Bắc Kạn, Cao Bằng: Chấm thi đúng quy chế, xuất hiện nhiều bài Ngữ Văn đạt 8,9 điểm.
Ngày 3/7, đại diện Ban chỉ đạo thi quốc gia do PGS.TS Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD-ĐT đã đi kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng.
Ông Mai Văn Trinh kiểm tra công tác chấm thi tại Bắc Kạn
Bắc Kạn: Siết chặt an ninh mọi quy trình chấm thi
Tại tỉnh Bắc Kạn, ông Đoàn Văn Hương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn, Trưởng Ban chấm thi cho biết, công tác chấm thi tự luận bắt đầu từ ngày 30/6/2019.
Cán bộ chấm thi môn tự luận, Sở đã huy động và lựa chọn giáo viên Ngữ văn từ các trường THPT trong toàn tỉnh có đủ năng lực, phẩm chất trong sạch và tinh thần trách nhiệm cao tham gia chấm thi.
Bài thi môn trắc nghiệm của Bắc Kạn do trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải chủ trì chấm với 12 cán bộ tham gia, trong đó có 3 cán bộ giám sát.
Theo ông Hương, khu vực chấm thi trắc nghiệm và tự luận (phòng chấm thi, phòng để bài thi, phòng xử lý bài thi trắc nghiệm) được bố trí độc lập. Tất cả các phòng dành cho chấm thi, bảo quản bài thi được lắp đặt camera giám sát 24/24, có lực lượng công an, bảo vệ trực 24 giờ/ngày. Phòng, tủ đựng bài thi sử dụng tem rách để niêm phong, có khóa bảo đảm an toàn, chắc chắn.
Các bài chấm thi đều thực hiện đúng quy chế, đúng quy trình, trước khi vào phòng thi cán bộ chấm thi phải bốc thăm để đảm bảo khách quan.
Trước khi vào chấm chính thức, Ban chấm thi đã tiến hành buổi chấm chung để thống nhất điểm bài thi. Điểm chấm chung không cao, trong 30 bài chấm có khoảng 20 bài thi có điểm dưới trung bình, điểm cao nhất là 7,5 điểm. Quy trình chấm thi được cách ly triệt để từ chấm vòng 1 và chấm kiểm tra.
“Qua 3 ngày chấm, đến nay chưa phát hiện sai sót gì. Các quy trình chấm thực hiện theo đúng quy chế, đúng quy định của Bộ GD-ĐT” – ông Hương khẳng định.
Cục trưởng Mai Văn Trinh kiểm tra phiếu chấm thi kiểm tra
Cô giáo Nông Thị Sen cán bộ chấm thi cho biết, đề văn năm nay khó hơn mọi năm một chút nhưng đáp án hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT rất cụ thể, đã tạo thuận lợi cho cán bộ chấm thi một tâm lý thoải mái, hiệu quả chấm tốt hơn.
Cô Sen cho hay, mỗi ngày chấm khoảng gần 50 bài thi. Môn Văn có độ lệch trong chấm, có bài lệch từ 1-1,5 điểm nhưng chủ yếu là lệch dưới 1 điểm. Trong đó, là lệch 0.25 đến 0,5 là nhiều. Rất ít bài thi lệch 0.75 điểm. Trong số, những bài đã được chấm thì điểm cao nhất là 8, thấp nhất là hơn 1 điểm, chưa có điểm liệt. Phổ điểm trung bình các bài thi từ 5 – 6 điểm.
Được biết, năm nay, Bắc Kạn có 2.572 bài thi tự luận và 5.159 bài thi trắc nghiệm. Dự kiến, kết thúc chấm thi vào ngày 8/7.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn, ông Ma Thế Quyên cho biết, để thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là siết chặt tất cả các khâu nhất nên cũng đã tạo những áp lực cho các thầy cô giáo.
Video đang HOT
“Để giảm tải áp lực này, Bí thư tỉnh ủy đã đến điểm thi để kiểm tra và động viên cán bộ chấm thi. Trước đó, Sở GD&ĐT cũng đã gặp gỡ tất cả các thầy cô, quán triệt rõ ràng phải thực hiện theo quy chế chấm thi vì đây không chỉ nhiệm vụ mà là trách nhiệm của người thầy” – ông Quyên chia sẻ.
Phòng đựng bài thi của tỉnh Bắc Kạn niêm phong cẩn thận mỗi lần mở
Cao Bằng: Xuất hiện 2 điểm 9 môn Ngữ văn
Tương tự như Bắc Kạn, theo báo cáo của Hội đồng chấm thi tỉnh Cao Bằng, công tác chuẩn bị chấm thi đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng theo đúng quy trình hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT từ các khâu an ninh, phòng chấm, bảo quản đề thi, bài thi… một cách chi tiết, cẩn thận, an toàn, nghiêm ngặt.
Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng, trưởng Ban chấm thi cho biết,
tổng số thí sinh đăng ký dự thi của tỉnh Cao Bằng là 4.782 thí sinh. Ngày 2/7, Ban chấm thi mới bắt đầu chấm môn tự luận. Quy trình chấm thi đều tuân thủ tất cả quy chế của Bộ GD-ĐT nên đến nay chưa có vấn đề gì xảy ra.
Theo ông Dương, đến ngày hôm nay 3/6, Cao Bằng đã chấm được 1/ 4 số bài thi trên tổng số 4.659 bài. Trong đó, đã xuất hiện 2 bài thi được 9 điểm, điểm thấp nhất là 1,25, còn lại mức điểm dài đều từ 5 – 7 điểm.
Đối với 2 bài thi điểm 9, ông Dương cho hay chưa phải chấm kiểm tra lại vì 2 cán bộ chấm thi vòng 1 đều thống nhất cho 9 điểm nên chưa có gì bất thường.
Cục trưởng Mai Văn Trinh trao đổi với Hội đồng thi tỉnh Cao Bằng công tác chấm thi
Không chủ quan, đảm bảo công bằng nhất cho thí sinh
Tại 2 điểm chấm thi ở tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng, qua kiểm tra xác xuất các phòng thi, bài thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD-ĐT nhận định và đánh giá cao công tác thực hiện chấm thi của 2 tỉnh, mặc dù ở miền núi nhưng rất đúng quy trình, đúng quy chế. Công tác an ninh đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc.
Mặc dù đánh giá cao sự nghiêm túc trong quá trình chấm thi nhưng ông Trinh đặc biệt lưu ý, các hội đồng chấm thi không được chủ quan dù là khâu nhỏ nhất; đảm bảo chấm đúng, chấm khách quan tạo sự công bằng cho thí sinh. Bởi, nếu lơ là một chút sẽ dẫn đến sai sót, gian lận khó lường. Lúc đó, Ban chỉ đạo thi của tỉnh phải chịu trách nhiệm.
Theo đó, việc chấm thi 2 vòng độc lập và chấm kiểm tra, bốc thăm chấm, phân chia khối lượng bài thi cho cán bộ chấm thi, việc chấm kiểm tra lại phải đúng 5% bài thi đã chấm. Mục đích của việc chấm kiểm tra là nhằm xem việc chấm vòng 1 và vòng 2 của cán bộ chấm thi có đều tay hay không, qua đó có hướng xử lý nếu có vấn đề phát sinh.
“Trưởng môn chấm thi phải thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấm thi của các cán bộ chấm thi trong tổ chấm thi. Trước khi giao bài đã chấm xong 2 vòng độc lập cho 2 cán bộ chấm thi thống nhất điểm, phải đối chiếu điểm bài thi trên Phiếu ghi điểm của cán bộ chấm lần thứ hai với điểm trên Phiếu chấm cá nhân của cán bộ chấm thi lần thứ nhất.
Nếu phát hiện những trường hợp chênh lệch từ 0,5 điểm trở lên để theo dõi, xác định nguyên nhân và kết quả xử lý thống nhất của 2 chấm thi nhằm phòng ngừa các sai sót, vi phạm Quy chế thi” – ông Trinh nhấn mạnh.
Ông Mai Văn Trinh cũng đề nghị tổ thư ký những ngày cuối cùng trong công tác chấm thi phải tham mưu cho tổ chấm và điều phối lựa chọn các bài chấm, đúng quy chế. Không chỉ chấm kiểm tra lại những bài điểm cao mà vẫn phải chấm cả những bài thi điểm thấp, thậm chí cả điểm liệt để đảm bảo công bằng, tránh thiệt thòi cho thí sinh.
Cục trưởng Mai Văn Trinh lưu ý 5 vấn đề trong công tác chấm thi:
Bảo đảm cách ly cán bộ trong khâu làm phách theo đúng quy định.Thực hiện nghiêm túc chấm hai vòng độc lập.Bốc thăm để phân chia túi bài thi cho cán bộ chấm thi.Chấm kiểm tra tối thiểu 5%, nhất là những bài điểm cao.Bảo đảm nhập điểm hai vòng độc lập.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Chấm thi tự luận bảo đảm đúng tiến độ nhưng phải chấm kỹ, không vội vàng
Sáng nay (30/6), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia tại Hà Nội. Đây cũng là thời gian các cán bộ chấm thi tiến hành chấm chung bài thi môn Ngữ văn.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn bộ bài thi của thí sinh đã được chuyển về Hội đồng chấm an toàn, bảo mật. Riêng bài thi trắc nghiệm, chiều 28/6 đã bàn giao cho trường ĐH phụ trách chấm thi trắc nghiệm của Hà Nội để triển khai công tác chấm thi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi tại Hà Nội
Năm nay, Hà Nội huy động gần 500 cán bộ chấm thi, trong đó có gần 40 người là giảng viên đại học. Việc thảo luận đáp án được tiến hành kĩ. Theo đó sáng 29/6, thực hiện thảo luận đáp án trong 58 cán bộ nòng cốt; chiều 29/6, thảo luận đáp án trong toàn bộ cán bộ chấm thi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi với cán bộ trong Tổ Thư ký
Phản ánh từ Ban Chấm thi tự luận và các cán bộ chấm thi của Hà Nội, năm nay, việc thống nhất biểu điểm nhanh; hướng dẫn chung, hướng dẫn chi tiết biểu điểm thống nhất cao vì mọi thứ tường minh, rõ ràng, dễ vận dụng.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT lưu ý cán bộ chấm thi, chấm đúng tiến độ nhưng không chấm vội, không làm tắt.
Công tác chấm thi tự luận sẽ hoàn thành theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT là ngày 12/7.
Thứ trưởng gửi lời chúc sức khỏe đến các cán bộ làm nhiệm vụ chấm thi.
Với bài trắc nghiệm, ĐHQG Hà Nội được phân công chủ trì việc chấm thi trắc nghiệm cho thí sinh dự thi tại Hà Nội. Khoảng 70 nhân sự, bao gồm cả an ninh, phục vụ và 12 máy được huy động để thực hiện công tác này.
Gần 500 giáo viên được Hà Nội huy động tham gia chấm thi tự luận năm nay
Trong buổi sáng, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra khu vực chấm bài thi tự luận và khu vực chấm bài thi trắc nghiệm của Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi với các cán bộ làm công tác thanh tra chấm thi
Ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo và quy trình được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ của Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý việc chấm thi tự luận phải đảm bảo đúng tiến độ nhưng phải chấm kĩ, không vội vàng, làm tắt, không bỏ qua bất cứ quy trình nào mà Quy chế thi đã quy định về khâu chấm thi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra khu vực chấm thi trắc nghiệm của Hà Nội
"Công bằng, nghiêm túc, khách quan chưa bao giờ được nhắc nhiều như kỳ thi năm nay" - nhấn mạnh điều này khi trao đổi trực tiếp với các cán bộ chấm thi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý các thầy cô phải nghiên cứu, thảo luận kỹ đáp án, thang điểm, thực hiện nghiêm túc chấm chung ít nhất 10 bài thi theo quy định. Mỗi bài thi tự luận phải đảm bảo được 2 cán bộ chấm thi chấm độc lập hoàn toàn. Tiến hành chấm kiểm tra ít nhất 5% bài thi tự luận song song với tiến độ chấm thi...
Khu vực chấm thi trắc nghiệm
Theo kế hoạch, ngày 13/7 sẽ là hạn cuối các tỉnh gửi kết quả dữ liệu điểm về Bộ GD&ĐT, trên cơ sở đó, Bộ sẽ phân tích phổ điểm, đánh giá kết quả; để sau đó chính thức công bố đồng loạt kết quả thi và phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia.
Hiếu Nguyễn
Theo GDTĐ
Giám sát chặt khâu chấm thi Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo những ngày này liên tục kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia tại các địa phương Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ ngày 30-6 đã trực tiếp đi kiểm tra công tác chấm thi của hội đồng thi Bình Định. Các đoàn công tác của Bộ GD-ĐT...