Ba đời chăm sóc thi hài người hiến xác
Đội tiếp nhận thi hài có 8 thành viên, đã có 6 người trong gia đình, họ hàng. Trong đó, thế hệ thứ ba mới ngoài 20 tuổi đang gắn với nghề không phải ai cũng dám thử một lần.
Không chỉ tiếp nhận, xử lý thi hài được hiến xác, họ còn phải chuẩn bị thi hài cho sinh viên thực hành, bác sĩ nghiên cứu. Việc ăn, ngủ của họ cũng diễn ra cạnh nơi bảo quản thi hài.
“Nghề gia truyền”
Anh Đỗ Thành Nhân, đội trưởng đội tiếp nhận thi hài Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết, các thành viên của đội tiếp nhận thi hài bắt đầu ngày làm việc bằng việc thắp hương tại bàn thờ chung của những người đã hiến xác phục vụ cho y học.
Anh Nhân kể, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nhân lấy vợ tại Tân Biên, tỉnh Tây Ninh và gắn cuộc đời mình với rẫy, với ruộng, lúc rảnh rỗi đi phụ hồ. Năm 1997, người cậu ruột đang làm tại phòng tiếp nhận thi hài Trường ĐH Y dược TP.HCM thấy khó tuyển được người vào làm cùng đã gọi anh xuống làm việc. Trong lúc này, bố anh cũng làm ở bộ phận chăm sóc thi hài của Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, nay là Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch.
Dọn dẹp các mô hình trong phòng bảo quản xác cho gọn gàng hơn.
Gắn bó với thi hài đã 14 năm, anh Đỗ Thành Tài, em ruột anh Nhân chia sẻ: “Trước khi vào nghề này tôi đi làm thợ hồ, nhưng công việc bấp bênh, thiếu ổn định, trong khi đó thấy nghề của bố, anh đang làm nếu tằn tiện cũng lo được cho gia đình”. Với suy nghĩ đó anh bàn với bố xin vào làm nghề bảo quản thi hài. Theo anh Tài, nghề này không đến nỗi cực nhọc như thợ hồ, song cái khó là ít người dám tiếp xúc với thi hài mỗi ngày. Khó khăn lớn nhất của anh, đó là khi tiếp xúc với mùi formol bảo quản, mắt cay và chảy nước mắt.
Từ những năm học cấp một khi nghỉ hè anh Đỗ Ngọc Diệp (con anh Nhân, sinh năm 1990) thường theo bố vào trong phòng bảo quản thi hài để chơi, đôi lúc phụ đẩy xe cùng bố. Tốt nghiệp phổ thông, Diệp theo bố vào làm nghề. Công việc có gián đoạn hơn 2 năm (anh thực hiện nghĩa vụ quân sự), nhưng rồi Diệp tiếp tục gắn bó với công việc “khó nhằn” này. Diệp chia sẻ: “Mình có hơn 100 lần đi nhận thi hài. Bản than cảm thấy yêu nghề vì đây cũng là nghề “gia truyền” từ ông nội, đến bố, rồi đến mình”.
Những chuyến về không
Anh Nhân kể, ở trường, các thành viên trong đội làm việc theo giờ hành chính, nhưng khi có tin báo tiếp nhận thi hài thì bất kể ngày đêm anh em lập tức lên đường. Khi đưa xác về trường, các anh lại bắt tay vào việc tắm rửa, bơm thuốc xử lý bảo quản. Nhiều khi làm mệt quá, lăn ra ngủ qua đêm ngay tại phòng bảo quản thi thể. “Ở đây chúng tôi chưa hề thấy ma, mà cũng không sợ xác chết bao giờ”, anh Nhân nói vui.
Video đang HOT
Sắp xếp lại xương người sau khi sinh viên kết thúc buổi học.
Hơn 15 năm gắn bó với nghề anh Nhân không nhớ hết mình đã bao nhiêu lần đi nhận xác và không phải lúc nào cũng thành công. Năm 2006, tiếp nhận được thông tin người hiến xác tại tỉnh Lâm Đồng, đội tiếp nhận thi hài lên đường ngay trong đêm. Nhưng mới qua khỏi thành phố Biên Hòa, gia đình báo lại họ không muốn hiến xác nữa, cả đội đành phải quay về. Đến năm 2008, một người ở Vĩnh Long có đơn hiến xác qua đời, nhận được tin các anh lập tức lên đường. Tuy nhiên, gần đến nơi gia đình thông báo họ không muốn hiến nữa nên cũng phải về không.
Khó khăn hơn cả lần đi nhận xác tại Long An, từ nơi xe đậu vào nhà người hiến tặng hơn 2km băng đồng. Vào đến nơi không thể mang thi hài ra được xe do gặp lúc trời mưa lớn. Chỉ còn cách đội tiếp nhận bàn với gia đình tìm chiếc ghe lớn để đưa thi thể ra xe. Sau lần này các anh đề nghị với Trường ĐH Y dược chuẩn bị quan tài bằng inox sẵn để đi nhận thi hài tránh cảnh khiêng bằng băng ca dễ khiến thân nhân người hiến xác xót xa.
Trong những năm gần đây mỗi năm, Trường ĐH Y dược TP.HCM tiếp nhận trên 50 thi thể/năm và đây là phần việc các anh phải làm.
Khổ nhưng thấy vui
Hằng ngày phải tiếp xúc với thi thể, hóa chất bảo quản, formol, nhưng tiền hỗ trợ độc hại của các thành viên chỉ ở mức 10.000 đồng/người/ngày. Làm đội trưởng, thâm niên 15 năm, nhưng lương của anh Nhân cũng chưa đầy 5 triệu đồng/tháng, những thành viên còn lại thấp hơn.
Phút giải lao của các thành viên trong đội bên bàn cờ tướng.
Đồng lương ít ỏi để đủ chi tiêu trong gia đình, các anh phải mang theo cơm nhà để ăn chứ không dám ra tiệm, quán. Cách đây vài năm, một ân nhân tại đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, khi biết công việc thầm lặng và cuộc sống khó khăn của các anh đã biếu mỗi thành viên trong đội 1 triệu đồng. Đây là lần duy nhất các anh nhận được sự chia sẻ về vật chất. Tuy nhiên, thỉnh thoảng các anh cũng nhận được vài cuộc điện thoại tới để an ủi, động viên. “Làm nghề này phải có tâm không thì làm không nỗi”, anh Nhân nói.
“Trước đây tôi thường giới thiệu mình làm tại Trường ĐH Y dược, nhưng không nói cụ thể là việc gì. Nhưng rồi trong khu phố có người hiến xác và tôi đến nhận, từ đó mọi người biết rõ hơn về công việc tôi chưa tiện nói”, anh Nhân kể.
Anh Trần Văn Nữ, sinh năm 1988, một người cháu của anh Nhân kể, lúc đầu mới vào làm cũng ghê ghê, nhưng giờ thì quen rồi. Cả Diệp, Nữ đều nói: “Không thiếu nghề có khác thu nhập bằng, hoặc cao hơn công việc hiện nay, nhưng chúng tôi vẫn sẽ gắn bó với nghề mà cha, ông đã làm”.
Theo 24h
Hiến xác: Nỗi vật vã sau từng lá đơn
Đằng sau mỗi lá đơn hiến xác gửi đến Trường ĐH Y dược TP.HCM là cả một cuộc đấu tranh lớn lao của những người trong cuộc.
Với truyền thống coi trọng "mồ yên mả đẹp", việc hiến xác vẫn chưa được nhiều người Việt Nam thông hiểu và chấp nhận. Do vậy, cống hiến thân xác cho khoa học không phải là chuyện dễ dàng, đối với người tự nguyện lẫn gia đình của họ.
Nhiều năm thuyết phục gia đình
Lặng lẽ đứng nhìn những thi hài đã sẫm màu do ướp formon được trang trí bởi hạt giấy, hoa tươi, anh Trần Quốc Huy, 25 tuổi, đến từ Quận 1 chia sẻ: "Họ không phải người thân hay bạn bè tôi, nhưng từ nhiều năm nay tôi luôn có mặt tại buổi lễ tri ân những người hiến xác, thắp nén nhang cho những hy sinh thầm lặng mà cao cả".
"Rồi tôi cũng sẽ nằm đây cùng họ khi tim mình ngừng đập", anh Huy nói. Cách đây hai năm anh đã làm đơn hiến xác cho y học. Anh Huy kể, ban đầu khi biết được điều này trong gia đình không ai ủng hộ. Bố mẹ phân tích: Thân xác con có được cũng là một phần bố mẹ, anh chị em trong gia đình nuôi nấng, nên sống đâu chết đó. Dù không biết gì nữa, nhưng thân xác con bị người khác mổ xẻ, quan sát như thế người sống sẽ đau lòng.
Tìm hiểu thông tin hiến xác cho y học tại Trường ĐH Y dược TP.HCM
"Ý kiến của người thân trong gia đình không sai, nhưng tôi vẫn giữ quyết tâm hiến xác của mình", anh Huy nói. Sau nhiều lần thuyết phục rằng "thân xác khi mất đi cũng thành đất, thành tro, còn đem hiến cho y học, sẽ giúp ích cho việc cứu người, vài ba năm sau thành tro bụi cũng không phải muộn...", anh Huy rủ người thân trong gia đình cùng đi dự lễ tri ân người hiến xác. Trước quyết tâm của mình, thấy được sự trân trọng của các nhà khoa học, sinh viên hơn hai năm sau gia đình anh Huy mới đồng ý với tâm niệm của anh khi nằm xuống.
Bối rối vì cháu quyết giữ thi thể bà
Biết mình không thể qua khỏi với căn bệnh ung thư gan, bốn tháng trước khi mất, mẹ của chị Y Phi Thảo đã làm đơn hiến xác cho y học tại Trường ĐH Y dược TP.HCM. Mẹ chỉ có mỗi mình chị Thảo là con, dù biết ý định của mẹ có từ gần chục năm trước đó, nhưng khi biết mẹ quyết định, chị không dễ chấp nhận.
"Mẹ chết cũng vì căn bệnh mà y học dù phát triển nhưng cũng đành bó tay. Do vậy, mẹ muốn dùng thân xác mình để y học tìm hiểu, nghiên cứu nguyên nhân để những người mắc bệnh như mẹ sau này có cơ may được cứu sống", trước những lời giải thích của mẹ, chị Thảo đã hiểu ra và đồng ý.
Phòng nhận hiến thi hài ngay hôm nay được nhiều người tìm đến
Đến ngày mẹ chị Thảo mất tại bệnh viện Chợ Rẫy, thi thể được đội tiếp nhận đến chuyển về Trường ĐH Y dược TP.HCM. Lúc này con gái chị Thảo mới 15 tuổi dù đã biết tâm niệm của bà ngoại, nhưng nhất định không đồng ý cho chuyển thi thể bà đi, mà chỉ khóc đòi đưa về nhà. Người thân trong gia đình, bác sĩ phải giải thích cho bé hiểu bé mới thôi giữ bà để đội tiếp nhận thi thể mang bà đi.
Có mặt tại bệnh viện trong ngày lễ tri ân những người hiến xác cho y học, chị Thảo hiểu ra sự trân trọng, thành kính của các nhà khoa học, sinh viên với thi thể đang được hiến xác, chị Thảo cho biết, mình cũng sẽ làm đơn hiến xác, nhưng trước mắt phải giải thích cho đứa con gái duy nhất của chị hiểu ra việc làm cao đẹp này.
Quyết định không báo trước
Sinh ra tại Campuchia, bà Lê Thị Hoàng Oanh năm nay 66 tuổi, đã một lòng theo Cách mạng từ thuở bà mới 18 tuổi. Sau ngày đất nước thống nhất, bà được điều về công tác tại văn phòng phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP.HCM.
Sinh viên ngành y thắp nhang tri ân những người đã hiến xác cho khoa học
Bà Oanh kể về quyết định hiến xác của mình, trong một lần đi cùng người bạn làm bác sĩ và chứng kiến người bạn thân mất trong một vụ tai nạn, bà suy nghĩ giữa sự sống và cái chết. Trong chiến tranh bom đạn của địch không làm mình ngã xuống. Nếu chẳng may trúng phải bom B52 thì còn đâu là thân xác, vậy tại sao giờ không chọn một cái chết có ý nghĩa.
Suy nghĩ vậy bà Oanh làm đơn hiến xác cho y học và chỉ báo cho chồng khi việc đã xong. Khi nghe bà nói, ông không buồn mà ngay buổi chiều hôm đó cùng bà đến làm đơn hiến xác của mình. Hai năm trước đây ông mất và thi hài của ông được Trường Đại học Y dược TP.HCM giữ lại như mong muốn của ông lúc còn sống để phục vụ cho khoa học.
Tại buổi lễ tri ân, bà Oanh cùng em chồng lần giở từng kỷ niệm về người đã khuất với phóng viên. "Đến một ngày nào đó tôi cũng theo ông ấy vào đây góp một phần nhỏ bé của của mình vào việc phát triển khoa học cứu người", bà Oanh tâm sự.
Đến nay, Trường Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận hơn 18.421 người đăng ký hiến xác bao gồm đủ các thành phần như: công an, bộ đội, trí thức, công nhân, cán bộ hưu trí, thương nhân, nông dân, sinh viên, học sinh, tu sĩ... Trường đã tiếp nhận và bảo quản tổng cộng 514 thi hài, phục vụ hiệu quả cho công tác giáo dục và nghiên cứu khoa học trong nhà trường.
Theo 24h
Tự nguyện hiến thận khi đang sống Một phụ nữ hiến xác cho khoa học khi qua đời và hiến một quả thận lúc còn sống. Chị kêu gọi mọi người hãy có ý thức chia sẻ cho người khác, đừng bỏ phí những tài sản vô giá. Báo Pháp Luật TPHCM vừa nhận được bức thư đặc biệt của chị Trần Thu Hồng, 52 tuổi, ngụ tại đường Đinh...