Ba nguyên tắc dạy con thành công của tiến sĩ Lê Thẩm Dương
‘Giáo dục nói chung, giáo dục con cái nói riêng có nhiều cách, nhiều đường lối nhưng tựu trung lại thì cách tốt nhất là… không giáo dục gì cả’, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương viết.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương là Trưởng khoa Tài chính, trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Ông là khách mời thường xuyên của nhiều diễn đàn cấp quốc gia và khu vực, nhiều chương trình truyền hình uy tín…Đặc biệt, TS Lê Thẩm Dương nổi tiếng trên mạng xã hội với những bài giảng ‘gây bão’.
Mới đây, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương chia sẻ về những nguyên tắc dạy con trong cuốn sách Hồi ký Tiến sĩ Lê Thẩm Dương. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin trích dẫn bài viết của ông dưới đây:
‘Với con cái nói chung, mình phải luôn tôn trọng chúng. Khi con trưởng thành rồi, càng phải lưu ý điều đó. Con mình lớn rồi, đi chỉ huy người khác rồi, mà mình vẫn lấy thế của ông bố gia trưởng theo kiểu truyền thông phương Đông ra chỉ huy con là mất lịch sự.
Dạy con thời nào cũng khó. Tôi có ba nguyên tắc, lúc nào cũng khắc cốt ghi tâm khi dạy con.
Thứ nhất luôn nhớ câu: ‘Cha mẹ sinh con trời sinh tính’. Thứ hai là xoáy vào lao động, ca ngợi tận cùng, thực thi cái gì thưởng cái đó. Thứ ba tuyệt đối không đánh con.
Giáo dục nói chung, giáo dục con cái nói riêng có nhiều cách, nhiều đường lối nhưng tựu trung lại thì cách tốt nhất lại là… không giáo dục gì cả. Hãy làm tấm gương cho con. Đơn giản mà lại không hề đơn giản. Vấn đề nằm ở cả chỗ ‘tấm gương’.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương.
Cả hai con tôi (cháu đầu là nữ, cháu thứ hai là nam) đều có tính tự lập cao. Khi tôi nói với cháu lớn về việc đi du học, cháu nói với tôi: ‘Nếu thấy cần, con sẽ tự tìm học bổng để đi du học. Con nhất quyết không dùng tiền của bố đâu!’. Nhiều người đọc đến đây có thể sẽ nghĩ cháu ngông cuồng, nhưng khi nghe con nói vậy, tôi mừng lắm.
Tôi mừng vì cháu có ý chí. Tôi quan niệm rằng, trong môi trường học tập, ông thầy là cực kỳ quan trọng nhưng quyết định vẫn là ở chủ thể. Nghĩ vậy, cộng với sự tôn trọng con và trên hết là tin con, hiểu con nên tôi ủng hộ cháu không đi học nước ngoài, thời điểm đó.
Cho đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn thấy quyết định của con là đúng. Công việc, cuộc sống cá nhân, quan điểm sống của cháu đến giờ đều mỹ mãn.
Cháu thứ hai nhà tôi cũng khiến bố mẹ rất yên tâm. Vừa rồi có anh đệ tử nói với tôi: ‘Em thấy lạ thật, em nhà mình rõ ràng là con nhà giàu mà ăn mặc, chi tiêu tiết kiệm, khiêm tốn’. Luôn sát cánh bên con, hiểu con nên khi anh ấy nói vậy tôi càng vững tin hơn vào con mình.
Video đang HOT
Hồi cháu vừa lấy bằng tốt nghiệp đại học, hai bố con rủ nhau đi Vũng Tàu chơi. Lúc đó, cháu có hai lựa chọn, một là đi học thạc sĩ ở Singapore, hai là đi bộ đội.
Hai bố con trao đổi thẳng thắn về những được, mất của việc đi học thạc sĩ ở Singapore và việc đi bộ đội.
Lúc nói đến ưu điểm của việc đi bộ đội, tôi đã nói với cháu thế này: Đi bộ đội là vào một ngôi trường dạy làm người, mà lại không mất học phí. Các em bé còn phải mất tiền mới được đi trại hè quân đội. Đó là còn chưa nói đến nghĩa vụ với đất nước. Nếu đã là nghĩa vụ thì phải thực hiện. Thực hiện xong, mình mới sống, làm việc thanh thản được, với chính mình thôi, chẳng ai cả.
Học xong đại học, mình có bàn đạp là chuyên môn. Đi bộ đội về, mình có bàn đạp là làm người đã được tôi rèn trong môi trường quân ngũ.
Lúc này đi làm hay đi học thạc sĩ, rồi tiến sĩ đều tốt, dễ dàng. Khi đó, con muốn đóng góp, cống hiến nhiều hơn càng thuận lợi.
Tôi chỉ nói với cháu vậy thôi, còn quyết định đi bộ đội là của cháu. Lúc đó, mẹ cháu không hài lòng nhưng giờ thì công nhận cháu đúng. Sau khi xuất ngũ, cháu đã chủ động đi tìm việc làm, lương khởi điểm 7.000.000 đồng/ tháng. Đấy là quyết định của cháu.
Thực ra, nếu cháu cần, tôi có thể xin cho cháu nhiều chỗ tốt (theo tiêu chí của nhiều người hiện nay), hoặc tôi có thể lập doanh nghiệp để cháu điều hành nếu muốn.
Ở độ tuổi 25, tôi thấy quyết định của cháu là hợp lý. Nhiều ông 40 tuổi khởi đầu còn chưa ăn thua, còn thiếu nhiều thứ thì cháu còn cần trang bị thêm nhiều thứ. Tôi chỉ khuyên cháu: Các ngày trong tuần, đi làm về mệt thì phải ngủ, còn thứ Bảy, Chủ Nhật thì phải học, và đặc biệt là giai đoạn này đừng nghĩ đến nhậu nhẹt.
Khi 30-35 tuổi, thành công rồi, mày không nhậu, bố còn khuyên mày đi nhậu. Còn bây giờ là giai đoạn tích lũy. Ở giai đoạn nào, mình làm đúng nhiệm vụ của giai đoạn đó. Tôi chỉ khuyên con như vậy chứ làm sao bắt được nó phải làm theo mình.
Cháu thấy đúng thì làm theo. Đó là nhận thức, hệ quy chiếu của cháu thôi.
Đến giờ này, tôi tự hào về các con. Nhưng phải thừa nhận là những quyết định đúng đắn của các cháu (vừa phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, vừa không trái với luân thường đạo lý, không trái pháp luật,…) đều bắt nguồn từ những điều được học, được dạy dỗ từ bé.
Sau này ra ngoài xã hội, các cháu được học hỏi ở người khác còn nhiều hơn từ bố mẹ, ông bà, nhưng những giá trị cốt lõi được dạy từ bé là không thể phủ nhận.
Cuộc đời này là không thể nói trước được điều gì, nhưng tôi lúc nào cũng tin chắc rằng các con mình sẽ không bao giờ làm điều sai trái, không bao giờ sống mất dạy’.
Theo vietnamnet.vn
Học sinh đi học... nhớ
Trước áp lực bài vở hằng ngày của con trẻ, không ít phụ huynh đã cho con đến những khóa tăng cường kỹ năng học tập, trong đó nổi bật là khả năng phát triển trí nhớ.
Một buổi rèn luyện trí nhớ tại một trung tâm ở TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Nhiều phụ huynh chia sẻ, sau khi tham gia các khóa học trên, con mình giờ đây đã có thời gian vui chơi nhiều hơn nhờ giảm đi thời gian học bài hằng ngày.
Có sự thay đổi
Đến một lớp rèn luyện trí nhớ của một trung tâm ở TP.HCM, chúng tôi ghi nhận không khí sôi nổi và ánh mắt hào hứng ở những đứa trẻ từ 7-15 tuổi đang tham gia các hoạt động rèn luyện não bộ. Trong hội trường rộng với khoảng 80 người lần lượt trải nghiệm những bài tập, thực hành những phương pháp nhớ các con số hay hình ảnh...
Chị Phan Thị Thanh Thủy (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết cách đây một năm chị gặp nhiều khó khăn trong cách dạy con, đồng thời cảm thấy con mình quá cực nhọc với việc học bài, có khi phải thức đến tận khuya.
Sau một năm cho con đi học, con chị đã rút ngắn được thời gian học bài, chẳng hạn trước đây cần nửa tiếng ghi nhớ một bài lịch sử thì giờ chỉ chừng 5-10 phút là con đã thuộc rất kỹ.
Con chị Thủy, bé Anh Thư, cũng cho hay ngày trước rất ghét những con số và không thể nhớ dữ liệu dạng này. Tuy nhiên, do tiếp thu phương pháp nhớ thông qua hình ảnh và tưởng tượng, Thư dần tiến bộ. Nhờ rèn luyện chăm chỉ, Thư đã nằm trong số những tuyển thủ của đội Siêu trí nhớ Việt Nam chuẩn bị tham gia những đấu trường quốc tế.
Anh Nguyễn Minh Tân (Q.Tân Bình, TP.HCM) có con học lớp 4 Trường tiểu học Á Châu (TP.HCM). Từ tháng 4-2018, anh cho con theo học một trung tâm rèn luyện trí nhớ vì muốn con có một môi trường rèn luyện phương pháp học tập tốt.
Dù tiến bộ không nhiều về trí nhớ nhưng anh lại hài lòng khi con mình đã mạnh dạn hơn trước đám đông, đồng thời cháu đã kiên trì hơn khi có thêm những mục đích phấn đấu hằng tuần để vượt qua những cột mốc mới.
Ứng dụng nhiều trong đời sống
Đại diện một trung tâm có giảng dạy phương pháp ghi nhớ tại TP.HCM cho biết số lượng học sinh đăng ký luôn tăng qua mỗi năm. Trong năm 2019, trung tâm dự kiến mở thêm các lớp dạy online trên website, cung cấp đầy đủ thông tin, lộ trình học, qua đó giúp đem phương pháp trí nhớ đến với mọi người.
Ông Nguyễn Phùng Phong - HLV trưởng đội tuyển Siêu trí nhớ Việt Nam - cho biết đối với học sinh, mục đích của những phương pháp này là làm sao khi nghe thầy cô giảng bài, các em biết cách lấy nội dung quan trọng và sau buổi học các em có thể nhớ ngay hôm nay thầy cô đã dạy những gì.
Giới thiệu về bộ môn trí nhớ, ông Phong cho biết trên thế giới hiện đang có 10 phân môn và mang ý nghĩa ứng dụng thực tiễn khác nhau.
Chẳng hạn môn Random Word, người học sẽ phải nhớ một số lượng từ ngữ bất kỳ trong khoảng thời gian ngắn nhất, qua đó có thể ứng dụng khi học từ vựng ngoại ngữ. Hay môn Random Number yêu cầu người học phải nhớ một số lượng con số trong thời gian yêu cầu, nhờ đó học sinh dễ dàng vượt qua những khó khăn với các cột mốc sự kiện lịch sử...
Ông Phong chia sẻ quá trình luyện trí nhớ để ứng dụng vào đời sống với những người bình thường - trong đó có học sinh - thì không mấy khó khăn. Theo đó, chỉ cần học lý thuyết trong vài buổi, sau đó rèn luyện mỗi ngày 15 phút trong tầm 3 tháng là có thể sử dụng thành thạo.
"Mỗi người có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, như không phải ai cũng giỏi toán, không phải ai cũng giỏi tiếng Anh. Dựa vào cách xử lý thông tin của bộ não khác nhau, mỗi người có thể chọn lựa phương pháp tối ưu cho mình" - ông Phong nói.
Ông Phong nói thêm, nếu muốn rèn luyện để đi thi những cuộc thi về siêu trí nhớ trên thế giới thì người luyện cần có tính kiên trì. Trong bộ môn trí nhớ có 10 đẳng cấp (level), mỗi cấp có một yêu cầu khác nhau. Người luyện đến cấp 5 hay 6 thì thuộc dạng giỏi, và nếu tới cấp 10 sẽ được mời vào tập huấn trong đội tuyển Siêu trí nhớ Việt Nam.
Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ
TS Huỳnh Văn Chẩn - phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam - cho biết rèn luyện là một trong những phương pháp nâng cao khả năng ghi nhớ, và các lớp hướng dẫn nâng cao kỹ năng này trên thế giới đã có rất nhiều.
Tuy vậy, ở Việt Nam các trung tâm giảng dạy cách tăng cường trí nhớ cần đảm bảo về mặt pháp lý và chuyên môn, được các cơ quan cấp trên công nhận, tránh trường hợp mượn tiếng luyện trí nhớ để thu hút học sinh nhưng chất lượng thì chưa chắc đảm bảo. Đồng thời, những người giảng dạy các môn này nhất thiết phải có chuyên môn về tâm lý học cũng như các kiến thức giáo dục kỹ năng.
Dành lời khuyên cho những phụ huynh muốn cho con theo học những khóa về trí nhớ, ông Chẩn cho rằng cha mẹ cần tìm hiểu thật kỹ, nếu cần thiết có thể liên hệ với các cơ quan chức năng như sở GD-ĐT để xem những trung tâm này có đang hoạt động đúng chức năng và đảm bảo về chất lượng hay không.
Bí quyết nằm ở hiểu bản thân mình
Theo kỷ lục gia trí nhớ thế giới Dương Anh Vũ, để rèn luyện trí nhớ, phương pháp không phải quan trọng nhất mà đó chỉ là công cụ, và việc của người sử dụng trí nhớ là tìm ra công cụ nào phù hợp với mình nhất.
Anh Vũ chia sẻ thêm, tùy vào dạng thông minh, sẽ có những phương pháp ghi nhớ khác nhau. Chẳng hạn, nếu một đứa trẻ sở hữu trí năng âm nhạc thì chúng thường tiếp thu rất tốt nếu môi trường đó đầy giai điệu, lời ca tiếng hát, do đó vừa học vừa nghe nhạc sẽ dễ tiếp thu. Một điều nữa là cảm xúc khi ghi nhớ, ở đây là việc chúng ta dùng màu sắc, âm thanh, hình ảnh vào dữ kiện sao cho sinh động nhất. Cuối cùng là việc sắp xếp thông tin hợp lý để tạo ra phản xạ tốt nhất.
Theo tuoitre
Hội thảo về bí quyết kinh doanh của người Do Thái Học viên sẽ được tìm hiểu mô hình kinh doanh hiệu quả, nâng cao kỹ năng bán hàng để vận dụng vào hoạt động thực tế, chuẩn bị khởi nghiệp. Tại sao người Do Thái nổi tiếng là dân tộc thông minh trên thế giới, luôn được kính nể và trọng dụng trong hầu hết các công ty, tập đoàn lớn như Apple,...