Ba kịch bản phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết ‘đường lưỡi bò’
Chuyên gia đánh giá rằng Trung Quốc có thể án binh bất động để sự kiện trôi qua nhưng cũng có khả năng gia tăng áp lực ở nhiều điểm nóng tại châu Á.
Tàu quân sự Trung Quốc tại Biển Đông hồi tháng 5. Ảnh: AFP
Tòa Trọng tài ở The Hague sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách “đường 9 đoạn” Trung Quốc đơn phương vẽ ra ở Biển Đông vào ngày 12/7. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng phán quyết của tòa sẽ bất lợi cho Trung Quốc.
Theo Asia Times, Harry J. Kazianis, chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, Mỹ, vạch ra ba kịch bản về hành động của Trung Quốc sau khi tòa ra phán quyết.
Án binh bất động
Kịch bản thứ nhất là Trung Quốc sẽ không có phản ứng quyết liệt. Bắc Kinh chỉ đơn giản đưa ra tuyên bố nói Biển Đông là vùng biển chủ quyền của mình và để sự kiện trôi qua.
Trong cách nhìn của Trung Quốc, đây không phải là lựa chọn tồi. Bắc Kinh có thể tiếp tục xây các đảo nhân tạo, biến chúng thành những căn cứ quân sự nhỏ với những vũ khí chống hạm mới nhất, điều động các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom đến các đường băng ở đây, biến biển Đông thành một khu vực chống tiếp cận (A2/AD). Trong kịch bản này, Bắc Kinh sẽ bày tỏ sự tức giận của họ đối với phán quyết, nhưng chỉ đơn giản là tiếp tục những điều họ đã làm.
Tuy nhiên, phản ứng nhẹ như vậy rất khó xảy ra. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức chính phủ sẽ chịu sức ép từ trong nước là phải đáp trả phán quyết một cách mạnh mẽ và công khai. Chiến lược cũ sẽ không còn được áp dụng. Nhiều người Trung Quốc sẽ yêu cầu phải có phản ứng cứng rắn, phô diễn sức mạnh rằng Bắc Kinh không thể bị các thế lực lượng bên ngoài tác động.
Ông Kazianis cho rằng điều này dẫn đến hai khả năng khác.
Thiết lập ADIZ
Theo ông, Bắc Kinh đã ra tín hiệu về việc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông từ nhiều tháng trước. Khi bình luận về khả năng này, hầu hết quan chức Trung Quốc đều nói rằng họ hiện không lên kế hoạch lập ADIZ, nhưng trong tương lai, việc ra quyết định đó sẽ dựa vào tình hình ở Biển Đông. Ông Kazianis cho rằng phán quyết không có lợi với Bắc Kinh có thể là cơ sở để họ chính thức thay đổi quan điểm.
Video đang HOT
Trung Quốc sẽ bao biện rằng họ chỉ đơn giản lập ADIZ vì cảm thấy bị đe dọa bởi phán quyết và rằng Bắc Kinh bị “buộc” phải thiết lập ADIZ vì nhận thức sai của các bên khác và sức ép quốc tế.
Do Trung Quốc đã bố trí các hệ thống radar tại khu vực cùng các đường băng có thể tiếp nhận máy bay chiến đấu, việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, hành động đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông có thể gây ra một cuộc khủng hoảng khu vực khiến nhiều bên trên khắp châu Á phải nhập cuộc. Washington sẽ phải phản ứng và có thể không chỉ bằng một hoặc hai chuyến bay của oanh tạc cơ chiến lược B-52.
Tăng sức ép
Một kịch bản khác là Trung Quốc có những hành động theo kiểu “tôi muốn làm gì thì làm”. Nếu cho rằng triển khai ADIZ là chưa đủ và muốn đi xa hơn, Trung Quốc có thể quyết định gia tăng sức ép ở tất cả điểm nóng tại châu Á.
Chẳng hạn, Bắc Kinh có thể tăng cường đáng kể các cuộc tuần tra hải quân và không quân ở biển Hoa Đông, bất chấp sự phản đối của Nhật Bản. Ngoài ra, Trung Quốc có thể bắt đầu các dự án khai thác dầu và khí đốt tại khu vực này.
Trung Quốc có thể gây sức ép lên Đài Loan, cắt giảm đáng kể lượng khách du lịch đến hòn đảo này. Ông Tập cũng có thể cắt giảm thương mại và đầu tư mà Đài Loan đang phụ thuộc vào. Trong thực tế, ông Tập có trong tay nhiều công cụ mà ông có thể sử dụng để làm khó Đài Loan. Ông có thể thấy rằng sẽ hữu ích nếu như hướng những tranh luận ở Biển Đông sang căng thẳng tại eo biển Đài Loan.
Bắc Kinh cũng có thể tiến hành bồi đắp bãi cạn Scarborough, đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, bị Bắc Kinh kiểm soát từ năm 2012. Đây sẽ là bước đi chứa đựng nhiều rủi ro và gây tranh cãi nhất. Mỹ dường như báo hiệu rằng họ sẽ có động thái đáp trả nếu Trung Quốc làm vậy, bằng cách triển khai máy bay A-10 Warthog và các tiêm kích tác chiến điện tử đến Philippines.
Các nhà quan sát châu Á trên toàn thế giới sẽ có những ngày bận rộn trước và sau phán quyết 12/7. Xem xét đến những phương án Trung Quốc có thể thực hiện và những điều họ đã làm trong vài năm qua, có vẻ như Biển Đông sẽ đón một vài tháng tới đầy căng thẳng, Kazianis nhận định.
Phương Vũ
Theo VNE
Bác phán quyết Biển Đông, Trung Quốc tự đặt mình ngoài vòng pháp luật
Bắc Kinh sẽ nhận ra rằng họ không được lợi lộc gì từ tình trạng hỗn loạn mà họ gây ra khi khăng khăng bác bỏ phán quyết "đường lưỡi bò" của PCA.
Ông Paul Reichler, luật sư chính của Philippines trong vụ kiện "đường lưỡi bò". Ảnh: Rappler
Ngày 29/6, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tuyên bố sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông vào ngày 12/7. Giới quan sát cho rằng phán quyết này có thể bác bỏ bất cứ cơ sở pháp lý nào mà Trung Quốc đưa ra để biện minh cho tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, theo Reuters.
Trả lời phỏng vấn hãng tin này hôm qua, ông Paul Reichler, luật sư chính của Philippines trong vụ kiện, bày tỏ tin tưởng rằng PCA sẽ ra phán quyết có lợi cho Manila, đồng thời tạo ra sức ép rất lớn đối với Bắc Kinh, dù nước này khăng khăng tuyên bố sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa.
Là người phụ trách đội ngũ luật sư của Philippines trong vụ kiện kéo dài ba năm rưỡi qua, ông Reichler cho biết ông không nắm trước được bất cứ thông tin nào về phán quyết, và cũng chỉ được thông báo về kết quả vụ kiện vào phút chót như mọi người. Tuy nhiên, ông tin chắc rằng Philippines sẽ thắng trong vụ kiện, theo đúng như kỳ vọng của Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
"Chúng tôi tự tin rằng mình sẽ thắng trong vụ kiện này, và đây có khả năng là một trong những vụ xử ở nơi xa xôi nhất mà PCA từng ra phán quyết", Reichler nói.
Trung Quốc đơn phương vẽ ra một đường 9 đoạn đứt khúc bao phủ gần như toàn bộ diện tích Biển Đông và ngang nhiên tuyên bố rằng toàn bộ vùng biển bên trong "đường lưỡi bò" đó thuộc chủ quyền của họ, dù đường này không được quy định trong bất cứ văn kiện pháp lý quốc tế nào.
"Phán quyết của PCA nhiều khả năng sẽ bác bỏ toàn bộ những căn cứ pháp lý mà Trung Quốc đưa ra để chứng minh tuyên bố chủ quyền đó, bởi nó vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, văn kiện quan trọng quy định các quốc gia ven biển chỉ được quyền khai thác tài nguyên và đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình", Reichler nói.
Ngay từ đầu, Trung Quốc đã khăng khăng không tham gia vụ kiện, đồng thời tố ngược Philippines đã "vi phạm luật pháp quốc tế" khi đưa vụ việc ra PCA, thậm chí còn ngang ngược khẳng định sẽ không chấp nhận bất cứ quyết định nào của bên thứ ba liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Khi thời điểm PCA ra phán quyết ngày càng cận kề, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch vận động, lôi kéo ngoại giao quy mô toàn cầu, để thuyết phục các nước khác ủng hộ quan điểm không chấp nhận PCA ra phán quyết về "đường lưỡi bò" của họ. Bắc Kinh tuyên bố đã có 60 nước ủng hộ lập trường Biển Đông của mình, chủ yếu là các nước châu Phi, Trung Đông và Trung Á.
Đường băng và các công trình Trung Quốc xây dựng trên đảo nhân tạo phi pháp tại đá Chữ Thập của Việt Nam. Ảnh: CSIS
Tuy nhiên, luật sư Reichler khẳng định rằng nếu Trung Quốc bác bỏ phán quyết do một tòa án của Liên Hợp Quốc đưa ra, họ "về cơ bản đã tự tuyên bố rằng mình là một quốc gia ngoài vòng pháp luật" không tôn trọng tinh thần thượng tôn pháp luật vốn là nền tảng cho trật tự quốc tế hiện nay.
Là một luật sư quốc tế nổi tiếng vì từng đại diện cho các quốc gia nhỏ chống lại những cường quốc hùng mạnh trước tòa quốc tế, trong đó có vụ kiện của Nicaragua chống lại Mỹ thập niên 1980, ông Reichler nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ rất khó có thể phớt lờ được sức ép đến từ cộng đồng quốc tế. Trong vụ kiện cách đây hơn 30 năm, Mỹ lúc đầu cũng phớt lờ phán quyết của tòa quốc tế có lợi cho Nicaragua, nhưng sau đó phải chấp nhận bồi thường cho chính phủ nước này khi bị áp lực quá lớn từ trong nước và quốc tế.
Ngay cả các quốc gia châu Phi mà Trung Quốc đang vận động, lôi kéo, chẳng hạn như Cameroon, Bờ biển Ngà, Senegal, Togo.. đều luôn thể hiện lập trường ủng hộ phán quyết của tòa quốc tế.
Ghana và Bờ biển Ngà đã từng nhờ tới Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) đứng ra giải quyết tranh chấp trên biên giới biển hai nước. Khi bị Cộng hòa Dân chủ Congo kiện ra ICJ về hành vi xâm lược vào năm 1999, Burundi lúc đầu không chấp nhận thẩm quyền của tòa, nhưng không hề ra tuyên bố tẩy chay phán quyết của ICJ.
Theo bình luận viên Alfredo C. Robles, Jr. của Diplomat, những trường hợp trên là tấm gương nhãn tiền cho Trung Quốc, khi tất cả các nước trên thế giới, từ những nước nhỏ cho tới các cường quốc, chưa từng phớt lờ bất cứ phán quyết nào của tòa quốc tế trong lịch sử.
Luật sư Reichler cũng dự đoán rằng sau khi PCA ra phán quyết, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sức ép rất lớn từ các quốc gia láng giềng trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế, dù họ có dùng chiêu bài kinh tế lôi kéo được bao nhiêu quốc gia đưa ra những tuyên bố mà họ cho là "ủng hộ lập trường Biển Đông" của mình đi chăng nữa.
Theo giới quan sát, Trung Quốc luôn tìm cách đổ lỗi cho Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực "làm leo thang căng thẳng Biển Đông" và cảnh báo rằng những người lên tiếng chỉ trích họ đều sẽ phải gánh chịu hậu quả. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ trước tới nay chưa hề nói rõ họ sẽ làm gì để chống lại phán quyết của tòa quốc tế.
Một số quan chức Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, tương tự như những gì họ đã làm trên biển Hoa Đông năm 2013, đồng thời tăng cường bồi lấp, xây dựng và củng cố phòng thủ các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa.
Tuy nhiên, ông Thomas Shannon, thứ trưởng ngoại giao Mỹ, cho rằng những phản ứng này của Trung Quốc sẽ không hề phát huy hiệu quả. "Những gì Trung Quốc đang làm trên Biển Đông là điên rồ. Việc xây đường băng và cho máy bay hạ cánh xuống đó chỉ giống như đang tạo ra mục tiêu cho đối phương. Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ trật tự thế giới dựa trên luật pháp", ông Shannon nói trong một hội nghị ở Ấn Độ mới đây.
Cụm tàu sân bay chiến đấu USS Stennis của Mỹ đi qua Biển Đông. Ảnh: US Navy
Các quan chức khác của Mỹ cũng nói rằng nếu Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Đông sau khi PCA ra phán quyết, Mỹ sẽ có những biện pháp đối phó tương xứng, chẳng hạn như điều tàu chiến tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải, thúc đẩy viện trợ, hỗ trợ quốc phòng cho các quốc gia trong khu vực.
"Rồi sẽ đến lúc người Trung Quốc nhận ra rằng việc tạo ra tình trạng hỗn loạn, vô thiên vô pháp chỉ là lợi bất cập hại", luật sư Reichler nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo Mỹ trước khi PCA ra phán quyết Ngoại trưởng Trung Quốc gọi điện cho người đồng cấp Mỹ để cảnh báo Washington không xâm phạm cái gọi là chủ quyền của nước này, trước khi PCA ra phán quyết về tranh chấp lãnh thổ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh:AFP, Xinhua Xinhua đưa tin Ngoại trưởng Vương Nghị hôm qua nhắc lại...