Australia thông qua hiệp định phân định hải giới với Timor Leste
Thủ tướng Scott Morrison khẳng định với việc thông qua hiệp định, Australia đã sẵn sàng trở thành đối tác của Timor Leste, cùng khai thác mỏ khí đốt Greater Sunrise vì lợi ích của cả hai nước.
Hiệp ước phân định ranh giới trên biển giữa Australia và Timor Leste được ký kết ngày 6/3/2018 tại New York, Mỹ. (Nguồn: dfat.gov.au)
Quốc hội Australia ngày 29/7 đã thông qua việc thực thi hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa nước này với Timor Leste, cung cấp một khuôn khổ cho hai nước phân chia doanh thu từ mỏ khí đốt tự nhiên Greater Sunrise.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định với việc thông qua luật trên, Australia hiện đã sẵn sàng trở thành đối tác của Timor Leste, cùng khai thác mỏ khí đốt Greater Sunrise vì lợi ích của cả hai nước.
Theo ông, Greater Sunrise sẽ tạo ra các cơ hội mới cho việc tăng thu nhập, phát triển thương mại và công nghiệp ở Timor Leste và là một phần quan trọng trong tương lai kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.
Video đang HOT
Phát biểu tại Thượng viện, Ngoại trưởng Australia Marise Payne khẳng định hiệp định trên giải quyết tranh cãi lâu nay giữa Australia và Timor Leste trong vấn đề đường biên giới trên biển, con đường phát triển Greater Sunrise cũng như tạo ra nền tảng cho chương mới trong quan hệ song phương.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Timor Leste cho biết nước này có khả năng sẽ thông qua hiệp định trên vào ngày 30/8 tới.
Greater Sunrise, được phát hiện vào năm 1974, cách Timor Leste 150km về phía Đông Nam và Australia 450km về phía Tây Bắc, có trữ lượng khoảng 144 tỷ m3 khí đốt, trị giá khoảng 40-50 tỷ USD.
Sau nhiều năm tranh chấp, Australia và Timor Leste đã ký hiệp định lịch sử này hồi tháng 3/2018 tại Liên hợp quốc.
Đây là hiệp định đầu tiên đạt được theo cơ chế hòa giải đặc biệt của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 để giải quyết tranh cãi lâu nay liên quan biên giới Timor Leste, vốn làm trì hoãn hoạt động khai thác ở Greater Sunrise.
Theo thỏa thuận, Timor Leste sẽ được nhận 70% doanh thu nếu khí đốt khai thác được dẫn tới nước này hoặc 80% nếu khí đốt được vận chuyển tới Australia để xử lý./.
Theo Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam )
Australia không dung túng công dân là chiến binh Nhà nước Hồi giáo
Quốc hội Australia bắt đầu thảo luận dự thảo luật cấm những công dân của nước này từng đầu quân cho tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trở về nước trong vòng tối đa 2 năm.
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Australia ở Canberra. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 23/7, Quốc hội Australia bắt đầu thảo luận dự thảo luật cấm những công dân của nước này từng đầu quân cho tổ chức " Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trở về nước trong vòng tối đa 2 năm.
Dự luật này nếu được thông qua sẽ cho phép Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton ban hành các chỉ thị đặc biệt nhằm ngăn chặn những nghi phạm khủng bố quay trở về nước.
Ông Dutton là người có quan điểm ủng hộ các biện pháp cứng rắn nhằm vào những đối tượng từng tham gia thánh chiến.
Dự luật này được xây dựng trên nền tảng một đạo luật tương tự của Vương quốc Anh, cho phép một thẩm phán quyết định liệu có áp dụng chỉ thị đặc biệt ngăn chặn công dân trở về trong trường hợp đặc biệt hay không.
Hồi đầu tháng Bảy này, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Dutton cho biết dự luật sẽ tác động tới 230 công dân Australia đã tới Syria và Iraq để chiến đấu cho IS, 80 người trong số này hiện vẫn lưu lại các khu vực xung đột vũ trang.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều luồng dư luận quan ngại dự luật này có thể vi hiến và trao quá nhiều quyền lực vào tay bộ trưởng.
Công đảng đối lập đã kêu gọi chuyển lại dự luật này tới Ủy ban An ninh và Tình báo để cân nhắc thêm. Đây là một trong số những dự luật gây tranh cãi hiện đang được thảo luận trong phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội Australia kể từ khi chính phủ bảo thủ tái đắc cử hồi tháng Năm vừa qua.
Các đề xuất khác bao gồm việc hủy bỏ luật mang tên "Medevac" cho phép người tị nạn hoặc di cư ốm yếu ở các trại tị nạn Thái Bình Dương được đưa tới Australia chữa trị./.
Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam )
Trung Quốc không mong muốn chiến tranh thương mại với Mỹ Đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp tuyên bố Trung Quốc không mong muốn một cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhưng sẽ nỗ lực đến cùng để bảo vệ các lợi ích của mình. Khách hàng chọn mua thực phẩm tại một siêu thị ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN) Trung Quốc không mong muốn một cuộc chiến...