Bạc đầu vẫn miệt mài học chữ
Vượt lên sự mặc cảm, tự ti, những học sinh mái đầu đã bạc, có con cháu đủ đầy vẫn đều đặn đến lớp, ê a những con chữ đầu tiên.
Những năm gần đây, tại các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, An Giang đã xuất hiện nhiều mô hình xóa mù chữ (XMC) hiệu quả do các tổ chức phi chính phủ tài trợ hoặc cá nhân tự đứng ra mở lớp.
Cả đời cống hiến cho ngành giáo dục, năm 2001, cô giáo Nguyễn Thị Thông (68 tuổi, thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) nghỉ hưu, tự đứng ra mở lớp học dạy chữ cho học sinh nghèo, tàn tật. Ban đầu, lớp học được dựng lên ở con hẻm nhỏ ngay nhà cô, bàn ghế là những cánh cửa gỗ ọp ẹp kê tạm. Trong hơn 13 năm, cô Thông đã XMC cho hàng trăm trẻ em. Hơn 50 người từ 35 tuổi trở lên ở địa phương cũng được cô Thông dạy cho biết đọc, biết viết.
Nhiều năm gieo chữ, cô nhớ mãi một người đàn ông tên T, trong gần 1 năm ròng rã tối nào cũng chạy xe hơn 30 km đến nhà cô để học.”Nỗ lực của các học sinh lớn tuổi đã động viên tôi rất nhiều. Sắp tới, tôi sẽ mở thêm một lớp XMC cho người lớn, hiện đã có hơn 10 người đăng ký theo học”, cô Thông tâm sự.
Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ ở thôn Xà Ê, xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Giữa nơi bản sâu của núi rừng Phước Sơn, Quảng Nam, cứ đêm đêm lại vang lên tiếng đọc bài của những phụ nữ luống tuổi trong lớp học xóa mù chữ. Trong lớp học ấy, vài chiếc bàn nhựa được đặt ngay ngắn, mỗi phụ nữ sắm một cái bảng nhỏ tập viết hoặc một cuốn vở. Bảng đen lớn được chia làm đôi để 2 cô giáo mỗi người một bên dạy kiến thức lớp 3, lớp 1. Những phụ nữ “học sinh” nước da ngăm đen, mặc váy lịch sự hướng mắt lên bảng nghe giảng bài, nhiều người cõng cả con lên lớp.
Đã có 9 người con, 8 đứa cháu, chị Hồ Thị Nhoãn (50 tuổi) vẫn hào hứng đi học để “có việc cần lên xã làm giấy tờ được dễ dàng”. Hai cô con gái của chị Nhoãn đã lập gia đình cũng đi học tại lớp này. “Ngày trước ở đây khó khăn lắm, không có điều kiện, người cỡ tuổi mình không ai biết chữ hết, con của mình cũng không được đi học. Nay có lớp học, mình mong được học để biết chữ lắm! Giờ mình và 2 đứa con đã viết được tên rồi”, người “bà” học sinh nói.
Video đang HOT
Mỗi buổi đi rẫy về mệt mỏi nhưng khi lên lớp thấy các bà, các mẹ “học sinh” của mình vui vẻ, hăng say học tập, cô giáo Hồ Thị Lan (22 tuổi) cũng vui lây. Học hết lớp 12 do điều kiện khó khăn, cô Lan phải nghỉ học. Thấy người dân trong vùng không biết chữ rất thiệt thòi, cô giáo 22 tuổi ấy đã tình nguyện dạy lớp 3 cho mọi người. Mở từ tháng 12/2013, đến nay lớp học XMC ở xã Phước Mỹ có 21 phụ nữ từ 22-50 tuổi theo học.
Tại tỉnh An Giang, nhiều lớp học XMC cho đồng bào Khmer cũng được tổ chức ở các xã Lương Phi, Lê Trì, Châu Lăng (huyện Tri Tôn) hoặc xã An Cư (huyện Tịnh Biên).
Ông Trần Văn Út, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn, cho biết nhờ có các sư sãi cùng tham gia nên phật tử trong phum sóc thấy vậy mà nghe theo rồi chăm chỉ học tập. Phần lớn các điểm học cũng là các chùa do chính người Khmer biết chữ dạy lại cho người chưa biết chữ. Cũng như nhiều người tự nguyện đứng lớp dạy miễn phí tại địa phương, chị Thạch Thị Phi (ấp Phnom Pi, xã Châu Lăng) không kể nhiều về mình mà lại tỏ ra áy náy khi những lớp học còn thiếu thốn trăm bề, đến bàn ghế, bảng đen… cũng phải đi mượn.
Ông Thạch Chinh – một học viên ở ấp Phnom Pi, xã Châu Lăng – hóm hỉnh nói: “Bà con ở đây còn đề nghị học luôn lúc cúp điện vì sợ quên mặt chữ. Mình cũng cố gắng học cho mau biết chữ để còn thi lấy bằng lái xe máy nữa chứ”.
Theo VNE
Lớp 1 đặc biệt toàn U30, 40
Ngoài tuổi 30, 40 các chị mới có cơ hội học xóa mù để đọc được chữ, không còn phải lăn tay điểm chỉ thay chữ ký mỗi khi cần giao dịch hành chính. Những bàn tay chai sần cày cuốc nay đã viết được tên mình.
Học cho mình mà!
Xã Long Sơn nằm biệt lập cuối huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Bao nhiêu năm nay, người dân Long Sơn vẫn ký tên theo kiểu lăn dấu tay điểm chỉ vì không biết chữ.
Sau nhiều lần xã trình đơn xin hỗ trợ mở lớp xóa mù, được huyện chấp thuận đầu tư kinh phí, ngày 1/7/2013 khóa học khai giảng với hơn 100 học viên từ 35 - 45 tuổi, chia thành 3 lớp A,B,C. Học viên được trang bị từ bút, vở đến sách giáo khoa, học vào các buổi tối từ thứ 2 - 6 hàng tuần.
Lớp học xóa mù cho người lớn
Nông dân rời rẫy sớm hơn, về hoàn tất việc nhà cho kịp lên lớp buổi tối để đánh vần từng từ, gò từng nét chữ trên cuốn vở 5 ly như học trò lớp 1. Anh Lý Văn Chạy, 36 tuổi ở thôn Đông Sơn, học viên nam duy nhất của lớp xóa mù khoe với chúng tôi sau mấy tháng học, anh đã có thể viết được tên mình, tên vợ, tên con, đọc được chữ ở các biển hiệu quảng cáo.
"Học chữ là học cho mình để có kiến thức, học để hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, học để biết cách trồng trọt, chăn nuôi, mua bán,... Nhiều cái lợi như vậy nên mình phải cố gắng học thôi!".
Chịu khó, chăm chỉ đến lớp đều đặn, chị Hứa Thị May sinh năm 1979, Phó Chi hội phụ nữ thôn Tây Sơn là học viên xuất sắc nhất lớp A. Thuở nhỏ ở quê chị đã từng đi học. Nhưng học ít nghỉ nhiều vì việc nương rẫy, con chữ dần dần rơi hết, nay có dịp xóa mù, chị hào hứng tham gia. "Học được cái chữ, biết viết, biết đánh vần, đọc được văn bản nên tôi thích lắm! Làm công tác xã hội bản thân phải hiểu biết mới tuyên truyền, vận động chị em tham gia các hoạt động cộng đồng được", chị May nói.
Xã Long Sơn nằm biệt lập cuối huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Bao nhiêu năm nay, người dân Long Sơn vẫn ký tên theo kiểu lăn dấu tay điểm chỉ vì không biết chữ.
Trong số hơn 100 học viên đi học lớp xóa mù nhiều người đã từng đi học như chị May nhưng quên chữ, cũng không ít người chưa được học bao giờ. Chị Triệu Mùi Phẩy, thôn Nam Sơn ngoài 40 tuổi nhờ được học gần hết chương trình lớp 1, mới nói tiếng Kinh rõ ràng, biết viết tên, đọc chữ và cộng trừ đơn giản. "Hồi đầu đến lớp tôi ngại lắm, may thấy nhiều chị còn lớn tuổi hơn nên tôi mới mạnh dạn tham gia".
Học viên cố gò từng nét chữ
Cô Nguyễn Thị Thảo, chủ nhiệm lớp A có nhiều kỷ niệm thú vị bởi hầu hết các học viên đều lớn tuổi hơn cô giáo. "Dạy chữ cho người lớn rất khó, riêng việc dạy cầm được cây bút cũng đã cực kỳ khó rồi. Để các chị tiếp thu tốt hơn, chúng tôi phải soạn giáo án cho phù hợp dựa trên chương trình sách giáo khoa lớp 1".
Tiến tới phổ cập tiểu học cho người lớn
Toàn xã có 391 hộ dân với 1.700 khẩu, là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, 96% đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao di cư từ Lạng Sơn, tỷ lệ mù chữ rất cao. Ông Nguyễn Hữu Phố, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn nhớ lại những ngày đầu khai giảng lớp, cả hệ thống chính trị xã xắn tay vào cuộc, tổ chức nhiều đoàn đi vận động học viên. Có nhà phải đi đến mấy lần mới gặp được, nhà gặp được thì tư tưởng chưa thông, đoàn phải tìm cách khác vận động.
Nhiều chị rất thích đi học nhưng sợ ma, không dám đi đêm, lãnh đạo xã đến nhà động viên chồng đưa vợ đi học, hết buổi đến đón về. Bà con ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc học nên đến lớp đều đặn hơn. Xã thành lập hẳn một Tổ vận động chuyên theo dõi sĩ số, nắm tâm lý để kịp thời thuyết phục học viên muốn nghỉ học trở lại lớp. Sau 4 tháng đi học, các chị đều đã biết đọc, biết viết và làm những phép tính đơn giản, đọc được hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì phân bón, ngô giống, lúa giống,...
Long Sơn là xã đầu tiên ở Đắk Nông tổ chức lớp xóa mù chữ cho người dân. Kết thúc chương trình lớp 1, xã tiếp tục đề xuất xin tổ chức cho học viên học chương trình lớp 2 tiến tới xóa mù, tránh tái mù chữ.
Theo Tienphong
Lễ khai giảng "đặc biệt" trong bệnh viện Hòa cùng không khí khai giảng năm học 2013 - 2014 cả nước, chiều 6/9, lớp học chữ đặc biệt dành cho các bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viên Ung Bướu TP.HCM cũng chính thức khai giảng năm học mới, tổng kết năm học cũ tại căn phòng nhỏ của Khoa Nội 3, trong không khí tình cảm và xúc động....