Bài 2: Lớp học xóa mù chữ cho những học viên đặc biệt
Xã A Dơi và xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là hai trong số trong những địa phương có lượng người Lào sinh sống lâu năm được Chủ tịch nước Cộng hòa xã chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định nhập quốc tịch Việt Nam.
Thời gian qua, bên cạnh giúp người dân phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống, Đồn Biên phòng Ba Tầng đã mở lớp dạy tiếng Việt để bà con thật sự tự tin an cư lạc nghiệp trên quê hương mới.
Người Lào học chữ Việt
Năm 2018, có 244 người Lào sinh sống lâu năm ở thôn giáp biên A Dơi Đớ (xã A Dơi) đón nhận niềm vui được nhập tịch. Điều này đã giúp họ chấm dứt những tháng này không quốc tịch, trở thành công dân Việt Nam thực thụ với đầy đủ quyền công dân.
Tuy nhiên, những người Lào nhập tịch này chỉ có thể nói tiếng Pa Cô, Vân Kiều và tiếng Kinh nhưng hầu hết không biết viết, biết đọc và không biết làm các phép tính toán. Việc này khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn khi hòa nhập vào cộng đồng. Bên cạnh việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống, những người lính Biên phòng còn tính chuyện xa xôi hơn. Sau nhiều tháng chuẩn bị, tháng 10-2021, Đồn Biên phòng Ba Tầng phối hợp với với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Dơi tổ chức khai giảng lớp xóa mù chữ cho 35 phụ nữ đã quá tuổi đi học, trong đó phần lớn là công dân mới được nhập tịch.
Video đang HOT
Thượng úy Hồ Văn Hữu hướng dẫn học viên làm quen với bảng chữ cái và con số.
Lớp học được duy trì trong điều kiện hết sức khó khăn. Khi đó, dịch Covid-19 đang bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trên cả nước. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, đánh giá tình hình, Đồn Biên phòng Ba Tầng và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Dơi vẫn quyết định tiếp tục duy trì lớp. Mọi người trước khi vào lớp phải sát khuẩn tay, ai có yếu tố dịch tễ phải nhanh chóng khai báo để có biện pháp xử lý. Tháng 10 cũng là cao điểm là mưa bão ở miền Trung, thời gian trời mưa rả rích cả tuần nay, gió từ sông Sê Pôn thổi ràn rạt càng khiến cái lạnh đầu Đông thêm giá buốt, thế nhưng, lớp học của thầy giáo Hồ Văn Hữu vẫn đều đặn sáng đèn và các học viên đến rất đông đủ. Cả thầy và trò đều cố gắng để hướng tới những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai.
Người được giao phụ trách chính cho lớp học ở A Dơi Đớ là Thượng úy Hồ Văn Hữu (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng). Tuy trẻ còn trẻ tuổi nhưng tấm gương sáng về tinh thần hiếu học và vượt lên số phận. Thượng úy Hồ Văn Hữu là người Vân Kiều, sinh ra và lớn lên ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Tốt nghiệp lớp 12, chàng thanh niên Hồ Văn Hữu thi đỗ vào Đại học Kinh tế Đà Nẵng và Học viện Hành chính Quốc gia. Người anh trai đầu của Hữu trước đó tốt nghiệp Học viện Hậu cần, công tác tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 đã “nhận trách nhiệm” nuôi em ăn học. Tuy nhiên, khi đang học năm thứ 2 thì anh trai mất nên Hồ Văn Hữu phải thôi học. Để có thể tiếp tục con đường học vấn mà không phải lo lắng chuyện tiền nong, Hồ Văn Hữu đã quyết định thi vào Học viện Biên phòng. Kết quả, anh thừa 3,5 điểm để trúng tuyển.
Những điều còn mãi
Lớp học xóa mù “chiếm” khá nhiều thời gian vì phải soạn giáo án, đứng lớp mỗi tối nhưng đối với Thượng úy Hồ Văn Hữu thì nó mang lại những niềm vui không phải ai cũng có được bởi đó là cảm giác hạnh phúc khi giúp đỡ được nhiều người. Chị Hồ Thị Hươi và Hồ Thị Vươi là hai chị em ruột và được sinh ra trên đất Lào nhưng cách đây khoảng chục năm thì về thôn A Dơi Đớ của Việt Nam sinh sống cùng họ hàng. Năm 2018, chị Hươi cùng chị gái và con gái là Hồ Thị Liên được nhập quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, mọi người chỉ nói được mà không biết chữ. Vì việc này mà chị ngại không dám đi đâu ra khỏi thôn, khó khăn trong nuôi dạy con cái, thậm chí bị kẻ gian lừa lọc trong mua bán nông sản. Rồi khi nào có việc phải ra xã, vì không biết chữ chị phải nhờ mọi người đọc, viết giúp rồi chỉ có thể điểm chỉ rất bất tiện. Bởi vậy, khi Đồn Biên phòng Ba Tầng mở lớp dạy chữ, chị Hươi cùng chị gái, con gái quyết tâm đi học để từ nay không phải “điểm chỉ” và muốn “là một người Việt thực thụ”.
Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ thôn Prin Thành.
Ngày bế giảng lớp học, chị Hồ Thị Căn Vật cứ nắm tay Thượng úy Hồ Văn Hữu cảm ơn và nói rằng sẽ không bao giờ quên ơn các thầy giáo. Khi mới vào học, con chị Vật chưa được 1 tuổi, rồi việc nhà cửa, nương rẫy cũng đủ mệt nhưng vì muốn học chữ nên chị vẫn quyết tâm đến lớp. Sợ tiếng con khóc làm ảnh hưởng đến lớp, chị Vật thường chọn ghế gần cửa ra vào để mỗi lần con khóc chị đi ra sân dỗ nín rồi vào học tiếp. Biết chuyện của chị Vật mà nhiều người còn “lưỡng lự” đã thấy mình phải suy nghĩ lại.
Các thầy giáo Biên phòng còn “chạy” theo học viên. Ban đầu, lớp học được tổ chức vào thứ 6,7 và chủ nhật nhưng ngẫm lại, thứ 2, 3, 4, 5 là quãng thời gian nghỉ khá lâu nên các thầy quyết định học xen kẽ hoặc 3,5,7 tuần này, tới tuần sau học 2,4,6. Học viên cũng “không phụ” thầy giáo bằng cách cố gắng đến lớp đông đủ. Khi Thượng úy Hồ Văn Hữu thông báo phải ghép cùng lớp với thôn Prin Thành, mọi người không ngại đêm tối, trời mưa đi thêm mấy cây số sang để lớp học diễn ra đúng tiến độ.
Vốn là người Lào nên dù nay sinh sống ở Việt Nam nhưng người ở thôn A Dơi Đớ vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với các bản người Lào ở phía đối diện. Biên giới rất gần nên còn có bà con bỏ qua các thủ tục khi xuất cảnh. Bởi thế mà những lần lên lớp, thầy giáo Hồ Văn Hữu không quên nhắc mọi người phải tuân thủ Nghị định 34, Quy chế ra vào khu vực biên giới. Thầy Hữu nói rằng, việc anh em qua lại thăm nhau là điều rất quý nhưng dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, việc qua lại thăm thân phải tạm dừng để phòng, chống dịch. Nghe xong, ai cũng gật gù, các thầy giáo biên phòng nói rất đúng.
Thiếu tá Vũ Văn Trung, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Ba Tầng cho biết, từ tháng 10-2021 đến nay, Đồn Biên phòng Ba Tầng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Dơi, xã Ba Tầng mở 5 lớp xóa mù chữ dạy cho 175 học viên. Tháng 5-2022 đã bế giảng 2 lớp với 65 học viên, hiện nay đang duy trì 3 lớp ở hai xã với 110 học viên, trong đó đa số là người Lào được nhập tịch. Với kết quả đạt được, thời gian tới các đơn vị tiếp tục phối hợp mở thêm các lớp xóa mù chữ, góp phần chấm dứt tình trạng mù chữ ở các địa phương.
(còn nữa)
Lớp học đặc biệt ở vùng biên viễn Ba Tầng
'Bạn ơi, đi học bạn ơi', tiếng gọi của bà Hồ Thị La Ham (64 tuổi) cứ vang dội lên triền dốc bản cao xã biên giới Ba Tầng (H.Hướng Hóa, Quảng Trị).
Tiếp nối đó là những ánh đèn theo bước chân vượt ra bìa rừng, băng trong mưa hướng về lớp học đêm. Chính sự chịu khó, ham học của các mẹ, các chị đồng bào thiểu số đã khiến những 'người thầy' đặc biệt đứng lớp 'Xóa mù chữ, tái mù chữ' như được tiếp sức trên hành trình đồng hành với phụ nữ biên cương, khơi chảy suối nguồn tri thức, nâng cao dân trí, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho đồng bào trên biên viễn khó khăn này.
Các chị, các mẹ chụp ảnh kỷ niệm cùng những "người thầy" đặc biệt tại lớp xóa mù chữ.
Ngày 13-11, chị Y Theo - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ba Tầng (H.Hướng Hóa) phấn khởi cho biết, lớp học "Xóa mù chữ, tái mù chữ" cho chị em đồng bào thiểu số trên địa bàn xã đang đi đến những ngày cuối của khóa học kéo dài 6 tháng. Trước đó, vào ngày 23-5-2022, trên cơ sở phát huy những kết quả nổi bật trong quá trình triển khai lớp học "Xóa mù chữ" tại địa bàn xã A Dơi (giáp ranh với Ba Tầng), Đồn Biên phòng Ba Tầng (ĐBP, thuộc BĐBP tỉnh Quảng Trị) phối hợp Hội LHPN xã Ba Tầng tổ chức Lễ Khai giảng lớp học "Xóa mù chữ, tái mù chữ" tại địa bàn xã. Hơn 80 học viên kiên trì bám lớp đến thời điểm hiện tại được coi là kỳ tích của chính bản thân họ khi đều có hoàn cảnh khó khăn, tuổi cao và từng có những ngại ngần không dễ vượt qua được. Chính trong điều kiện đó, những "người thầy" càng quyết tâm hơn cho công cuộc "gieo chữ" giữa đại ngàn này.
Ba Tầng là xã giáp biên giới với nước bạn Lào, cũng là địa bàn xa nhất trên tuyến Lìa (gồm 7 xã giáp biên phía nam H.Hướng Hóa), chủ yếu là đồng bào Pa Cô, Vân Kiều sinh sống, còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cuộc sống nơi đây đang từng bước đổi thay, nhất là lòng dân vô cùng phấn khởi sau sự kiện ý nghĩa vào năm 2019, thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ trao Quyết định cho nhập Quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước cho 350 trường hợp di cư tự do, kết hôn không giá thú đang cư trú tại 9 xã giáp biên của H.Đakrông, H.Hướng Hóa, trong đó có xã Ba Tầng. Nhiều người, trong đó có các chị, các mẹ trở thành công dân Việt Nam sau bao năm mong đợi, được hưởng nhiều quyền lợi, nghĩa vụ, nên càng mong muốn được học chữ, được mở rộng giao thiệp và tiếp cận chân trời tri thức để thoát nghèo... Vì thế, khi "Lớp xóa mù chữ, tái mù chữ" được triển khai, ai nấy háo hức tham gia.
"Thầy, cô" đứng lớp là cán bộ ĐBP Ba Tầng, là cán bộ phụ nữ xã, chi hội phụ nữ thôn cũng hỗ trợ đắc lực từ đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học và THCS Ba Tầng. "Cô giáo" Y Theo cho biết, do địa hình khó khăn, lại học vào ban đêm nên lớp học được tổ chức ở 2 điểm nhằm giúp chị em tham gia thuận tiện hơn. Theo đó, lớp ở thôn Loa có 48 học viên, trong đó chị em 50 tuổi có 5 học viên; 5 học viên trên 60 tuổi, còn lại từ 30 đến 40 tuổi. Còn lớp học ghép 2 thôn Măng Sông và Vầng có 46 học viên. Đến thời điểm hiện tại, có 13 học viên ở hai lớp nghỉ giữa chừng vì lý do khách quan, phải đi làm ăn xa. Đại úy Hồ Xuân Lê - ĐBP Ba Tầng cho biết, các học viên tuổi đã nhiều, bàn tay quen với việc nương rẫy, việc nặng nay nắn nót từng chữ đã khó, việc tiếp thu cũng chậm nhưng bù lại ai nấy đều ham học, thích học và tiến bộ rõ qua từng tuần. "Thầy" Lê, "Cô" Y Theo, "Cô" Meng...đã không giấu được niềm xúc động mỗi khi ai đó reo lên vì ghép được tên mình, đọc và hiểu được nhiều thứ là mừng vui đến lạ.
Lớp xóa mù chữ, tái mù chữ là mô hình thiết thực, giúp cho hội viên phụ nữ trên địa bàn có cơ hội tiếp cận, học hỏi, nâng cao trình độ hiểu biết. Cũng thông qua lớp học này, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn khu vực biên giới. Kết quả việc học đã giúp các học viên tự tin hơn trong cuộc sống. Nhiều người đã có thể bán hàng online với các sản vật địa phương bằng tiếng Việt. Biết đọc, biết viết, các mẹ, các chị thích đọc tin tức, xem tivi, nghe đài hơn. Đời sống văn hóa, tinh thần từ đó như chạm đến những chân trời thú vị và bổ ích. "Học cái chữ khó lắm, nhưng ui là (phương ngữ địa phương - P.V) thích, tự hào"- bà La Ham bày tỏ. Những ngày cuối khóa học cũng là gần đến lễ tri ân 20-11, chị em càng chăm chỉ hơn để tiến bộ từng ngày như quà tặng đặc biệt gửi đến những "người thầy" đã ân cần, dìu dắt mình qua những bỡ ngỡ, gian nan mà chan chứa ước vọng.
Rộn ràng từ lớp học xóa mù chữ của thầy giáo mang 'quân hàm xanh' Khi màn đêm buông xuống, lớp học của các thầy giáo 'quân hàm xanh' thuộc huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) lại vang lên tiếng đánh vần ê a của bà con biên giới. Nếu đến các xã thuộc huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) nơi đại ngàn biên giới Việt Nam - Lào thì mỗi tối chúng ta sẽ thấy xuất hiện...