Ba bước chuẩn bị sau khi biết điểm thi THPT quốc gia
GD&TĐ – Năm 2015, thí sinh sẽ lần đầu tiên tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức hoàn toàn mới. Cách thức này mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít lưu ý quan trọng thí sinh cần biết.
Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với TS Trần Thế Hoàng – Trưởng phòng Quản lý đào tạo – Công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Theo ông, đâu là những điểm mới thí sinh cần lưu ý khi tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay?
- Điểm mới nổi bật của năm nay là chúng ta tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Bên cạnh đó, thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi đã biết điểm thi THPT quốc gia; khâu thi và khâu tuyển tách rời nhau, thí sinh có cơ hội nhìn lại kết quả của mình trước khi quyết định đăng ký ngành, trường phù hợp với kết quả đạt được.
TS Trần Thế Hoàng
Riêng đối với thí sinh có nguyện vọng vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH, cần hết sức lưu ý mốc thời gian nộp hồ sơ. Theo đó, riêng đợt 1, thời gian nộp hồ sơ là từ 1/8 đến 20/8/2015.
Video đang HOT
Một điểm mới nữa là trong đợt 1 xét tuyển, thí sinh có quyền cân nhắc, chuyển ngành trong một trường, hoặc chuyển sang trường khác phù hợp với kết quả của mình.
Quyết định chuyển hay không chuyển dựa vào tham khảo kết quả xếp hạng của cá nhân trên tổng số thí sinh đăng ký mà các trường công khai. Theo quy định, năm nay, nhà trường sẽ phải công khai danh sách xét tuyển và cập nhật 3 ngày 1 lần thông tin thí sinh.
Riêng với Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, năm nay tuyển sinh theo 3 khối, khối A (Toán, Lý, Hóa), A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh) và D1 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh). Năm trước, trường chỉ tuyển khối A và khối A1.
Đối với ngành tiếng Anh thương mại xét tuyển tổ hợp D1, riêng môn Tiếng Anh hệ số 2.
Những đổi mới này có tạo thuận lợi cho thí sinh hay không, thưa ông?
- Một điểm thống nhất trong đổi mới tuyển sinh năm nay là các trường sẽ vất vả hơn, nhưng người học được hưởng lợi. Từ cách tổ chức một kỳ thi chung, cộng với cách xét tuyển, thí sinh có nhiều cơ hội hơn và chủ động lựa chọn được trường phù hợp với bản thân.
Thí sinh có nhiều thuận lợi trong xét tuyển vào ĐH, nhưng liệu chất lượng đầu vào có được đảm bảo?
- Chất lượng đầu vào phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là kết quả thi của thí sinh, thứ hai là thương hiệu của mỗi nhà trường.
Những trường tạm gọi là top đầu chắc chắn sẽ tuyển được nhiều thí sinh có năng lực, kết quả cao, kể cả số được tuyển thẳng. Như vậy, năm nay chúng ta cũng phải chấp nhận có sự phân tầng trong xét tuyển.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT còn quy định ngưỡng điểm xét tuyển. Các trường top đầu sẽ không ngại ngưỡng này và thông thường đều tuyển vượt khá xa so với ngưỡng.
Một số trường có thể coi ngưỡng này là rào cản, nhưng trên thực tế, đây là ngưỡng tối thiểu để đảm bảo được quy trình đào tạo được 1 người tốt nghiệp ĐH, CĐ; nếu ngưỡng thấp quá sẽ làm quá trình đào tạo khó khăn.
Trong thời điểm này, khi chưa có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh cần lưu ý chuẩn bị những gì cho xét tuyển ĐH, CĐ 2015 thưa ông?
- Trong thời gian này, trường ĐH đang chuẩn bị các phương án để thực hiện xét tuyển, tiếp tục thông tin đến thí sinh, cập nhật những thông tin mới.
Về thí sinh, cần có một thời gian thư giãn nhất định, hiện các em không còn lo thi cử nữa mà quyết định phương án đăng ký xét tuyển.
Thí sinh nên tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh; trong lúc chờ kết quả thi, có thể tìm hiểu trên website của trường, trên các kênh thông tin chính thống khác.
Theo tôi biết, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp chuẩn bị một ngày hội tuyển sinh rất lớn về xét tuyển. Cụ thể ngày 1 – 2/8/2015, ngày hội sẽ diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa TP HCM.
Trong ngày hội này sẽ có những thông tin chính thức từ Bộ GD&ĐT, hướng dẫn, tư vấn xét tuyển; các trường cũng sẽ cung cấp cho thí sinh các thông tin xét tuyển một cách kỹ lưỡng.
Vậy theo ông, sau khi biết điểm, thí sinh cần lưu ý những gì để đạt hiệu quả xét tuyển cao nhất?
- Thí sinh phải chuẩn bị mấy bước sau đây: Đầu tiên, thí sinh nên tiếp tục tìm hiểu kỹ hơn thông tin xét tuyển của từng trường; phải chọn đúng ngành mình muốn ở trường phù hợp (một trong những căn cứ tham khảo là điểm chuẩn của các trường những năm trước đây).
Thứ hai, khi đăng ký xét tuyển vào trường, cần thường xuyên cập nhật thông tin tuyển sinh của trường đó để biết thứ hạng mình ở đâu trong danh sách; từ đó có quyết định phù hợp.
Thứ ba, bên cạnh thông tin tham khảo từ các phương tiện thông tin đại chúng, cũng cần tư vấn từ thầy cô, gia đình khi quyết định chọn trường. Bởi có trường, ngành thí sinh muốn học, nhưng lại không phù hợp với điều kiện kinh tế chẳng hạn.
Vậy còn những lưu ý riêng với thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh thì sao, thưa ông?
- Với Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ngoài các chương trình đại trà, nhà trường còn tuyển sinh chương trình chất lượng cao và chương trình liên kết, thí sinh có thể xem thông tin tuyển sinh của trường trên website để nắm và biết chi tiết.
Lưu ý, nếu muốn đăng ký xét tuyển vào trường thí sinh phải có kết quả thi khá cao và có trình độ tiếng Anh nhất định. Hiện, chương trình đào tạo của trường ngày càng theo hướng quốc tế hóa nên yêu cầu đầu ra tiếng Anh của sinh viên dần nâng lên.
Trong ngày 31/7, chúng tôi sẽ tổ chức Ngày hội tư vấn thông tin về xét tuyển vào trường. Nếu thí sinh quan tâm, có thể đặt câu hỏi hoặc trực tiếp trong ngày hội, hoặc gửi câu hỏi trực tuyến để nhà trường trả lời.
Phần lưu ý này cũng dành cho phụ huynh, phụ huynh có thể đưa con em đến để xem cơ sở trường và nghe tư vấn trực tiếp, hoặc có thể gửi câu hỏi qua eamil, facebook để được tư vấn.
Xin cảm ơn ông!
Theo GD&TĐ