Ba không muốn sống gần các con
Ba còn nổi ghen, tức tối khi thấy mẹ tôi sang nhà một người bạn hàng xóm tập nhảy cùng.
Tết đã gần đến rồi. Năm nay, tôi đã đi làm và được nghỉ 9 ngày. Khi nghe tin được nghỉ Tết, tôi đã rất vui. Việc tôi nghĩ đến đầu tiên là cảnh về quê thăm ba mẹ, cùng đón năm mới với gia đình nhưng khi suy nghĩ lại, tôi cũng chưa biết có nên về hay không vì gia đình tôi gần đây có quá chuyện và tôi rất buồn, giận ba mẹ nhiều lắm.
Nhà tôi có 6 thành viên: ba mẹ, hai chị và một anh. Mỗi người một tính cách khác nhau, ai cũng có những ưu, khuyết điểm của mình nhưng mấy chục năm nay, gia đình tôi luôn sống vui vẻ, yêu thương. Ba mẹ, các anh chị em của tôi đều là những người biết sống và không ai làm gì để mọi người phải xấu hổ. Mặc dù kinh tế gia đình chỉ khá giả nhưng lúc nào, tôi cũng tự hào rằng gia đình tôi đàng hoàng, anh chị em được học hành, có công ăn việc làm ổn định, không bao giờ gây phiền lòng cho mọi người xung quanh.
Trước đây, khi chị em tôi còn ở chung với ba mẹ, mặc dù ba mẹ không mấy thuận hòa nhưng chẳng khi nào cái mâu thuẫn đó không được biểu lộ ra mạnh mẽ. Vì anh em tôi luôn làm cho không khí gia đình vui vẻ và ba mẹ tôi cũng vì các con nên mọi mâu thuẫn đều tự biến mất. Nhưng thời gian gần đây, khi cả bốn anh chị em tôi vì công việc nên mỗi người đều có cuộc sống riêng, không thể ở bên cạnh ba mẹ được thì sự mâu thuẫn đó tất nhiên sẽ tiếp tục phát triển.
Tôi nghĩ rằng mọi mâu thuẫn đều xuất phát từ ba tôi. Có thể nói ba tôi là một người ích kỷ, bảo thủ, luôn luôn giữ những suy nghĩ của bản thân mình, mặc kệ mọi người nói gì. Trước đây, lúc ông bà nội tôi mới sang định cư ở Mỹ, vì muốn gia đình tôi có vị trí buôn bán tốt nên ông bà đã gửi mấy cây vàng về, cộng với số tiền mà ba mẹ bán căn nhà đã ở trước đó, ba mẹ tôi mua đất, xây nhà ở mặt tiền. Sau khi xây nhà xong, mẹ tôi đã làm ăn, buôn bán cùng với sự phụ giúp của các anh chị tôi. Từ một căn nhà ở mặt tiền trống trải, dần dần, mẹ cũng sắm sửa đầy đủ đồ đạc trong nhà, xe cộ, còn mua thêm cả bất động sản. Đặc biệt, cả bốn chị em tôi đều được học hành đàng hoàng, không thiếu thốn bất cứ điều gì.
Video đang HOT
Ba tôi chẳng phụ giúp mẹ việc buôn bán gì cả. Nhưng dù ba làm hay không, mẹ cũng chẳng quan trọng. Ba tôi không ga lăng, không quan tâm mẹ nhiều nhưng mẹ chẳng nói gì. Mẹ chỉ lo làm để kiếm tiền. Còn ba kiếm được tiền chỉ để phục vụ bản thân. Ba không lo các khoản điện, nước, thuế trong gia đình nhưng ngược lại, ba đóng tiền học phí cho các con, cho con tiền và chẳng khi nào ba đưa tiền cho mẹ. Vấn đề của gia đình tôi không phải là ai làm ra tiền nhiều hơn mà là ba và mẹ không bao giờ ngồi lại tính toán chuyện kinh tế với nhau. Mẹ tôi thì không sao nhưng hễ ba có tiền là ba không để cho mẹ biết. Mẹ cũng không quan tâm, nếu tình cờ có thấy ba đếm tiền, mẹ đều đi chỗ khác.
Mỗi lần ba mẹ xảy ra cãi vã, ba lại chê trách mẹ không làm được gì, nếu không có cái nhà của ông bà nội cho thì mẹ cũng chẳng được như ngày hôm nay. Mẹ rất buồn nhưng mẹ nói rằng mẹ biết vì cái nhà là của ba nên sau này, khi con cái đã ổn định, mẹ sẽ tự làm nhà trên mảnh đất mẹ đã mua. Mẹ không bao giờ có ý định sẽ giành lấy căn nhà. Tất cả những gì mẹ sắm sửa cũng cho anh trai tôi sau này. Tính tình ba mẹ rất trái ngược nhau. Mẹ tôi là người phóng khoáng, nhanh nhẹn, cởi mở nhưng ba lại chậm rãi, ít nói, nhỏ nhẹ. Điểm chung của ba mẹ tôi là đều thương con, lo cho con và chắc chắn ba mẹ tôi đều không bao giờ ngoại tình bên ngoài, ai cũng vì gia đình cả.
Nhưng chuyện gì đến cũng đến. Gần đây, mẹ tôi rất thích khiêu vũ. Mẹ bắt đầu tập tành. Mặc dù mẹ là người phụ nữ rất đàng hoàng, suốt đời vì chồng con, chỉ lo làm ăn buôn bán nhưng ba bắt đầu ghen. Vì ba ghen nên ba cũng theo mẹ tập nhảy nhưng vì vốn là người không được siêng năng nên khi mẹ kêu thì ba nhảy, không thì thôi. Dù rất thích nhưng mẹ chỉ đi với ba và anh trai của mẹ, chẳng đi với ai khác. Dạo gần đây, vì ba không chịu tập tành nữa nên mẹ có sang nhà người bạn ở đối diện nhà tôi để tập chung với nhiều người. Ba bắt đầu ghen, tức tối. Ba không tới làm ầm lên nơi đó nhưng ba lại gọi điện thoại cho các anh chị em tôi nói này kia để anh chị em tôi nói với mẹ và mọi chuyện cũng được giải quyết.
Cũng ngay lúc đó, chị em tôi tính để ba mẹ chuyển tới sống ở gần anh chị em tôi hơn và cũng muốn khi gần con cái thì hai ba mẹ sẽ vui, ít mâu thuẫn hơn vì trước đó cũng đã ý định nhưng ba tôi cứ bàn ra. Lúc này, ba mẹ tôi đều đồng ý. Tới khi coi nhà cửa xong rồi, ba không chịu chuyển đi, ba không muốn bán nhà. Anh chị em tôi thực sự rất buồn, giống như mình bị lừa vậy. Lúc cần, chúng tôi về giải quyết chuyện mẹ đi nhảy thì ba đồng ý nhưng xong rồi lại chối. Tôi được biết ba phải hỏi ý kiến ông bà nội được mới đi. Tôi không thể nào chấp nhận được một người đàn ông mà luôn tính toán với vợ con mình như vậy.
Các anh chị tôi không nói gì. Anh tôi bảo rằng nếu mẹ sống với ba quá mệt mỏi thì chuyển tới chỗ hai anh em tôi sống chung (Anh em tôi đang sống ở TP HCM, còn hai chị đã có gia đình riêng rồi). Còn ba muốn giữ căn nhà của ba thì để ba ở lại. Ba nghe vậy thì nói để qua Tết rồi chuyển đi nhưng tôi biết rằng qua Tết lại là năm tuổi của ba, ba lại có lý do để ở lại. Tôi không hiểu tại sao ba có thể làm như vậy, tại sao ba lại ích kỷ và nhỏ nhen đến vậy. Thật ra ba coi gia đình tôi là gì? Có thực sự quan trọng không? Không lẽ căn nhà đó lại quan trọng hơn vợ và bốn đứa con của ba sao? Hay chúng tôi muốn ở bên cạnh ba mẹ là sai? Tôi đang rất buồn. Mong mọi người hãy cho tôi cách giải quyết, làm sao giúp cho ba tôi bỏ đi những suy nghĩ đó? Xin cảm ơn mọi người đã đọc những dòng tâm sự của tôi.
Theo Ngoisao
Chiến thuật của vợ
Anh ngồi lặng thinh nhìn từng giọt cà phê rơi xuống tách. Tiếng nhạc dìu dặt và không khí yên tĩnh khiến lòng anh đỡ hỗn loạn hơn, mọi bực tức dường như cũng vơi bớt.
Anh nhìn bàn tay mình - bàn tay đã giơ lên nhưng may mắn dừng lại đúng lúc. Nếu lúc đó anh không tình cờ nhìn vào bức ảnh gia đình sau lưng vợ, vào ánh mắt hạnh phúc của con gái trong tấm ảnh ấy, nếu không phải một giây anh định thần lại để lý trí có cơ hội chiến thắng, và nếu anh không dắt xe ra ngoài như một sự đầu hàng... mọi việc sẽ đi đến đâu?
Anh không phải một người dễ bực tức, càng không phải hạng đàn ông lấy chân tay để giải quyết vấn đề. Từ khi vợ chồng lấy nhau, từ giận dỗi vu vơ đến to tiếng, cãi nhau, rồi chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh đủ cả, chưa bao giờ anh động tay động chân với vợ. Anh luôn cho rằng, vợ chồng đầu ấp tay gối, có giận hờn, mâu thuẫn thì đợi khi bình tĩnh giải quyết, hà cớ gì phải làm tổn thương nhau bằng cách vũ phu đó? Với anh, đàn ông mang sức mạnh cơ bắp ra để hành xử với vợ khi cơm chẳng lành là loại phàm phu và lối thị uy thô thiển đó sẽ chỉ dẫn tới việc rạn nứt tình cảm vợ chồng. Không đánh vợ, dù chỉ là một cái tát, đã trở thành nguyên tắc của anh. Thế mà, mới lúc nãy thôi, bàn tay anh suýt nữa đã phá vỡ nguyên tắc ấy. Chỉ bởi lúc đó, cơn giận trong anh bùng phát dữ dội, khiến anh cũng không kiểm soát được mình.
Mọi việc bắt đầu từ một tấm hình, của anh mà lại không phải của anh. Tháng trước, công ty anh tổ chức một chuyến du lịch nho nhỏ. Và, trong đống hình đủ loại tư thế đứng, ngồi, nằm, chạy, đang cười, đang nói, đang làm mặt hề... mà bạn anh chăm chút đưa lên facebook, bỗng nhiên "rơi" ra một cái chụp riêng anh và cô bé mới nhận việc. Cậu bạn chụp gần, lúc anh nói gì đó khiến cô bé cười khúc khích. Thế là "thiên hạ" thi nhau bình luận, nào trông anh vẫn còn phong độ lắm, nào kiếm đâu ra người dễ thương thế, nào ghen tị quá... Những lời trêu đùa tếu táo vô thưởng vô phạt ấy đã làm vợ anh bừng bừng lửa ghen. Rồi, như mọi lần, vợ anh bày trận, đẩy anh về bên kia chiến tuyến.Vợ anh hay bày trận lúc vợ chồng phải tranh luận bằng âm lượng lớn hơn thường ngày. Cũng bởi tính vợ bộc trực, nóng nảy, hay nghiêm trọng hóa vấn đề, lại cộng thêm "trí nhớ tốt" - nhớ cả những chuyện đáng lẽ cần quên ngay sau đó. Mỗi lúc như thế, anh là người bị động, miễn cưỡng trở thành đối thủ bất đắc dĩ, không biết mình phải như thế nào để vợ thu gọn chiến trường. Nói to thì sợ súng sẽ nổ thật, mà im lặng lại khiến vợ càng điên tiết hơn. Biết tính vợ, anh thường đóng vai một đối thủ "dễ chịu", hay nhường nhịn, chỉ thỉnh thoảng "phản công" một cách yếu ớt, còn lại là nhìn vợ giương vũ khí. Mà vũ khí của vợ bao giờ cũng là những lời trách móc, nước mắt và hàng ti tỉ những thứ "râu ria" vợ cố lôi vào.
Cái "râu" to nhất trong đám râu ria ấy là chuyện tình cũ của anh. Hồi yêu nhau, vợ cứ nằng nặc gặng hỏi và anh đã làm thỏa mãn trí tò mò của vợ bằng cách tường thuật "chi tiết một phần" lịch sử tình yêu của mình. Vợ anh hay bám lấy nó mỗi lần anh lộ vẻ mặt khổ não muốn kết thúc chiến tranh: "Anh chán em rồi đúng không? Anh thấy hối hận khi lấy em chứ gì? Nếu người ta không đi xa, không chia tay thì anh cần gì đến em đúng không? Anh nuối tiếc vì lúc đó không đủ can đảm đi cùng người ta à?...". Một phần sự thật mà anh từng kể cộng với nhiều phần vợ tưởng tượng, suy diễn về tình cũ người xưa đẩy câu chuyện đang tranh cãi sang một chiều hướng khác. Vợ anh sụt sùi như mọi oan ức đổ hết lên mình. Rồi những giận hờn từ quá khứ lần lượt sống dậy. Vợ anh lôi ra hết: hồi yêu nhau anh đã có lần tơ tưởng người cũ ra sao, chuyện anh có lần giận vợ đã đùng đùng đưa con về nội chơi đã khiến vợ tủi thân cỡ nào, rồi anh không nhớ sinh nhật vợ, anh lấy lý do bận việc để ít về nhà ngoại, anh đã hứa sẽ ở nhà mỗi tối thứ Bảy mà không thực hiện... Chuyện nhỏ, chuyện to, dù anh nhớ đã giải quyết gọn ghẽ và vợ đã ngoan như con mèo đồng ý bỏ qua, nhưng cứ khi bày trận vợ lại huy động hết. Anh hiểu tính vợ nên dù có chút mệt mỏi cũng không để cho tình trạng trở nên nặng nề hơn.
Đến giờ đón con từ trung tâm ngoại ngữ, anh uể oải dắt xe ra khỏi quán cà phê. Rồi sự việc ngày hôm nay sẽ được "giải quyết ổn thỏa" như mọi khi vẫn thế. Rồi vợ sẽ lại ngoan ngoãn hết sạch mọi nghi ngờ. Nhưng rồi lần sau, sau nữa, khi vợ lại bày trận và lần giận hờn tới có lẽ sẽ là một vũ khí mới, liệu anh có còn một giây định thần như hôm nay?
Theo Ngoisao
Mẹ dạy chắc gì đã đúng... Các cô gái khi còn độc thân thường hay mâu thuẫn với mẹ. Chỉ sau khi kết hôn và va chạm trong gia đình chồng các cô mới nhận ra mẹ mình tuyệt làm sao. Vậy là các bà mẹ trở thành quân sư cho con gái. Nhưng nghe thế nào cho đủ vẫn là một câu chuyện dài. Lời khuyên số 1:...