Bà Trần Thị Mỹ An – Chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới Đổi mới giáo dục Việt Nam: Đang đi đúng hướng
Đây là nhận định của bà Trần Thị Mỹ An – Chuyên gia Giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) về những đổi mới giáo dục trong thời gian gần đây của Việt Nam: Đổi mới chương trình, SGK, kiểm tra đánh giá, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên…
Trả lời phỏng vấn báo GD&TĐ, bà Trần Thị Mỹ An đã có những trao đổi về đánh giá của WB liên quan đến lĩnh vực giáo dục phổ thông của Việt Nam.
Vì sao WB đánh giá Việt Nam là hiện tượng nổi bật về GD phổ thông?
Bà Trần Thị Mỹ An – Chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới
- Thưa bà, theo báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn – Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á – Thái Bình Dương được WB công bố ngày 15/3/2018, cùng với Trung Quốc, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có sự phát triển “thực sự ấn tượng” trong đổi mới giáo dục (GD). Xin được hỏi bà việc nghiên cứu của WB về GD Việt Nam đã được thực hiện như thế nào để có đánh giá này?
* WB dựa trên các số liệu thu thập được về GD phổ thông của Việt Nam, so sánh với kết quả GD phổ thông của các nước trong khu vực và thế giới, nguồn số liệu chính được sử dụng là phân tích kết quả các chương trình đánh giá quốc tế đã được chuẩn hóa như Chương trình đánh giá HS quốc tế (PISA), Chương trình Nghiên cứu xu hướng Toán học và Khoa học quốc tế (TIMSS) dành cho HS tiểu học và HS 15 tuổi, Dữ liệu từ sáng kiến Young Lives (Những cuộc đời Trẻ thơ) theo dõi sát sao các nhóm trẻ từ khi ra đời qua các năm trung học cơ sở, cũng như phân tích về các hệ thống chính sách, chi tiêu công cho GD để đưa ra các nhận định trong Báo cáo về Tăng trưởng thông minh hơn dành cho khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.
Báo cáo cho thấy Việt Nam cùng 7 nước khác trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương có kết quả GD rất ấn tượng, trong đó, Việt Nam là một hiện tượng nổi bật. Thông thường các số liệu cho thấy kết quả học tập của HS tỷ lệ thuận với mức phát triển kinh tế của quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người.
Riêng Việt Nam có một “cú nhảy” ngoạn mục, kết quả GD vượt lên rất nhiều so với mặt bằng kinh tế hiện nay của đất nước.
Điểm chênh lệch về dự đoán kết quả trung bình về PISA lĩnh vực khoa học năm 2015 của Việt nam so với mức thu nhập bình quân đầu người của mình là dương 131 điểm (tương đương vượt trội 4,4 năm học), trong khi đó chênh lệch của các nước như Indonesia, Malaysia, Philipine và Thái Lan so với thu nhập đầu người của họ là âm 19 đến âm 20 điểm (tương đương thụt lùi 0,6-0,7 năm học).
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả này. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân được đúc rút ra là Việt Nam đang hội tụ đầy đủ 5 thành tố đóng góp vào kết quả GD cao. WB cũng nhìn thấy ở những nền GD thành công khác trong khu vực cùng chia sẻ những điểm chung như vậy.
Các yếu tố về chính sách và biện pháp thúc đẩy kết quả học tập
Sự thành công của một số hệ thống GD ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho thấy HS học tập được nhiều nhất khi các nỗ lực tập trung vào năm lĩnh vực chính sách và liên kết được 15 yếu tố. Những lĩnh vực và yếu tố này là:
1. Đồng bộ thể chế để đảm bảo các điều kiện học tập cơ bản: Đảm bảo rằng các điều kiện học tập cơ bản được cung cấp tại tất cả các trường học.
2. Tập trung chi tiêu công hiệu quả và công bằng cho GD cơ bản: Chi tiêu hiệu quả; Chú trọng chi tiêu công cho GD cơ bản; Chuyển tiếp nguồn lực đến các trường học và địa phương đang bị tụt hậu;
3. Tuyển chọn và hỗ trợ GV trong suốt quá trình giảng dạy để giúp họ yên tâm đứng lớp: Nâng cao tính chọn lọc đội ngũ GV tương lai; Hỗ trợ GV mới bằng cách dự giờ lớp học và đưa ra phản hồi; Tạo điều kiện cho GV giảng dạy bằng cách đề ra mục tiêu học tập rõ ràng và nội dung ngắn gọn, súc tích; Giữ lại các GV có kinh nghiệm để họ dẫn dắt với tư cách là đồng nghiệp và nhà nghiên cứu; Tập trung đào tạo GV về các hoạt động trong lớp và khả năng giảng dạy theo chương trình.
4. Đảm bảo trẻ sẵn sàng học tập khi đến trường: Tập trung phát triển thể chất và nhận thức từ lúc trẻ chào đời; Đánh giá và cải thiện chất lượng GD mầm non và các dịch vụ phát triển; Điều phối các tác nhân để cung cấp các dịch vụ cần thiết.
5. Đánh giá HS để xác định vấn đề và cải thiện hoạt động giảng dạy: Đối sánh mức độ học tập thông qua việc tham gia các chương trình đánh giá quy mô lớn quốc tế; Xác định tiến bộ của HS thông qua chương trình đánh giá quốc gia; Định hướng giảng dạy với dữ liệu từ hoạt động đánh giá quá trình trong lớp học.
Video đang HOT
Đó là hệ thống chính sách đồng bộ đảm bảo điều kiện cơ bản cho GD ở Việt Nam. Từ việc đảm bảo một môi trường học tập an toàn, cơ sở vật chất đầy đủ cho HS đến việc xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp, đồng bộ hóa thể chế có thể là yếu tố quan trọng quyết định mức độ triển khai các ý tưởng nền tảng của chính sách vào thực tiễn cho HS và GV trong lớp học.
Trong một lớp học không được trang bị đầy đủ bàn ghế hay SGK, hay GV không được đào tạo phù hợp để thực hiện chương trình giảng dạy, chúng ta không thể kỳ vọng rằng HS sẽ được tham gia đầy đủ vào các hoạt động học tập trong lớp và phát huy được năng lực của mình.
Chính phủ Việt Nam cũng ưu tiên chi tiêu công cho GD cơ bản (bậc phổ thông). Số lượng HS nhập học bậc học cơ bản ở Việt Nam rất cao – Việt Nam đã đạt phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi và khoảng 80% HS tốt nghiệp THCS.
Việc tập trung nguồn lực ảnh hưởng tích cực đến chất lượng và công bằng của GD phổ thông. Đồng thời, Việt Nam có những công thức ưu tiên nguồn lực đầu tư cho những trường học khu vực khó khăn và kém thuận lợi hơn, tạo ra sự công bằng, nâng cao chất lượng ở những vùng khó khăn này.
Tiếp theo, Việt Nam và những nước có chất lượng GD phổ thông tốt có cơ chế tuyển dụng, đào tạo, thu hút cũng như liên tục bồi dưỡng GV, khiến họ gắn bó với nghề, cống hiến tốt hơn. Việt Nam có tỷ lệ GV vắng mặt thấp – hầu như không có GV nghỉ, bỏ, vắng mặt khi đi dạy.
Chúng ta vẫn nghĩ là việc GV đến lớp đầy đủ là đương nhiên. Thực tế khi so sánh với các nước có chất lượng GD thấp cho thấy họ phải đương đầu với vấn đề GV vắng mặt rất cao, có thể do thiếu một hệ thống kiểm soát tốt việc GV lên lớp, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của HS.
Công tác bồi dưỡng GV ở Việt Nam được chú trọng. GV được dự giờ, thao giảng trên lớp, nhận những phản hồi của đồng nghiệp, ban giám hiệu về chuyên môn, phương pháp dạy học, thường xuyên được tham dự những hội thảo bồi dưỡng chuyên môn các cấp … Trên cơ sở những sinh hoạt chuyên môn này, GV cải thiện được phương pháp sư phạm, đặc biệt là với GV mới vào nghề.
Ở Việt Nam GV chịu sự ràng buộc của nhiều văn bản quy định hướng dẫn việc dạy học, việc quản lý lớp, quản lý HS, cách chuẩn bị bài giảng… Hệ thống văn bản hướng dẫn GV khá chi tiết, đầy đủ, có sự kiểm soát rất tốt để đảm bảo GV không dạy chệch, lạc hướng theo chỉ đạo chung của chương trình.
Mặt tích cực ở đây là những mục tiêu đặt ra rất rõ ràng và hướng dẫn cho GV kỹ lưỡng, tuân thủ theo các quy định của ngành. Những hệ thống văn bản hướng dẫn này hỗ trợ các thầy cô rất nhiều trong việc tuân thủ chương trình GD, đặc biệt là GV mới.
Về lâu dài, khi công tác bồi dưỡng GV trong các trường sư phạm tốt hơn, đội ngũ GV nâng cao năng lực và có mặt bằng cao hơn, lúc đó việc hỗ trợ GV cần tinh giảm các các kiểm soát hành chính, tập trung khuyến khích GV nâng cao tính chủ động và sáng tạo.
Việt Nam đang tiến hành đổi mới chương trình GD phổ thông với một chương trình GD chung và mở cửa cho nhiều bộ SGK – mỗi bộ SGK có thể có cách tiếp cận chuyển tải chương trình khác nhau.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng GD đòi hỏi GV phải hiểu mục tiêu, kết quả đầu ra mong đợi của chương trình GD rất kỹ, và công tác đào tạo, bồi dưỡng GV cần giúp cho GV hiểu được chương trình và các chuẩn đầu ra của chương trình cũng như là yếu tố cấu thành các năng lực cần thiết của HS khi tốt nghiệp phổ thông. Đây là một nét đổi mới WB thấy Bộ GD&ĐT đang đi rất đúng hướng. Hy vọng trong quá trình thực hiện sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Một điểm sáng nữa đóng góp vào chất lượng GD phổ thông, đó là Việt Nam đã nỗ lực chú trọng vào công tác chuẩn bị tâm thế cho HS khi vào tiểu học, bằng cách đầu tư từ sớm vào GD mầm non, giúp trẻ sẵn sàng cả về mặt thể chất lẫn tình cảm xã hội trước khi đi học.
Năm 2009, Chính phủ đã thông qua Đề án phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi, WB có hỗ trợ một phần cho Việt Nam trong việc thực hiện dự án này và đây là một trong những dự án rất thành công của WB về hỗ trợ GD ở Việt Nam.
Phần đóng góp của WB rất nhỏ thôi nhưng sự thành công của dự án cho thấy Việt Nam có quyết tâm chính trị rất lớn để đạt được mục tiêu phổ cập GD mầm non 5 tuổi trong vòng 6-7 năm qua đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và trong nước.
Điều này cho thấy nỗ lực và quan tâm đến GD của Việt Nam không chỉ ở bậc phổ thông mà còn bắt đầu sớm hơn ở bậc GD mầm non. Tất cả những yếu tố ấy tạo ra một tác động nhất quán và lâu dài, khẳng định nếu Việt Nam tiếp tục duy trì sự đầu tư này , trong vòng 5-10 năm tới chất lượng GD phổ thông của Việt Nam sẽ còn đi lên nữa.
Yếu tố cuối cùng liên quan đến chính sách và thực tiễn đóng góp cho chất lượng GD của Việt Nam trong thời gian vừa qua chính là công tác đánh giá HS liên tục được cập nhật đổi mới, tiếp cận với xu hướng quốc tế. Năm 2012, 2015 Việt Nam lần đầu tham gia các chương trình đánh giá quốc tế chất lượng HS phổ thông như PISA, PASEC.
Được biết năm 2018, Bộ GD&ĐT rất quyết tâm tiếp tục tham gia chương trình đánh giá quốc tế PISA , giúp đối sánh chất lượng GD phổ thông của Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế . Đây là dấu hiệu rất tốt, thể hiện sự tự tin, sẵn sàng học hỏi, tinh chỉnh các quyết sách liên quan, trên cơ sở đó tiếp tục cải thiện chất lượng GD Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang chuẩn bị cho những chương trình đánh giá trong nước nhằm đo lường chất lượng GD của từng địa phương so với toàn quốc. Đây là nỗ lực để xác định những điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu cần được hỗ trợ cải thiện và khắc phục.
Công tác đổi mới đánh giá năng lực người học cũng giúp cho việc điều chỉnh phương pháp giảng dạy của GV dựa trên kết quả đánh giá thường xuyên trên lớp. Những hoạt động trên đang cho thấy ngành GD luôn nỗ lực đổi mới chất lượng của mình.
Việt Nam đang rất quyết liệt đổi mới về thi cử, chương trình, SGK, đào tạo bồi dưỡng GV
2 năm gần đây, công tác truyền thông GD đã được đẩy mạnh
- Việt Nam đang rất quyết liệt đổi mới về thi cử, chương trình, SGK, đào tạo bồi dưỡng GV… – như Báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn của WB đánh giá là có những đổi mới tiên phong trong GD. Theo bà, làm thế nào để có thể tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cộng đồng khi đổi mới GD?
* Đổi mới nào cũng cần có thời gian, nhất là đổi mới GD cần thời gian dài hơn chứ không thể đổi mới năm nay, ngay năm sau có kết quả ngay được. Những thay đổi tiến hành từ cách đây 5-10 năm đã có tác dụng rất tốt cho đổi mới hiện tại. Bài học rút ra cho công tác quản lý cũng như triển khai những đổi mới, cải cách đó là làm sao để giúp GV hiểu được mục đích và cách thức thực hiện đổi mới, ủng hộ GV, lắng nghe và giúp đỡ GV từ những bước đi đầu tiên.
Khi triển khai cái mới cần tạo cơ hội cho GV đóng góp ý kiến, kịp thời tháo gỡ những thắc mắc, động viên và sẵn sàng ủng hộ GV bằng mọi cách để họ có thể chuyển tải những cái mới đến HS – đối tượng của GD. Nếu thiếu sự hợp tác, tình nguyện của GV, những đổi mới GD sẽ khó thành công như mong muốn.
Có hai lĩnh vực ở Việt Nam mọi người đều tin rằng mình là chuyên gia – đó là GD và bóng đá! Mỗi gia đình ở Việt Nam hầu như ai cũng có con/cháu ở độ tuổi đi học, chính vì vậy các bậc phụ huynh rất quan tâm đến đổi mới GD.
Đây là cơ hội tốt nếu chúng ta biết tranh thủ sự ủng hộ của họ. Lúc này, vai trò của truyền thông GD rất quan trọng. Cách thức truyền thông hiện tại rất khác truyền thông truyền thống trước đây khi báo chí và truyền hình là các kênh truyền thông duy nhất.
Vì thế, cách tiếp cận truyền thông của ngành GD cũng cần đa dạng và phải thích ứng để theo kịp nhu cầu và các kênh tiếp cận thông tin của phụ huynh HS.
Bộ GD&ĐT cũng cần cân nhắc tận dụng những thay đổi về công nghệ, cách thức tiếp cận thông tin của phụ huynh, GV hiện nay để có cách truyền thông hiệu quả. Thông tin cần minh bạch, rõ ràng và được kiểm soát để các thông điệp đưa ra hỗ trợ cho nhau chứ không trái ngược, gây sự hoang mang, xáo trộn không cần thiết.
Rất mừng là khoảng 2 năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT đã chủ động hơn trong công tác truyền thông cũng như cung cấp thông tin cho báo chí. Công tác này cần tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hơn nữa.
Buổi học đầu tiên trong trường mới của học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Trần Văn Giàu (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Hải – TTXVN
Khuyến nghị của WB về phân luồng HS
- Bà đánh giá thế nào về những thách thức và khó khăn cần vượt qua của GD Việt Nam trong thời gian tới?
* Thách thức thì vẫn có nhiều, nhưng trong khuôn khổ cuộc trao đổi, tôi xin đề cập đến thách thức của GD phổ thông.
Cách đây 1 năm, WB có một khuyến nghị quan trọng liên quan đến lĩnh vực GD được đưa ra trong báo cáo Tầm nhìn Việt Nam 2035 cùng chuẩn bị chung với Chính phủ Việt Nam, đó là Việt Nam cần nhanh chóng tiến tới phổ cập GD trung học để đảm bảo tất cả trẻ em Việt Nam đều có cơ hội hoàn thành bậc học GD phổ thông 12 năm, sau đó mới có những lựa chọn học tập tiếp hoặc nghề nghiệp sau phổ thông.
Lực lượng lao động này sẽ cho phép Việt Nam tăng năng suất lao động của mình trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và công nghệ đang thay đổi nhanh, cạnh tranh toàn cầu gia tăng.
Mục tiêu chính sách này là phát huy những lợi thế hiện tại của Việt Nam để tạo ra một lực lượng lao động có khả năng cạnh trạnh toàn cầu, có khả năng thích nghi, và có chất lượng cao, bằng hai cách: hoàn thành phổ cập THPT và hướng tới học tập phát triển năng lực, có tính khám phá nhiều hơn.
Việt Nam nên xem xét bỏ chính sách phân luồng GD sớm ngay từ sau lớp 9 thông qua các kỳ thi tuyển sinh vào các trường THPT. Ở lứa tuổi 15 là quá sớm để các em phải quyết định chọn học nghề hay học THPT. Quy mô và số lượng các trường THPT hiện cũng quá ít so với quy mô HS và nhu cầu học tập của HS kể cả ở những thành phố lớn. Chỉ có khoảng 60% HS hoàn thành THPT.
Những thành tích ban đầu về chất lượng và công bằng trong kết quả học tập bị tiêu tan khi một số lượng lớn HS không hoàn thành THPT, và HS xuất thân từ các gia đình nghèo hơn rời bỏ trường học mà không có bằng tốt nghiệp phổ thông và rất ít lựa chọn để học lên ĐH, CĐ dưới bất cứ hình thức nào.
Những vấn đề này phổ biến hơn trong HS và gia đình người dân tộc thiểu số. Việc phổ cập THPT sẽ giúp đảo ngược xu thế này. Cách làm này phù hợp với kinh nghiệm quốc tế về phổ cập GD THPT khi các nước trở nên giàu có hơn.
Đây là một thách thức không nhỏ, bởi nguồn lực tài khóa của Việt Nam hiện còn hạn chế. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, những đầu tư vào GD trước đây giờ đã thể hiện ở sức bật kinh tế hiện tại.
- WB nhìn nhận như thế nào về hiệu quả của những đồng vốn mà WB bỏ ra trong việc hỗ trợ, đầu tư phát triển GD tại Việt Nam?
* WB luôn luôn đồng hành để giúp Chính phủ Việt Nam trong công tác phát triển, đặc biệt các lĩnh vực phát triển xã hội như GD là ưu tiên hàng đầu của WB với một loạt các chương trình, dự án từ GD mầm non đến đại học và gần đây nhất là dự án hỗ trợ đổi mới chương trình GD phổ thông, SGK, bồi dưỡng GV.
Nguồn hỗ trợ của WB so với nguồn lực thực sự 20% tổng chi tiêu công của Chính phủ Việt Nam dành cho GD là con số rất nhỏ, nhưng cũng cho thấy sự nhìn nhận và thấy được tầm quan trọng của GD đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, và ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển nước ngoài cho GD của chính phủ Việt Nam
- Trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới có những ưu tiên hợp tác như thế nào để giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển GD hiệu quả, bền vững?
* Hiện tại WB đang làm việc với chính phủ Việt Nam tập trung hỗ trợ cho lĩnh vực GD phổ thông và đại học.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Gia Hân thực hiện
Theo giaoducthoidai.vn
Việt Nam là quốc gia tiên phong đổi mới giáo dục và đào tạo
Theo báo cáo Ngân hàng Thế giới công bố ngày 15.3, Việt Nam và Trung Quốc được đánh giá là 2 quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục.
Ngân hàng Thế giới nhận định Việt Nam là quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục ẢNH T.N
7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới đang nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng thuộc về hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới gọi Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục.
Báo cáo nêu rõ, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang có khoảng 331 triệu trẻ em ở độ tuổi đến trường, chiếm khoảng 1/4 tổng số trẻ ở độ tuổi đến trường của thế giới. 40% trong số này đang theo học trong các trường thuộc các hệ thống giáo dục có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Các trường này không chỉ nằm ở các nước giàu có như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn ở các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc và Việt Nam.
Ngoài ra, báo cáo nhấn mạnh kết quả học tập của học sinh không nhất thiết phải tỷ lệ thuận với mức thu nhập của quốc gia đó. Ví dụ, ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia.
Một phát hiện quan trọng khác của báo cáo là thu nhập hộ gia đình không phải luôn quyết định kết quả học tập của trẻ và điều này đúng với tất cả các nước trong khu vực. Ví dụ, ở Việt Nam và Trung Quốc, học sinh từ các hộ gia đình nghèo có kết quả học tập trong lĩnh vực toán và khoa học ngang bằng, thậm chí cao hơn so với nhóm học sinh trung bình trong khối OECD.
Nguyên nhân, theo nhận xét của Giám đốc cấp cao về giáo dục của Ngân hàng Thế giới, ông Jaime Saavedra: "Hiệu quả chính sách cho việc lựa chọn, thúc đẩy, và hỗ trợ giáo viên cũng như thực tiễn dạy học ở nhà trường là yếu tố quyết định kết quả học tập của học sinh. Đối với các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách cải thiện hệ thống giáo dục của đất nước, thì việc phân bổ ngân sách một cách hiệu quả, đi kèm với cam kết chính trị mạnh mẽ, có thể tạo ra sự khác biệt thực sự cho cuộc sống của trẻ em trong khu vực."
Báo cáo cũng đưa ra các bước cụ thể giúp cải thiện kết quả học tập cho các hệ thống giáo dục tụt hậu trong khu vực cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Theo đó, bắt đầu bằng việc đồng bộ thể chế để đảm bảo sự nhất quán và phù hợp giữa mục tiêu và trách nhiệm trên khắp hệ thống giáo dục, đồng thời, kêu gọi các quốc gia tập trung vào bốn lĩnh vực chính: chi tiêu công có hiệu quả và công bằng, chuẩn bị cho học sinh học tập, lựa chọn và hỗ trợ giáo viên và sử dụng có hệ thống các chương trình đánh giá để định hướng công tác giảng dạy.
Theo TNO
Học sinh Việt Nam có thành tích học tập tốt hơn so với nhiều nước Ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia. ảnh minh họa Theo báo cáo được Ngân hàng thế giới công bố ngày 15/3, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới đang nằm ở khu...