Bạc Liêu: Giáo viên tố hiệu trưởng mầm non Bi Bo giật tiền lương
Nhiều giáo viên, bảo mẫu bức xúc phản ánh đến báo điện tử Một Thế Giới rằng bà Võ Thị Ngọc Dung – Hiệu trưởng trường mầm non tư thục Bi Bo ( TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cố tình tìm cách quịt tiền lương sau khi họ nghỉ dạy do công việc quá vất vả.
Một góc Trường, lớp mầm non tư thục Bi Bo- Ảnh: Thanh Bảo
Theo nội quy, quy định của nhà trường do bà Hiệu trưởng Võ Thị Ngọc Dung đề ra: muốn xin nghỉ việc thì phải báo trước 1 tháng, nhưng phải có người thay thế mới được nghỉ. Còn nếu nghỉ ngang là đồng nghĩa không lương và phải bồi thường 2 triệu đồng/hợp đồng.
Nếu giáo viên vào dạy không đủ tháng, tự ý nghỉ ngang là không có tiền lương; giáo viên xin nghỉ phép nếu không được đồng ý mà tự nghỉ thì 1 ngày nghỉ bị trừ lương 3 ngày. Bà cũng cấm giáo viên không lấy số điện thoại phụ huynh và cũng không đưa số điện thoại giáo viên cho phụ huynh; giáo viên không đổ rác, tắt đèn, quạt, vệ sinh phòng… bị phạt 10.000 đồng/lỗi…
Theo phản ánh của các giáo viên, bảo mẫu của trường mầm non tư thục Bi Bo, một khi giáo viên đã lỡ bước chân vào trường là dính bẫy của bà hiệu trưởng này. Đa phần khi nhận vào dạy không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định, để khỏi phải đóng bảo hiểm. Nhưng khi người lao động có ý định xin nghỉ việc hoặc đòi tiền lương thì bà hiệu trưởng mới mời ký HĐLĐ, nói rằng để hợp thức hóa, làm thủ tục… rồi mới trả lương.
Nhưng những ai lỡ nhẹ dạ cả tin ký thì sau đó bà hiệu trưởng dựa vào HĐLĐ đã ký đòi bồi thường ngược lại bởi theo HĐLĐ, có điều khoản nếu nghỉ ngang phải bồi thường cho trường 2 triệu đồng!
Video đang HOT
Một giáo viên bức xúc cho biết, trường hợp cô nghỉ việc đúng quy định, nhưng khi đòi tiền lương, bà Dung kêu ký HĐLĐ rồi mới trả. Theo giáo viên này, đây là cách của bà Dung, vì có “bảo bối” trong tay, bà hiệu trưởng này trở mặt quay ra đòi bồi thường thiệt hại theo HĐLĐ, nếu ai làm căng lại thì bà giở trò… trả dần.
Cụ thể, giáo viên này dạy ở trường được 45 ngày, tiền lương 3 triệu đồng/tháng. Cô cho biết hoàn cảnh khó khăn, là sinh viên mới ra trường, một mình xoay xở mưu sinh giữa thành phố, có lần trong người chỉ còn 30.000 đồng, nhưng đến trường lấy lương, năn nỉ ỉ ôi khan cả cổ bà Dung chỉ trả 200.000 đồng. Tổng cộng số tiền lương đến nay, bà Dung mới trả được 1,2 triệu đồng, số tiền thiếu lại hứa lần hứa lượt, chưa biết khi nào trả!
Nội quy Trường mầm non tư thục Bi Bo - Ảnh: Thanh Bảo
Một giáo viên khác thì phản ánh, cứ nghĩ môi trường dạy học ở trường này tốt nên khi được tuyển vào dạy liền đồng ý ký HĐLĐ 6 tháng. Cô là trường hợp may mắn được ký HĐLĐ ngay khi vào làm. Nhưng chính HĐLĐ này đã ràng buộc cô trụ lại trường hơn 1 năm qua dù bản thân không muốn, nhưng lực bất tòng tâm, mãi đến gần ngày hộ sinh mới nghỉ được, còn tiền lương bị giam lại.
Qua trao đổi với PV, bà Dung cho rằng nhà trường làm đúng theo quy định, nội quy của trường đề ra. Tất cả các giáo viên trước khi tuyển vào dạy đã được phổ biến, quán triệt, và tất cả đồng ý.
Tuy nhiên, các giáo viên ở đây thắc mắc rằng nội quy, quy định của trường này có được thông qua cơ quan chức năng chủ quản nào thẩm định lại không?. Qua tìm hiểu của PV, còn nhiều giáo viên, bảo mẫu bị bà Dung chiếm tiền lương. Trong số này, đa phần là những giáo viên mới ra trường, người dân tộc Khơ Me, ở vùng nông thôn, vốn sống còn hạn chế, hoặc không dám tố giác vì sợ ảnh hưởng đến tìm việc làm sau này…
Trường mầm non tư thục Bi Bo đưa vào hoạt động nhiều năm qua, nhưng có ít giáo viên nào trụ lại trường trong suốt thời gian ấy. Việc giáo viên, bảo mẫu vào làm một vài ngày, một vài tuần, một vài tháng… rồi phải nghỉ việc diễn ra thường xuyên, vì công việc rất cực khổ. Nhưng đa phần số giáo viên, bảo mẫu này không được trả lương, tiền công, đã gây uất ức, bất bình nhưng tất cả đều ngậm bồ hòn làm ngọt.
Thanh Bảo
Theo motthegioi
Giáo viên tố hiệu trưởng cắt giảm tiền 'thưởng tết'
Hàng chục giáo viên của trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, TPHCM phản ánh với Tiền Phong về việc hiệu trưởng nhà trường không công khai tài chính, cắt giảm tiền thu nhập tăng thêm cuối năm không lý do khiến nhiều người gặp khó khăn trong đón tết nguyên đán sắp tới.
Theo đơn thư phản ánh đến báo Tiền Phong ngày 28/1, một nhóm giáo viên của trường THPT Nguyễn Công Trứ bày tỏ bức xúc với cách điều hành của bà Phạm Thị Thu Hồng, hiệu trưởng và bà Đặng Lan Anh, kế toán trưởng nhà trường, gây mất đoàn kết nội bộ.
Cụ thể, nhóm giáo viên này cho biết, trong năm học 2018- 2019, bà Hồng không minh bạch thông tin tài chính nhà trường và đặc biệt là thu nhập tăng thêm bị giảm sút bất ngờ, có người bị giảm chỉ bằng 1/2 so với năm học trước.
"Trong các cuộc họp, hiệu trưởng luôn nói năm nay giảm chi, cắt nhiều hoạt động để cuối năm anh em có thêm thu nhập, và thực tế những việc làm này đã được áp dụng thế nhưng đến cuối năm, thu nhập của giáo viên lại giảm bất ngờ trong khi số lượng học sinh, mức thu không giảm so với năm trước, thậm chí còn cao hơn", một giáo viên bức xúc.
Một giáo viên khác dẫn chứng: "Nhà trường có các nguồn thu khủng của 2.500 học sinh (học phí 120.000/tháng/hs, tiền buổi 2 là 300.000/tháng/học sinh, tiền tăng cường tiếng Anh là 120.000/tháng/hs, tiền tiếng Anh giao viên nước ngoài là: 180.000/tháng/hs, tiền điện 25.000/tháng/hs, tiền nước uống là 145.000/HK/hs). Tính ra hàng tháng ngoài tiền ngân sách nhà nước cấp, trường thu thêm gần 1,7 tỷ, vậy mà đột nhiên năm nay thu nhập tăng thêm của trường quá thấp trên dưới 12.000/ người, cá biệt có GV và nhân viên công tác 6 tháng chỉ nhận 1,2 - 3,8 triệu".
Cũng theo giáo viên này, như thời hiệu trưởng cũ, mọi thông tin đều rất công khai. "Chẳng hạn như cuối năm, sau khi kết toán, hiệu trưởng sẽ đưa ra một mức sàn rồi sau đó dựa vào thành tích phấn đấu của từng người nhân với hệ số là biết được năm đó mình được hưởng bao nhiêu. Còn năm nay, dù các tổ chuyên môn còn chưa xét xong danh hiệu thi đua cho giáo viên nhưng hiệu trưởng và kế toán đã công bố tiền thu nhập tăng thêm rồi tự động chuyển vào tài khoản của từng người. Nhìn vào số tiền không ai biết được cách tính thế nào kể cả các giáo viên dạy toán của trường, rõ ràng là rất không minh bạch", giáo viên này phân tích.
Ngoài ra, nhóm giáo viên này còn tố cáo bà Đặng Lan Anh kế toán trưởng không đủ chuyên môn để làm công việc hiện tại. Theo các giáo viên, bà Lan Anh đậu biên chế thủ quỹ song lại được bà Phạm Thị Thu Hồng, hiệu trưởng bố trí làm kế toán trưởng là không đúng chức năng, nhiệm vụ dẫn đến nhiều tham mưu sai lệch trong thu chi.
Chiều 28/1, PV Tiền Phong đã có buổi làm việc với bà Phạm Thị Thu Hồng, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Công Trứ về sự việc trên. Tuy nhiên, do có sự việc đột xuất nên sau khi nghe PV nói về đơn thư tố cáo, bà Hồng xin phép nghiên cứu kỹ hơn rồi sẽ phản hồi sau.
NGUYỄN DŨNG
Theo Tiền phong
Sau hai năm bị 'khuyết', Đại học Mở TP.HCM có tân hiệu trưởng Bộ GD&ĐT vừa quyết định bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Minh Hà làm hiệu trưởng Đại học Mở TP.HCM, nhiệm kỳ 2019-2024. Với quyết định trên, sau 2 năm bị "khuyết", Đại học Mở TP.HCM có hiệu trưởng mới. PGS.TS Nguyễn Minh Hà (SN 1972, tại Nha Trang, Khánh Hoà) học cử nhân Đại học Kinh tế TP.HCM, thạc sĩ Viện ISS (Hà Lan)...