Bác sĩ Hàn Quốc đình công: ‘Tại sao chúng tôi bị đối xử như những kẻ phản diện?’
Đối mặt với nhiều chỉ trích trong cuộc khủng hoảng y tế, các bác sĩ nội trú, thực tập sinh ở Hàn Quốc cũng có những ẩn ức riêng.
Cuộc đình công của 9.000 bác sĩ nội trú, thực tập sinh suốt 10 ngày qua khiến nhiều bệnh viện ở Hàn Quốc rơi vào hỗn loạn, không thể tiếp nhận bệnh nhân.
Tờ Wall Street Journal và Reuters đã ghi lại những tâm tư của các bác sĩ Hàn Quốc đang phải nhận nhiều chỉ trích từ dư luận:
Tại một bệnh viện ở ngoại ô Seoul, bác sĩ nội trú Kim Jung-geun kết thúc ca làm việc kéo dài 34 giờ. Kể từ hôm đó, anh chưa quay trở lại làm việc.
Bác sĩ Kim Jung-geun làm việc ít nhất 80 giờ mỗi tuần. Ảnh: WSJ
Cũng như Kim, Ryu Ok Hada luôn muốn trở thành bác sĩ để cứu người, nhưng giờ đây, bác sĩ thực tập sinh đã nghỉ việc và đứng bên ngoài bệnh viện, tay cầm chiếc áo blouse.
Họ quyết định tham gia cuộc đình công của 9.000 bác sĩ nội trú, thực tập sinh ở Hàn Quốc phản đối chính sách y tế của chính phủ. Tình trạng thiếu nhân lực khiến các bệnh viện phải từ chối bệnh nhân và hủy bỏ nhiều ca phẫu thuật.
Ryu và Kim thuộc nhóm bác sĩ nội trú – mắt xích quan trọng trong hệ thống y tế Hàn Quốc nhưng phải làm việc quá sức, bị trả lương thấp và không được lắng nghe. Ryu, 25 tuổi, nói: “Hệ thống y tế tuyệt vời ở Hàn Quốc được vận hành bằng cách để các bác sĩ thực tập sinh lương thấp tiếp tục mài giũa”.
Bác sĩ Ryu O Hada cầm chiếc áo khoác bên ngoài bệnh viện nơi anh làm việc ở Seoul. Ảnh: Reuters
Các quan chức Hàn Quốc có kế hoạch tăng số lượng sinh viên trường y bắt đầu từ năm tới. Điều đó khiến các bác sĩ phẫn nộ, họ cho rằng chính phủ cần cải thiện điều kiện việc làm và lương cho nhân viên y tế chứ không phải tạo ra nhiều cạnh tranh hơn.
Trong khi đó, chính quyền cho biết cần có thêm nhân viên để tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở vùng sâu vùng xa và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của một trong những xã hội có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
Video đang HOT
Cuộc thăm dò gần đây của Gallup Korea cho thấy kế hoạch tăng cường tuyển sinh trường y được 76% số người được hỏi ủng hộ. Trong khi đó, cuộc đình công kéo dài 10 ngày của các bác sĩ nhận nhiều phản ứng tiêu cực.
“Tại sao chúng tôi lại bị coi như những kẻ phản diện sau khi cống hiến thời gian và sức lực của mình để cứu người?”, Kim bày tỏ. Vị bác sĩ 31 tuổi cũng cho rằng “sẽ hợp lý hơn nếu chính phủ theo đuổi việc mở rộng tuyển sinh vào trường y sau khi cải thiện điều kiện làm việc”.
Để trở thành bác sĩ nội trú, Kim đã phải trải qua nhiều năm căng sức học tập và làm việc. Chỉ 3% số người nộp đơn được nhận vào một trong 40 trường y trên toàn quốc. Kim đã học 6 năm ở trường y, làm bác sĩ y tế công cộng suốt 18 tháng và là thực tập sinh trong 1 năm.
Anh làm việc ít nhất 80 giờ một tuần (khoảng 11 tiếng mỗi ngày, nếu làm cả 7 ngày) nhưng lương chỉ ở mức tối thiểu tại Hàn Quốc (7,4 USD/giờ).
Chỉ 3% số người nộp đơn được nhận vào một trong 40 trường y của Hàn Quốc. Ảnh: WSJ
Các bác sĩ nội trú và thực tập sinh ở Hàn Quốc làm việc theo ca 36 giờ (ở Mỹ là 24 giờ). Mỗi bác sĩ Hàn Quốc thường làm 100 giờ/tuần trong khi một nửa số số bác sĩ trẻ ở Mỹ làm dưới 60 giờ/tuần.
Bác sĩ Ryu làm 100 giờ/tuần tại bệnh viện danh giá và nhận 1.500 đến 3.000 USD/tháng (bao gồm cả thêm giờ). Mức tương tự ở Mỹ là 5.000 USD ngay năm đi làm đầu tiên.
Các bác sĩ đình công chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 140.000 bác sĩ của Hàn Quốc, nhưng có thể chiếm hơn 40% nhân viên tại các bệnh viện giảng dạy lớn, thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trong phòng cấp cứu, chăm sóc đặc biệt và phòng phẫu thuật.
Park Dan, người đứng đầu Hiệp hội Thực tập sinh Hàn Quốc, có giấc mơ thời thơ ấu là trở thành bác sĩ cấp cứu. Anh nói rằng bị giằng xé giữa bệnh nhân của mình và chính sách thực thi không lắng nghe các bác sĩ của chính phủ.
“Với niềm tự hào cứu sống bệnh nhân, tôi đã cố gắng được như vậy. Như nhiều bác sĩ nói, thật đau lòng và khó khăn khi phải rời xa bệnh nhân. Nhưng hệ thống hiện tại đã bị bóp méo nên chúng ta cần điều tốt hơn thế”, bác sĩ Park nói.
Bệnh viện rơi vào cảnh hỗn loạn vì hàng nghìn bác sĩ Hàn Quốc đình công
Người phụ nữ tử vong trên xe cấp cứu sau khi 7 bệnh viện từ chối tiếp nhận, hàng trăm ca phẫu thuật bị hoãn bởi 9.000 bác sĩ nội trú, thực tập sinh ở Hàn Quốc đình công suốt 10 ngày qua.
"Chồng tôi nhận thông báo phải xuất viện vì ở đây không còn đủ bác sĩ. Nhưng vết mổ của ông ấy không thể tự lành ở nhà được", người phụ nữ 59 tuổi chia sẻ với Hankyoreh khi đang đẩy xe lăn cho chồng.
Người chồng mắc bệnh viêm tủy xương mạn tính, vừa trải qua phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Guro ở Seoul. Nhưng ông buộc phải chuyển sang bệnh viện khác để có thể được bác sĩ theo dõi trực tiếp.
Bà Park Yeong-hee, 51 tuổi, vội vã đưa mẹ bị chảy máu, đau bụng dữ dội tới phòng cấp cứu của Bệnh viện Severance (Seoul). Khi đến nơi, bà được thông báo bệnh viện chỉ nhận các bệnh nhân ung thư đã điều trị trước đó. Hiện tại, mỗi bác sĩ phải lo cho 20-30 bệnh nhân và không còn đủ sức.
Bà Park cuống cuồng đưa mẹ tới Bệnh viện Dongshin gần đó. Cơ sở này cũng chỉ có nhân lực để chụp CT. Không có gì hơn. "Ngay cả khi họ phát hiện ra u nang, bệnh viện cho biết họ không thể làm gì được nữa. Tôi không biết phải làm gì vào thời điểm này", bà Park nổi giận.
Vừa phẫu thuật xong, nam bệnh nhân phải chuyển sang viện khác để có bác sĩ theo dõi. Ảnh: Hankyoreh
Một phụ nữ 64 tuổi tên Kim cũng rơi vào nỗi bi quan tương tự : "Con trai tôi bị xuất huyết não. Cháu cần trải qua quá trình phục hồi chức năng tại bệnh viện này nhưng họ nói rằng hiện tại không có chuyên gia".
Quá nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng như mẹ của bà Park, con trai bà Kim, thậm chí tồi tệ hơn. Ngày 23/2, một người phụ nữ đã tử vong trên xe cứu thương sau khi 7 bệnh viện từ chối tiếp nhận do thiếu bác sĩ.
Khủng hoảng vì đâu?
Suốt 10 ngày qua, nhiều bác sĩ tại hàng trăm bệnh viện trên khắp Hàn Quốc đã ngừng làm việc. Đến tối 28/2, khoảng 9.000 trong số 13.000 bác sĩ nội trú và thực tập sinh của cả nước rời bệnh viện sau khi nộp đơn xin nghỉ. Chỉ có 294 người trở lại làm việc.
13.000 bác sĩ nội trú, thực tập sinh chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 140.000 bác sĩ của Hàn Quốc. Nhưng họ chiếm khoảng 30-40% tổng lượng bác sĩ tại một số bệnh viện lớn và thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ đội ngũ y tế cấp cao.
Một bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện đại học ở Seoul ngày 21/2. Ảnh: Yonhap
Mâu thuẫn dẫn tới cuộc đình công bắt nguồn từ kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc tuyển thêm 2.000 người vào các trường y từ năm tới, tăng mạnh so với con số hơn 3.000 hiện tại. Nước này đặt mục tiêu bổ sung thêm 10.000 bác sĩ mới vào năm 2035 để đối phó với tình trạng dân số già đi nhanh chóng, cần chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Trong khi đó, tỷ lệ bác sĩ trên dân số của Hàn Quốc thuộc hàng thấp nhất trong số các nước công nghiệp phát triển.
Nhưng nhiều bác sĩ phản đối kế hoạch này với lý do các trường đại học chưa sẵn sàng cung cấp nền giáo dục chất lượng cho số lượng sinh viên lớn như vậy. Họ cũng đánh giá kế hoạch trên không giải quyết được tình trạng thiếu bác sĩ thường xuyên ở các chuyên khoa thiết yếu nhưng bị trả lương thấp như khoa nhi và khoa cấp cứu.
Bên cạnh đó, một luồng dư luận cho rằng các bác sĩ trẻ đình công vì lo lắng thu nhập dự kiến sẽ thấp hơn do số lượng bác sĩ tăng mạnh.
Theo Fox News, cuộc đình công của các bác sĩ đã khiến hàng trăm ca phẫu thuật phải hủy bỏ hoặc trì hoãn.
"Một số giáo sư và nghiên cứu sinh đang làm việc 90 giờ một tuần. Nếu tình trạng này kéo dài thêm 2 tuần hoặc lâu hơn, các bác sĩ sẽ kiệt sức", một giáo sư tại bệnh viện hàng đầu lên tiếng. Ngoài công việc chuyên môn, họ phải thực hiện thêm nhiệm vụ của bác sĩ nội trú và thực tập sinh bao gồm băng bó vết thương và tháo ống thông.
Khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Sacred Heart thuộc Đại học Hallym đã tê liệt hoàn toàn. Tất cả 6 bác sĩ nội trú và thực tập sinh đã nghỉ việc, 11 chuyên gia ở lại không thể kham hết khối lượng công việc.
Nhân viên y tế đi qua phòng cấp cứu ở Daegu vào ngày 27/2. Ảnh: Yonhap
Ngày quyết định
Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra thời hạn để các bác sĩ đình công trở lại làm việc là ngày 29/2. Tuy nhiên, tới nay, vẫn chưa có tín hiệu lạc quan nào.
Giới quan sát cho rằng nhiều người đình công có khả năng bất chấp thời hạn, tiếp tục tẩy chay công việc trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Chính phủ dự kiến bắt đầu các bước chính thức vào ngày 4/3.
Thứ trưởng Bộ Y tế Park Min-soo khẳng định: "Chúng tôi sẽ không buộc họ phải chịu trách nhiệm nếu họ quay trở lại vào hôm nay... Các bác sĩ ở đó để phục vụ bệnh nhân và bệnh nhân đang sốt ruột chờ đợi các bạn. Đây không phải là cách phản đối chính phủ".
Ông Park Min-soo đã gặp một số bác sĩ đình công trong hơn 3 giờ đồng hồ. Các quan chức mời 94 đại diện đến họp nhưng chỉ có 10 người xuất hiện và không phải là lãnh đạo.
Theo luật pháp Hàn Quốc, chính phủ có thể yêu cầu các bác sĩ quay trở lại làm việc nếu nhận thấy có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Những người từ chối tuân theo các mệnh lệnh này có thể bị đình chỉ giấy phép y tế tới một năm và đối mặt với án tù ba năm hoặc phạt tiền (khoảng 22.500 USD). Những người nhận án tù sẽ bị tước giấy phép hành nghề y tế.
Tổng thống Hàn Quốc không nhượng bộ trước yêu cầu của các bác sĩ Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 27/2, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã bác bỏ ý kiến thay đổi kế hoạch mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y của nước này trong bối cảnh làn sóng các bác sĩ thực tập đình công ngày càng tăng. Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc...