Bài 1: Chưa theo kịp nhu cầu
LTS: Ngay trong “Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm” năm 2015, trên cả nước vẫn liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể của học sinh liên quan đến bếp ăn tại trường học. Thực trạng ấy tiếp tục làm “ nóng” lên trong dư luận những nghi ngại và đặt ra nhiều câu hỏi về công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong bối cảnh số lượng bếp ăn tại trường học ngày càng gia tăng…
Bài 1: Chưa theo kịp nhu cầu
Hà Nội hiện có tới hơn 50% trong tổng số gần 2.600 trường học tổ chức cho học sinh (HS) ăn bán trú buổi trưa tại trường. Điều này đồng nghĩa với những thách thức về công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của các cấp, các ngành đối với việc bảo đảm sức khỏe cho HS.
Khu vực bếp ăn, nhà ăn sạch sẽ tại Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy). Ảnh: Viết Thành
Nhu cầu lớn nhưng… không phải nhiệm vụ
Những năm qua, cùng với sự phát triển của mạng lưới các trường học tổ chức học 2 buổi/ngày, số lượng HS ăn bán trú buổi trưa tại trường ngày càng tăng. Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến tháng 3-2015, trừ các trường mầm non (bởi việc nấu ăn, nuôi dưỡng trẻ ở đây được coi là nhiệm vụ quy định trong điều lệ nhà trường của Bộ GD-ĐT), toàn thành phố có hơn 500 trường học các cấp, từ tiểu học, THCS đến THPT tổ chức ăn bán trú tại trường cho HS. Trong số này, cấp tiểu học chiếm đa số với gần 400 trường, tập trung ở các quận, có nhiều quận tỷ lệ trường tổ chức cho HS ăn bán trú chiếm hơn 60% như: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông…
Việc tổ chức ăn trưa cho HS bán trú tại trường ở cấp học phổ thông không phải là nhiệm vụ được quy định trong các văn bản của ngành giáo dục, mà xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh HS khi gửi con theo học tại các trường học 2 buổi/ngày. Nhiều bậc phụ huynh bận rộn, không thể ngày 4 lần đưa – đón con, cũng khó lòng yên tâm khi để con tự đi về vào buổi trưa rồi chiều lại đến trường. Nhu cầu gửi con ăn, ngủ bán trú tại trường vào buổi trưa ngày càng tăng, nhất là ở cấp tiểu học. Các nhà trường, tùy theo điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, nhân lực mà có cách đáp ứng khác nhau như: Xây bếp ăn, tổ chức tự nấu; thuê công ty thực phẩm nấu và cung cấp cho HS vào buổi trưa hằng ngày…
Cho đến thời điểm này, các nhà trường trên địa bàn đều thực hiện nghiêm túc các quy định về chất lượng, ATVSTP, chưa để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống, ngành giáo dục đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các nhà trường trong việc bảo đảm chất lượng, ATVSTP, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần thực hiện có chất lượng nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục. Tất cả các nhà trường đều quán triệt và thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Sở GD-ĐT về quy trình sử dụng, chế biến thực phẩm, không sử dụng sản phẩm của các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng, hết hạn sử dụng…
Nhiều câu hỏi không dễ trả lời
Việc tổ chức ăn bán trú tại trường đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học, giúp các bậc phụ huynh yên tâm gửi con. Tuy nhiên, với không ít trường phổ thông lại là cả vấn đề, bởi khác với cấp học mầm non, đây không phải là nhiệm vụ chuyên môn có trong điều lệ, cũng không được biên chế nhân lực cho công việc này. Như đã đề cập ở trên, tùy theo điều kiện thực tế, các trường có thể tự nấu ăn phục vụ HS hoặc thuê nhà thầu cung cấp, trong đó, tỷ lệ trường tự tổ chức nấu ăn trên địa bàn thành phố hiện chiếm khoảng hơn 60%.
Thực tế, mức kinh phí ăn bán trú của các nhà trường dao động từ 20 nghìn đồng/HS đến 23 nghìn đồng/HS, bao gồm cả bữa phụ (vào khoảng 3 giờ chiều). Mức giá phổ biến cho bữa phụ khoảng 3-4 nghìn đồng/HS, còn lại dành cho bữa chính, cụ thể đơn giá từng bữa thế nào, tùy thuộc vào từng trường hoặc thực đơn. Ghi nhận tại các quận có tỷ lệ HS ăn bán trú cao của thành phố cho thấy, thực đơn bữa chính thường được xây dựng khá tỉ mỉ và khoa học, bảo đảm chế độ dinh dưỡng theo định lượng quy định và ATVSTP. Để tránh việc bữa này “cấu véo” bữa kia, các nhà trường còn quy định mức giá thành bữa phụ cụ thể, với thực đơn thường là cháo, súp, mì, xôi chè… bảo đảm cho HS được ăn nhẹ sau khi ngủ dậy. Tuy nhiên, cũng có trường chưa chú trọng đến việc tổ chức bữa phụ. Có vị cán bộ phòng GD-ĐT quận vô cùng bức xúc khi kiểm tra phát hiện bữa phụ của HS tại một trường học là nước chanh.
Quá trình kiểm tra, giám sát tại các nhà trường trên địa bàn nhiều năm, một vị trưởng phòng GD-ĐT cho biết: Cách thức tổ chức nào cũng có những thuận lợi, khó khăn nhất định. Việc tự nấu có thể giúp giá thành bữa ăn thấp, song lại khiến công tác quản lý của trường bị phân tán. Nếu thuê nhà thầu cung cấp bữa ăn, các trường sẽ nhẹ việc hơn, chất lượng, ATVSTP có thể có tính chuyên nghiệp hơn, song giá thành thường nhỉnh hơn so với việc tự nấu. Cái khó nhất là việc quản lý, giám sát của phòng GD-ĐT đối với công tác tổ chức ăn bán trú. Hiện nay chỉ dừng lại ở việc bảo đảm các quy định về ATVSTP, chưa có bất kỳ văn bản pháp lý nào của ngành về việc này. Mức giá thành được tính toán ra sao, bữa chính, bữa phụ cần thế nào, việc kiểm soát khâu chế biến, nấu nướng tại trường hoặc của nhà thầu cung cấp bữa ăn cho HS ra sao?… Đó là những câu hỏi thường trực của phía nhà quản lý mà không dễ tìm ra câu trả lời.
Theo hanoimoi