Ba bí kíp để học Địa Lý thật tốt
Một trong những bất ngờ đối với teen 12 năm nay là sự xuất hiện của cả Lịch sử và Địa Lý trong kỳ thi tốt nghiệp. Chính điều này đã khiến cho không ít bạn, nhất là các bạn theo khối A lo lắng “học làm sao nổi?”. Bạn Nguyễn Thị Châu Loan, hai năm liền đạt giải nhì quốc gia môn Địa Lý, cựu học sinh Chuyên Hùng Vương Phú Thọ, cử nhân lớp chất lượng cao khoa Địa – ĐHSP Hà Nội sẽ chia sẻ với các bạn kinh nghiệm học và thi môn Địa.
Cấu trúc hình xương cá
Để có thể nắm được những kiến thức cơ bản của môn Địa thì trước hết các bạn cần nắm được một sơ đồ cấu trúc dạng xương cá. Chúng ta có ba phần chính là: Địa lý tự nhiên và dân cư; Địa lý các ngành kinh tế và Địa lý vùng kinh tế. Trong mỗi phần này lại chia ra từng bài, trong từng bài lại có từng ý lớn. Như vậy, sau khi đã có được khung của toàn chương trình, các bạn đã có được một hình dung về những nội dung cơ bản mà mình cần ôn tập để “đắp thịt” vào.
Một đặc điểm của bài thi môn Địa là các ý lớn, ý nhỏ được trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc theo các đề mục 1,2,3…hoặc a,b,c…Do đó, các bạn học sinh cần nắm được ý chính trong mỗi phần, mỗi câu để từ đó triển khai ra. Ví dụ: đặc điểm của đất nước có nhiều đồi núi có ba hay bốn đặc điểm nhỏ (ý lớn). Từ các ý này, các bạn tiếp tục triển khai theo ý hiểu và đưa các dẫn chứng vào.
Trước khi làm bài thi, các bạn cần gạch sẵn ra giấy nháp những ý lớn này để tránh bỏ sót trong quá trình làm bài. Các ý lớn cần đặt ở đầu đoạn để giúp cho bài viết mạch lạc, dễ triển khai và thuận lợi cho người chấm. Đối với bài Địa Lý (ngay cả với Lịch sử và Văn) thì một câu trả lời tốt trước hết phải đủ ý.
Về mặt số liệu, các bạn không cần thiết phải nhớ tuyệt đối số liệu nhưng cần nhớ chính xác một cách tương đối. Ví dụ, diện tích phần đất liền nước ta là 329.247 km2, nếu các bạn không nhớ được chính xác thì có thể nói diện tích đất liền nước ta là hơn 329.000 km2 hay gần 330.000 km2. Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với những sai lệch quá lớn không chấp nhận được.
Các bạn cũng không nhất thiết phải nhớ hết cả một dãy số liệu quá dài nhưng nhất thiết phải nhớ được những số liệu cơ bản làm dẫn chứng cho bài viết. Ví dụ: dẫn chứng về tốc độ gia tăng dân số nước ta thì cần nắm được những mốc quan trọng, thường là đầu – cuối hoặc những năm có sự biến động lớn như tăng, giảm đột ngột….
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Video đang HOT
Sử dụng Atlat như thế nào?
Một trong những lợi thế quan trọng của học sinh thi tốt nghiệp so với thi đại học là được mang Atlat địa lý Việt Nam vào phòng thi. Thế nhưng, rất nhiều bạn chưa có kỹ năng đọc bản đồ hoặc không biết sử dụng Atlat khiến cho trong nhiều trường hợp có Atlat mà trở nên “vô dụng”.
Để có thể khai thác tốt Atlat thì trước hết các bạn cần nắm được nội dung của bản đồ, xem trang này có những đối tượng địa lý nào? Ngoài bản đồ chính có biểu đồ, sơ đồ gì không? Nắm vững bảng ký hiệu nằm ở trang bìa. Xem trong bảng chú thích: các nội dung mình cần tìm được kí hiệu như thế nào? Các màu sắc, các biểu đồ trên bản đồ, các kí hiệu… nó có ý nghĩa gì trên bản đồ đó?
Thực ra, theo kinh nghiệm thì các bạn chỉ nên dùng Atlat như là một phương tiện làm dẫn chứng. Điều quan trọng trước hết là các bạn phải nắm được kiến thức cơ bản, hay dàn ý lớn từ đó lấy dẫn chứng ở Atlat vào bài viết. Đây cũng là một phương pháp rất hữu ích để các bạn có thể học nhanh bài Địa Lý (nhớ hình ảnh nhanh hơn nhớ chữ viết).
Cụ thể, ví dụ khi học về vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ các bạn có thể mở trang vị trí địa lý. Kết hợp những kiến thức trong sách giáo khoa với hình ảnh trên bản đồ sẽ giúp các bạn nhớ bài tốt hơn và nắm được cốt lõi của vấn đề. Các bạn nhìn thấy ngay trên bản đồ là nước ta tiếp giáp với những nước nào? Ở phía nào? có các quần đảo nào….
Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể sử dụng Atlat như một nguồn số liệu (thay vì phải nhớ rất nhiều số liệu từ sách giáo khao). Ví dụ, số liệu về dân số Việt Nam qua các năm hay tên của các đô thị, các trung tâm công nghiệp, các bãi biển du lịch…
Làm sao để nhận dạng đúng biểu đồ
Các bài thực hành vẽ biểu đồ như biểu đồ cột, biểu đồ tròn, biểu đồ đường, biểu đồ miền là dạng bài thực hành mà chúng ta rất dễ “kiếm” điểm nhưng điều quan trọng nhất mà các teen 12 gặp phải đó là “làm sao để nhận dạng đúng bản đồ”?
Một mẹo nhỏ cho các bạn là: trong yêu cầu vẽ biểu đồ (ý thứ nhất) thường đã có gợi mở về dạng biểu đồ. Nếu có từ “thể hiện cơ cấu” thì các bạn nên nghĩ tới biểu đồ tròn và biểu đồ miền (dưới ba năm là biểu đồ tròn, trên ba năm là biểu đồ miền). Nếu có từ “diễn biến” hay “tốc độ tăng trưởng” thì các bạn nên nghĩ đến biểu đồ đường.
Để có thể đạt điểm tuyệt đối trong bài thực hành vẽ biểu đồ, các bạn cần bảo đảm đầy đủ các yếu tố như: tên đơn vị trên trục tung (nghìn người, nghìn ha…); bảng chú thích; tên biểu đồ (Biểu đồ thể hiện….).
Nhật xét biểu đồ cần căn cứ vào biểu đồ đã vẽ, các số liệu đã tính toán. Cần nhận xét chung (nhìn tổng quát, diễn biến của toàn bộ số liệu) trước khi nhận xét từng đối tượng cụ thể. Trong quá trình nhận xét cần chỉ rõ xem đại lượng đó tăng hay giảm? Các đại lượng đầu cuối. Đối với một giai đoạn nhiều năm có thể chia thành từng giai đoạn để nhận xét. Chú ý các thời điểm có sự diễn biến đột ngột của đối tượng. Giải thích cần vận dụng tổng hợp các nhân tố (tự nhiên, xã hội) để giải thích cho vấn đề.
Trên đây, là những kinh nghiệm học và thi môn Địa Lý hết sức cơ bản nhưng nó không phải là cẩm nang để áp dụng cho tất cả mọi đối tượng. Các bạn cần có cách thức vận dụng sao cho hợp lý và linh hoạt cho mỗi đề thi để đạt được kết quả cao nhất.
Để đạt điểm cao môn Địa lý
Với môn Địa lý trong bài thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần nắm chắc kiến thức trong cuốn Atlat, vẽ biểu đồ và trả lời được các câu hỏi trong sách giáo khoa là đạt điểm cao.
Cô giáo Đinh Lê Thiên Nga, giáo viên môn Địa lý Trường THPT Hà Nội - Amsterdam chia sẻ với thí sinh như vậy về cách ôn tập và làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý đạt hiệu quả nhất.
Nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, thí sinh có thể đạt điểm cao môn Địa lý trong bài thi tốt nghiệp THPT.
Bắt buộc phải lập đề cương ôn tập
Trong môn Địa lý các em nên ôn theo cấu trúc chương, ví dụ trong sách Địa lý lớp 12, phần chương I nói về phần địa lý xã hội Việt Nam bao gồm phần tự nhiên và phần xã hội.
Trong phần tự nhiên thì các em nên học tất cả các phần tự nhiên để dẫn tới phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế xã hội Việt Nam thì đi theo các phần, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, sau đó đến 7 vùng kinh tế trong cả nước. Chắc chắn đề thi sẽ vào 1 trong 7 vùng kinh tế này.
Khi ôn tập môn Địa, điều cơ bản nhất là các em phải lập đề cương để dựa vào đó phát triển ý của mình. Cách học dễ nhất là nên ôn từ cuối sách giáo khoa (SGK) ôn lên vì cuối SGK là chương trình mới học nên dễ nhớ nhất. Đặc biệt, các em không được bỏ phần nào trong SGK.
Môn Địa, học sinh không cần học thuộc nhiều vì đã có cuốn Atlat và bài tập vẽ biểu đồ. Học sinh cần nắm chắc kiến thức trong cuốn tài liệu này vì trong đó chiếm 70% kiến thức môn Địa.
Cuốn Atlat "cứu tinh" gỡ điểm
Cuốn Atlat là tài liệu quan trọng mà các em được mang vào phòng thi. Do vậy, các em cần phải học, hiểu kỹ cuốn sách này vì chính kiến thức trong cuốn sách giúp các em lấy được 50% điểm trong bài thi.
Các bài thực hành vẽ biểu đồ như biểu đồ cột, biểu đồ tròn, biểu đồ đường, biểu đồ miền trong sách các em phải luyện thật nhuần nhuyễn để từ đó phân tích bảng số liệu, nhận xét mối liên hệ giữa các số liệu.
Đối với những bài thi không có trong cuốn Atlat yêu cầu học sinh phải tư duy như đường lối kinh tế, định hướng kinh tế, hướng khắc phục... ví dụ, từng bài khi sử dụng xong Atlat, học sinh phải biết được mối quan hệ giữa các số liệu (kênh chữ, kênh hình) và đưa ra nhận định. Câu nhận định này khó nhưng chỉ chiếm 0,5 điểm.
Để đạt điểm cao với môn Địa lý thì học sinh nên ôn tập và trả lời tất cả các câu hỏi trong SGK.
Trong làm bài thi các em đọc kỹ đề xem câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau, để không bị mất thời gian sa đà vào một câu hỏi.
Tôi khuyên các em nắm chắc kiến thức SGK là đủ không cần đọc thêm ở ngoài.
Theo Dân Trí
Loạn trung tâm gia sư Thế nhưng thay vì ý nghĩa tích cực của nghề nghiệp cao quý vốn có, tình trạng "loạn" phí dịch vụ, "loạn" chất lượng không ai kiểm soát của các TTGS đã và đang gây nên không ít tình cảnh "dở khóc dở cười" cho những sinh viên và cả phụ huynh. Sinh viên làm gia sư: khóc! Với mục đích chỉ kiếm...