Bà giáo và lớp học tình thương
Gần 7 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Ba (sinh năm 1948, ngụ phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã dành trọn tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc các học sinh ở lớp học tình thương từ chính những nguồn thu nhập ít ỏi của mình.
Bà luôn xem học sinh ở đây như con cháu trong gia đình, ân cần lo lắng từ việc dạy chữ đến dạy làm người, tặng gạo, nhu yếu phẩm, thiết thực lan tỏa tinh thần đùm bọc, sẻ chia trong cộng đồng.
Lần trở lại bục giảng đặc biệt
Chúng tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Ba tại Trung tâm Văn hóa Thể thao-Học tập cộng đồng phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một. Dáng người nhỏ nhắn, làn da, mái tóc đã nhuốm màu thời gian, nhưng gương mặt của bà luôn nở nụ cười và bừng sáng một nguồn năng lượng tích cực. Dù 17 giờ mới bắt đầu lớp học nhưng bà thường đến sớm để giúp các nhà hảo tâm chuẩn bị bữa ăn miễn phí cho học sinh trước giờ học, cũng như hỏi thăm tình hình gia đình, sẵn sàng hỗ trợ, chỉ dẫn những học sinh hỏi lại bài học hôm trước. Mọi người ở trung tâm đều dành cho bà tên gọi trìu mến là “cô Ba”.
Vốn học ngành sư phạm, cô Ba đã gắn bó với nghề giáo từ năm 1970 đến năm 2003 ở mảnh đất Bình Dương. Trước khi nghỉ hưu, cô Ba dạy ở Trường Tiểu học Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một). Dù về nghỉ hưu nhưng cô Ba vẫn tham gia bán vé số để kiếm thêm thu nhập. Chia sẻ cái duyên đến với lớp học tình thương tại phường Phú Cường, cô Ba tâm sự: “Trong quá trình tham gia các chuyến từ thiện, tôi có nghe nhắc về lớp học tình thương này đang thiếu giáo viên. Đặc biệt, khi đi bán vé số, tôi gặp trường hợp các cháu còn nhỏ tuổi phải đi bán vé số do nhà nghèo nên thương lắm. Tôi nghĩ, mình còn khỏe, có nghề dạy học thì cần giúp các em, các cháu có được cái chữ để có cơ hội phát triển tốt hơn”.
Tháng 4-2016, cô Ba đến lớp học tình thương xin dạy học miễn phí cho học sinh và được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Phú Cường-đơn vị quản lý lớp học hoan nghênh tiếp nhận. Sau 13 năm nghỉ hưu, cô Ba trở lại bục giảng dù lớp học ở đây đơn sơ, vỏn vẹn 15m2 nhưng giàu tình nhân ái. Mọi người trân quý cô giáo Ba khi hằng ngày dù vẫn phải đi bán vé số trên các tuyến đường, nhưng cuối giờ chiều vẫn quay về đứng lớp để dạy chữ cho học sinh nghèo. Lớp học hiện có 25 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, chủ yếu là con công nhân lao động nghèo không có điều kiện đi học hoặc do bị mất hết giấy tờ tùy thân… Người nhỏ nhất khoảng 8 tuổi, lớn nhất thì đã 16 tuổi, trong đó, có vài học sinh đi bán vé số được cô Ba vận động gia đình đưa vào lớp học này.
Cô giáo Nguyễn Thị Ba tận tình chỉ dẫn kiến thức cho học sinh trong lớp học. Ảnh: THUẬN UYÊN
Chia sẻ thêm về việc giảng dạy, cô Ba cho biết: “Do chỉ có một phòng học nên tôi phân học sinh theo các cụm ngồi từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi lớp sẽ có giáo án, phương pháp dạy riêng. Tùy vào từng cấp độ của mỗi học sinh, tôi trực tiếp hướng dẫn riêng từng em trong mỗi buổi học”. Do dạy ở đây đã lâu nên hầu hết tính tình, khả năng học tập của từng học sinh, cô Ba đều nắm rõ để chỉ dẫn, uốn nắn từng em. “Lớp học từ 17 giờ đến 19 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Trước đây, tôi đứng lớp cả tuần nhưng từ tháng 10-2022 đến nay, tôi chỉ dạy các ngày thứ hai, tư và sáu. Lý do là tôi mới bình phục sau khi bị tai nạn hồi tháng 9-2022 và lớp học cũng đón thêm một số tình nguyện viên đến hỗ trợ nên phần việc của tôi được giảm bớt”, cô Ba bộc bạch.
Bên cạnh dạy chữ, cô Ba luôn chú trọng dạy đạo đức làm người cho học sinh của mình đúng tinh thần “Tiên học lễ, hậu học văn”. Trên thực tế, nhìn các học sinh lễ phép, ăn cơm xong biết dọn dẹp bàn ghế gọn gàng, xếp hàng ngay ngắn trước khi vào lớp, học tập trật tự và đặc biệt lễ phép chào hỏi mỗi khi gặp người khác chính là trái ngọt do tấm lòng của cô Ba uốn nắn thời gian qua. Trò chuyện với chúng tôi, học sinh trong lớp đều dành tình cảm sâu sắc với cô Ba. Các em luôn xem cô Ba như người mẹ, người bà của mình. Từ chỗ chưa nhận thức về tương lai, qua sự dạy dỗ của cô Ba, các em xác định được ước mơ cho riêng mình và quyết tâm trong học tập. Mỗi học sinh đều mong muốn sẽ trưởng thành, có việc làm để giúp đỡ gia đình và có thể giúp những hoàn cảnh khó khăn xung quanh.
Video đang HOT
Trong lớp học tình thương có em Doãn Thị Yến Nhi (16 tuổi, ngụ phường Phú Cường), được cô Ba thường xuyên quan tâm bởi Yến Nhi đang sống với bà nội lớn tuổi, bố mẹ thì đã bỏ đi địa phương khác. Từ chỗ không biết đọc, biết viết, nay Yến Nhi đã học lên lớp 5. Em rất chịu khó học tập, giúp bà nội bán xôi hằng ngày để kiếm thu nhập. Nhi tâm sự: “Em cảm nhận được ở cô Ba sự tận tâm, lòng yêu thương bao la, chỉ dạy em và các bạn từng cái nhỏ nhất. Cô dạy em dù hoàn cảnh khó khăn nhưng phải biết nỗ lực vươn lên. Em mong sau này sẽ có công việc ổn định để đỡ đần bà nội và có điều kiện trở lại giúp cô Ba chăm lo cho các em học sinh”.
Anh Phạm Minh Cường, Phó bí thư Đoàn phường Phú Cường, phụ trách quản lý lớp học cho biết: “Khi cô Ba đến với lớp học này, chúng tôi rất mừng vì cô có chuyên môn giỏi, tận tâm trong công việc và luôn dành yêu thương cho các em. Điều chúng tôi cảm phục ở cô Ba chính là dù cuộc sống còn khó khăn khi còn đang ở trọ, nhưng cô đã dành tiền bán vé số, lương hưu hỗ trợ học sinh hằng tháng và giúp đỡ một số phụ huynh khó khăn. Từ nghĩa cử ấy, Đoàn phường cũng tích cực vận động nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập để giúp các em được học tập đầy đủ”.
Ngoài hỗ trợ mỗi học sinh 5kg gạo/tháng, cô Ba còn trích tiền bán vé số để mua quà hay giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Dịp lễ, tết hay động viên những cố gắng, điểm giỏi của học sinh, cô Ba đều dành tặng những phần quà từ chính lương hưu của mình. Cô Ba còn vận động nhà hảo tâm tặng thêm học sinh các bộ đồng phục. Nói về điều còn trăn trở, cô Ba cho biết, đó là vẫn còn những trường hợp đã đến lớp học tình thương rồi nhưng vì lý do quá khó khăn phải nghỉ học để đi lao động hoặc chuyển đi địa phương khác.
Thắp lửa yêu thương đến mọi người
Trước khi đến dạy ở lớp học tình thương, cô giáo Nguyễn Thị Ba đã và vẫn đang tham gia trong nhóm từ thiện Sen Vàng gồm nhiều nhà giáo đã nghỉ hưu. Cô cùng nhóm đi hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nhiều tỉnh, như: Bình Dương, Lâm Đồng, Đắk Lắk… Đến nay, lưng đã còng, nhưng đôi chân của bà giáo tuổi ngoài bảy mươi vẫn ngày ngày đi bộ từ nhà trọ đến lớp học để lo cái chữ cho học sinh nghèo. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cô Ba đã mua gạo, nhu yếu phẩm tặng học sinh trong lớp học. Ngoài ra, được sự giúp đỡ của một số nhà hảo tâm khác, cô trao hỗ trợ đến những gia đình bị cách ly, khó khăn…
Vài năm qua, cô Ba còn cùng những người bạn góp tiền nấu cơm hoặc cháo phát miễn phí cho người lao động nghèo vào dịp ngày rằm. Trong khu vực ở trọ, cô Ba luôn chia sẻ gạo, mì gói hỗ trợ các gia đình khó khăn. Hơn hai năm gần đây, cô lập một sổ tay với 12 gia đình hoàn cảnh đặc biệt (tàn tật, bệnh tai biến, lớn tuổi neo đơn…) trên địa bàn phường Phú Cường để định kỳ hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm. “Tôi muốn san sẻ, giúp đỡ người khó khăn hơn ngay khi bản thân có thể chứ không phải chờ đến có của dư, của để. Tôi mong mọi người luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau thì cuộc sống sẽ luôn tốt đẹp, nghĩa tình”, cô Ba tâm sự.
Hiện tại, cô Ba cũng như đội ngũ cán bộ Đoàn phường Phú Cường ấp ủ nhiều kế hoạch về kết nối hỗ trợ học nghề cho học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 5. Đây là vấn đề không dễ nên cô đang cố gắng kết nối những đơn vị, doanh nghiệp uy tín để thực hiện. Anh Phạm Minh Cường cho biết: “Lớp học tình thương này hoạt động từ năm 2015 đến nay đã có gần 100 lượt học sinh. Cũng như trăn trở của cô Ba, chúng tôi sẽ phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể trong kết nối, tạo việc làm cho các em có nhu cầu học nghề”.
Nói về dự định tương lai, cô giáo Nguyễn Thị Ba tâm sự: “Tôi đang sống rất vui vì bản thân lớn tuổi rồi nhưng còn làm được việc có ích cho cộng đồng và xã hội… Nhiều học sinh của tôi giờ đã thành đạt. Các em tìm đến tôi để được đóng hỗ trợ lớp học tình thương. Đó là điều tôi rất xúc động. Tôi vui vì việc làm của mình đã lan tỏa nghĩa cử đẹp cho thế hệ trẻ”.
Lớp học miễn phí giúp trẻ yếu thế
Để hỗ trợ gỡ áp lực học hành cho cả trẻ em và gánh nặng tài chính cho gia đình, nhiều tấm lòng vàng từ Bắc tới Nam đã mở những lớp học dành cho nhiều đối tượng, giúp cho trẻ được giáo dục cả về kiến thức trên trường, văn hóa, nhân cách lẫn định hướng con đường đi sau này.
Cô Trần Thị Mươn dạy trẻ Khmer viết chữ tại lớp học tình thương của mình.
Người mẹ của Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa - cô Đoàn Thị Hoa.
Mang tri thức tới trẻ em nghèo
Từ năm 2010 đến nay, lớp học miễn phí của anh Hoàng Trọng Khánh, trên đường 22 (phường Phước Long B, quận 9) luôn mở cửa vào mỗi buổi tối. Dù bản thân là công nhân và chưa học hết THPT, nhưng với sự đồng cảm và yêu thương học trò nghèo, anh Khánh đã dốc hết tâm sức, bỏ tiền túi ra mở lớp. Để trau dồi nghiệp vụ sư phạm cũng như kiến thức các môn học, anh nhờ tới sự hỗ trợ của nhiều thầy cô, đồng thời chủ động học hỏi thêm những kiến thức trên mạng nhằm tìm ra phương pháp giảng dạy tốt nhất cho các em.
Học sinh theo học tại đây là con em của người lao động trong công ty nơi anh làm việc, những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong khu dân cư. Đến nay, đã có hơn 200 lượt học sinh đã và đang tham gia học tập. Riêng hiện tại, lớp học có hơn 30 học sinh đang học THCS trên địa bàn phường Phước Long B và các địa phương lân cận. Lớp học được chia làm 2 ca và được anh dạy kèm các môn Toán, Lý, Hóa và Tiếng Anh. Thời gian qua, nhờ tâm huyết của anh Khánh, nhiều học sinh học tập tại lớp đã có những tiến bộ rõ rệt và hứng thú với học tập hơn, bớt đi nhiều căng thẳng. Vì thế, tiếng lành đồn xa, số lượng học sinh được phụ huynh đưa đến theo học tại đây cứ thế tăng dần.
Dù phải làm đủ nghề để mưu sinh, vất vả đủ đường với cả công việc kiếm tiền và việc mở lớp, người thầy giáo - công nhân ấy vẫn dành hết tình thương cho học trò của mình. "Cũng có lúc đi làm về mệt mỏi lại phải tiếp tục đứng lớp, nhưng nhìn thấy tụi nhỏ đang đợi, khoe với thầy niềm vui khi được cô khen tiến bộ hay tìm đến thầy để chia sẻ những nỗi buồn, tôi hạnh phúc vô cùng, chẳng tiền bạc hay vật chất nào so bì được. Tôi chỉ ước bây giờ mình có một sức khỏe thật tốt để duy trì lớp học. Đồng thời, mong muốn các em học tập thật tốt, có công ăn việc làm ổn định. Tôi không muốn em nào phải bỏ việc học vì sự nghèo khổ, thiếu thốn", anh Khánh tâm sự.
Nếu anh Hoàng Trọng Khánh dồn hết công sức, tiền bạc, thời gian và tâm huyết cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở thành phố lớn, thì cô Trần Thị Mươn (63 tuổi) cũng hết mình 22 năm qua với lớp học tình thương ở xóm lao động nép mình trong con hẻm nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng (khóm 3, phường 5, TP Sóc Trăng, Sóc Trăng). Nằm dưới mái hiên căn nhà cấp 4, lớp học được dựng nên chỉ vỏn vẹn vài chục ghế nhựa cùng bảng nhỏ. Chật chội, thiếu thốn là vậy nhưng lúc nào nơi đây cũng vang tiếng ê a tập đọc của trẻ, phần đông là con em người dân tộc Khmer nghèo. Hàng ngàn trẻ em được thoát cảnh mù chữ, thậm chí hàng chục trẻ em thiếu tình thương của cha mẹ từ bé đã được cô Mươn đứng ra liên hệ chính quyền làm giấy khai sinh từ năm 2000 đến nay. Bà Phan Thị Mỹ Lệ - Phó Chủ tịch UBND phường 5, thành phố Sóc Trăng, cho biết: "Những đứa trẻ được cô Mươn dạy phần lớn là bị bỏ rơi, người mẹ mặc cảm do không có chồng, cha mẹ không có điều kiện đưa rước... dẫn đến không đi đăng ký giấy khai sinh. Sau nhiều lần được cô Mươn vận động và hỗ trợ đến nay hàng chục trường hợp đã được cấp giấy và đi học bình thường tại các cơ sở công lập. Ngoài ra, nhờ tấm lòng của cô mà rất nhiều trẻ em được xóa mù chữ".
Hiện mỗi năm cô dạy miễn phí cho trên 70 trẻ em nghèo, bán vé số. Để các em có đầy đủ quần áo, sách, vở, dụng cụ học tập, cô đứng ra vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ. Những em nhà xa thì cô cùng người nhà chạy xe đưa đón đến lớp học. Với cô, điều làm bản thân vui nhất là các em trong lớp học tình thương học hành đến nơi đến chốn, nhiều em bước vào đại học, ra trường trở thành giáo viên, làm việc có ích cho xã hội... "Tiền làm ra rồi cũng xài hết, tôi chỉ mong việc dạy học tình thương của mình giúp các cháu biết đọc, biết viết là cảm thấy hạnh phúc rồi. Tôi sẽ dạy đến khi nào không còn dạy nổi nữa thì nghỉ" - cô Mươn tâm sự.
Nhờ lớp học miễn phí bởi những tấm lòng hảo tâm như vậy, rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã và đang được tiếp cận tri thức, bỏ bớt những áp lực liên quan tới chuyện học hành và tài chính, được thắp lên hy vọng và niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn.
Để trẻ khuyết tật "không bị bỏ lại phía sau"
Trong chuyến đi từ thiện, cô Đoàn Thị Hoa (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã nghe được nỗi niềm của một em nhỏ: "Cô ơi, con ước mơ người khuyết tật có một nghề để học". Từ đó, cô ấp ủ ước mơ và rồi trở thành cô giáo, trở thành người mẹ thứ hai của hơn 500 học trò khuyết tật trên khắp mọi miền Tổ quốc. Ban đầu, để có chi phí mở trung tâm, cô từng phải bán đất và đi qua rất nhiều sự phản đối của gia đình.
Người mẹ của Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa - cô Đoàn Thị Hoa.
Nhưng khó khăn không làm người giáo viên tràn đầy tình thương này chùn bước. Vượt qua muôn vàn thử thách, thêm nỗ lực thử nghiệm và tham khảo các phương pháp, cô Hoa tìm ra được nghề phù hợp với sức khỏe và thể trạng của người khuyết tật, nhất là nghề làm giấy thủ công. Vì vậy, ở trung tâm hiện nay, các em khuyết tật được hướng dẫn làm ra những sản phẩm như con giống, bưu thiếp, khung tranh bằng giấy... Những mặt hàng đạt chất lượng sẽ được chuyển đến các cửa hàng trên phố cổ để đến tay người dùng.
Xuất phát từ tấm lòng, trung tâm lập ra tuy không thông báo rầm rộ, thế nhưng vẫn được nhiều gia đình ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước tin tưởng, mách bảo nhau gửi gắm con em đến đây để học nghề miễn phí. Đặc biệt, trong hành trình hơn 11 năm giúp đỡ các em của cô Hoa, đã có những em khuyết tật nên duyên vợ chồng, những đứa trẻ đáng yêu và may mắn được chào đời trong vòng tay âu yếm và tràn ngập tình yêu thương của "u Hoa".
Không chỉ có khả năng kiếm tiền chân chính bằng nghề thủ công, trẻ khuyết tật còn có thể kiếm thu nhập bằng nhiều ngành nghề khác nếu họ được tạo điều kiện thích hợp và bản thân biết phấn đấu. Tại khu dân cư Vĩnh Điềm Trung, TP Nha Trang đang tổ chức một lớp học rất đặc biệt: đào tạo miễn phí trẻ khuyết tật về kỹ năng phục vụ nhà hàng, khách sạn. Lớp học này được tổ chức bởi thầy Đống Lương Sơn cùng đồng nghiệp trong Hội những người ái mộ bác sĩ A.Yersin. Từng là giám đốc khách sạn lớn, thầy Sơn mang nhiều trăn trở và luôn dành tình cảm đặc biệt cho những bạn trẻ khuyết tật. Sau khi về hưu, ông muốn truyền kinh nghiệm, kiến thức giúp các em nên tập hợp đồng nghiệp dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn thay phiên nhau đứng lớp.
Vì đối tượng học là những đứa trẻ đặc biệt, thầy Sơn cũng thiết kế một giáo trình đặc biệt với cách dạy trực quan và nhắc lại. Thầy sẽ trình chiếu những video về các loại dao, muỗng, các loại ly dùng trong từng bữa tiệc rồi sắp xếp chúng lặp đi lặp lại và hướng dẫn tỉ mỉ để các em nhớ rõ. Những ngày đầu đến lớp, các em khá luống cuống nên ly, dĩa thường xuyên rơi vỡ. Nhưng chỉ sau vài tuần, các em đã thành thạo nhiều kỹ năng và trở nên tự tin hơn.
Với thầy Sơn, khó khăn lớn nhất khi dạy là nắm bắt tâm lý của từng em, một số hay tự làm hại bản thân hoặc tấn công người thân vì không được thấu hiểu và chia sẻ. Chưa kể vì đa số các em là người câm điếc nên phải cần có một hoặc hai cô giáo dùng ngôn ngữ ký hiệu để truyền đạt lại lời nói của thầy.
Thời gian tới, Hội những người ái mộ bác sĩ A.Yersin sẽ vận động các nhà hảo tâm, thành viên hội mở một quán cà phê để các em có thể làm việc sau khóa học, vận dụng kiến thức và tự kiếm nguồn thu nhập cho mình.
Nhờ những mạnh thường quân đầy tình yêu thương, không quản ngại khó khăn, vất vả, trẻ được gỡ áp lực đến với con chữ và tri thức, có thêm sự tự tin để vững bước trên con đường học hỏi và phát triển bản thân, từ đó cống hiến cho xã hội những giá trị tốt đẹp của mình.
Tặng quà học sinh lớp học tình thương Ngày 2-3, Đoàn thiện nguyện An Gia Phát, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức, BĐBP Long An tổ chức thăm, tặng quà các em học sinh lớp học tình thương do Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức phụ trách. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa...