“Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích”
Phương ngôn xưa lưu truyền bấy lâu nay như vậy. “Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích” nghĩa là nếu không bái viễn Phật bà ở động Hương Tích thuộc khu danh thắng Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội thì có thể về Bổ Đà – một trong những danh lam cổ tự, trung tâm Phật giáo thuộc thiền phái Trúc Lâm, vốn đã tạo ra những ảnh hưởng lớn cho nền Phật pháp trong suốt hàng trăm năm qua.
Vườn tháp chùa Bổ Đà. Ảnh: Internet
Nằm ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa còn có tên đầy đủ là chùa Quán Âm núi Bổ Đà. Tục truyền rằng xưa kia đây là nơi Quán Âm Bồ Tát hiển linh phổ độ chúng sinh, và cũng từ đó mà chùa được dựng lên. Chùa có từ đời nhà Lý thế kỉ 11 và được trùng tu sửa sang lại vào thời Lê Trung hưng những năm 1700.
Trải qua hơn 300 năm dâu bể, những khối kiến trúc chính của chùa còn lại cho tới ngày nay mang dấu tích của triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Chùa tọa lạc dưới chân đồi thông, bao quanh bởi non xanh nước biếc sơn thủy hữu tình. Kiến trúc chùa Bổ Đà có sự độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc nội thông ngoại bế tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Không gian kiến trúc được bao phủ bởi một màu nâu đỏ của đất, lại có những đoạn tường đất sét dựng theo lối trình tường vốn đã ngót nghét 300 tuổi, đó đây một vài bức tường được dựng lên từ những mảnh sành đất nung thuộc dòng gốm Thổ Hà chỉ cách đó 3km, bởi vậy nhiều người vẫn gọi chùa Bổ Đà là chùa đất. Đặc biệt là những đoạn tường đất ngày nay còn giữ được có bề dày lên tới 0,8m đỉnh có hũ được che bởi các mảnh gốm, chum Thổ Hà chính vì vậy vẻ đẹp ấy không thể lẫn với bất cứ loại hình kiến trúc tương đồng ở các vùng miền khác.
Trải qua những biến thiên của lịch sử chùa Bổ Đà vẫn còn bảo lưu được khá nguyên vẹn các công trình kiến trúc. Toàn bộ chùa có diện tích khoảng 51.784m2 được phân ra làm 3 khu rõ rệt. Khu vườn: 31.000m2, khu nội tự chùa 13.000m2 và khu vườn tháp rộng: 7.784m2. Trong khu nội tự gồm có chùa Tứ Ân là nơi thờ Phật cùng các chư thần. Tại đây còn lưu giữ được hệ thống tượng và đồ thờ bằng gỗ từ thời Lê gần như nguyên vẹn. Đây không chỉ là một minh chứng cho sự phát triển của đạo Phật cũng như thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam trong suốt mấy trăm năm mà còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo có giá trị nghiên cứu cao. Ngoài ra trong tòa tam bảo còn có rất nhiều những đại tự câu đối thể hiện triết lí nhà Phật. Chùa còn lưu giữ nhiều văn bia, đại tự có giá trị lịch sử cùng với bộ mộc thư bằng gỗ thị trải qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẻ sắc nét.
Điều làm nên nét đặc biệt tại đất tổ Bổ Đà chính là vườn tháp cổ, nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của hơn 1.400 vị tăng ni, với 97 tòa tháp lớn nhỏ đã trải qua gần 300 năm, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam, được bao quanh bởi những đoạn đường kè đá xen lẫn tường đất sét nện. Tổng thể của khu vườn tháp tạo nên một công trình kiến trúc choáng ngợp và độc đáo mà ai qua Bổ Đà cũng phải một lần ghé thăm. Khối công trình này là một phần không thể thiếu trong việc tôn vinh thêm giá trị cho ngôi danh lam cổ tự.
Vườn chùa là nơi đan xen những gốc cây cổ thụ tựa vườn tiên của vương mẫu cùng với những gốc cây ăn quả gợi lên một cuộc sống vùng thôn quê chân chất, tất cả hòa quyện hài hòa với nhau không chút khiên cưỡng. Cùng với đó là những cây thuốc nam nhà chùa vun trồng để chữa bệnh cứu người, như thể thực thi cái “từ bi” của đức Phật từ bao đời nay. Lạc bước trong khuôn viên rộng rãi thơm mùi đất ẩm, hẳn tất thảy khách thập phương đều sẽ gác lại những bộn bề cuộc sống để mà thả mình vào không gian tươi mát, hiền hòa chốn linh thiêng.
Hội chùa Bổ Đà diễn ra từ ngày 16 đến 18 tháng 2 âm lịch, khi đó khách thập phương trong cả nước thường quy tụ về chùa rất đông để được bái viễn đức Phật bà Quán Âm cầu mong phúc lộc, đặc biệt là đường con cái. Bên cạnh đó, hệ thống mộc thư cổ có tuổi thọ gần 300 năm cũng là điểm thu hút được dòng người hành hương về xứ Kinh Bắc một thời xa xưa.
Theo ANTD
Khai mạc trưng bày "Đèn cổ Việt Nam"
Sáng 1-2, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã khai mạc Trưng bày chuyên đề "Đèn cổ Việt Nam". Trưng bày sẽ diễn ra trong 4 tháng từ tháng 1-2013 đến tháng 5-2013.
Chân đèn làm bằng gốm hoa lam (Thời Mạc)
Bộ sưu tập trưng bày trên 50 hiện vật (bao gồm đèn, chân đèn, phần dưới chân đèn, lồng đèn, đĩa đèn...) có niên đại cách đây từ khoảng 2.500 năm tới đầu thế kỷ 20, được làm bằng các chất liệu gốm, sắt, đồng, gỗ... đặc biệt là cây đèn đồng hình người quỳ thời Đông Sơn vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam. Cũng trong buổi lễ, Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc thay mặt Ban Lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận bộ sưu tập bản đồ và một số tài liệu liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sưu tập này gồm 23 bản đồ các loại và 10 tư liệu (tiếng Anh, tiếng Nhật Bản) do nhà sưu tập tư nhân Trần Mạnh Tuấn hiến tặng.
Theo ANTD
Lễ hội đền Trần 2013: Phát 50.000 cánh ấn Dự kiến có khoảng 50.000 cánh ấn được phát ra trong 3 ngày (15, 16 và 17 tháng giêng âm lịch), tại Lễ hội khai ấn đền Trần - Nam Định năm 2013 (Xuân Quý Tỵ). Ngày 30-1, UBND thành phố Nam Định đã tổ chức họp báo công bố về việc tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần - Nam Định...