Bác sĩ bệnh viện Tai mũi họng: ‘Xin đừng lạm dụng, thổi phồng hình ảnh khẩu trang’
‘Xin đừng bắt tất cả các cháu học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, nhân viên các công sở… phải dùng khẩu trang y tế khi đến trường học, nơi làm việc nữa! Khẩu trang vải thông thường là đủ ổn rồi’.
Bác sĩ Trần Xuân Bách – N.C
Đó là lời kêu gọi của bác sĩ Trần Xuân Bách (công tác tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương) trong một bài viết mới đây về khẩu trang được đăng tải trên trang cá nhân, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã được cộng đồng ủng hộ và lan toả rộng rãi.
Hãy dành khẩu trang y tế cho người thực sự cần
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, bác sĩ Bách lý giải, khẩu trang y tế chỉ nên dành cho các nhân viên y tế đang hằng ngày làm việc tại các cơ sở y tế, các người bệnh đang nằm viện, các người nhà đang hằng ngày chăm sóc người bệnh đang nằm viện, và những người có biểu hiện bệnh lý hô hấp ( ho, cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, khàn tiếng, đau ngực, hít thở khó….). Bà con nhân dân không nên lạm dụng khẩu trang y tế và không nên thu gom tích trữ, mà hãy để dành cho những người thực sự cần.
“Sử dụng đúng cách các loại khẩu trang vải ở môi trường bên ngoài các cơ sở y tế nếu có việc cần đến nơi đông người, không gian chật hẹp và ít thoáng khí (kiểu phòng họp…) và khi cá nhân có nhu cầu để tăng sự an tâm cá nhân. Sử dụng khẩu trang vải đúng và hợp lý thì sẽ không phải mua với giá “trên trời”, sẽ không làm khan hiếm khẩu trang y tế để rồi người cần dùng lại không có để dùng”, bác sĩ Bách tiếp tục chia sẻ.
Thổi phồng hình ảnh của khẩu trang sẽ nguy hiểm
Video đang HOT
Trước tình trạng thị trường đẩy giá khẩu trang một cách phi lý, nhiều người không hiểu rõ tác dụng thực sự của khẩu trang đã thổi phồng tầm quan trọng của nó khiến người dân hiểu lầm chỉ cần có khẩu trang là phòng tránh được virus Corona, bác sĩ Bách vô cùng bức xúc.
“Như sáng nay tôi đã trò chuyện với một cô giáo, nếu cô không có biểu hiện bệnh hô hấp, cô có phạm vi cách xa người có biểu hiện bệnh hô hấp từ 1,8 m trở lên, phòng rộng và thoáng như giảng đường thì cô không cần đeo khẩu trang. Khẩu trang y tế chỉ là một phần rất nhỏ trong quá trình phòng chống dịch Covid-19. Không nên thổi phồng hình ảnh của khẩu trang y tế và tuyệt đối hóa giá trị của nó để rồi bỏ qua nhiều biện pháp phòng chống quan trọng khác. Điều đó thực sự nguy hiểm. Xin đừng dùng khẩu trang y tế nếu không thuộc nhóm cá thể cần sử dụng”, bác sĩ Bách kể lại.
Nếu so sánh giữa hai việc sử dụng khẩu trang y tế với việc rửa tay, bác sĩ Bách cho rằng giá trị của rửa tay là quan trọng hơn gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, trong việc rửa tay, cũng không nên tuyệt đối hóa giá trị của các dung dịch sát khuẩn nhanh vì nó chỉ giúp rửa tay kết thúc nhanh hơn mà thôi. Riêng với học sinh, sinh viên thì việc rửa tay sạch bằng xà bông hoặc dung dịch sát khuẩn dưới vòi nước chảy mới là biện pháp giữ cho các bạn trẻ làm sạch tuyệt đối được đôi bàn tay (vốn luôn có nguy cơ bị bẩn).
“Trẻ đang chuẩn bị đi học trở lại thì một trong những việc tối quan trọng, không kém gì việc chuẩn bị sách vở, đó là các bạn trẻ cần được người lớn hướng dẫn cách rửa tay chuẩn chỉ sạch sẽ toàn diện dưới vòi nước bao gồm đủ các bước 1, 2, 3, 4… Trẻ không nên được chỉ dạy về việc sử dụng các lọ xịt rửa tay nhanh vì trẻ hay làm qua quýt cho xong, dễ bị bỏ sót các vị trí mà vi khuẩn hay ẩn trú. Và nếu người lớn cứ tuyệt đối hóa các lọ xịt rửa tay nhanh thì trước sau gì cũng dẫn đến tình trạng khan hiếm và bị thổi giá trục lợi”, bác sĩ Trần Xuân Bách nhìn nhận.
Thông điệp mà bác sĩ Bách đang muốn gửi tới mọi người nhằm phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, đó chính là hãy sử dụng khẩu trang đúng lọai và đúng cách, hãy chú ý rửa tay đủ bước dưới vòi nước chảy. “Nếu mỗi người đều hiểu đúng và có ý thức thì sẽ không bị trục lợi và sẽ góp phần cùng ngành y tế đẩy lùi dịch bệnh”.
Theo Thanh niên
Dùng nhiều không bằng dùng đúng
Nhiều người vẫn nghĩ, sử dụng khẩu trang, nước rửa tay mọi lúc, mọi nơi sẽ an toàn trong "bão" dịch. Trên thực tế sử dụng sai cách còn nguy hại hơn không sử dụng.
Khẩu trang không phải là vật dụng "thần kì" có thể giúp người dân ngăn ngừa hoàn toàn virus gây dịch bệnh Covid-19.
Chị Lê Thị Thanh Thảo, giáo viên tiểu học, ngụ quận Tân Bình, TP HCM chia sẻ, từ thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, gia đình chị với 5 thành viên đã sử dụng hơn 20 hộp khẩu trang, mỗi lần tìm mua khẩu trang là mỗi lần khó.
Giải thích cho mức độ tiêu thụ của gia đình mình, chị Thảo chia sẻ: "Mỗi lần ra khỏi nhà chúng tôi đều sử dụng, từ đi siêu thị, đi làm, đi uống cafe hay đi bộ tập thể dục, tới công viên, ra cổng lấy hàng, đổ rác... Mỗi ngày mỗi người trung bình sử dụng hàng chục cái khẩu trang, mỗi ngày tốn nửa hộp đến một hộp là bình thường".
Ngược lại, không ít người vì tiếc khẩu trang mắc mà tái sử dụng khẩu trang y tế nhiều lần sau khi sử dụng. Thậm chí có người còn... giặt lại khẩu trang y tế để sử dụng vì sợ hết hàng không mua được.
Tương tự, việc sử dụng nước rửa tay thế nào cũng tùy thuộc vào "cảm hứng" của từng người. Có người mỗi ngày rửa tay vài chục lần, rửa tay liên tục, cũng có người chỉ mỗi khi từ ngoài vào đến nhà mới rửa tay.
Trên thực tế, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khẩu trang không phải là vật dụng "thần kì" có thể giúp người dân ngăn ngừa hoàn toàn virus gây dịch bệnh Covid-19.
Việc tái sử dụng khẩu trang sẽ khiến các vi khuẩn, virus bám trong và ngoài khẩu trang có cơ hội tiếp xúc với mắt, mũi, miệng, hoặc bám vào các đồ vật chung quanh, tăng nguy cơ lây nhiễm.
Ngoài ra, khẩu trang cũ dùng nhiều lần hoặc giặt sẽ bị nhàu nát, mất tác dụng của lớp kháng khuẩn bên trong, thậm chí có thể sinh ra vi khuẩn tấn công hệ hô hấp của cơ thể. Và không hẳn khẩu trang đắt tiền, dùng mọi lúc, mọi nơi là có thể ngăn ngừa virus hiệu quả.
Cạnh đó, khi sử dụng khẩu trang y tế, cũng cần chú ý "cách ly" sau khi sử dụng, không vứt lung tung mà gói ghém kĩ để vào thúng rác bên ngoài.
Theo bác sỹ Huỳnh Minh Tuấn, Phó Trưởng bộ môn Vi sinh - Ký sinh, kiêm Trưởng khoa Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, khẩu trang vải nếu đúng quy cách, giặt sạch hàng ngày hay khi tiếp xúc với người ho, hắt hơi... sẽ có tác dụng không kém khẩu trang y tế, lại tiết kiệm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường, tránh bớt thải rác y tế ra ngoài tạo điều kiện cho người thu gom tái sử dụng.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, những người khỏe mạnh, không xuất hiện các triệu chứng về bệnh đường hô hấp thì không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế, thay vào đó, người dân chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến những nơi tập trung đông người, phương tiện giao thông công cộng.
Cũng vậy, với trường hợp sử dụng nước rửa tay, rửa liên tục, rửa nhiều không bằng rửa đúng lúc, đúng cách: Rửa tay sau khi có tiếp xúc với các vật dụng bên ngoài, đặc biệt là tiền, các loại thẻ, nắm cửa... Rửa tay trước khi ăn uống hoặc đưa tay lên miệng.
Dịch bệnh đáng lo ngại, nhưng người dân thay vì sợ hãi, cuống cuồng thì nên trang bị cho mình những kiến thức đúng để phòng chống. Có nhiều cách để trang bị các vật phẩm y tế cũng như nhiều phương pháp phòng chống virus.
Không phải liên tục dùng khẩu trang, nước rửa tay, săn lùng mua thật nhiều các vật phẩm y tế để dùng dần là có thể an tâm, ngăn bệnh dịch đến. Ngược lại, sử dụng sai cách, tiêu dùng thiếu thông minh còn gây ra tác dụng ngược, trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo, trục lợi.
Đông Phương
Theo baophapluat
Bộ Y tế Singapore: 'Vệ sinh điện thoại giúp phòng tránh virus corona hiệu quả hơn đeo khẩu trang cả ngày' "Thường xuyên vệ sinh điện thoại và rửa tay là 2 biện pháp phòng tránh virus corona có hiệu quả hơn cả việc đeo khẩu trang", đây là khuyến cáo mà Bộ Y tế Singapore đưa ra hôm thứ Tư vừa qua, theo South China Morning Post. Khuyến cáo này được đưa ra sau khi 4 y bác sĩ nước này, bao gồm...