Ba năm trung học tổng kết trên 9.0, nữ sinh Sài Gòn vẫn ‘ngổn ngang’ lo toan về ước mơ đại học
Nếu những bạn bè đồng trang lứa chỉ đang lo về bài thi hôm nay còn vài thiếu sót, băn khoăn không biết đề thi ngày mai ‘trúng tủ’ bao phần, thì gành nặng đè lên vai cô bé 18 tuổi này còn nhiều hơn thế!
Hôm nay (25/6), kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đã chính thức bắt đầu với 2 môn thi quan trọng là Ngữ Văn và Toán. Hàng trăm ngàn cô cậu hoc trò trên cả nước đang căng não vật lộn với kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời. Những áp lực, nhọc nhằn và kỳ vọng mà các em đang chịu đựng thật không hề nhỏ.
Ngôi nhà của Lê Huỳnh Thy (sinh năm 2001, trường THPT Thủ Đức, TP.HCM) nằm sâu trong một con ngõ hẻm hẹp đến nổi không thể quay đầu xe, dưới mái nhà thấp và nhỏ, Huỳnh Thy vẫn đang ngồi nghiền ngẫm những trang cuối cho buổi thi ngày mai. Và có thể, là đang nghiền ngẫm ước mơ đại học có phần nhọc nhằn sau kỳ thi này nữa…
Nữ sinh Lê Huỳnh Thy – 1 trong số gần 900.000 thí sinh năm nay
Bố mất từ lâu, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mẹ già 57 tuổi
Bố của Huỳnh Thy đã mất hơn 11 năm trước. Ở phòng khách, tấm ảnh thờ cũng đã mờ đi đôi chút vì nhuốm khói bụi thời gian. Mẹ em năm nay đã 57 tuổi – trụ cột chính trong nhà nuôi hai chị em Thy ăn học từng ấy năm qua.
Mẹ Thy lao động chân tay, khi thì giúp việc nhà, khi thì giữ trẻ, khi thì đơm khuy, đính hạt cho quần áo tại nhà, thu nhập thấp và bất ổn. ‘Nhiều lúc thấy mẹ ngồi lọ mọ cả tiếng đồng hồ, đơm xong hàng nút cũng chỉ được 10 ngàn tiền công‘, Thy kể.
Hỏi em có ước chừng được thu nhập hàng tháng của mẹ bao nhiêu không, con số thốt ra không khỏi khiến người ta chậc lưỡi - ‘dạ chắc tầm hơn 1 triệu ạ’. Thật khó tưởng tượng nổi, gia đình 3 người chỉ toàn phụ nữ này đã xoay sở sống thế nào trong từng ấy năm với số tiền ấy.
Giờ chị gái của Thy đã ra trường, nhưng hiện đang thất nghiệp. Sức khỏe của chị vốn yếu ớt, Thy thấy chị vất vả kiếm tiền càng thương hơn chứ không trách móc và kỳ vọng gì nhiều.
Con hẻm hẹp và ngoằn nghèo dẫn vào nhà Thy
Căn nhà nhỏ nơi có Thy, mẹ và chị gái đang sống nương tựa vào nhau
Video đang HOT
Mẹ đã lớn tuổi, sức khỏe kém dần, lại còn mang bệnh trong người, không chỉ một mà rất nhiều cơn đau khác nhau cứ từng ngày dày vò người mẹ già đang rất cần sức khỏe đẻ nuôi con này: đau khớp, nhức chân, tay lò xo (đã từng mổ), mắt mờ, đau bao tử, máu nhiễm mỡ… Những căn bệnh không quá nặng nhưng để có thể duy trì cuộc sống thường nhật, mẹ Thy phải uống thuốc không được bỏ bữa nào. Và thi thoảng, cô còn vấp té trong lúc đang di chuyển, đôi chân và thị lực ngày một yếu đi.
Càng già, người ta càng khó khăn hơn trong việc chống chọi với bệnh tật, số thu nhập ít ỏi 1 triệu 1 tháng ấy có nguy cơ sẽ ngày càng ít hơn nữa…
3 năm học liền đều trên 9.0, tự đi làm thêm để đóng tiền học phí
Huỳnh Thi có vóc người nhỏ nhắn, gương mặt xinh tươi, bầu bĩnh. Nhưng bên trong ngoại hình nữ tính này là một cô gái giỏi giang và nghị lực. Những việc trong nhà như sửa quạt, sửa đèn, em tự học và tự làm. Ví von em như một người đàn ông trong nhà, Thy cười, ‘dạ cũng có thể nói là vậy’.
Góc học tập bao năm của Thy là một chiếc võng, một chiếc bàn gỗ kê nép vào góc phòng khách
Trong suốt 3 năm học cấp 3, Thy đều có điểm tổng kết trên 9.0 và 3 năm liền đều nhất lớp. Năm lớp 10, Thy kiêm luôn giải nhất khổi và lớp 11 là nhì khối. Nữ sinh này cũng từng có 2 năm làm lớp trưởng trong 3 năm học cấp 3 của mình.
Thy tự nhận mình siêng học và học đều tất cả các môn. Những bài tập được giao, em đều có gắng làm đầy đủ, dù đôi lúc đó là những loại bài tập làm hay không cũng được. Trước mỗi kỳ kiểm tra, em đôi lúc còn chong học bài thâu đêm, thậm chí là đến 4h sáng.
‘Nhìn mẹ như vậy, nhìn gia đình mình vậy, em biết mình phải cố gắng học giỏi. Vì những gì tốt nhất, mẹ đã dồn hết cho việc học của em rồi’, Thy nói.
Một vài trong số rất nhiều thành tích mà Thy từng được nhận
Dù gia đình khó khăn nhưng mẹ Thy không bao giờ để con gái mình bị xấu hổ vì thiếu tiền học. Trước mỗi hạn nộp học phí, cô lại lặng lẽ đi mượn tiền người quen, hàng xóm để đưa cho con gái. Ban đầu, Thy không hề biết, cho đến vài lần, chủ nợ đến nhắc tiền ngay lúc em có ở nhà, em mới vỡ lẽ và thấy được mẹ đã một mình hy sinh, gồng gánh hết thế nào.
Rồi em đi tìm việc làm thêm, suốt năm lớp 11, Thy đi làm gia sư Tiếng Anh tại nhà cho trẻ nhỏ, thu nhập tầm 800.000 đồng/tháng, Rồi 3 tháng hè trước lớp 12, em cũng tranh thủ đi dạy thêm ở một nơi khác.
Bên cạnh đó, với thành tích cao trong trường, Thy còn nhận được học bổng hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Số tiền ấy, em để dành trang trải tiền học phí cho mình. Đặc biệt là vào lớp 12, khi chương trình học và khối lượng kiến thức nhiều, em cần phải bỏ ra chi phí cho việc học lớn hơn bao giờ hết.
Thy nói, em từng nhiều lần tự nói với bản thân ‘giá như có thể học nhanh hơn một chút thì tốt biết mấy’. Thy thấy rõ những kỳ vọng nằm trong ánh mắt của mẹ, Thy biết mình là hy vọng về việc có thể mang lại những đổi khác sáng lạn hơn cho mái nhà nhỏ này, sau chừng ấy năm đã quá quen với khó khăn, thiếu thốn.
‘Lỡ đang học đại học giữa chừng mà nhà có chuyện gì, không đủ tiền học tiếp, em cũng không biết sao nữa….’
Ánh mắt của Thy có nhiều nỗi lo toan hơn là chỉ mỗi nỗi lo thi cử. Em tiết lộ rằng, mình vừa đậu đợt xét học bạ ngành Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Tôn Đức Thắng vào tuần trước. Mục tiêu trong kỳ thi này chỉ là đậu tốt nghiệp, điều đó khiến em thấy đỡ áp lực hơn một chút.
Dự kiến học phí ở trường Đại học sẽ là 20 triệu/năm, điều này mới nặng nề thật sự. Trong một lần được tham quan trước đó, em có ấn tượng và thích ngôi trường này rất nhiều, đặt mục tiêu cố gắng đậu vào cho bằng được. Tuy nhiên, số tiền học phí cao so với hoàn cảnh gia đình, em phải thuyết phục mẹ nhiều lần mới được nộp đơn ứng tuyển.
Thy chia sẻ, ngay sau kỳ thi này, em sẽ lập tức tìm việc ngay, để có thể dành dụm cho việc học tương lai. Bên cạnh đó, Thy cũng sẽ cố gắng học tập chăm chỉ để giành thêm những học bổng khuyến khích học tập như thời cấp 3. Thy cũng tính, sinh viên đại học thường sẽ được hỗ trợ vay vốn, em có thể nhờ vào nguồn tiền này để trang trải nếu cần.
Quãng đường đại học phía trước, khó khăn có thể còn nhiều hơn 3 năm trung học vừa qua
Em mong muốn sau khi ra trường, mình có thể làm nhà thông dịch hoặc biên dịch. Ước muốn này xuất phát từ những quyển sách dịch và những bộ phim dịch trên tivi, em thấy đây là một công việc bổ ích, có thể giúp nhiều người vượt qua rào cản ngôn ngữ, biết nhiều hơn về thế giới quanh mình.
Ước mơ lớn nhất của Thy là có thể mang đến cuộc sống an nhàn, khỏe mạnh cho mẹ vào cuối đời. Nếu có thể, em mong có thể đưa mẹ sang nước ngoài để chữa bệnh, để tuổi già của người phụ nữ này được một lần thoát khỏi những cơn đau đã dày vò suốt bao năm qua.
Thy là cô gái nhiều hoài bão và trong đó – đương nhiên luôn chất chứa cả vô vàn sự lo lắng: ‘Lỡ đang học đại học mà nhà em có chuyện gì xảy ra thì chắc điều kiện kinh tế không kham nổi. Em cũng từng suy nghĩ thoáng qua, cũng sợ, nhưng em tạm cất nó vào để tập trung cho việc học, vì thật sự em cũng không biết phải làm gì nữa…‘.
Kỳ thi trọng đại đã chính thức bắt đầu, chỉ mong Thy vẫn có thể vững tâm để có kết quả thật tốt. Con đường phía trước dẫu có nhiều khó khăn, nhưng với nghị lực và năng lực của mình, tin rằng tương lai em rồi sẽ đẹp như em vẫn hy vọng.
Theo tiin.vn
Vừa chạy thận, vừa đi thi, nam sinh Hải Phòng quyết tâm đỗ đại học
Bị suy thận, sức khỏe yếu nhưng Đào Minh Đức (18 tuổi, ở phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, Hải Phòng) vẫn vừa chạy thận, vừa đi thi với quyết tâm đỗ đại học trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Đào Minh Đức tranh thủ ôn bài mọi lúc có thể - Ảnh Lê Tân
Chia sẻ với Thanh Niên sau khi vừa hoàn thành ngày thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2019, nam sinh Đào Minh Đức nói: "Cháu thấy đề văn năm nay dễ hơn năm ngoái. Cháu ước lượng mình làm được 80%. Đề toán cũng vừa sức nhưng cháu không so kết quả vì sợ bị tâm lý cho những môn sau". Nhìn Đức, ít ai ngờ nam sinh này đang phải sống chung với bệnh suy thận và hàng tuần đều phải chạy thận nhân tạo.
Sáng 24.6, Đức đã phải tranh thủ đến bệnh viện chạy thận để chiều đến điểm thi làm thủ tục. "Cháu mới phát hiện mình bị bệnh được 5 tháng. Lúc đó cháu buồn và suy nghĩ nhiều lắm. Việc chạy thận cũng khiến cháu ít có thời gian ôn bài hơn", Đức cho biết.
Chị Nguyễn Thị Mỹ (42 tuổi, mẹ Đức), người cũng phải chạy thận 14 năm nay cho biết: "Trước khi bị bệnh, Đức khỏe mạnh lắm. Nhưng đến đầu năm lớp 12 Đức bỗng gầy sọp đi. Tôi đưa cháu đi khám thì mới biết con bị bệnh. Tôi buồn vô cùng, con tôi lại giống tôi, phải sống chung với chạy thận cả đời rồi".
Thành đoàn Hải Phòng đến thăm và động viên Đức - Ảnh NA
Có lẽ vì hoàn cảnh khó khăn nên chị Mỹ chẳng bao giờ nghĩ đến việc có thể thay thận cho con trai. Chồng chị Mỹ làm nghề vận tải, thường xuyên phải xa nhà để kiếm tiền lo cho gia đình. Chị Mỹ do sức khỏe yếu nên không đi làm được. Nhiều năm sống trong cảnh thuê nhà, cách đây 2 năm, chị Mỹ được mẹ đẻ cho mảnh đất rồi vay tiền xây căn nhà hiện tại. Đến bây giờ Đức lại phát bệnh, cuộc sống của gia đình chị lại càng khó khăn hơn.
Bày tỏ về những dự định sắp tới, Đào Minh Đức cho biết: "Trước mắt cháu sẽ cố gắng thi tốt để đỗ vào Trường Đại học Hàng hải. Cháu muốn học quản trị để kiếm được tiền chữa bệnh cho mẹ". Đào Minh Đức là học sinh giỏi 3 năm liên tiếp khi học tại Trường THPT Kiến An, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng.
Để động viên tinh thần cho Đào Minh Đức trước kỳ thi THPT quốc gia, sáng 24.6, Thành đoàn Hải Phòng và Hội Sinh viên thành phố Hải Phòng đã đến Bệnh viện đa khoa Kiến An thăm và tặng quà cho em.
Theo Thanh niên
Tuyển sinh lớp 10 Sóc Trăng: Thí sinh "trúng tủ" môn Văn Ngày 15/6, gần 12.000 học sinh lớp 9 ở tỉnh Sóc Trăng bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020. Kết thúc buổi thi đầu tiên với môn Ngữ Văn, nhiều thí sinh rời phòng thi với tâm trạng thoải mái vì "trúng tủ". Thí sinh Nguyễn Nhật Sáng (trường THCS Lê...