Ba lý do người Việt phát âm tiếng Anh sai
Theo thầy giáo Quang Nguyen, để phát âm tiếng Anh chuẩn, bạn cần biết cách nói đúng giai điệu (rhythm), ngữ điệu (intonation), nối âm (connected speech).
Nhưng trước hết, bạn phải đọc từ khóa cho chính xác. Đây là yêu cầu cơ bản nhất, nhưng nhiều người Việt không thực hiện được. Dưới đây là ba lý do chính khiến bạn phát âm từ khóa trong câu sai và cách để sửa.
1. Không biết cách phát âm đúng
Từ “manager” có trọng âm ở đâu? Từ “comb” có nguyên âm là gì? “Evening” có mấy âm tiết? Nhiều người phát âm sai đơn giản vì không biết phát âm đúng như thế nào.
Điều này có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, người Việt rất thích “đánh vần” tiếng Anh – một việc không thể, đặc biệt nếu bạn chưa hiểu phát âm và giao tiếp đúng. Đánh vần tiếng Anh dễ tạo thói quen phát âm sai và “ngấm” dần tới nỗi bạn không thể sửa lỗi của mình.
Thứ hai người Việt dường như rất ngại nghe tiếng Anh. Nếu nghe nhiều, bạn sẽ biết mình phát âm sai từ nào.
Nguyên nhân thứ ba đến từ hệ thống giáo dục. Mình may mắn dạy phát âm cho nhiều giáo viên tiểu học. Họ chia sẻ đồng nghiệp phát âm sai và “buộc” học sinh phải phát âm theo cách của mình. Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện cũng không kiểm tra khả năng nghe – nói của học sinh nên các em không có nhu cầu phải phát âm đúng. Thói quen phát âm sai từ nhỏ ảnh hưởng nhiều tới sau này.
Giải pháp rất đơn giản, bạn chỉ cần có thói quen tra phát âm (cả IPA và nghe qua từ điển online, ví dụ dictionary.com hoặc youglish.com) mỗi khi gặp từ mới. Lưu ý, kể cả với những từ bạn biết nghĩa, nhưng không biết cách phát âm, vẫn coi là một từ mới cần học.
Ảnh: Shutterstock.
Video đang HOT
2. Gặp khó khăn với trọng âm
Vượt qua trở ngại đầu tiên là “biết cách nói đúng”, nhiều bạn gặp vấn đề với trọng âm từ. Ngay cả khi đã biết trọng âm ở đâu, rất nhiều người không biết cách đọc một từ thế nào cho đúng.
Để vượt qua khó khăn này, bạn có thể nghe tiếng Anh thật nhiều và đọc theo. Nếu có một giáo viên giỏi ngồi nghe bài và nhận xét những chỗ nào bạn đọc sai trọng âm để sửa, bạn cũng sẽ tiến bộ rất nhanh.
3. Gặp khó khăn với các âm khó
Hầu hết âm trong tiếng Anh là mới với người Việt Nam, do đó việc học âm tiếng Anh (theo IPA) ngay từ đầu là rất có lợi. Các âm khó có thể chia thành một số nhóm:
- Âm tương tự với các âm trong tiếng Việt, ví dụ /t/, /k/, /s/, nguyên âm đôi như /e/ (trong stay) nghe hơi giống “ây”… Những âm này nếu bạn phát âm sai một chút cũng không quá nghiêm trọng. Chỉ cần lưu ý một chút là sẽ phát âm đúng.
- Các âm mới hoàn toàn, không tồn tại trong tiếng Việt như /d/ (trong job), // (trong pleasure), /l/ (trong peel), “th” (trong thank). Về cơ bản, bạn phải học và thực hành rất nhiều.
- Các cụm âm, đặc biệt là cụm phụ âm như “spl” (trong split), “str” (trong stress) hoặc âm cuối như /kt/ (trong cooked) gây ra nhiều khó khăn cho người học. Vì những cụm âm như vậy không tồn tại trong tiếng Việt, người học thường hoang mang và không biết cách xử lý.
Nếu bạn học phát âm theo bảng IPA chuẩn, thường sẽ sửa được lỗi ở nhóm một và hai. Để xử lý cụm âm, phụ âm tốt, bạn sẽ phải luyện tập rất nhiều và tốt nhất vẫn nên có người nghe để sửa lỗi mỗi khi bạn nói sai, đặc biệt là âm cuối.
Sáu điều cần nhớ để nói tiếng Anh trôi chảy
Nếu bạn không phát âm đúng từ khoá, làm rõ trọng âm từ hay giữ hơi khi nói, người nghe có thể bị khó hiểu.
Trong quá trình dạy nói tiếng Anh chuẩn, thầy Quang Nguyen (Hà Nội) thấy người Việt Nam gặp nhiều vấn đề khi cố gắng nói lưu loát, kể cả những người học ở trình độ khá. Nếu ghi nhớ những điều dưới đây để sửa, tiếng Anh của bạn nghe sẽ rõ ràng và tự nhiên hơn nhiều.
1. Phát âm đúng từ khóa
Từ khóa là những từ quan trọng trong câu. Ví dụ, từ "sweat" trong câu "You can sweat at night" (bạn có thể đổ mồ hôi vào ban đêm) mà nói giống "sweet" (ngọt) thì người nghe có thể không hiểu.
Để sửa lỗi này, bạn có thể nghe tiếng Anh nhiều và kiểm tra những từ mình không chắc phát âm đúng qua các từ điển online.
Ảnh: Shutterstock
2. Làm rõ trọng âm của từ
Lớp mình có một bạn học viên nói tiếng Anh rất trôi chảy và tương đối rõ ràng, nhưng nói nhanh và trọng âm không rõ lắm.
Nhấn trọng âm chính và trọng âm phụ trong từ khóa là một trong những kỹ năng khó thực hiện. Để làm được việc này, trước mắt, bạn nên nói chậm lại một chút, di chuyển miệng nhiều hơn, và luyện "shadow" (nhắc lại ngay lập tức từng từ mà người học nghe được) nhiều hơn.
3. Nói theo cụm "thought group"
Khi cố gắng nói trôi chảy, một trong những vấn đề nhiều người gặp phải là "vội". Vì vội nói, bạn không ngắt nghỉ hoặc ngắt nghỉ không đúng chỗ khiến người nghe gặp khó khăn rất nhiều.
Để sửa lỗi này, bạn phải hiểu mình muốn nói gì với người nghe, từ đó lựa chọn chỗ ngắt nghỉ phù hợp. Người nói ở các trình độ khác nhau sẽ có "thought group" khác nhau. Nói càng tốt, "thought group" càng dài và ngược lại. Nội dung nói càng phức tạp, nhiều thuật ngữ mới với người nghe, càng nên để "thought group" ngắn.
4. Giữ hơi
Với những bạn xử lý từ, trọng âm, và "thought group" tương đối tốt, phần tiếp theo là giữ hơi. Cách nói của người Mỹ và người Việt khác nhau ở chỗ, người Mỹ nói tiếng Anh giữ hơi dài để đảm bảo "độ trôi chảy" (flow), còn tiếng Việt không nối âm, nên hơi rất ngắn.
Để tập luyện nói tiếng Anh hay, các bạn có thể tập cách giữ hơi để nói một câu dài hơn. Ví dụ, khi đọc một câu thì lấy một hơi rồi đọc ra thôi, không hít vào nhiều lần.
5. Chuyển động miệng
Âm được tạo ra do chuyển động miệng của bạn. Miệng chuyển động càng linh hoạt, âm các bạn phát ra càng rõ ràng. Khi tập nói, hãy để gương trước mặt và nhìn chuyển động miệng của mình. Cố gắng chuyển động linh hoạt nhất có thể.
6. Nối âm
Nối âm giúp bạn nói trôi chảy, điều này rất rõ ràng. Ví dụ, trong câu "He's my best friend" (Anh ấy là bạn tốt nhất của tôi), làm thế nào để nối được giữa "best" và " friend"? Phát âm đầy đủ hai từ này thì cảm giác rất khó và gượng gạo, lại không đảm bảo độ trôi chảy (flow). Do đó, làm chủ được khả năng nối âm giúp bạn nói tiếng Anh lưu loát hơn nhiều.
Quang Nguyen
Theo VNE
Luyện nói tiếng Anh cho trẻ trong thời gian nghỉ học Tổ chức ngày không sử dụng tiếng Việt, sử dụng từ vựng phổ thông trong khi trò chuyện giúp trẻ em luyện kỹ năng nói tiếng Anh trong thời gian nghỉ học. 1. Ngày nói tiếng Anh Trẻ em đều thích những trò chơi mang tính cạnh tranh lành mạnh nên phụ huynh có thể tận dụng cơ hội này để cùng con...