực tế những bài thu hoạch này để từ năm này qua năm khác không để làm gì. Thực tế các học sinh cũng không thu hoạch được gì!" Giáo viên K chia sẻ chân thành.
Còn theo giáo viên H (THPT Đồng Hòa), cuốn "Bài giảng đạo đức" lại có nhiều điểm "buồn cười". Bản thân giáo viên H khi còn làm công tác chủ nhiệm cũng đã đọc qua cuốn tài liệu này chỉ 1 lần và sau đó cho học sinh tự chép trên lớp và viết bài thu hoạch. Theo giáo viên này, hầu hết các học sinh đều tỏ ra không thích học các nội dung đã nêu trong cuốn tài liệu.
Những bài thu hoạch dường như không có giá trị
Liệu có cần duy trì cuốn tài liệu không có nhiều giá trị đối với học sinh ?
Chia sẻ về mục đích phát hành cuốn bài giảng này, giáo viên T. (THP Đồng Hòa) đã phân trần: "Đối học sinh thì chương trình này không bắt buộc mà chỉ động viên các cháu học. Ví dụ về quan hệ lối sống với ông bà cha mẹ, chào hỏi, cách xử xự văn minh lịch sự...Ở đây chỉ là giáo dục cho các cháu ngoài thời gian ở trên lớp thì về nhà phải đối xử với ông bà cha mẹ như thế nào, ra ngoài cư xử như thế nào. "
Giáo viên T. cũng phủ nhận số tiền 20 nghìn đồng mà các phụ huynh cho rằng phải bỏ ra để mua cuốn bài giảng này. Số tiền mà học sinh phải đóng là 10 nghìn đồng để phô tô tập bài giảng này.
Khi PV đặt câu hỏi liệu đây có phải là công trình luận văn thạc sỹ của cô hiệu trưởng như nhiều phụ huynh đã phản ánh thì giáo viên T đã quả quyết: "Đây chỉ là sưu tầm của nhà trường, không qua một kiểm định nào cả, chỉ với mục đích cho các cháu biết hơn trong việc xử xự chứ không bắt buộc các cháu học. Còn việc cho các cháu viết bài thu hoạch một phần để các cháu nhận thức, một phần rèn luyện cho các cháu kỹ năng làm văn".
"Đây không phải là công trình biên soạn của cô hiệu trưởng, mà chỉ là sưu tầm của nhà trường để giáo dục học sinh vì đặc trưng học sinh trường em hơi nghịch, cá biệt". Giáo viên T chia sẻ.
Khi được PV hỏi đánh giá như thế nào về nội dung quyển sách và ai là người chịu trách nhiệm biên soạn thì giáo viên T cũng từ chối trả lời câu hỏi này.
Theo VTC
Bài giảng đạo đức "cười ra nước mắt" của 1 trường THPT Hải Phòng Nhiều bậc phụ huynh đã rất bức xúc khi phát hiện ra một cuốn sách mang tên "Tập bài giảng đạo đức" dành cho học sinh Trường THPT Đồng Hòa (Kiến An, Hải Phòng) có nhiều nội dung ngô nghê, kiến thức sai trầm trọng. Chị L. (Kiến An, Hải Phòng) có con gái năm nay bước vào lớp 10 tại trường THPT...