Australia: Nguy cơ cháy rừng thảm khốc ở bang South Australia
Chính quyền bang South Australia của Australia đã ban bố cảnh báo về nguy cơ xảy ra cháy rừng thảm khốc đối với phần lớn bang này trong bối cảnh điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng ở Millmerran, bang Queensland, Australia ngày 23/10/2023. Ảnh: Reuters/TTXVN
Ngày 8/12, chi nhánh của Cục phòng cháy chữa cháy quốc gia Australia (CFS) tại South Australia cảnh báo bang này đang phải đối mặt với những ngày có điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất tạo điều kiện cho cháy rừng lan rộng nhất được ghi nhận trong nhiều năm qua. Nhiệt độ được dự báo sẽ vượt quá 40 độ C trong ngày 8/12 tại hầu khắp South Australia với gió mạnh và sấm sét không kèm mưa dông làm trầm trọng thêm nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Điều này khiến CFS ban bố nguy cơ cháy rừng thảm khốc đối với 5 trong số 15 khu vực được dự báo của bang Nam Australia và nguy cơ hỏa hoạn vô cùng nghiêm trọng đối với 5 khu vực khác, bao gồm cả thủ phủ Adelaide của bang này và các vùng ngoại ô xung quanh.
Theo cảnh báo về nguy cơ cháy rừng thảm khốc, người dân được khuyến cáo rời khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, do mọi đám cháy bùng phát đều có nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản.
Lệnh cấm đốt lửa hoàn toàn cũng được áp dụng cho các khu vực nằm trong hai diện cảnh báo nêu trên.
Giám đốc CFS tại Nam Australia Brett Loughlin cho biết mọi đám cháy bùng phát sẽ vô cùng khó kiểm soát, đồng thời cảnh báo rằng gió mạnh có thể khiến máy bay chữa cháy không thể cất cánh được. Theo ông Loughlin, các điều kiện thời tiết dự báo trong ngày 8/12 tương tự như các điều kiện thời tiết gây ra vụ cháy rừng Pinery hồi năm 2015 làm 2 người thiệt mạng và hơn 470 tòa nhà bị phá hủy ở phía Đông Bắc Adelaide chỉ trong 7 ngày.
Bang California (Mỹ) đối mặt với cháy rừng sau đợt tuyết rơi và mưa lớn
Chưa đầy 5 tuần sau đợt tuyết rơi và mưa lớn trong mùa Đông ẩm ướt nhất trong lịch sử của bang California (Mỹ), ngày 28/4, lực lượng cứu hỏa phải lại vất vả chiến đấu với đám cháy rừng lớn đầu tiên của bang trong năm nay tại vùng đồi núi phía Đông thành phố Los Angeles.
Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng ở bang California, Mỹ ngày 31/7/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo Cục Lâm nghiệp Mỹ, đợt cháy được đặt tên là Nob đã thiêu rụi khoảng 80 hécta cỏ và cây bụi tại Rừng Quốc gia San Bernardino kể từ khi lên ngày 26/4 vừa qua. Đến tối 27/4, đội cứu hỏa đã khống chế được 25% diện tích đám cháy. Người phát ngôn cơ quan này, bà Lyn Sieliet cho biết đám cháy này không đe dọa các khu vực đông dân cư do địa hình dốc và lửa cháy lan sâu trong rừng. Nguyên nhân gây cháy rừng đang được điều tra làm rõ.
Quy mô đám cháy tại hạt San Bernardino nhỏ hơn so với những đám cháy lớn xảy ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đám cháy rừng đầu tiên của năm 2023 có quy mô trên 40 hécta báo hiệu nguy cơ mùa cháy rừng khắc nghiệt vào mùa Hè và mùa Thu.
Giới chuyên gia cảnh báo lượng mưa lớn vào mùa Đông này đã kích thích cỏ và bụi cây phát triển mạnh trước khi khô héo vào mùa Hè, để lại thảm thực bì dày hơn và rộng hơn khiến cháy rừng dễ bùng phát. Tuy nhiên, mưa nhiều cũng làm tăng độ ẩm trong các bụi cây và cây cối phần nào khiến cháy rừng khó bùng lên trong thời gian ngắn, do đó phần nào ngăn mùa cháy rừng bùng phát.
Tờ Los Angeles Times dẫn dữ liệu của Sở Lâm nghiệp và Cứu hỏa bang California (CalFire) cho biết tính đến tháng 4/2022, California đã trải qua ba năm hạn hán nghiêm trọng và hơn 10 đám cháy rừng lớn. Đám cháy mới nhất xảy ra tại hạt San Bernardino trong bối cảnh các cộng đồng sinh sống ở vùng thấp tại khu vực Trung California có nguy cơ hứng chịu lũ lụt do băng tan nhanh trên dãy núi Sierra Nevada. Các nhà dự báo cho biết xu hướng nóng lên đã đẩy nhanh quá trình tan băng vào mùa Xuân sau khi nhiều cơn bão Thái Bình Dương đổ bộ vào California, gây mưa lớn và tuyết rơi dày trên núi từ cuối tháng 12 năm ngoái đến cuối tháng 3 năm nay.
Cảnh báo về sự suy giảm tầng ozone Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, một nghiên cứu do nhà hóa học khí quyển Susan Solomon thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thực hiện đã chỉ ra rằng tầng ozone bị phá hủy từ 3-5% sau vụ cháy rừng "Mùa hè Đen tối" năm 2019-2020 ở Australia. Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng ở Perth, Australia ngày 2/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN...