Ba học sinh Việt nhận học bổng du học Nga về hạt nhân
Giành giải cao nhất trong kỳ thi Olympic Vật lý 2014, hai nam sinh và một nữ sinh Việt Nam giành được học bổng du học tại Nga các khoá học về năng lượng hạt nhân.
Chiều 8/5, Lễ trao giải cuộc thi Olympic Vật lý do tập đoàn Năng lượng nguyên tử Quốc gia Nga Rosatom tổ chức tại Hà Nội có sự tham dự của ông Lavrenev A.Yu – Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, tham tán ĐSQ LB Nga Tại Việt Nam.
Ban tổ chức cho biết, cuộc thi Olympic Vật lý đã thu hút 680 trường với 852 học sinh tham gia. Diễn ra từ 28/3 đến 30/3 bằng hình thức thi trực tuyến, nhiều thí sinh đã giành được kết quả cao. Trong số đó, nam sinh Hà Tĩnh Đặng Quốc Anh (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) có kết quả tốt nhất, giành giải Nhất.
Người đạt giải nhì là em Nguyễn Minh Nhân (THPT chuyên Lương Văn Chánh, Tuy Hòa, Phú Yên). Và chủ nhân của giải ba là nữ sinh Bùi Thị Hằng (THPT Lạng Giang 2, Bắc Giang).
Ba sinh viên, học sinh nhận giải thưởng cao nhất cuộc thi Olympic Vật lý.
Ngoài phần thưởng bằng hiện vật, ba học sinh này còn có cơ hội được đào tạo tại các trường đại học của Nga theo chương trình đặc biệt 14.05.02 “Nhà máy điện hạt nhân: Thiết kế, vận hành và bảo dưỡng kỹ thuật”, với điều kiện hoàn thiện các giấy tờ cần thiết với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Top 100 thí sinh đạt giải cao của cuộc thi Olympic Vật lý 2014 sẽ được gửi cho Bộ Giáo dục. Những thí sinh này sẽ nhận được ưu tiên nếu đăng ký xét tuyển học bổng du học tại Nga theo chương trình học bổng chính phủ.
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó vụ trưởng Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Phạm Quốc Hưng cảm ơn những hỗ trợ của tập đoàn nguyên tử quốc gia Nga cho Việt Nam. Ông Hưng cho biết, mỗi năm Nga hỗ trợ đào tạo cho Việt Nam khoảng 600 nhân lực và dự kiến tăng lên 1.200 vào năm 2020.
“Nhu cầu nhân lực ngành năng lượng hạt nhân rất cần trong tương lai. Tôi hy vọng các bạn nhận được học bổng sẽ học tập say mê để trở về cống hiến cho đất nước”, ông Hưng nói.
Tháng 10/2010, Nga và Việt Nam ký thỏa thuận liên chính phủ về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam với hai lò phản ứng. Tháng 11/2011, một bản hợp đồng khác được ký kết về việc cung cấp dịch vụ tư vấn, lập đề án và nghiên cứu khả thi cho dự án thi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam – Ninh Thuận 1 do Nga thiết kế sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023-2024 đúng như kết quả đã thỏa thuận giữa Rosatom và Bộ Công thương Việt Nam. Thiết kế kỹ thuật cho Ninh Thuận 1 bắt đầu năm nay và đến 2016 khi thiết kế hoàn tất, các văn bản vận hành chi tiết sẽ được hoàn thiện. Năm 2017-2018, công trình sẽ được đổ móng.
Rosatom đã và đang hỗ trợ đào tạo nhân lực trong thi công và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Năm 2013, hơn 240 sinh viên Việt Nam được đào tạo tại các Viện nghiên cứu và đại học của Nga về công nghệ hạt nhân. Rosatom cũng tổ chức các đợt thực tập tới cơ sở điện hạt nhân đang thi công tại Nga cho các chuyên viên. 51 thực tập sinh đã hoàn thành nhiệm vụ tại các điểm thi công.
Bên cạnh kinh nghiệm chuyên môn thực tiễn trong thi công nhà máy điện hạt nhân, việc đào tạo, nâng cao nghiệp vụ còn bao gồm nâng cao kỹ năng làm việc với tài liệu kỹ thuật, làm chủ công nghệ an toàn và lĩnh hội tiêu chuẩn chất lượng của Nga trong vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Năm nay, Chính phủ Liên bang Nga cấp cho Việt Nam 70 suất học bổng đại học về năng lượng nguyên tử tại Liên bang Nga trong thời gian 5-6 năm.
Theo VNE
Trò chuyện với người mẹ có con trúng tuyển Harvard
Một cuộc "tám chuyện" trong quán cà phê với bà mẹ Hồ Thị Hải Âu nhân ngày của mẹ (11/5). Chị Hải Âu có cô con gái Minh Khuê vừa đạt thành công bước đầu trên con đường học vấn, trúng tuyển vào ĐH Harvard với học bổng toàn phần.
Khép mắt, mở nội lực
Chào chị. Những ngày này hẳn là chị bận rộn lắm. Vừa ngồi với chị một lát mà điện thoại liên tục reo chuông thế kia...
- Những ngày này, mình hay thức có khi đến 2 - 3 giờ sáng. Trên Facebook, mình gặp lại nhiều bạn cũ, nhận được câu hỏi của các phụ huynh, đặc biệt các bà mẹ trẻ, rồi điện thoại hỏi thăm, chúc mừng...
Một cảm hứng mình nhận được nhiều nhất từ bạn bè là tự hào, hãnh diện cung cho ý chí và tuổi trẻ Việt Nam. Điều này khiến mình vô cùng xúc động, có khi ngồi khóc.
Chị Hồ Thị Hải Âu: "Mỗi chúng ta đang đứng nơi chân mình đứng, chứ không phải đứng một nơi nào khác".
Mình thầm nghĩ, tình yêu nước đâu cứ phải đăng đàn hay hô hào những điều to tát, hãy cần mẫn bền bỉ ươm trồng những mầm non khỏe mạnh, cũng là cách thể hiện đầy trách nhiệm trước non sông!
Tuy nhiên, chuyện Minh Khuê có học bổng toàn phần vào ĐH Harvard hẳn nhiên là vui rồi...nhưng mình lại có phần lo lắng vì e là điều đó có thể gây chút áp lực, bất ổn trong tâm lý một số cha mẹ cũng đang trên hành trình với con cái.
- Bất ổn sao, thưa chị?
Mình rất thấu hiểu một nhận biết thế này, không có một chiến lược hay triết lý giáo dục nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người, vì mỗi cá thể là một tiểu vũ trụ rất bao la...
Vì thế, quan điểm giáo dục của mình dành cho con gái, trải nghiệm của hai mẹ con mình trên hành trình ấy, chỉ nên được coi như một tham chiếu chứ không phải là một "khuôn mẫu" nào cả, vì mỗi chúng ta đang đứng nơi chân mình đứng, chứ không phải đứng một nơi nào khác.
Video đang HOT
Nếu mọi người đọc và tiếp nhận những chia sẻ của mình theo hướng này, thì tất nhiên sẽ là rất đẹp đẽ, không có sự bất ổn nào cả. Mình rất mong như thế.
- Cách đây cũng non chục năm rồi, trên webtretho, các bà mẹ đã thảo luận sôi nổi chuyện "du học từ trong bụng mẹ". Còn nhà văn Dạ Ngân từng có bài viết về "tị nạn du học"; bà nói các em còn đi nữa, đi mãi...
- Xã hội chúng ta sống đang chịu sức ép của nghệ thuật quảng cáo, truyền thông.
Đôi lần, có bạn trẻ khi trò chuyện với mình đã buột miệng nói "ước gì cháu được làm con cô", hay "ước gì cô làm mẹ cháu"....Tuy lời nói buột ra vô tình, nhưng điều đó khiến mình giật mình.
Người mẹ Việt Nam nào cũng cam con, đến mức "có thể chết thay con" đó là một phẩm chất vĩ đại.
Tuy nhiên, sự buột miệng của một vài bạn trẻ ấy, đã cho mình manh mối để cảm nhận một vấn để, rằng: cách thể hiện tình yêu của người mẹ với con cái dường như chưa hiệu quả. Tình yêu giữa con và mẹ; giữa mẹ và con tuy hiện hữu, hết lòng, nỗ lực... nhưng đã không kết nối, hài hòa được với nhau.
Hai mẹ con Hải Âu - Minh Khuê
Những người mẹ đã tận tụy với nhiều sức lực vì đứa con thân yêu của mình nhưng đứa con đã không cảm nhận được tình yêu thương, mà bị lôi kéo, hướng ra bên ngoài, kỳ vọng vào những cảm xúc bên ngoài.
"Hướng ra bên ngoài" là nhân tố chính tạo ra trạng thái tâm lý "thần tượng". Trong gia đình mình và trong quan điểm giáo dục con, mình không dung dưỡng "cảm xúc thần tượng" đó , mình sẽ rất buồn nếu (giả định) con gái mình nói: "Mẹ ơi, mẹ là thần tượng của con".
- Vậy thì, làm sao để câu chuyện của chị không gây ra bất ổn, trong khi chỉ cần bước chân ra khỏi quán café này thôi, chúng ta đã nhìn thấy đầy rẫy đua tranh?
Mình thường nói với Minh Khuê về câu chuyện của hạt mầm.
Mầm của hạt sồi sẽ nẩy cây sồi, mầm cây lau sẽ nẩy thành cây lau, xã hội sẽ nhạt tẻ nếu chỉ toàn rừng sồi mà chẳng có lau. Trịnh Công Sơn có câu hát rất bác ái và đẹp đẽ thế này: "Thân mong manh như lau sậy hiền", biểu dụ cho sự khiêm nhường đầy nhận biết hiền triết và thuần hậu.
Nhưng dù là mầm lau hay mầm sồi, hãy nảy nở tràn đầy để thành những cây lau, sồi khỏe khoắn, tràn đầy nhất.
Phẩm chất quý giá nhất của hạt mầm là nội lực.
Trong quá trình đồng hành cùng con cái, có một công cụ mà các bậc cha mẹ thường hay sử dụng đó là so sánh: Sao con không ngoan như bạn ấy, sao con không đạt điểm cao như bạn ấy, v,v,... mà quên đi rằng khi bạn dùng công cụ so sánh (theo cách bạn muốn) thì đứa trẻ cũng sẽ sử dụng công cụ đó theo cách nó muốn: Sao bố/mẹ không như bố mẹ bạn ấy; sao bố/mẹ không là người thành đạt như bố/mẹ bạn ấy, v.v...
Về lâu dài và rất tinh vi, việc so sánh chính là nguyên nhân làm nguyên khí của đứa trẻ bị tổn hao, thất thoát trong quá trình bảo vệ cái "tôi" luôn thường trực nguy cơ bị tổn thương trong ngàn ngàn phép so sánh; và hơn thế nữa, sẽ nuôi dưỡng dần lớn lên ở đứa trẻ tính tật đố với chung quanh, cảm giác bất ổn trong nội tâm và tự ti cố hữu.
Nhưng làm sao để khỏi so sánh không là chuyện dễ. Bạn phải dọn dẹp lòng mình thành trong sáng, nhỏ bé, khiêm nhường...và khép mắt lại..thì bỗng nhiên mọi quan sát mở rộng, mênh mông thuần hậu và bản thể trở nên mạnh mẽ vô cùng.
Trưởng thành bằng nội lực vốn có của bản thể sẽ thảnh thơi và đẹp đẽ mà không mắc dính vào sân hận, đố kỵ, hay cảm giác tự ti sâu thẳm...ngày ngày làm mòn mỏi tâm hồn ta.
Một tâm hồn mệt mỏi làm sao có hạnh phúc? Cha mẹ không hạnh phúc, sao muốn con có được điều đó.
Tình yêu tỉnh thức và sáng suốt
Một phụ nữ từng viết văn, nhạy cảm, "hồng nhan đa chuyên" như chị kiến tạo hạnh phúc như thế nào để truyền lại cảm nhận về hạnh phúc cho con?
- Phải định nghĩa hạnh phúc là gì, bạn mới cảm nhận được hạnh phúc.
Lep Tolstoi, nhà văn lớn của Nga quan niệm: "Hạnh phúc không phải là thành quả khi về đích mà là cảm nhận trên hành trình".
Ai cũng có một cuộc hành trình của riêng mình. Mình đã có những trải nghiệm với tất cả sự tràn đầy ở đó.
Hành trình 18 năm của chị đầy gian truân, bền bỉ, mồ hôi và nước mắt cũng là niềm vui. Sắp tới Khuê đi học xa rồi, có để lại nỗi buồn cho mẹ không?
- Mình thấy cha mẹ thường có quan niệm về con cái như một sự "mặc cả".
Chị Hồ Thị Hải Âu: "Nếu thực sự là một tình yêu lớn lao và tràn đầy, một ngày nào đó, con phải để tình yêu của mình bay đi, vì bầu trời là khát khao và hạnh phúc của tình yêu cho dù điều ấy có làm con đau khổ.."
Ta mặc cả quá khứ là "trả ơn nghĩa" con phải yêu thương mẹ; còn "mặc cả tương lai" là "con là chỗ dựa khi về già".
Đứa trẻ rất sớm biết mặc cả. Đứa trẻ cay đắng khi sinh ra đã phải mang gánh nặng "bảo hành cho tuổi già của cha mẹ". Đứa trẻ cay đắng, xã hội cay đắng.Nó không cảm nhận được hạnh phúc từ tâm thức "mặc cả" đó của cha mẹ.
Hơn 12 năm về trước, trong nhật ký, mình đã viết về chú chim non mang tên "Tình yêu", thường hằng , mình tự đọc lại, tự quán sát và tịnh tâm để nhận thức sâu sắc rằng, tình yêu đích thực là tình yêu của đại bàng mẹ, huấn luyện cho đại bàng con biết bay, biết yêu bầu trời, để rồi trả nó về với bầu trời của nó. Mình và con gái Minh Khuê sống trong nguồn cảm hứng đại bàng con ấy, suốt mười mấy năm rồi. Và câu chuyện về con chim mang tên "Tình yêu" mình cũng kể cho Khuê nghe rất nhiều lần:
Dù đã nuôi nấng chú chim non lạc tổ cho đến khi đủ lông đủ cánh, nhưng vì quá lưu luyến mà bạn muốn đan lồng để nhốt chú, giữ nó lại với mình thì đó có phải là tình yêu?
Câu kết trong câu chuyện mình viết cho con là thế này: "Nếu thực sự là một tình yêu lớn lao và tràn đầy, một ngày nào đó, con phải để tình yêu của mình bay đi, vì bầu trời là khát khao và hạnh phúc của tình yêu cho dù điều ấy có làm con đau khổ.."
Chia sẻ của chị làm tôi nhớ đến quan niệm về tình yêu con cái của bà mẹ người Do Thái trong cuốn sách "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương", dường như có sự tương đồng. Bà nói, trong tình yêu thường có xu hướng hướng tới sự gắn kết, sống mãi bên nhau; riêng tình yêu với con cái tỉnh thức và sáng suốt thì hướng tới sự phân ly. Chị "" vô cùng yêu thương" con với tinh thần tràn đầy như vậy, thế còn cái vế "vô cùng tàn nhẫn"? Có khi nào chị đánh con?
- Trong hành trình trưởng thành cùng con cái, không người cha mẹ nào chưa từng tét đít con. Cũng có lúc mình quát mắng, gặp sai lầm, áp đặt sai trái trong đánh giá về con chứ.
Những lúc đó, thì mình xử trí thế nào?
Trước tiên, mình nhìn vào mắt con và thành thật xin lỗi: Mẹ xin lỗi con vì mẹ đã mất kiểm soát. Hãy nghĩ về mẹ như một người bình thường, khi cơn giận đến mẹ đã đánh mất bản thân mình. Giọt nước làm tràn ly, có đôi chút hình ảnh đẹp đẽ về mẹ đã bị mất mát trong mắt con theo cơn tức giận, nhưng mẹ sẽ làm nó tràn đầy trở lại. Hãy tin cậy và hãy thành thật, con yêu!
Thường thì sau đó, chúng mình tha thứ cho nhau, nhìn nhận lại bản thân và nhẹ nhõm nhận về phần lỗi của mình. Niềm tin cậy vì thế được bồi đắp theo năm tháng, không chỉ bởi những phút hài lòng bên nhau, mà ngay cả những xung đột cũng lay động và tràn đầy xúc động qua cách sửa lỗi và ứng xử của mình và con gái sau khi cơn giận qua đi.
Hạnh phúc "sống với người dưng"
Những chia sẻ của chị về dạy con đã nhận được nhiều đồng cảm, đồng tình. Một bạn đọc có bình luận: Dạy con được như chị vì có thể thống nhất được quan điểm xuyên suốt, cứ thử cả 2 vợ chồng, mỗi người một quan điểm, riêng chuyện thống nhất được với nhau đã không dễ, nữa là...
- Mình rất hiểu và chia sẻ với cách nhìn của bạn đọc ấy, của một độc giả nam (cười); thoáng qua nghĩ là "chê bai" nhưng hàm ý khá sâu sắc đấy.
Mình cũng thấu hiểu sự lúng túng của những người mẹ trẻ hiện nay, làm sao để nuôi con tốt, lại vừa giữ chồng như ý.
Nuôi dưỡng được một đứa con "phát huy hết tiềm năng, tố chất" trong xã hội bây giờ không phải là điều đơn giản.
Câu chuyện của cầu thủ Văn Quyến là một ví dụ. Khi là "ngôi sao sáng" thì cả xã hội tung hô. Tới lúc "phạm lỗi" thì xã hội "ném đá". Quyến bước ra hào quang và thoát khỏi búa rìu thế nào - với một người mẹ chất phác như mẹ Quyến quả là quá sức, nhưng mình lại quan tâm đến tình yêu giản dị, không lấp lánh hào quang của bà dành cho con trai mình bất kể thời khắc nào...và mình xúc động thật thà.
Một điều cũng khá phổ biến là nhiều ông bố bà mẹ dạy con những "mặc định xã hội". Mà những thứ này do bố mẹ truyền lại cảm xúc, tích tụ dần sẽ tạo thêm sự bất ổn.
Điều này không dễ nhận ra đâu nhé. Ví dụ, trong các bữa cơm hay các câu chuyện,bố mẹ truyền lại cảm xúc qua những câu nói kiểu như"công an ăn tiền" ,"giáo viên vòi vĩnh học sinh"... Càng "mặc định" bao nhiêu thì càng tỏ ra thiếu trách nhiệm cá nhân bấy nhiêu.
Đúng là xã hội có khiếm khuyết, nền giáo dục chưa đáp ứng mong mỏi của cộng đồng, điều quan trọng là bạn chọn cách ứng xử nào?
Mình nghĩ rằng "đổ lỗi cho nền giáo dục là một thái độ "thiếu trách nhiệm và phó thác cho xã hội" trong việc dạy con.
Trong các cuốn sách về giáo dục, nhà giáo dục nổi tiếng của Mỹ, John Dewey, viết rằng "giáo dục gia đình là nền tảng, cơ sở".
Mình nhớ hơn cả khi một nhà giáo dục người Đức trong cuộc trò chuyện với mình đã nói "nếu bạn đồng hành với con bạn đến lúc 18 tuổi, thì tôi đảm bảo chúng ta không phải lo lắng gì đến tương lai của chúng nữa".
Đạo Phật có câu "đường đến Niết Bàn bắt đầu ngay dưới chân mình".
Những câu hỏi nào chị thường gặp khi chia sẻ về "sự nghiệp nuôi con"?
- Nhiều bạn trẻ thường hỏi hoặc chia sẻ về các kỹ năng sống tự lập, như việc con mình thành thạo các kỹ năng sống tự lập như mua bán, mặc cả, tính toán, v.v...thiên về những đầu việc cụ thể, tỉ mỉ, hằng ngày.
Mình thì thấy những kỹ năng đó thực ra là bản năng sinh tồn. Cha mẹ quá chú trọng dạy con như thế, mà quên đi điều cốt lõi là dạy chúng biết kết nối với chung quanh, biết nỗ lực sống, yêu thương và bác ái, thì ngầm bên trong, bạn đang cô lập con cái, bằng cách khiến chúng ngầm chứng minh "ta có thể tự làm được nhiều thứ, ta có thể tự "xoay xở ngon lành" và không cần nhờ ai".
Đó là thái độ sinh tồn đầy lo lắng. Có một hệ quả sâu xa hơn là tạo một xã hội hoài nghi, căng thẳng thiếu chân thành.
Người mẹ nào cũng muốn che chở, bảo vệ con mình, nhưng bằng cách nào cho hiệu quả?
Từ rất sớm, mình đọc được dự án tâm lý rất hay của một trường ĐH Mỹ : "Nếu giả định ngày mai bạn sẽ chết, bạn khao khát truyền lại điều gì cho người thân yêu nhất/cho học trò thân yêu?".
Mình đã suy ngẫm rất nhiều năm về ngụ ý sâu sắc của bức thông điệp này, và tự rút ra kết luận:
Tôi sẽ nói với con rằng, mai sau, khi con đến tuổi trưởng thành, về cơ bản, con sẽ chung sống với người dưng là chính, chứ không phải là những người thân trong gia đình - nơi con được yêu và thương vô điều kiện.
Trong cộng đồng- xã hội, đã có câu thành ngữ "Không bữa trưa nào là miễn phí" - bạn phải nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực thường xuyên, và thành quả sẽ đến, khi đủ chín muồi.
Vì thế, chỉ có một cách để dạy con hạnh phúc, là hãy biết phân biệt tốt/xấu, và biết sống chân thành cởi mở, thiện ý, khiêm nhường với chung quanh.
Chỉ với một thiện ý đẹp đẽ ấy, con sẽ truyền cảm hứng tràn đầy thương mến đến mọi người.
Và trong một tập thể như thế, thì bao dung, khích lệ sẽ cộng hưởng với tài năng và lao động chăm chỉ, để làm nên thành công đầy xúc động.
Nói với con về lòng yêu nước
Minh Khuê sắp đi Mỹ với ước mơ trở thành nhà ngoại giao. Trong lúc chúng ta đang ngồi trò chuyện ở quán cà phê này, ngoài khơi Trung Quốc đang lắp giàn khoan ở thềm lục địa Việt Nam. Chị dạy con về lòng yêu nước ra sao?
- Những ngày này, chúng ta hay nghe, nói về/nhắc lại và hướng tới tinh thần Bạch Đằng, Đống Đa. Mình thì thích nhắc đến tinh thần của cụ Phan Châu Trinh hơn.
Lã Hồ Minh Khuê, con gái chị Hải Âu
Dạy con về lòng yêu nước ư? Nói điều này có to tát không nhỉ.
Trong hồi ký của mình, phi hành gia người Nga Aleksandre Aleksandrov đã thốt lên: "Sau khi phi thuyền của chúng tôi bay ngang qua nước Mỹ, tắm mình trong cơn mưa tuyết sáng chói, tôi bỗng nhận ra rằng, tất cả chúng ta đều là con của Mẹ Trái Đất, dù cho bạn nhìn thấy đất nước nào cũng không quan trọng...Và, chúng ta hãy đối xử với Trái Đất như với Mẹ của chúng ta..".
Tất nhiên, trong một thời đại tràn đầy cảm hứng toàn cầu, hòa đàm, kết nối thì những công dân toàn cầu nếu muốn thành công nhất định phải là người dấn thân đồng hành để có cái riêng từ nguồn cội quê hương, đất nước, mang tới thế giới để gia nhập vào trái đất nhỏ bé: "Hãy đi cùng dân tộc, bạn sẽ gặp nhân loại", như câu nói của Belinxky - nhà phê bình nghệ thuật vĩ đại Nga thế kỷ 20.
Mình để con gạn đục khơi trong qua những trải nghiệm để trưởng thành với môi trường, văn hóa Việt Nam.
Mình nói chuyện với con, có những quốc gia, vùng lãnh thổ nhỏ bé nhưng các nước lớn không thể xâm hại hay "bắt nạt", bởi họ đã xây dựng cho mình nội lực mạnh.
Một người bé nhỏ, nội lực mạnh, mang gương mặt Việt Nam đi ra thế giới có lẽ là điều mà mình mong muốn ở con gái.
Chia sẻ của chị làm tôi nhớ đến một bài viết của người bạn trên Facebook trong ngày hôm nay (10/5). Anh viết:
Bị ngoại xâm và chiến thắng ngoại xâm - đó là định mệnh của Việt Nam.
Chúng ta thích cái định mệnh đó hay muốn thay đổi nó?
Nếu thích nó thì rất dễ. Hãy cứ sống như chúng ta đã và đang sống, chắc chắn lịch sử đã và sẽ lặp lại. Chúng ta sẽ có những chiến thắng vang dội năm châu và những vị tướng lừng danh thế giới.
Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có những nhà kinh doanh giỏi, những nhà khoa học giỏi, những nhà văn hoá, nghệ thuật giỏi, có ảnh hưởng với thế giới. Họ không thể xuất hiện ở một đất nước luôn luôn có nguy cơ bị xâm lược và triền miên đánh giặc ngoại xâm. Việt Nam sẽ không bao giờ giàu có, hiện đại và văn minh.
Nếu muốn thay đổi cái định mệnh nghìn năm, không có cách nào khác là bắt đầu từ một nền giáo dục mới để tạo dựng những thế hệ người Việt mới.
Những thế hệ người Việt mới sẽ nghĩ rất khác chúng ta hiện nay. Họ sẽ nghĩ không hay ho gì ba lần đại thắng quân Nguyên bằng cái giá của một nghìn năm Bắc thuộc.
Họ sẽ biết cách làm sao để "quân Nguyên" chẳng bao giờ dám nghĩ tới việc xâm lược một Việt Nam giàu mạnh về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật và kéo theo là sức mạnh quân sự và ảnh hưởng của Việt Nam với thế giới.
Với tất cả sự kính trọng đối với cha ông, mình nghĩ rằng để thay đổi định mệnh của dân tộc thì nhiều khi phải dám nghĩ và làm khác cha ông.
Và điều đó chỉ có thể làm được thông qua giáo dục.
Theo VNN
Ba học sinh Việt nhận học bổng du học về năng lượng hạt nhân Giành giải cao nhất trong kỳ thi Olympic Vật lý 2014, hai nam sinh và một nữ sinh Việt Nam giành được học bổng du học tại Nga các khoá học về năng lượng hạt nhân. Chiều 8/5, Lễ trao giải cuộc thi Olympic Vật lý do tập đoàn Năng lượng nguyên tử Quốc gia Nga Rosatom tổ chức tại Hà Nội có...