Bà giáo về hưu và lớp học miễn phí trong con ngõ hẹp
Gần 10 năm nay, con ngõ hẹp chừng 5m2 ở vùng quê nghèo xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) của cô giáo Nguyễn Thị Thông đã trở thành nơi mang con chữ đến với bao trẻ em nghèo nơi đây.
Cũng như bao lớp học khác, có lớp, có cô và trò, chỉ khác là lớp học của cô Thông chỉ là con ngõ nhỏ được lợp bằng những tấm phên cũ nát, chiếc bảng được chắp vá, học sinh là những em nhỏ sáng đến lớp học chiều về phải đi làm kiếm sống.
“Tôi sẽ đem chữ về cho họ đỡ nghèo”
Sau hơn 30 năm công tác trong nghề, năm 2001, cô Thông về nghỉ hưu, sống độc thân cùng với người chị gái mù lòa. Về nghỉ hưu nhưng với lòng yêu nghề và hơn hết là chứng kiến cảnh những đứa trẻ nghèo quê mình không có điều kiện đến trường phải chịu cảnh thất học, cô Thông quyết định mở lớp dạy miễn phí. Học sinh của cô là những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn chưa có điều kiện đến trường hay cả những người lớn còn mù chữ.
Cô Thông luôn tận tâm chỉ bảo cho từng em học sinh.
Trò chuyện với chúng tôi vào một ngày đầu xuân, cô Thông tâm sự: “Tôi nghĩ mình sẽ đem chữ về cho họ đỡ nghèo, mình tìm đến với những mảnh đời cơ nhỡ để các em sớm hòa nhập với cộng đồng, dạy miễn phí chắc họ sẽ đến với tôi và sẽ cho con đi học”.
Video đang HOT
Từ những suy nghĩ và trăn trở đó, lớp học tình thương của cô Thông ra đời. Để có học sinh, cô bắt đầu lặn lội đến từng thôn, từng nhà một để vận động, thuyết phục các bậc bố mẹ cho con đến học chữ. Rồi những em học trò cũng tự tìm đến với cô. Nhưng biết dạy cho các em ở đâu? Cái khó ló cái khôn, cũng bởi nhà chật không đủ chỗ, cô Thông đã sử dụng ngõ ra vào làm lớp học, lấy thanh tre làm thước, dùng cánh cửa làm bàn và muợn sách về dạy.
Lớp học mỗi ngày một đông dần, từ buổi đầu chỉ có vài ba em rồi lên hàng chục em và thêm cả lớp dành cho những người lớn tuổi chưa biết chữ. Những học sinh đến với cô đều có cái chung là đói ăn, đói mặc và đói cả cái chữ. Khởi đâu lớp học tình thương là bao khó khăn với cả cô và trò. Học sinh nghèo không có tiền mua sách, sách cũ cải cách không còn phù hợp, trò thì đói, cô thì thiếu.
Thế là cô lại phải lặn lội đi khắp nơi sưu tầm những tài liệu, sách và tìm những nguồn hỗ trợ cho các em học sinh nghèo của mình.
Lớp học đầy ắp tình thương
Cứ sau mỗi buổi dạy, người ta lại thấy cô giáo Thông rời lớp học cuốc bộ khắp đường làng ngõ xóm, gặp lãnh đạo và Chi hội khuyến học nhờ tìm và giới thiệu cho mình những trẻ em lang thang hay những em có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật chưa được đi học để thuyết phục các em đến lớp.
Có nhiều trường hợp bố mẹ không cho con đi học và bản thân các em cũng không muốn đến lớp, cô Thông không tiếc thời gian, công sức và bỏ qua những mặc cảm, tự ái, cô khuyên các em đi học như đang khuyên nhủ chính con mình để các em phải ra lớp mới thôi. Trước tấm lòng của cô giáo nghèo, nhiều trường hợp lúc đầu không đồng ý rồi cũng đến với cô.
Trong quá trình học, em nào đột nhiên nghỉ học đến buổi thứ 2, dù bận mấy không kể sớm tối cô Thông liền tìm đến nhà thăm hỏi. Với đồng lương hưu ít ỏi, còn phải lo cho hai miệng ăn và trang trải cuộc sống, nhưng cô vẫn chắt bóp lo cho các em học sinh có đủ một bộ tài liệu để học. Với những học sinh quá khó khăn, cô gõ cửa các tổ chức đoàn thể hỗ trợ các em. Cô còn tìm đến những gia đình có điều kiện để xin quần áo cũ cho những em học sinh nghèo thiếu áo thiếu quần khiến anh đi học em phải nghỉ. Tháng nào cô Thông cũng cố gắng dành dụm ít lương hưu của mình dự phòng khi có cháu nào đói qúa để mua cái lót dạ cho các em.
Lớp học nằm trong con ngõ hẹp luôn đầy ắp tình thương.
Nhắc đến những học sinh của mình, cô Thông chia sẻ: “Có lần đang dạy, một học sinh bị tụt huyết áp, tôi phải cõng cháu chạy vội đến trạm xá. Sau buổi học, đến thăm gia đình mới được biết mẹ cháu bị ốm triền miên nên bữa đói bữa no, vì nể tôi mà gia đình cho cháu đi học. Tôi liền lên báo cáo với UBND xã và xin hỗ trợ và gia đình được xã hỗ trợ cấp cho mỗi cháu trong gia đình 10kg gạo”.
Không chỉ chăm lo từ cái ăn, cái mặc và sức khỏe của từng em mà trong qúa trình dạy cô Thông còn chỉ bảo các em rất tận tâm. Đối với học sinh yếu cô kèm cặp hoặc phân công cho em khá kèm thêm. Đã có nhiều em học sinh nhờ đó mà có đủ kiến thức để theo học tại trường và trưởng thành trong cuộc sống.
Những cố gắng không biết mệt mỏi của cả cô trò cũng đã được an ủi bằng những tấm lòng hảo tâm của nhiều cá nhân, đơn vị và tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Ngoài việc mở lớp học tình thương, cô Thông còn tham gia công tác khuyến học tại địa phương. Những cố gắng không biết mệt mỏi của người phụ nữ đã ngoài ngũ tuần đã khơi dậy truyền thống hiếu học và phong trào học tập nơi vùng quê nghèo ven biển xã Ngư Lộc.
Rời lớp học tình thương, chúng tôi ra về mang theo hình ảnh những khuôn mặt của những đứa trẻ đến lớp còn nhem nhuốc bởi những vất vả của đời thường, nhưng ánh mắt các em rạng ngời bởi các em đã được sưởi ấm bằng chính tình thương vô bờ của cô giáo Thông.
Theo Dân Trí
Tình cảnh đáng thương của một 'thần đồng'
Từng gây xôn xa dư luận vì chưa đi học mẫu giáo đã biết đọc-viết, làm toán, nay "thần đồng" phải sống cùng ba mẹ trong căn nhà tình thương chật chội, cũ nát của bà ngoại.
Vài năm trước, nổi lên các cô bé, cậu bé có nhiều biệt tài như chưa đi học đã biết đọc - viết, làm toán giỏi..., được cho là "thần đồng". Được xưng tụng quá mức, cuộc sống và tâm lý của nhiều em bị đảo lộn; có em nhà nghèo nhưng học rất giỏi song chẳng được ai quan tâm. Cách đây 5 năm, bé Bùi Thị Diễm Trang, sinh năm 2000, ở xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, được phát hiện và suy tôn là "thần đồng" vì chưa đi học mẫu giáo đã biết đọc - viết, làm được nhiều phép toán. Rất nhiều người hiếu kỳ tìm đến nhà cô bé để kiểm tra thực hư và đều thán phục. Nhưng rồi, tài năng ấy dần bị lãng quên. Nay, chúng tôi tìm về thăm Diễm Trang. Thật bất ngờ, "thần đồng" sống cùng ba mẹ trong căn nhà tình thương chật chội, cũ nát của bà ngoại, nhiều năm liền là học sinh giỏi của Trường Tiểu học Lộc Thuận.
Bùi Thị Diễm Trang (thứ hai từ trái sang) cùng mẹ, bà ngoại và anh trai bên căn nhà tình thương chật chội, cũ nát
Khả năng thiên phú Khi mới lên 5, bé Diễm Trang đã sớm bộc lộ những khả năng thiên phú: biết đọc, viết rành rọt và làm toán cộng - trừ - nhân - chia, thậm chí giải được phương trình bậc 1 dù em chưa qua lớp mẫu giáo. Chị Nhung, một người bán nước gần nhà em, kể: "Hồi đó, người của đài truyền hình xuống làm phóng sự. Họ ra đề toán nhân nhiều số, kết quả lên đến hàng tỉ. Trong lúc những người ra đề còn bấm máy tính tìm kết quả thì bé Trang đã có đáp số chính xác bằng cách tính nhẩm, rồi đọc vang dãy số. Đúng là thần đồng!". Chị Phạm Thị Thanh, mẹ của bé Trang, kể lại: Khi đó, dù phát hiện con có những khả năng đặc biệt nhưng nghèo quá, chị không có tiền cho con đi nhà trẻ. Đến khi Trang gần 5 tuổi, chị dạy cho con làm quen với bảng chữ cái để chuẩn bị vào mẫu giáo, chỉ cần dạy thoáng qua, cô bé đã thuộc lòng. Ngoài chị, trong nhà không có ai dạy Trang học. Vậy mà em tự ráp vần và đọc chữ lưu loát. Từ đó, có bao nhiêu sách vở của anh trai, bé Trang cũng tìm đọc, học và nhớ rất nhanh. "Hồi đó, thằng Tâm (Bùi Hữu Tâm, SN 1992, anh của Trang, hiện đang học lớp 12) học lớp 7 nhưng thường bị con Trang "rượt". Nó lấy sách của thằng Tâm đọc rồi quay sang hỏi, nhiều khi làm thằng anh ú ớ" - bà Phạm Thị Đê, bà ngoại của Diễm Trang, kể. Cô Nguyễn Thị Oanh, tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Lộc Thuận, xác nhận với chúng tôi về những khả năng đặc biệt của Diễm Trang: "Lúc bé Trang chưa đi học, tôi và Huyện đoàn có đến nhà em để kiểm tra và bất ngờ khi thấy em thực hiện được phép toán chia 3 chữ số, chữ viết của em cũng đẹp tuyệt vời". Sau 5 năm, vẫn... "thần đồng" Thời gian đầu, ngày nào cũng có các tổ chức và người dân đến nhà cô bé để xác thực. Bé Trang cũng khá siêng, hễ có người yêu cầu thể hiện khả năng "thần đồng" là em làm, có khi quên ăn cơm. Hầu hết những người đến nhà tìm hiểu năng lực của em chẳng qua là để thỏa trí tò mò chứ không phải thật sự quý trọng tài học của cô bé. "Thần đồng" Bùi Thị Diễm Trang nay đã lên lớp 4. Nhiều năm liền, em là học sinh giỏi của Trường Tiểu học Lộc Thuận. Giấy khen của em xếp cả chồng dày cộp. Chúng tôi lật xem những bài kiểm tra của em, hầu hết là điểm 10, rất ít bài điểm 9, kể cả hai môn khó "ăn điểm" là văn và tiếng Anh. Chữ em rất đẹp và đều đặn, vở rất sạch sẽ và ngăn nắp. Em đã giành nhiều giải nhất của các cuộc thi "vở sạch - chữ đẹp" ở tỉnh Bến Tre những năm qua. Chị Thanh cho biết: "Trang tự luyện chữ viết ngay từ lớp 1, có thể viết chữ đứng, chữ nghiêng và viết giống bất kỳ mẫu chữ nào thầy, cô giáo đưa ra". Bởi vậy, tập vở của Trang thường được những người hàng xóm đến xin để cho con, cháu họ học theo. Diễm Trang còn viết bài gửi các chương trình phát thanh, truyền hình và báo dành cho thiếu nhi, đồng thời tham gia bản tin "Tuổi thơ xứ dừa" của CLB Phóng viên nhỏ tỉnh Bến Tre. Có thể bỏ học vì quá nghèo Cả nhà Diễm Trang có đến 5 miệng ăn, trong đó em và anh trai đang đi học, toàn bộ đều nhờ vào khoản thu nhập 400.000 đồng/tháng từ tiền công làm tạp vụ của mẹ em ở trạm y tế xã và 300.000 đồng/tháng của ba em làm ở Hội Chữ thập đỏ xã Lộc Thuận. Vì vậy, quanh năm suốt tháng cứ thiếu trước hụt sau. Căn nhà đang ở cũng là nhà tình thương do xã cất cho bà ngoại em, em và anh trai cùng ba mẹ về ở nhờ. Ba em (anh Bùi Văn An, SN 1965) từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia từ năm 1984, đến năm 1987 thì xuất ngũ. Trong thời gian ấy, anh "dính" sốt rét rừng nên 11 năm qua không thể làm việc nặng. Anh phải thường xuyên uống thuốc để trị bệnh nhưng vì tiền ít nên bệnh cứ dai dẳng. Túng bấn, gần 4 năm trước, gia đình em vay 13 triệu đồng từ nguồn xóa đói giảm nghèo của xã để chăn nuôi. Nuôi bò được 2 năm, bò lăn ra chết hết, thế là vừa ôm nợ vừa trả lãi vay hằng tháng. Để có điện cho Trang học bài, ba mẹ em vay 2 triệu đồng của Trạm Y tế xã Lộc Thuận để gắn đồng hồ điện, 3 năm rồi chưa trả nổi. Chúng tôi rời căn nhà tuềnh toàng của gia đình Diễm Trang, lòng nghèn nghẹn bởi câu nói trong trẻo của em ban nãy: "Con muốn sau này làm bác sĩ nhưng nhà con nghèo quá, sợ phải bỏ học giữa chừng. Con thường xem chương trình "Vượt lên chính mình" của HTV và chú Quyền Linh, lúc nào cũng mơ được tới lượt mình...". Thật tội nghiệp cho giấc mơ của một thần đồng! Một trường hợp hiếm có, đáng quý Theo cô Nguyễn Thị Năm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Thuận, trường không có lớp chuyên, lớp chọn nên Diễm Trang không có cơ hội thể hiện hết năng lực. Nếu được học tại trường năng khiếu, em sẽ tiến bộ rất nhanh. Cô Võ Hoài Thương, giáo viên chủ nhiệm lớp của Diễm Trang, cho biết: "Từ việc luyện chữ viết đến học tập, Trang đều tự lực. Nhà rất nghèo mà em tự vươn lên học giỏi là điều hiếm thấy và đáng quý".
Theo Người Lao Động
Chuyện về tình mẫu tử, tình bạn, tình thương khác loài (P2) Gia đình, bạn bè là những người duy nhất chúng ta có thể dựa vào khi chúng ta chẳng may gặp khó khăn, rắc rối nào đó trên con đường đời, là những người sẵn sàng nắm lấy bàn tay ta khi ta cần ai đó để nương tựa, là nơi trút bầu tâm sự khi chúng ta cần ai đó lắng nghe....