Australia khẳng định vaccine AstraZeneca an toàn
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 16/3, Cơ quan Quản lý sản phẩm trị liệu Australia (TGA), cơ quan chuyên trách quản lý dược phẩm cho biết không có bằng chứng về “mối quan hệ hợp lý về mặt sinh học” giữa vaccine của hãng AstraZeneca và bệnh huyết khối, đồng thời khẳng định không có lý do để Australia tạm dừng việc tiêm vaccine này.
Vaccine ngừa COVID-19 của Hãng dược phẩm AstraZeneca/Oxford. Ảnh: AFP/TTXVN
TGA khẳng định cho đến ngày 15/3/2021, TGA chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về việc xảy ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca tại Australia.
Giám đốc y tế Australia, giáo sư Paul Kelly cũng đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng vaccine của AstraZeneca là an toàn. Giáo sư nhấn mạnh rằng các quốc gia khác, bao gồm Canada và Anh, tổng cộng đã có 11 triệu người được tiêm vaccine của hãng này và không có dấu hiệu nào cho thấy vaccine gây ra những hiện tượng cho người được tiêm như ở châu Âu.
Trước đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã lên lịch thực hiện hai cuộc họp khẩn cấp trong những ngày tới để xem xét các dữ liệu sức khỏe mới nhất liên quan tới vaccine. Công ty AstraZeneca và các nhà chức trách Anh cũng sẽ cung cấp dữ liệu cho EMA tại cuộc họp này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cho biết Pháp sẽ quyết định về việc tiếp tục tiêm chủng hay không sau khi có kết quả của cuộc họp.
Về phần mình, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khuyến nghị tiếp tục tiêm vaccine của AstraZeneca vì không tìm thấy mối liên quan nào giữa bệnh huyết khối và vaccine.
Video đang HOT
Trong một diễn biến khác, Indonesia đã tạm thời ngừng cấp phát vaccine của AstraZeneca để chờ kết quả nghiên cứu của WHO về các tác dụng phụ của vaccine này.
Ngày 8/3, Indonesia đã được nhận 1,1 triệu liều vaccine của AstraZeneca thông qua cơ chế tiếp cận vaccine công bằng COVAX do WHO đứng đầu.
Dừng tiêm vaccine Astrazeneca: Diễn biến, nguyên nhân và những vấn đề cần làm rõ
Hơn 10 nước đã quyết định tạm thời ngưng sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca sau khi có tin một số người tiêm ở Đan Mạch, Na Uy mắc chứng huyết khối (cục máu đông), dù chưa có bằng chứng nào về mối liên hệ với vaccine.
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Oxford. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quản Dược phẩm châu Âu (EMA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến thời điểm này vẫn khẳng định,l những dữ liệu hiện thời không chứng minh vaccine AstraZeneca gây huyết khối, đồng thời khuyến nghị các nước tiếp tục tiêm chủng.
Diễn biến và mối liên quan với vaccine
Đan Mạch là nước đầu tiên tuyên bố tạm ngưng sử dụng vaccine AstraZeneca sau khi xuất hiện một số ca đông huyết, trong đó có một ca tử vong sau 10 ngày tiêm. Giới chức y tế nước này cho biết sẽ ngừng tiêm ít nhất hai tuần để điều tra, làm rõ các trường hợp, nhưng cũng khẳng định chưa thể kết luận có hay không mối liên hệ giữa vaccine và hiện tượng huyết khối.
Na Uy, Ireland, Bulgaria, Thái Lan, Congo, Hà Lan là những nước theo bước Đan Mạch. Mới nhất, Pháp, Đức và Italy ngày 15/3 đưa ra quyết định tương tự. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, việc tạm ngừng sử dụng vaccine là một biện pháp mang tính phòng vệ thuần túy, bày tỏ hy vọng EMA sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể trong tuần này sau khi xem xét, đánh giá thấu đáo các ca huyết khối.
Về phần mình, AstraZeneca tuyên bố, rà soát kĩ lưỡng dữ liệu trên 17 triệu người đã được tiêm ngừa vaccine ở châu Âu cho thấy, có 37 trường hợp có biểu hiện tăng huyết khối. Nhưng không có bằng chứng cho thấy vaccine của hãng làm tăng nguy cơ huyết khối ở bất kỳ nhóm tuổi, giới tính, ở bất kỳ quốc gia nào. Theo AstraZeneca, con số 37 ca này là nằm trong tính toán dự báo, không có bất thường xét trên tổng số người được tiêm ngừa, tỷ lệ tương đương với các vaccine đã được cấp phép khác.
Đến thời điểm hiện nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy vaccine là tác nhân làm tăng nguy cơ huyết khối. EMA khẳng định, không có dữ liệu nào về tác dụng phụ tăng huyết khối khi tiêm vaccine. Cơ quan này cho biết đang tiếp tục điều tra, phân tích đầy đủ dữ liệu. Trong thời gian này, lợi ích của việc tiêm vaccine AstraZeneca vẫn lớn hơn nguy cơ về tác dụng phụ.
Anh là nước sử dụng nhiều nhất vaccine AstraZeneca, với 11 triệu liều tiêm ngừa. Dữ liệu cho thấy có 11 người ở Anh có biểu hiện huyết khối sau tiêm, nhưng chưa có một trường hợp nào khẳng định là do vaccine. Một số bác sĩ, chuyên gia y tế nhìn nhận, chiến dịch tiêm chủng ưu tiên số đối tượng dễ bị tổn thương, nên những người đã được chích ngừa hiện nay thường là số có bệnh lý nền, gặp vấn đề về sức khỏe. Điều này khiến việc xác định vaccine gây tác dụng phụ gặp khó khăn hơn.
Thực tế tiêm chủng và những vấn đề trước đó với AstraZeneca
Khi vaccine được sử dụng rộng rãi, sẽ luôn tiềm ẩn yếu tố về tử vong và những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe - đó là điều mà các nhà khoa học luôn lượng định. Đơn giản là bởi khi có hàng triệu người được tiêm, khả năng cao là sẽ có một số hiện tượng, sự cố xảy ra.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca tại trung tâm y tế ở Seoul. Ảnh: AFP/TTXVN
Phần lớn những biến cố này không có liên quan đến vaccine. Nhưng do vaccine ngừa COVID-19 vẫn đang được thử nghiệm và chưa có dữ liệu dài hạn nào, nên giới khoa học sẽ phải điều tra tất cả các khả năng, để làm rõ tiêm chủng liệu có gây ra những tác dụng phụ chưa được tiên lượng trước hay không.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO, cho biết cơ quan này không muốn người dân lo ngại giữa lúc xuất hiện thông tin về tình trạng huyết khối xảy ra ở một số người đã được tiêm ngừa vaccine AstraZeneca. Theo bà, với hơn 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu, chưa có ca tử vong nào được xác định là do vaccine.
Vaccine AstraZeneca đã được cấp phép sử dụng đối với người trưởng thành ở hơn 50 quốc gia, được chứng minh là an toàn và hiệu quả qua phân tích chính các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở Anh, Brazil và Nam Phi. Nhưng trước đó, dư luận cũng từng bày tỏ quan ngại về cách thức AstraZeneca công bố dữ liệu đối về kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Một số lãnh đạo châu Âu, nổi bật là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, từng đặt nghi vấn về hiệu quả của vaccine này trên đối tượng người già, khi AstraZeneca chưa cung cấp đủ thông tin, dữ liệu.
Anh là nước cấp phép sử dụng đầu tiên với AstraZeneca, dựa trên kết quả chưa đầy đủ cho thấy vaccine đạt hiệu quả 70%. Trước khi cấp phép, EMA cũng đưa ra đánh giá về tỉ lệ hiệu quả 60% với vaccine AstraZeneca. Nhưng trước đó, liên danh dược phẩm giữa Anh và Thụy Sĩ này cũng từng dính lùm xùm về dữ liệu.
AstraZeneca thông báo kết quả thử nghiệm cho hiệu quả tổng thể là 70%, giới hạn thấp hơn là 62% và cao hơn là 90%. Khác biệt này là do các liều vaccine khác nhau đã được dùng nhầm lẫn trong cuộc thử nghiệm. Một số tình nguyện viên đã được tiêm liều chỉ bằng bằng một nửa dự kiến, do sai sót, nhưng liều "nhầm" đó lại cho hiệu quả tốt nhất. Dữ liệu về an toàn, hiệu quả của vaccine AstraZeneca trên người cao tuổi cũng không đầy đủ, khiến nhiều nước châu Âu thời gian đầu không thực hiện tiêm ngừa với nhóm đối tượng này.
WHO và EMA dự kiến ra tuyên bố về vaccine AstraZeneca Theo kế hoạch, ủy ban tư vấn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về an toàn vaccine và Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ ra tuyên bố về vaccine AstraZeneca trong ngày 16/3. Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Hãng AstraZeneca tại trung tâm y tế ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN...