Bác bỏ tin đồn xử phạt người bán hàng qua mạng trong dịch Covid-19
Bộ Công Thương khẳng định: tin đồn ’sẽ xử phạt nặng người bán hàng qua mạng, bán hàng mang đi’ là không chính xác.
Ngày 10/4, Bộ Công Thương đã lên tiếng bác bỏ tin đồn thất thiệt cho rằng từ ngày 2/4/2020, người bán hàng qua mạng, bán hàng mang đi sẽ bị phạt nặng nếu bị phát hiện.
Theo đại diện Bộ Công Thương, thông tin trên đã gây ra sự hoang mang, lo lắng đối với những người kinh doanh hình thức online cũng như chuyển đổi kinh doanh từ phục vụ tại chỗ sang bán cho khách mang đi.
Bộ Công Thương bác bỏ tin đồn xử phạt người bán hàng qua mạng, bán hàng mang đi trong dịch Covid-19
“Thông tin trên là không chính xác và hiểu sai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ Công Thương khẳng định.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, quy mô lan tỏa dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, tuy nhiên nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế bị vẫn đang bị tác động, ảnh hưởng xấu. Với tâm lý tránh tiếp xúc gần với tác nhân gây bệnh trong thời điểm dịch bệnh, người dân có xu hướng lựa chọn sử dụng phương thức trực tuyến để đặt hàng thay vì mua hàng tại điểm bán truyền thống, điều này trực tiếp tác động đến xu hướng tăng trưởng của thương mại điện tử so với các thời điểm trước đó.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg là hạn chế tối đa việc di chuyển ra ngoài nếu không thực sự cần thiết nhằm hạn chế việc lây lan virus ra cộng đồng (việc này chưa phải phong tỏa quốc gia như một số đất nước đã làm). Ngoài ra, Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy, vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, về sản xuất, về kinh tế xã hội.
Do đó, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, loại hình kinh doanh trực tuyến đã và đang là biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người cần tiếp tục được khuyến khích. Tuy nhiên, các đơn vị tham gia vào hoạt đông bán hàng trực tuyến, các nhà máy, phân xưởng sản xuất/đóng gói, các đơn vị giao hàng,… cũng phải đảm bảo an toàn về vấn đề phòng chống dịch bệnh cho các cán bộ công nhân viên, đảm bảo vấn đề an toàn về đeo khẩu trang, khử trùng… tránh để xảy ra dịch bệnh.
Trước đó, tại buổi họp ngày 7/3/2020 về việc tăng cường các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp với các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly. Một trong những giải pháp đó là cần tạo điều kiện hỗ trợ và ưu tiên hiển thị các sản phẩm phòng dịch và các nhu yếu phẩm để người dân dễ tiếp cận và mua sắm nhằm chung tay đẩy lùi dịch Covid-19./.
PV
Đằng sau làn sóng chống mạng 5G trên toàn cầu và phá hoại trạm gốc 5G ở Anh
Kể từ tuần trước, tại nhiều nơi ở Anh đã xảy ra các vụ phá hoại các tháp phát tín hiệu, trong đó có nhiều trạm gốc 5G. Theo The Guardian ngày 7/4, có ít nhất 20 trạm gốc 5G đã bị phá hỏng.
Chống mạng 5G đã trở thành một trào lưu trên thế giới (Ảnh: Getty).
Video đang HOT
Mặc dù các cơ quan và chuyên gia ra sức bác bỏ những tin đồn liên quan đến mạng 5G, nhưng trên các nền tảng mạng xã hội, những tin đồn này có xu thế được tìm kiếm và tin theo càng nhiều hơn.
Tờ The Independent của Anh ngày 8/4 đã đưa tin hàng chục ngàn người đang lên kế hoạch phản đối mạng 5G trên mạng xã hội. Những người này tự nhận là những "truthers" (người biết sự thật).
Có cả một kế hoạch chống mạng 5G của hàng ngàn người - theo The Independent
Một nhóm chống mạng 5G lên tới hơn 10.000 người trên Facebook đang lập một kế hoạch phản đối. Họ dự định tiến hành hoạt động phản kháng vào ngày 13/4, kêu gọi toàn thế giới tiến hành cái gọi là "Cuộc nổi dậy Lễ Phục sinh".
Theo thông báo của nhóm và từ các bài phát biểu của các thành viên, lý do của họ để phản đối mạng 5G dựa trên nhiều tin đồn và thuyết âm mưu như "mạng 5G dẫn COVID-19" và "bức xạ 5G gây ung thư".
Các nhà tổ chức hoạt động phản đối đề xuất "tắt các thiết bị kết nối mạng" vào ngày 13/4. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 rất nghiêm trọng, họ vẫn khuyến khích các thành viên chế ra các biểu ngữ, điều này không loại trừ khả năng tiến hành các cuộc tụ tập.
Hàng chục tháp phát tín hiệu ở Anh bị đốt phá bởi những người phản đối mạng 5G
"Chúng tôi muốn mọi người ở khắp mọi nơi nghe thấy cuộc biểu tình im lặng này". Các thành viên của nhóm này tuyên bố: "Hành tinh này đang trông cậy vào bạn".
Có một số lượng rất lớn các nhóm tương tự trên Facebook với chủ đề "Ngăn chặn 5G" với lý do phản đối cũng tương tự, trong đó có nhiều nhóm quy mô rất lớn. Một nhóm phản đối 5G ở Anh có hơn 58.000 thành viên, trong khi một nhóm chống mạng 5G khác ở Nam Phi có 41.000 thành viên.
Các nhóm lớn này đang lên kế hoạch tổ chức các hoạt động phản kháng. Một nhóm nhỏ khác có kế hoạch phản kháng vào ngày 25 tháng 4, nhưng hiện không rõ họ dự định hành động như thế nào.
Các nhóm biểu tình dịp Lễ Phục sinh kêu gọi hành động phi bạo lực, yêu cầu các thành viên không phá hoại các tháp phát tín hiệu. Lý do được nhóm chống 5G đưa ra là: "Các giới trong xã hội đều cần dịch vụ 3G và 4G từ các tháp phát tín hiệu này".
Những người phản đối mạng 5G kêu gọi nổi dậy dịp lễ Phục Sinh
Sự lan truyền của những lời lẽ có vẻ hoang đường này rõ ràng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thực. Một đoàn thể đại diện cho các nhà khai thác mạng di động của Anh cho biết dưới ảnh hưởng của các thuyết âm mưu, đã có các nhân viên viễn thông bị đe dọa.
Do mật độ việc xây dựng các trạm gốc 5G khá dày, hầu hết các trạm gốc đều được "ngụy trang". Vì lý do này, ngoài các hoạt động phản kháng khác nhau, cư dân mạng ở Anh, Hoa Kỳ và các quốc gia khác bắt đầu tìm kiếm các trạm gốc 5G ở xung quanh họ và chụp ảnh để đưa lên mạng. Hoạt động tìm kiếm trạm gốc này rất có khả năng dẫn đến nhiều hành vi phá hoại hơn.
Ông Stephen Bowis, một chuyên gia của Hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (HHS), mấy ngày trước đã tức giận bày tỏ: "Những lời lẽ về mạng 5G đó hoàn toàn là rác rưởi, vô nghĩa và là tin giả tồi tệ nhất".
Ít nhất có một đài phát thanh đã bị các nhà quản lý Anh xử phạt vì đã phát đi "những lời lẽ có hại". Văn phòng Truyền thông Anh (Ofcom) đã đưa ra một tuyên bố nói rằng, "Điều quan trọng là không lan truyền các thông tin sai lệch về dịch bệnh trên đài phát thanh và truyền hình".
Những người phản đối mạng 5G cho rằng nó giám sát khống chế toàn thế giới và gây ung thư
Nhưng những nỗ lực của chính phủ Anh đã có ảnh hưởng rất ít đến mạng Internet. Sự lan truyền của các thuyết âm mưu và những tiếng nói chống mạng 5G đã ngày càng mạnh lên, thậm chí nhiều người nổi tiếng đã bắt đầu truyền đi những lời lẽ sai lầm này.
Trên trang web kiến nghị change.org, số lượng người kiến nghị yêu cầu tháo dỡ các trạm gốc 5G đã tăng mạnh và đã nhận được sự ủng hộ của hàng chục ngàn cư dân mạng các nước. Thậm chí chính phủ Australia cũng đã nhận được Thư thỉnh nguyện chống lại việc xây dựng mạng 5G.
Những cá nhân và tổ chức chống mạng 5G đã trích dẫn một số luận cứ, nhưng những tư liệu này về cơ bản là các nghiên cứu không chuyên nghiệp bậc thứ hai hoặc thậm chí thứ ba, hoặc kiểu cắt gọt, xào xáo. Những "nghiên cứu" này gần như hoàn toàn phi khoa học hoặc cơ bản chưa được chứng thực.
Những người theo thuyết âm mưu cho rằng sóng 5G giúp lây truyền bệnh COVID-19 (Ảnh: Getty).
Hiện nay có nhiều loại tin đồn lưu hành trên các nền tảng mạng xã hội. Ngoài thuyết âm mưu chính cho rằng "mạng 5G sẽ dẫn đến bị bệnh COVID-19", còn có hai tin đồn khác cũng rất phổ biến là: "Bức xạ trạm gốc 5G gây hại cho khả năng miễn dịch của con người" và "Virus Corona mới được truyền qua sóng vô tuyến".
Luận thuyết đầu tiên là những tin đồn về bức xạ trạm gốc thường được nói đến, đây cũng là quan điểm chính của những người phản đối mạng 5G. Trên thực tế, mặc dù tần số 5G cao hơn 4G, nhưng năng lượng vẫn không đủ ảnh hưởng đến cơ thể con người, chứ đừng nói đến việc phá hủy các tế bào. Trên thực tế, những tin đồn về bức xạ trạm gốc 4G phổ biến trước đây cũng giống như thế. Hai loại tin đồn này không có sự khác biệt cơ bản về bản chất.
Thuyết thứ hai thoạt nghe không thể tin được. Thuyết này xuất phát từ một luận văn vào năm 2011. Nội dung của nó là vi khuẩn có thể tạo ra tín hiệu điện từ để liên lạc với nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân gây COVID-19 không phải do vi khuẩn gây ra và những nơi không có mạng 5G cũng vẫn có dịch bệnh. Việc phổ biến luận điểm này thực sự khó hiểu.
Gần 50 ngàn người đã ký tên phản đối mạng 5G trên trang thỉnh nguyện change.org
Ngoài những lời lẽ này, còn có các thuyết âm mưu khác như "COVID-19 là cái cớ để chính phủ che đậy các bệnh do mạng 5G" và "Trung Quốc có ý đồ theo dõi khống chế thế giới" cũng rất phổ biến.
Nhưng cũng có nhiều cư dân mạng đã chống lại các thuyết âm mưu và tin đồn. Họ đã chế giễu những lời lẽ vô căn cứ chống lại mạng 5G. Nhiều cư dân mạng cũng thực hiện phổ biến khoa học. Họ mô tả chi tiết tần số của các loại sóng điện từ khác nhau, giải thích nguyên lý của các trạm gốc 5G và nhấn mạnh thực tế rằng 5G thực sự vô hại.
Một cư dân mạng phản đối thuyết âm mưu đã để lại lời nhắn: "Những người ủng hộ thuyết mạng 5G gây COVID-19 cũng ngu ngốc như những người cho rằng Trái Đất phẳng".
Hành vi không lý trí phá hủy các trạm gốc cũng bị chỉ trích. Thực tế, trạm gốc bị phá hủy ở Birmingham vào ngày 2/4 không hề hỗ trợ mạng 5G. Các cư dân mạng hiểu biết chỉ ra rằng loại hành vi này sẽ chỉ cản trở cuộc sống bình thường và các phản ứng khẩn cấp.
Bốn nhà khai thác mạng viễn thông lớn ở Vương quốc Anh cũng đưa ra một tuyên bố chung chỉ trích thuyết âm mưu là "không có bất cứ cơ sở thực tế nào" và các kỹ sư thậm chí còn bị đe dọa cản trở công việc của họ. Tuyên bố cũng khuyến khích công chúng tích cực ngăn chặn và tố cáo hành vi phá hoại.
Có ý kiến cho rằng các hành động đốt phá tháp phát tín hiệu ở Anh có liên quan đến nguồn gốc Trung Quốc của các thiết bị 5G này
Để hạn chế các hoạt động phản kháng và phá hoại, Facebook đã cho biết họ sẽ xóa những tuyên bố "có thể gây nguy hại cho thế giới thực" và sẽ kiểm tra tính xác thực của các tuyên bố liên quan khác.
Trang web YouTube cũng bày tỏ các video liên kết 5G với bệnh COVID-19 sẽ bị gỡ xuống vì chúng "trích dẫn những nội dung y tế chưa được xác nhận".
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng các hành vi phá hoại các trạm gốc mạng 5G ở Anh có liên quan đến Trung Quốc, nơi được nhiều người cho là khởi nguồn của dịch bệnh COVID-19 bởi các thiết bị mạng này cũng là sản phẩm do Trung Quốc chế tạo.
Thu Thủy
Mạng 5G có 'gieo rắc' virus corona như tin đồn? Gần đây, một số trụ phát sóng 5G tại Anh đã bị tấn công vì người dân cho rằng chúng gây ra virus corona. Tuy nhiên thực hư của thuyết âm mưu này là như thế nào? Ngày 3/4, video về một trạm phát sóng 5G cao 20 m tại Birmingham, Anh bị đốt cháy đã được chia sẻ lên các nhóm phản...