Bạc Liêu: Sạt lở làm ảnh hưởng hàng chục nhà dân
Một đoạn sông Bạc Liêu – Cà Mau thuộc địa bàn Khóm 6, Phường 5, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu bị sạt lở nghiêm trọng vào nửa đêm, ngày 20/6 gây ảnh hưởng tới 27 căn nhà của người dân sống ven sông.
Ví trí sạt lở tiến sát vào nhà của các hộ dân. Ảnh: TTXVN phát
Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã nhanh chóng cử lực lượng xuống hiện trường hỗ trợ người dân di dời tài sản, tạm khắc phục sự cố.
Ghi nhận thực tế vào sáng 21/6 cho thấy, có 3 hộ dân bị sạt lở hoàn toàn phần nhà sau xuống sông, các hộ còn lại bị nứt tường, sụt lún nền nhà… phạm vi ảnh hưởng khoảng 400m, nằm dọc tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm. Qua kiểm tra, ngành chức năng thành phố Bạc Liêu đã đề nghị đơn vị thi công, trước mắt hỗ trợ một phần chi phí cho 3 hộ dân có nhà sau bị sạt lở xuống sông để tạm khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống; phối hợp với cơ quan chức năng xác định nguyên nhân sạt lở và thống kê cụ thể các trường hợp bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Tấn (ngụ Khóm 6, Phường 5) chia sẻ: “Căn nhà sau bị sụt trượt ra sông rất nhanh, chỉ trong khoảng 10 phút. Sạt lở nhanh quá nên vách tường bị xé toang, sụt lún xuống khoảng 1,5m, rồi chìm xuống sông rất nhanh”.
Anh Trịnh Ngọc Được (ngụ Khóm 6, Phường 5) chia sẻ: Vào khoảng nửa đêm, nghe tiếng lắc rắc phía sau nhà, anh ra kiểm tra thì thấy đất bắt đầu sụt xuống sông. Anh chỉ kịp chạy đi cắt nguồn điện, gọi mọi người trong nhà thức dậy để chạy ra ngoài và bất lực nhìn căn nhà sau sạt xuống sông.
Đến sáng 21/6, ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã vận động người dân có nhà bị ảnh hưởng khẩn trương di dời tài sản có giá trị đến nơi an toàn, để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Video đang HOT
Qua làm việc với chính quyền địa phương, đại diện đơn vị thi công nạo vét sông Bạc Liêu cho rằng, việc thi công đúng theo thiết kế được duyệt, nhà thầu sẽ báo cáo chủ đầu tư và đồng ý hỗ trợ chi phí ban đầu cho 3 hộ dân bị ảnh hưởng 5 triệu đồng/hộ, để hộ dân ổn định cuộc sống.
Căn nhà của một hộ dân bị nứt đổ xuống sông do sạt lở. Ảnh: TTXVN phát
Hiện chính quyền và ngành chức năng đang phối hợp tìm ra nguyên nhân của vụ sạt lở.
Theo ghi nhận, tính từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và các yếu tố bất lợi của thời tiết, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra tình trạng sụt lún đất, gây thiệt hại về đường giao thông nông thôn; thiệt hại về tài sản và nhà cửa của người dân ở huyện Hồng Dân, thị xã Giá Rai…
Ngay sau sự cố, chính quyền các địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, di dời tài sản ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng; đồng thời, sớm gắn biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho việc lưu thông, sinh sống của người dân.
Để kịp thời khắc phục tình hình sạt lở nêu trên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin để các hộ dân sinh sống khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở chủ động kịp thời trong công tác phòng, chống sạt lở, giảm nhẹ thiệt hại nếu sạt lở tiếp tục xảy ra.
Cùng với những tác động lớn của hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô thì sạt lở bờ sông tại Bạc Liêu trong vài năm trở lại đây cũng trở thành nỗi lo thường xuyên của người dân, nhất là vào mùa mưa bão. Đáng lo ngại khi tình trạng này diễn ra với tần suất ngày càng nhiều, mức độ thiệt hại cũng gia tăng. Điều này khiến người dân sống dọc theo các tuyến sông luôn thấy bất an, nhất là vào mùa mưa bão.
Triển khai các giải pháp bảo vệ người dân vùng sạt lở ven sông Cà Mau Bạc Liêu
Dù chỉ mới đầu mùa mưa nhưng tình trạng sạt lở ven sông trên địa bàn thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) đã diễn biến phức tạp với tần suất ngày càng tăng, khiến người dân sống trong tâm trạng bất an vì tính mạng và tài sản bị đe dọa.
Trước tình trạng này, chiều 11/6, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly, dẫn đầu Đoàn công tác đến khảo sát hiện trường các điểm sạt lở; đồng thời làm việc với UBND thị xã Giá Rai để bàn các giải pháp phòng, chống sạt lở.
Đoàn công tác đến khảo sát hiện trường tại các điểm sạt lở Khu vực cầu Sư Son (xã Tân Phong). Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN
Đoàn đã đến khảo sát hiện trường tại các điểm sạt lở khu vực cống Láng Trâm (xã Tân Thạnh), cầu Sư Son (xã Tân Phong) và khu vực Trường Mầm non Sơn Ca 2 (phường 1). Tại các điểm này, đất đá nứt gãy nhiều điểm hở sâu, có nguy cơ sụt trượt bất kỳ lúc nào. Khu vực cầu Sư Son từng xảy ra sạt lở với chiều dài gần 50 mét, trong đó sạt lở hoàn toàn 20 mét. Bên cạnh đó, có 4 hộ bị sạt lở nhà, tổng chiều dài bị sạt lở gần 20 mét.
Điểm sạt lở tại khu vực Trường Mầm non Sơn Ca 2 đang diễn biến nguy hiểm. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã Giá Rai đã cho làm kè cọc dừa để hạn chế tình trạng sạt lở nhưng không hiệu quả, sạt lở vẫn tiếp tục ăn sâu vào bên trong, làm sụt đổ hàng rào, rạn nứt sân trường, cống nước. Trước những diễn biến phức tạp, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã Giá Rai đã thuê đơn vị tư vấn khảo sát tình trạng sạt lở phía sau trường. Sau khi có kết quả, đơn vị sẽ trình phương án khắc phục báo cáo UBND thị xã xin tỉnh chủ trương làm bờ kè chống sạt lở khu vực phía sau trường.
Theo UBND thị xã Giá Rai, sạt lở diễn ra ở nhiều nơi nhưng đáng ngại nhất là khu vực bờ phía Nam tuyến kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu (đoạn từ cầu Giá Rai đến cầu Trần Văn Sớm) thuộc khóm 5, Phường 1 cùng một số khu vực thuộc ấp Khúc Tréo A, ấp Nhàn Dân B, xã Tân Phong; tuyến kênh Hộ Phòng - Chủ Chí ấp 3, xã Phong Thạnh A và khóm 1, phường Hộ Phòng.
Tính từ ngày 16 - 20/5, tại các xã Tân Phong, Phong Thạnh A và phường Hộ Phòng của thị xã Giá Rai xảy ra sạt lở khiến 7 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn, tổng chiều dài đất nhà ở bị sạt lở là 37 mét. Có 30 căn nhà bị ảnh hưởng (xuất hiện các vết nứt), có nguy cơ sạt lở rất cao, với tổng chiều dài khoảng 152 mét.
Hiện chưa có nguyên nhân chính thức nhưng theo ghi nhận bước đầu có thể do ảnh hưởng thủy triều lên xuống và điều tiết nước cống Giá Rai thường xuyên kết hợp với triều kém tạo khung trượt sâu nên gây ra sạt lở.
Hiện trường điểm sạt lở thuộc ấp Khúc Tréo A, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai. Ảnh: TTXVN phát
Trước tình hình sạt lở ngày càng nguy hiểm, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai Đỗ Minh Thắng, chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với Ban Quản lý Dự án xây dựng thị xã cùng UBND các phường, xã tiến hành khảo sát hiện trường, cắm biển cảnh báo tại một số vị trí có nguy cơ sạt lở cao, tuyên truyền vận động các hộ dân tháo dỡ phần nhà bị ảnh hưởng và di dời tài sản đi nơi khác để tránh thiệt hại về người và tài sản khi nguy cơ sạt lở có thể tiếp tục xảy ra. Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu khảo sát thực tế đoạn từ cầu Giá Rai đến cầu Trần Văn Sớm và cho ý kiến chỉ đạo, khắc phục để tránh thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Sau khi khảo sát hiện trường các điểm sạt lở, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lưu Hoàng Ly có buổi làm việc với UBND thị xã Giá Rai để bàn các giải pháp phòng, chống sạt lở, bảo vệ tính mạng tài sản của người dân. Ông Lưu Hoàng Ly cho rằng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sạt lở ven sông Bạc Liêu - Cà Mau (đoạn qua địa bàn thị xã Giá Rai) đã xảy ra nhiều năm qua. Đáng ngại là tần suất cũng như những thiệt hại sạt lở xảy ra ngày càng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân; cần nhanh chóng triển khai các giải pháp ứng phó.
Ông Lưu Hoàng Ly đề nghị UBND thị xã Giá Rai chỉ đạo UBND xã Tân Phong, xã Phong Thạnh A và phường Hộ Phòng khẩn trương cắm biển cảnh báo tại khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở. Địa phương tăng cường lực lượng Công an, Quân sự và các lực lượng xung kích tiếp tục xuống hiện trường giúp dân khắc phục thiệt hại, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực. Các đơn vị chức năng khẩn trương thống kê thiệt hại để sớm xem xét, hỗ trợ kinh phí đối với các hộ dân để sớm ổn định đời sống, sản xuất.
UBND thị xã Giá Rai chỉ đạo ngành chức năng rà soát cụ thể từng hộ, nhân khẩu; các hộ có nhà ở nơi khác thì động viên di dời; hộ không có nhà ở nơi khác thì bố trí tạm thời đến nơi ở an toàn và giải quyết kịp thời chế độ theo quy định.
Về lâu dài, UBND thị xã Giá Rai giao Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thống kê toàn bộ các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở trên địa bàn thị xã, sớm đề xuất các giải pháp phòng, chống trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Trên địa bàn thị xã Giá Rai đang triển khai thi công kè chống sạt lở bờ sông, đoạn từ cầu Giá Rai đến bến xe Hộ Phòng với tổng kinh phí gần 450 tỷ đồng, giai đoạn 1 hơn 375 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ ngăn chặn sạt lở, chống ngập, mở rộng không gian đô thị của thị xã. Trong khi chờ dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, ông Lưu Hoàng Ly nhấn mạnh, cần phải triển khai các giải pháp tạm thời đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước nguy cơ sạt lở.
Bạc Liêu: Nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Ngày 11/6, Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Sự cố sạt lở đê biển Đông,...