Bạc tóc nghĩ cách ép trái cây “đẻ” ra tiền tỷ
Đang nắm trong tay nhà máy phân bón NPK với doanh thu hàng năm lên tới hơn 400 tỷ đồng, nhưng CEO 7X Trần Quốc Cường (sinh năm 1979, Tổng Giám đốc Công ty TNHH An Hưng Nông) vẫn đam mê xây dựng chuỗi giá trị nông sản khi biết nhiều loại cây trồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long hay bị “dội chợ”.
Từ tháng 12.2018, Công ty TNHH An Hưng Nông bắt đầu đi vào vận hành nhà máy chế biến nông sản với quy mô đầu tư khoảng 150 tỷ đồng tại tỉnh Long An. Dự kiến, công suất nhà máy sẽ ép khoảng 5.000 lít nước trái cây mỗi giờ; đồng thời, các phụ phẩm trái cây sau khi ép sẽ được tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ (khoảng 12.000 tấn/năm).
Ông chủ thương hiệu “phân bón miền Tây”
Kể về cơ duyên đến với ngành nông nghiệp, Trần Quốc Cường cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đăng ký học ngành công nghệ thông tin của Trường Hoa Sen (nay là Đại học Hoa Sen – TP.HCM). Sau khi tốt nghiệp, công việc cũng khá ổn định nhưng trong một lần tình cờ gặp lại bạn bè cũ làm trong lĩnh vực nông nghiệp, nghe bạn say mê kể về quá trình đầu tư và thu trái ngọt, Cường thấy đam mê lúc nào không hay. Vậy là, bỏ dở công việc, Cường quyết định … thi vào Trường Đại học Nông – Lâm, bắt đầu công cuộc cắp sách đi học tiếp ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật.
Anh Trần Quốc Cường (trái) giới thiệu về dây chuyền phân loại trái cây và kho lạnh bảo quản trái cây chuẩn bị được đưa vào sản xuất từ tháng 12 năm nay. Ảnh: Q.H
Sau khi ra trường, có một thời gian Cường đi làm cán bộ tiếp thị và phát triển thị trường cho nhiều hãng phân bón lớn. Nhờ đó, anh thấy được cơ hội với ngành này và quyết định “dồn hết vốn liếng” để mở Nhà máy sản xuất phân bón NPK mang thương hiệu An Hưng Nông (từ năm 2010). Chỉ 2 năm sau đó, CEO 7X Trần Quốc Cường đã phát triển thương hiệu phân bón An Hưng Nông ra khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, rồi sau đó “tấn công” sang thị trường Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Thời điểm hoàng kim, doanh thu của An Hưng Nông vượt qua con số hơn 500 tỷ đồng.
“Bây giờ phân bón nước ngoài nhập về với giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế VAT đầu vào, lại thêm phân bón sản xuất kém chất lượng tràn ngập thị trường… nên sức cạnh tranh của An Hưng Nông giảm đi nhiều. Chưa kể, Nghị định 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón với nhiều quy định mới buộc chúng tôi phải làm hợp quy lại, đổi bao bì mới để đáp ứng được yêu cầu” – CEO 7X thở dài.
Video đang HOT
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Cường vẫn không chịu lùi bước. Khi sức mua của thị trường giảm, anh quyết định phát triển mạnh kênh bán lẻ (đại lý cấp 2) chứ không vào đại lý phân phối nữa, vì vậy giá thành sản phẩm rẻ hơn. Thêm vào đó, anh tìm đến các hợp tác xã nông nghiệp để liên kết cung ứng phân bón trực tiếp, với giá tốt nhất.
Nhờ cách làm này, sản phẩm phân bón An Hưng Nông vẫn cung ứng ra thị trường các tỉnh miền Tây đều đều. Hiện có 17 HTX (sản xuất cây ăn trái, lúa) ở khắp các tỉnh miền Tây liên kết với An Hưng Nông để mua phân bón trực tiếp.
“Không chỉ được mua phân bón với giá thành tốt nhất, các HTX tham gia liên kết với An Hưng Nông cũng được giãn công nợ đến cuối mùa vụ. Riêng với các hộ nông dân nhỏ lẻ ở khắp các tỉnh miền Tây, chúng tôi cũng cho họ giãn công nợ khoảng 1,5 tháng, đồng thời chúng tôi có các chính sách khuyến mãi như tặng nón, tặng thùng bón phân… cho nông dân”- anh Cường nói.
Hiện tại, dù công suất nhà máy NPK được thiết kế chỉ 30.000 tấn/năm nhưng đã hoạt động hết công suất và phân bón An Hưng Nông được thị trường chấp nhận, mang về doanh thu ổn định khoảng hơn 400 tỷ đồng/năm.
Quyết tâm làm chuỗi giá trị nông sản
Trong quá trình phát triển thị trường phân bón, nhận thấy vùng nguyên liệu trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long rất tiềm năng nhưng cứ đến vụ lại… “dội” chợ và bị thương lái ép giá, thậm chí là mang bỏ, Cường rất trăn trở: “Làm sao tận dụng nguồn nguyên liệu trái cây này để tạo ra giá trị lớn nhất, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân?”. Trăn trở ấy đã khiến anh… bạc cả tóc nghĩ cách.
Năm 2014, một dây chuyền sơ chế sản phẩm nông nghiệp trị giá 35 tỷ đồng của An Hưng Nông ra đời. Theo anh Cường, cơ chế hoạt động của dây chuyền sơ chế này là An Hưng Nông sẽ bao tiêu đầu ra sản phẩm trái cây của một số HTX nông nghiệp. Sau khi phân loại, những sản phẩm trái cây, nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ được đóng gói để xuất khẩu; còn lại những trái cây chưa đủ tiêu chuẩn thì ép lấy nước hoặc sấy.
Đặc biệt, mới đây nhất, Trần Quốc Cường đã cùng một doanh nghiệp tại TP.HCM cùng nghiên cứu ra một loại nhũ tương (dung dịch) giúp xử lý và bảo quản trái cây tốt hơn từ 15-25 ngày so với cách xử lý bình thường (chiếu xạ) để xuất khẩu.
“Chúng tôi đã nghiên cứu và ứng dụng thành công, dung dịch này khi xử lý trái cây sẽ giúp dư lượng hóa chất bám trên bề mặt trái cây, rau củ bị oxy hóa hết; đồng thời cũng giúp khử vi khuẩn trên bề mặt trái cây, rau củ. Hiện, chúng tôi đang xin phép để đăng ký bảo hộ, nếu được cấp phép thì chắc chắn giá thành để xử lý trái cây xuất khẩu sẽ giảm rất nhiều so với chiếu xạ như hiện nay” – Cường cho biết.
Ngoài ra, để hoàn thiện dây chuyền sản xuất của mình, tháng 3.2018, anh Cường quyết định đầu tư nhà máy ép nước trái cây trị giá khoảng 150 tỷ đồng. Nhà máy bắt đầu vận hành từ đầu tháng 12.2018 với quy mô khoảng 200 công nhân thường xuyên làm việc. “Hiện tại, chúng tôi đã nhận được khá nhiều hợp đồng gia công nước ép trái cây cho các doanh nghiệp nước ngoài. Sau khi ép nước, dự kiến mỗi ngày sẽ có khoảng 30 tấn vỏ trái được thải ra và chúng tôi cũng đang gấp rút hoàn thiện nhà máy phân bón hữu cơ để tận dụng lượng vỏ trái này sản xuất phân bón với quy mô khoảng 12.000 tấn/năm” – anh Cường cho biết thêm.
Theo Danviet
Nguy cơ suy thoái tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long
Theo nhiều nhà khoa học, tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước nguy cơ suy thoái, do sử dụng thiếu khoa học và chịu tác động của các yếu tố tự nhiên...
Chất lượng đất có xu hướng thoái hóa
Ngay từ những tháng giữa năm 2018, ông Nguyễn Hoàng On ở xã Mỹ Khánh (Phong Điền, Cần Thơ) đã tất bật gom đất mặt ruộng về bồi thêm cho vườn quýt hồng gần 5 năm tuổi của mình. Ông On cho biết: "Không chỉ bồi đất mặt ruộng, tôi còn lấy bùn bổ sung thêm. Nếu không làm như vậy thì vườn quýt đã chết rụi từ lâu rồi. Đây là kinh nghiệm tôi tự rút ra sau những đợt quýt trước đây chết khi cây chuẩn bị vào vụ Tết Nguyên đán. Chất lượng nguồn đất giảm sút thấy rõ, nguyên nhân thì không biết tại sao".
Tháng cuối năm, có dịp trở lại xã An Phước (Tân Hồng, Đồng Tháp), chúng tôi được ông Nguyễn Văn Nin (sáu Nin) dẫn ra xem cánh đồng xanh mướt. Chưa ai kịp mở lời khen đã nghe ông Nin than vãn: "Coi vậy chứ đất đai đã giảm độ màu mỡ rất nhiều, do tăng vòng quay sản xuất của đất. Độ màu mỡ giảm sút, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật buộc phải sử dụng càng nhiều nhưng năng suất và chất lượng hạt lúa chưa chắc đã tốt như trước đây".
Nông dân xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất, Kiên Giang cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo khảo sát mới đây của Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), môi trường tự nhiên của ĐBSCL đã có nhiều biến động về chế độ thủy văn, dòng chảy nguồn nước, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn... làm cho tính chất đất đai trong vùng thay đổi nghiêm trọng. Việc sử dụng quá nhiều phân khoáng, ít phân hữu cơ với cường độ thâm canh cao đang làm mất cân bằng chất hữu cơ trong đất dẫn tới suy thoái môi trường đất trên quy mô lớn. Theo GS, TS Nguyễn Bảo Vệ (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ): Đất trồng cây lâu năm ở ĐBSCL cũng có những biểu hiện suy thoái. Dễ nhận thấy là chất hữu cơ trong đất thấp và cạn dần dưỡng chất, bị mặn hóa do sử dụng phân bón hóa học thiếu cân đối, nấm bệnh trong đất phát triển mạnh.
Cần sớm xây dựng cơ sở khoa học về sử dụng đất hợp lý
Theo báo cáo của Hội Khoa học đất Việt Nam, ĐBSCL hiện có hơn 1,9 triệu héc-ta đất lúa; trong đó lúa trồng trên đất phèn hơn 802.400ha, đất phù sa 689.900ha, đất mặn 326.600ha, đất xám 88.700ha, đất cát 13.800ha và đất khác 5.600ha. Như vậy, toàn vùng có 58,5% diện tích đất lúa có yếu tố hạn chế (phèn và mặn); 35,8% đất cát nghèo dinh dưỡng, đất không mặn, đất phù sa... TS Nguyễn Trọng Uyên, Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, cho rằng: "Quá trình khai thác, sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là việc thâm canh, tăng vụ và phát triển hệ thống đê bao kiểm soát lũ thiếu hợp lý ở ĐBSCL làm cho chất lượng đất có xu hướng cạn kiệt, thoái hóa; trong khi áp lực về nhu cầu phát triển đô thị, hạ tầng và đất ở nông thôn ngày một tăng, việc sử dụng tài nguyên đất bền vững ở ĐBSCL cũng chưa được quan tâm đúng mức. Đó chính là những nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến sự suy thoái tài nguyên đất".
Theo TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam: Tại ĐBSCL hiện nay, việc sử dụng đất nông nghiệp bền vững đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với đất lúa, đất trồng cây ăn trái và đất nuôi trồng thủy sản. Để có chiến lược sử dụng tài nguyên đất bền vững, nhất là trong điều kiện chịu tác động của biến đổi khí hậu, ĐBSCL cần sớm xây dựng cơ sở khoa học về cơ cấu sử dụng đất bền vững, thích hợp cho đất canh tác nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất lâm nghiệp, đất ở đô thị, nông thôn, đất khu công nghiệp...
"Tài nguyên đất của vùng là có hạn. Sử dụng tài nguyên đất bền vững cũng đồng nghĩa với phát triển bền vững ĐBSCL, biến vùng này thành vùng kinh tế phát triển trù phú của đất nước. Những nguy cơ hiện hữu trên cần được nghiên cứu, cảnh báo và có giải pháp ngăn chặn hiện nay cũng như trong tương lai", TS Vũ Năng Dũng khuyến nghị.
HỒNG ĐĂNG
Theo qdnd.vn
Nông dân làm giàu từ mô hình nuôi tôm Combine Vài năm gần đây, nghề nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải đối mặt với rất nhiều vấn đề ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, những người nông dân sử dụng tôm giống chất lượng và áp dụng mô hình CPF-Combine Model của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vẫn thành...