Bắc Giang: Nhiều điểm mới trong tuyển sinh lớp 10 không chuyên năm 2019
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên năm học 2019-2020 có số môn thi tăng lên so với năm học trước 1 môn, gồm 4 môn Ngữ văn ( tự luận, 120 phút), Toán ( trắc nghiệm 30% kết hợp với tự luận, 120 phút), Ngoại ngữ (trắc nghiệm kết hợp tự luận, 60 phút) và môn thứ tư theo hình thức bắt thăm (công bố trước 31/3/2019).
Trong đó, môn thứ tư có thể là một trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân theo hình thức trắc nghiệm với thời gian làm bài 60 phút.
Ngày 31/10/2018, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) không chuyên năm học 2019-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh.
So với những năm trước, việc UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT là sớm hơn khoảng 5 tháng (những năm trước vào khoảng đầu tháng 4).
Bởi lẽ năm học này, Sở GD&ĐT đề xuất thay đổi phương thức thi tuyển sinh so với những năm học trước, cụ thể là đổi mới phương thức thi tuyển sinh vào lớp 10 đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện và phù hợp với yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia đã được đổi mới từ năm 2015.
Trong tháng 9 và tháng 10/2018, Sở GD&ĐT đã thực hiện các quy trình hoàn thiện dự thảo kế hoạch, xin ý kiến các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh, ý kiến của các ngành liên quan, của UBND các huyên, thành phố và sự thẩm định của Sở Tư pháp để trình UBND tỉnh thông qua trong kỳ họp tháng 10/2018.
Về cơ bản, đối tượng tuyển sinh, chế độ ưu tiên, việc tuyển sinh vào lớp 10 các trường PT DTNT tỉnh, PT DTNT Sơn Động, Lục Ngạn và tuyển sinh vào lớp 10 các trường ngoài công lập, các trung tâm, các trường chuyên nghiệp, dạy nghề vẫn được giữ nguyên các yêu cầu như những năm học trước. Song, có một số điểm rất mới trong kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2019-2020 mà các em học sinh, phụ huynh, giáo viên cần hết sức lưu ý như sau:
Về chỉ tiêu tuyển sinh: Theo Kế hoạch phát triển GD&ĐT năm học 2019-2020 của Sở GD&ĐT, dự kiến tuyển sinh khoảng 83% học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2018-2019 vào học THPT năm học 2019-2020, trong đó THPT công lập: 64%, THPT ngoài công lập: 8%, GDTX: 11%.
Về phương thức thi: Thi tuyển 04 môn thi gồm Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh và môn thi thứ tư. Như vậy, so với những năm học trước, năm học 2019-2020 tăng thêm 01 môn thi (năm trước chỉ thi 03 môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh).
Về hình thức thi:
Môn Ngữ văn: hình thức thi tự luận, thời gian làm bài 120 phút;
Môn Toán: hình thức thi trắc nghiệm kết hợp tự luận (nội dung trắc nghiệm chiếm khoảng 30%), thời gian làm bài 120 phút;
Môn Tiếng Anh: hình thức thi trắc nghiệm kết hợp tự luận (thi các kỹ năng nghe, đọc và viết), thời gian làm bài 60 phút;
Môn thi thứ tư: bắt thăm ngẫu nhiên trong nhóm các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân. Sở GD&ĐT sẽ thông báo kết quả bắt thăm trước ngày 31/3/2019. Hình thức thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút.
Video đang HOT
Ảnh minh họa.
Về nội dung thi: Các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh nội dung kiến thức ở cấp THCS; riêng môn thi thứ tư nội dung kiến thức thi trong chương trình lớp 9 THCS.
Về thời gian đăng ký dự thi, ngày thi, lịch thi: UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể sau khi Bộ GD&ĐT có hướng dẫn về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Về cách tính điểm, xét trúng tuyển: Các môn thi được chấm thang điểm 10 và được tính hệ số 01. Có một điểm đáng lưu ý là Điểm xét tuyển = Điểm môn Ngữ văn Điểm môn Toán Điểm môn Tiếng Anh Điểm môn thứ tư Điểm ưu tiên (nếu có).
Như vậy cả 4 môn đều được tính bình đẳng hệ số 1, không có môn tính hệ số 2 (những năm học trước môn Ngữ văn và Toán được tính hệ số 2). Điểm xét trúng tuyển lấy từ cao đến thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu; trường hợp lấy điểm xét tuyển cao hơn thì thiếu, lấy tiếp đến điểm thấp hơn liền kề thì thừa chỉ tiêu do lãnh đạo Sở GD&ĐT xem xét, quyết định.
Về chế độ ưu tiên, khuyến khích: Một điểm đáng lưu ý nữa là trong Kế hoạch tuyển sinh năm học 2019-2020 sẽ chỉ còn chế độ ưu tiên, không còn chế độ khuyến khích. Và điểm ưu tiên cũng thấp hơn so với những năm trước. Cụ thể về chế độ ưu tiên:
- Cộng 2 điểm (năm học trước cộng 3 điểm) cho các thí sinh thuộc đối tượng sau:
Con liệt sĩ;
Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên;
Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên;
Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”;
Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
- Cộng 1,5 điểm (năm học trước cộng 2 điểm) cho các thí sinh thuộc đối tượng sau:
Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng Lao động, con của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng;
Con thương binh, bệnh binh mất sức lao động dưới 81%;
Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”;
- Cộng 1 điểm cho các thí sinh thuộc đối tượng sau:
Người dân tộc thiểu số hoặc có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số;
Người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tổ chức kỳ thi) ở thôn, xã ĐBKK.
Thí sinh có nhiều diện ưu tiên nêu trên chỉ được hưởng một diện ưu tiên cao nhất.
Các chế độ khuyến khích như cộng điểm cho học sinh đạt giải cá nhân trong kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hoá cấp tỉnh, cấp quốc gia, thi Khoa học kỹ thuật, học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông đều bị bãi bỏ.
Như vậy, so với năm học trước, Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT không chuyên năm học 2019-2020 của Ngành Giáo dục có rất nhiều điểm mới. UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan truyền thông, với UBND huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền về các kỳ thi tuyển sinh, nhất là những điểm mới của kỳ thi để học sinh, phụ huynh và cán bộ giáo viên trong toàn tỉnh hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai; đồng thời chỉ đạo các phòng GD&ĐT thực hiện hoàn thành chương trình, kế hoạch dạy học; tổ chức thực hiện nghiêm túc các khâu của kế hoạch tuyển sinh đã được phê duyệt.
TTH
Theo Sở GD&ĐT Bắc Giang
Đề thi minh họa vào lớp 10 của Hà Nội: Không gây sốc, đánh đố học sinh
Nhìn nhận sơ bộ về đề thi tham khảo các môn mà Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố chiều ngày 31/10/2018 có thể thấy đề thi bao phủ toàn bộ chương trình lớp 9 nhưng xuất hiện cả các câu hỏi thuộc lớp 8 (khoảng 20%). Do đó, hình thức thi như vậy là phù hợp và không gây sốc, đánh đố học sinh.
Ảnh minh họa
Đó là nhận định của tổ giáo viên Học Mãi. Theo các giáo viên.
Trước đây, học sinh tham dự kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Hà Nội chỉ phải làm 2 bài thi Toán và Ngữ văn theo hình thức Tự luận thì theo Phương án tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 được Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng, trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt là tổ chức thi 4 bài độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn thi khác.
Bài thi thứ tư sẽ được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng 3/2019 và thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Thời gian làm bài đối với các môn thi Toán, Ngữ văn là 120 phút/môn, thời gian làm bài đối với 2 môn thi còn lại là 60 phút/môn và theo hình thức trắc nghiệm.
Nhìn nhận sơ bộ về đề thi tham khảo các môn mà Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố chiều ngày 31/10/2018 có thể thấy đề thi bao phủ toàn bộ chương trình lớp 9 nhưng xuất hiện cả các câu hỏi thuộc lớp 8 (khoảng 20%). Các câu hỏi đáp ứng theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng và không mang tính đánh đố học sinh.
Các em học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm bài tốt. Đặc biệt, các câu hỏi không sắp xếp theo thứ tự các cấp độ và xuất hiện một số câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn.
Mặc dù thi theo hình thức trắc nghiệm trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không hẳn là việc gì quá xa lạ, nhưng với học sinh thủ đô đây cũng là một sự thay đổi lớn, khiến phụ huynh và học sinh đặc biệt quan tâm.
Mục tiêu của việc điều chỉnh về cơ bản là giúp cải thiện tình trạng môn chính, môn phụ, tránh tình trạng học lệch, học tủ cũng như việc cắt xén nội dung trong các nhà trường nhằm giúp học sinh trang bị hệ thống kiến thức nền tảng toàn diện trước khi bước vào cấp THPT. Do đó, hình thức thi như vậy là phù hợp và không gây sốc.
Việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đặt ra yêu cầu với cả giáo viên và học sinh phải có sự thay đổi trong phương pháp dạy và học để thích nghi. Với học sinh, đầu tiên là cần thay đổi tư duy trong việc chỉ học Văn, Toán mà bỏ qua các môn còn lại đồng thời phải thay đổi phương pháp học tập cho phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm, chú trọng rèn kĩ năng, phương pháp, đặc biệt là rèn phản xạ làm bài.
Còn đối với giáo viên, việc áp dụng thi trắc nghiệm đặt ra yêu cầu đổi mới toàn bộ phương pháp dạy và ra đề thi khi mà họ đã quen với công việc dạy học theo hình thức tự luận. Bên cạnh việc thay đổi giáo án giảng dạy là việc thay đổi phương pháp truyền thụ và biên soạn câu hỏi.
Theo đó, giáo viên không thể nhồi nhét toàn bộ kiến thức cho học sinh bởi lẽ đề thi quá rộng và học sinh thì không phải chỉ học duy nhất một môn mà phải suy nghĩ làm sao cho học sinh của mình nắm được bài, hiểu bài và nhớ được lâu các kiến thức trọng tâm, đồng thời có khả năng vận dụng thành thạo kiến thức vào việc xử lí các câu hỏi.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều luồng ý kiến xung quanh việc thay đổi này nhưng thi trắc nghiệm đã và đang trở thành xu thế phổ biến. Chất lượng của kì thi phụ thuộc khá nhiều vào nội dung đề thi, đòi hỏi phải có một ngân hàng câu hỏi đủ lớn đã được chuẩn hóa và thử nghiệm trong một thời gian đủ dài mới có thể kết luận một cách chính xác.
Có thể coi đây là một sự chuẩn bị sớm cho kì thi THPT quốc gia từ đó học sinh có định hướng điều chỉnh phương pháp học tập đúng đắn. Rất có thể đây sẽ là một điểm khởi đầu mới trong việc đổi mới hình thức tuyển chọn học sinh, giúp giải quyết vấn đề là cần phải giáo dục học sinh một cách toàn diện. Đó chắc chắn là một hướng đi bền vững.
Mỹ Hảo
Theo Dân trí
Ý kiến của Sở GD&ĐT Hà Nội trước "bão" tuyển sinh vào lớp 10 Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội lên tiếng về thực trạng điểm chuẩn "nhảy múa" như sàn chứng khoán, phí giữ chỗ không hoàn trả có nơi lên tới 6 triệu đồng tại một số trường ngoài công lập gây bức xúc trong phụ huynh học sinh những ngày gần đây. Cuộc đua vào lớp 10 tại Hà Nội với những vấn đề...