Ba ngày học sinh nghỉ rét: Cha mẹ cãi nhau, trường lo lắng
Trong khi cuộc sống nhiều gia đình bị ảnh hưởng vì con nghỉ học tránh rét kỷ lục, các trường học ở Hà Nội lo lắng cho sức khỏe học sinh, cũng như điều chỉnh việc dạy học.
Hôm nay đã là ngày thứ ba hai con (học mầm non và tiểu học) nghỉ ở nhà vì giá lạnh, gia đình chị Ngọc Hà (quận Long Biên, Hà Nội) vẫn chưa tìm được người trông con. Cũng vì chuyện này mà vợ chồng chị giận nhau, không khí gia đình căng thẳng.
Cha mẹ cãi nhau
Sau khi nhận được tin nhắn của nhà trường hôm 24/1, thông báo các con có thể nghỉ dài ngày khi nhiệt độ dưới 10 độ C, chị Hà đã gọi điện về quê nhờ bà ngoại trông con giúp. Bà ốm, không thể lên Hà Nội, nên chị Hà tính phương án thuê người giúp việc nhưng chưa tìm được.
“Tôi đề xuất phương án vợ chồng thay nhau nghỉ phép trông con, nhưng anh ấy bảo không được nên tôi phải nghỉ ở nhà. dù công việc cuối năm bận. Cũng vì chuyện này mà vợ chồng giận nhau mấy hôm nay”, nữ phụ huynh chia sẻ.
Một em bé mặc áo ấm ngủ trên xe trong khi mẹ đưa đến trường. Ảnh: Hải An.
Cũng giống chị Hà, cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng khi không có người trông con nghỉ học. “Sau khi tranh cãi, vợ chồng tôi thống nhất mỗi người đưa một đứa lên cơ quan. Tôi biết cho các cháu đến chỗ làm việc rất bất tiện, nhưng cũng không còn cách nào khác”, chị Bùi Hoa (quận Cầu Giấy) nói.
Còn chị Hải Dung (quận Ba Đình) may mắn hơn khi gửi được con cho bác hàng xóm. Khi nghe chị tâm sự vợ chồng to tiếng vì chuyện con nghỉ học, bác hàng xóm đã nhận trông giúp mấy hôm. Sáng, nữ phụ huynh chuẩn bị đồ ăn, quần áo ấm đưa con đi gửi, trưa tranh thủ chạy về cho con ăn rồi lại vội vã lên cơ quan. “Cũng may là có bác giúp đỡ, không vợ chồng tôi chưa biết làm thế nào”, chị Dung nói.
Theo quy định của Sở GD&ĐT, những ngày nghỉ học, các trường vẫn nhận trông học sinh, nếu cha mẹ có nhu cầu. Các em sẽ được học trong phòng ấm, có cơm, canh nóng.
Cãi nhau mãi mà không thống nhất được người trông con, vợ chồng tôi đành chấp nhận gửi cháu ở trường, dù mưa rét, đi lại vất vả. Vào lớp thấy nhiệt độ trong phòng rất ấm, các con chỉ mặc áo len mỏng cũng không sợ lạnh nên tôi yên tâm hơn”, chị Ngọc Trâm (quận Cầu Giấy) kể.
Tuy nhiên, cũng có người không yên tâm khi gửi con ngày lạnh. Họ đưa con đến trường gửi một lúc rồi quay lại đón về.
Dân mạng tranh luận
Câu chuyện căng thẳng vì học sinh nghỉ học ngày rét còn lan ra cả mạng xã hội. Có nên cho học sinh nghỉ học khi dưới 10 độ C là chủ đề tranh cãi, thu hút sự quan tâm của nhiều người mấy ngày qua.
Một số ý kiến cho rằng, cha mẹ nuông chiều và làm hư con mới cho nghỉ học. So sánh với học sinh Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác, những người này cho rằng, các em vẫn đi học bình thường dưới thời tiết 2 – 5 độ C.
“Bọn trẻ vẫn phải đến trường. Chúng phải học cách vận động làm nóng người để rèn luyện sức khoẻ, cao hơn nữa là ý chí vượt qua khó khăn, thích nghi với hoàn cảnh sống”, một người viết.
Video đang HOT
Cùng với đó, những hình ảnh học sinh cởi trần lăn lộn trên tuyết trắng, vui đùa dưới trời giá lạnh trong các bài tập vận động (đối lập bảng thông báo nghỉ học ở Việt Nam) cũng xuất hiện trên mạng xã hội.
Người dùng Facebook Duong Cong Tho Duong dẫn ý kiến cha mẹ Nhật: Đi học dưới thời tiết như vậy, dĩ nhiên con sẽ bị ốm. Mục đích của trẻ con đi học là để bị cảm lạnh và bị ốm. Sau khi trải qua được thử thách đầu đời này, các em sẽ có sức đề kháng hơn hẳn những bạn đồng trang lứa từ các quốc gia khác.
Tuy nhiên, phản biện những ý kiến này, một số người cho rằng, việc cho trẻ nghỉ học là đúng vì điều kiện thời tiết của Việt Nam khác với Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngày 22/1, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn thông báo học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống. Dưới 7 độ C, học sinh THCS nghỉ học.
Công văn cũng nêu rõ, “trường hợp học sinh vẫn đến trường, nhà trường phải bố trí cho các cháu vào một phòng để giữ ấm và quản lý cho đến khi phụ huynh đón về (không được để học sinh đứng ngoài cổng trường vì nghỉ rét)”.
“Ở Nhật, lớp học có máy sưởi, độ ẩm không cao và họ quen với khí hậu đó rồi. Ở Việt Nam, điều kiện không được thế. Mùa này, người khỏe cũng ốm chứ chưa nói người thường…”, tài khoản Linh Nhi viết.
Cũng theo người này, vấn đề không nằm ở nhiệt độ. “Gia đình mình đã trải qua cái lạnh -5 độ C ở Nhật hết sức bình thường, mặc vừa đủ ấm là được. Còn ở Việt Nam, rét 10 độ C là chuyện khác. Nó khó chịu, chân tay cứng đờ, kinh khủng hơn âm mấy độ ở các nước Nhật, Hàn nhiều. Nguyên nhân là độ ẩm không khí ở ta quá cao (nhiệt đới gió mùa) nên mới có chuyện rét không chịu được như thế”.
Những phụ huynh khác cũng cho rằng, ở Hàn Quốc, cơ sở vật chất của trường học hơn hẳn Việt Nam. Lớp học có hệ thống sưởi, có xe buýt đưa đón học sinh, hoặc phụ huynh đưa con bằng ôtô. Vì thế, các em hoàn toàn có thể đến trường trong ngày giá rét.
Nhà trường lo lắng
Chia sẻ với phụ huynh câu chuyện học sinh nghỉ học kéo dài, phía nhà trường cũng lo lắng làm sao chăm sóc các em tốt (nếu vẫn đi học) trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cũng như ảnh hưởng chương trình dạy và học (nếu nghỉ kéo dài).
Bà Đỗ Thị Vẻ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) cho biết, mặc dù học sinh nghỉ học trong 3 ngày qua nhưng 100% cán bộ giáo viên, nhân viên bếp ăn vẫn thường trực tại trường vào buổi sáng để phục vụ những phụ huynh có nhu cầu gửi con.
“Số ít học sinh đến trường sẽ được dồn vào một lớp, có điều hòa sưởi ấm và bữa trưa nóng, đầy đủ dinh dưỡng cho các con”, bà Vẻ cho biết.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, 3 ngày qua, toàn bộ 711 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đều thông báo nghỉ học tránh rét. Một số trường có hệ thống liên lạc với phụ huynh qua email hoặc điện thoại, giúp cha mẹ chủ động nắm rõ lịch nghỉ học. Tuy nhiên, cũng có một số trường cơ sở vật chất còn hạn chế nên chỉ thông báo chung tại trường.
Trước tình hình học sinh có thể nghỉ dài ngày, ông Quý cho biết, các trường sẽ phải chủ động sắp xếp chương trình học bù, đảm bảo hạn kết thúc năm học là 25/5/2016. Mỗi trường tiểu học đều có 1 tuần cho các chương trình hoạt động ngoại khóa, quỹ thời gian này sẽ phải rút ngắn lại để dành thời gian học bù nếu việc nghỉ học tránh rét kéo dài.
Theo ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, quận chỉ đạo các trường thông báo lịch nghỉ học tránh rét cho phụ huynh qua sổ liên lạc điện tử. Tuy nhiên, nếu phụ huynh không biết vẫn đưa con đi học, các trường tiểu học vẫn bố trí giáo viên nhận và trông coi học sinh.
Ông Ngọc Anh cho hay, với tình hình các trường tiểu học nghỉ 3 ngày liên tiếp, quận sẽ chỉ đạo các trường bố trí thời gian dạy bù vào học kỳ 2.
Ông Trần Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: “Về góc độ y tế, tôi nghĩ thời tiết rét đậm rét hại đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em, sẽ tăng nguy cơ nhiễm các bệnh lý về đường hô hấp, viêm phổi. Nếu nhiệt độ dưới 10 độ C, phụ huynh nên cho học sinh mầm non, tiểu học ở nhà, còn những độ tuổi lớn hơn có thể cân nhắc”.
Đầu đợt rét, Bộ Y tế đã có công văn khẩn cảnh báo: “Trước tình hình thời tiết trong những ngày tới tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ nhiệt độ tiếp tục giảm, rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều nơi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, rủi ro thiên tai cấp độ I có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là người già và trẻ em”.
Theo Zing
Phụ huynh không cho con ăn bán trú vì lo thực phẩm bẩn
Ngay sau khi lực lượng chức năng phát hiện Công ty Trung Thành tuồn thực phẩm bẩn vào 7 trường mầm non, tiểu học ở quận Tây Hồ (Hà Nội), nhiều phụ huynh không cho con ăn bán trú.
Có mặt tại trường Tiểu học Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội), một trong những trường vừa bị lực lượng chức năng phát hiện: Công ty cung cấp "tuồn" thực phẩm không rõ nguồn gốc vào bếp ăn. Đúng bữa trưa ngày 15/1, PV chứng kiến trong nhà ăn khá rộng rãi, bữa ăn của học sinh chỉ đơn giản có bát bún nấu với xương hầm, không có một chút rau nào. Hàng trăm học sinh xì xụp 5-10 phút là xong bữa.
Các trường từ chối trả lời báo chí
Khi thấy PV chụp ảnh, nhân viên của trường này ngăn cản, yêu cầu đi ra ngoài. Tại Trường mầm non Nhật Tân, đại diện trường này cho hay lãnh đạo trường không tiếp PV.
Trước cổng trường Tiểu học Phú Thượng, khác với mọi ngày đa số học sinh đều ăn bán trú, nghỉ ngơi để học buổi chiều thì nay hết giờ học buổi sáng, nhiều phụ huynh đến trường đón con về nhà. Một phụ huynh có con học lớp 4 cho biết, dù nhà cách trường khá xa nhưng từ nay hai vợ chồng sẽ thay nhau đón con về nhà ăn trưa.
Vị phụ huynh này nói: "Sau khi biết sự việc chúng tôi rất bức xúc. Mỗi bữa ăn đóng 30.000 đồng mà ai ngờ trường lại cho con chúng tôi ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc".
Nhiều phụ huynh không cho ăn bán trú. Ảnh: Tiền Phong.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn đã gần 70 tuổi nhưng vẫn đi xe máy đến trường Tiểu học Phú Thượng đón hai cháu ngoại. Ông Toàn cho hay, trước đây gia đình cũng cho cháu ăn bán trú nhưng cách đây không lâu, nhiều người dân xung quanh trường mẫu giáo Phú Thượng có kể lại chuyện thấy có người trong trường ra chợ mua thực phẩm, trong khi trường cam kết với phụ huynh mua ở các công ty đảm bảo nguồn gốc.
"Chúng tôi cảm thấy không tin tưởng nên vất vả mấy cũng đến trường đón cháu. Ăn vào sinh bệnh thì ăn làm gì", ông Toàn nói.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giám đốc Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa cho hay, hệ tiêu hóa của trẻ mầm non, học sinh nhỏ tuổi cực kỳ non nớt, rất dễ bị tác động bởi vi khuẩn, lượng tồn dư chất hóa học.
"Nếu trẻ bị ngộ độc ngay còn dễ phát hiện, có những loại thuốc bảo vệ thực vật tồn dư ăn vào ruột có sự tích lũy lâu dài mới gây bệnh nguy hiểm", ông Thịnh nói.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo quy định, thực phẩm để vào được trường học phải qua rất nhiều cửa kiểm soát. Các trường học không được trực tiếp thu mua thực phẩm mà phải ký hợp đồng với những nhà cung cấp thực phẩm được nhà nước cấp phép.
Tuy nhiên, quy định cũng nêu rõ, các trường có trách nhiệm kiểm tra quá trình tiếp nhận thực phẩm. Nếu bằng cảm quan mắt thường không đạt buộc phía doanh nghiệp phải đổi hoặc chấp nhận trả.
Điều đáng nói ở đây là qua điều tra của cơ quan chức năng, sau nhiều ngày theo dõi quy trình hoạt động và phát hiện, người của Công ty Trung Thành mang thực phẩm đến trường và trường không có người tiếp nhận, kiểm tra như quy định.
Trong khi đó, bà Lê Thị Bính, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thượng cho rằng: Báo chí thông tin sai sự thật, giờ đó trường chưa có người đến giao nhận chứ không phải không có người kiểm tra!
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó phòng giáo dục quận Tây Hồ cho biết: "Sự việc đang khiến những người làm quản lý giáo dục như ông đau đầu".
Ông Long cho biết, quy trình để các trường học ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với các doanh nghiệp thường là do một số đơn vị doanh nghiệp đến với giới thiệu với phòng hoặc họ tự tìm đến trường.
Phòng không chỉ định các trường mua thực phẩm của công ty nào mà chỉ quản lý về mặt hồ sơ, sổ sách. Trong quá trình cung ứng thực phẩm, trách nhiệm kiểm tra, giám sát lại thuộc về các trường.
Cũng theo ông Long, hàng tháng đơn vị cũng có thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học nhưng đều không phát hiện vấn đề gì.
Ông Long cho rằng, cái khó hiện nay là sản phẩm rau, thực phẩm sạch được quản lý không có bất cứ tem mác nào vì thế khi bị trà trộn với rau ngoài chợ bằng mắt thường rất khó phát hiện. Việc quản lý chất lượng thực phẩm một mình ngành giáo dục không thể làm được.
Vụ việc chấn động, nhưng chỉ phạt được từ 1-3 triệu đồng (?!)
Ngay trong ngày 15/1, UBND quận Tây Hồ cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo phòng giáo dục và đại diện các trường và gửi văn bản chấn chỉnh các trường, triệu tập các trường mua thực phẩm của Công ty Trung Thành lên làm việc. Riêng đối với các trường không làm đúng trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, kiểm soát thực phẩm đầu vào, Phòng GD&ĐT sẽ có hình thức xử lý.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hiệp Thống cho hay, hàng năm, Sở có nhiều đợt kiểm tra bếp ăn, thực phẩm các trường học; yêu cầu các trường thành lập ban chăm sóc sức khỏe học sinh, mời phụ huynh tham gia vào việc kiểm soát thực phẩm. Tuy nhiên, theo ông Thống, cái khó hiện nay là các trường đang chỉ làm theo quy định của nhà nước là ký kết với các công ty được cấp phép.
Theo ông Thống, việc lợi dụng, lừa đảo chất lượng thực phẩm cho đối tượng là học sinh là hành vi không thể chấp nhận được. Đối với công ty vi phạm đề nghị cơ quan nhà nước xử phạt thật nghiêm.
Ông Nguyễn Tuấn Phương, Đội trưởng đội 4, Phòng cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội lại cho biết, mức xử phạt các doanh nghiệp vi phạm như Công ty Trung Thành hiện nay thực hiện theo Nghị định 185 xử phạt về buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ chỉ dừng lại ở mức từ 1-3 triệu đồng!
Theo ông Phương, đơn vị phải mất nhiều ngày đêm theo dõi mới phát hiện vụ việc nhưng với mức phạt theo quy định hiện nay quá nhẹ, không đủ tính răn đe.
Sáng sớm ngày 14/1, Đội 4, Phòng cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT phát hiện nhân viên Công ty Trung Thành thu gom thực phẩm ở chợ Vân Nội, Đông Anh cung cấp cho các trường học ở quận Tây Hồ. Qua nhiều ngày theo dõi, lực lượng đã bắt giữ hàng trăm kilôgam rau củ khi đang vận chuyển vào tiêu thụ ở các trường học.
Điều đáng nói, các trường này không thực hiện giao nhận, kiểm tra thực phẩm như quy định. Đại diện Công ty Trung Thành đã thừa nhận vụ việc, khai nhận cung cấp cho 5 trường gồm: Trường tiểu học Phú Thượng, Trường mầm non Nhật Tân, Trường mầm non Xuân La, Trường mầm non Tứ Liên, Trường mầm non Phú Thượng.
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong
An Giang: Đề thi của Sở GD&ĐT biên soạn mắc nhiều sai sót Theo xác nhận của ThS Hoàng Xuân Quảng, Phó Hiệu trưởng ĐH An Giang, đề khảo sát chất lượng học kỳ I môn toán lớp 12 do ở GD&ĐT An Giang biên soạn có nhiều sai sót. Ngày 29/12, tỉnh An Giang đồng loạt tổ chức khảo sát chất lượng học kỳ I môn toán lớp 12. Theo đó trong thời gian 150...