Australia đã thu thập thông tin ở các quốc gia châu Á như thế nào?
Các quốc gia châu Á đã “nổi sóng” khi thông tin tình báo Chính phủ Australia ( Defence Signals Directorate) tiến hành thu thập dữ liệu thông qua Đại sứ quán của nước này ở nhiều quốc gia châu Á được đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald vào trung tuần tháng 11. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, những thông tin được tiết lộ mới chỉ là đỉnh của tảng băng trôi.
Nhiều cơ sở thu thập thông tin trên đất Australia
Tờ báo Der Spiegel (Đức) và Sydney Morning Herald (Australia) tiết lộ rằng, chính phủ Australia đã thực hiện giám sát điện tử, nghe lén điện thoại và các hình thức liên lạc khác qua mạng internet. Các thiết bị điện tử được cài đặt trong cơ quan ngoại giao của Australia tại Kuala Lumpur, Port Moresby, Bangkok, Bắc Kinh, thủ đô Dili, Jakarta và Hà Nội. Sự phơi bày các hoạt động gián điệp từ cơ quan ngoại giao của Australia đã khiến Chính phủ Australia “bối rối” và chắc chắn, thông tin này sẽ làm căng thẳng mối quan hệ giữa Australia với các nước trong khu vực nhiều năm tới. Cho đến nay, các bình luận về vụ việc được gói gọn trong từ “sốc”. Bộ trưởng Ngoại giao Australia, bà Julie Bishop nói rằng, “đó không phải là chính sách của Chính phủ Australia về các vấn đề tình báo”. Tuy nhiên, cách lý giải này không đủ để xoa dịu “nỗi tức giận” của nhiều Chính phủ trong khu vực.
Thông tin đăng tải trên tờ Pravda (Nga) cho hay, Australia đã tiến hành thu thập thông tin tình báo trong khu vực Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ bằng nhiều cách thức khác nhau. Ngoài các hoạt động giám sát điện tử được tiết lộ còn có hoạt động các nhân viên tình báo dưới vỏ bọc ngoại giao trong các Đại sứ quán. Kể từ khi các cuộc tấn công khủng bố 11-9 vào Mỹ, cộng đồng tình báo của Australia được coi là một đối tác quan trọng của Mỹ, một số đơn vị tình báo trên lãnh thổ Australia có đóng góp quan trọng với hoạt động của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).
Phần mềm có tên gọi ECHELON được đặt ở Pine Gap, một địa danh nằm ở phía Bắc của Australia, cách thành phố Alice Springs khoảng 20 km có nhiệm vụ thu tín hiệu. Phần mềm này được sử dụng để thu thập tín hiệu từ điện thoại, fax, email và các dữ liệu khác từ truyền hình vệ tinh, mạng điện thoại công cộng và tín hiệu vi sóng. Dữ liệu sau khi thu thập được kết nối với các thiết bị nghe trộm của Anh đặt tại Menwith Hill và một chuỗi các thiết bị khác trên thế giới. Sau ngày 11/9, việc thu thập thông tin tình báo tập trung vào các nghi can khủng bố, mục tiêu chính xác của những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ. Pine Gap cũng là một phần của mạng X-Keystone thu thập và phân tích dữ liệu trực tuyến. Pine Gap rất quan trọng đối với Mỹ vì nhiều vệ tinh gián điệp của nó được điều khiển từ thiết bị này.
Một cơ sở thông tin liên lạc vệ tinh được đặt tại Kojarena, gần Geraldton, phía Tây Australia chịu trách nhiệm ngăn chặn các tín hiệu và thông tin liên lạc qua điện thoại di động từ Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và Pakistan. Một trạm vệ tinh khác tại Vịnh Shoal tập trung chủ yếu vào việc ngăn chặn các cuộc điện thoại từ Indonesia và tín hiệu quân sự. Có một cơ sở điều khiển từ xa trên đảo Cocos cũng được sử dụng để thu thập các tín hiệu. Australia đã phát triển mạng lưới thu thập thông tin qua cáp ngầm dưới biển – là nơi kết nối mạng internet giữa Mỹ và châu Á.
Các tài liệu cho hay, Australia thường xuyên chặn các cuộc đàm thoại của Tổng thống Indonesia Susilo Bambamg Yudhoyono và các quan chức cấp cao khác qua điện thoại di động. Australia cũng thường xuyên đọc thư tín ngoại giao Indonesia từ những năm 1950 và những thông tin này đóng vai trò quan trọng giúp Mỹ làm suy yếu chế độ Sukarno và đưa Suharto lên làm Tổng thống vào năm 1995.
Video đang HOT
Hình ảnh Edward Snowden và bài viết được đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald tiết lộ về chương trình nghe lén của Australia.
Các nhóm tình báo trong cơ quan đại diện ngoại giao
Theo một quan chức ngoại giao cấp cao đã về hưu và một sỹ quan cảnh sát Liên bang Australia thì phần lớn thông tin được thu thập từ các cơ quan tình báo và các nhóm hoạt động bí mật trong cơ quan ngoại giao được gọi là HUMINT. Mỗi nhóm gồm nhiều thành viên thuộc nhiều tổ chức khác nhau như cảnh sát Liên bang, tình báo Quốc phòng, Sở Thuế Vụ Australia, tùy viên quân sự, Bộ Di Trú và bảo vệ Biên giới. Thông tin mà nhóm tình báo này thu thập thường có liên quan với công dân Australia ở trong và ngoài nước trên các lĩnh vực kinh doanh, rửa tiền, hàng giả, đánh cắp thông tin cá nhân, nhận dạng, trốn thuế, ma túy, buôn bán người, buôn bán vũ khí, khủng bố… cũng như bất cứ điều gì được coi là có liên quan đến lợi ích của Australia.
Ngoài ra, một số công việc được thực hiện nhằm giúp các đối tác “thân thiện của CIA” như VFS Global. Ở lĩnh vực này, Australia thực hiện việc thu thập và xử lý đơn xin thị thực để đảm bảo an ninh quốc gia của Vương quốc Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. VFS có một hệ thống hồ sơ khách hàng độc quyền giúp tạo ra cơ sở dữ liệu rất lớn. Tuy nhiên, không phải tất cả các hoạt động đều nhằm vào chính phủ nước sở tại nơi các cơ quan ngoại giao đóng quân mà chủ yếu theo dõi các cá nhân đại diện ngoại giao mà Australia quan tâm.
CIA, NSA và các cơ quan tình báo đối tác khác của Australia hiện nay chủ yếu tập trung thu thập thông tin về lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, công nghiệp, thương mại và dữ liệu chính trị. Thông tin này cực kỳ quan trọng trong đàm phán thương mại và việc định hình mối quan hệ tài chính của khu vực, đặc biệt là mong muốn của Mỹ hình thành quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và trục châu Á để đối trọng với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Cựu đặc vụ CIA Philip Agee trong một cuộc phỏng vấn trước khi qua đời vào năm 2008 xác nhận rằng, có rất nhiều thông tin mà Australia thu thập được sử dụng để hỗ trợ chiến lược đa quốc gia của Mỹ chứ không phải vì mục đích an ninh quốc gia…
Australia phải chuẩn bị để đối phó với sự phản đối mạnh mẽ ở châu Á, nơi mà sau vụ bê bối, Australia bị coi như là đang hành động “một cách mù quáng” để phù hợp với lợi ích an ninh của Mỹ. Cuối cùng, từ quan điểm địa lý-chính trị, Tờ Der Spiegel và Sydney Morning Herald cho rằng, vụ việc là một sự thay đổi lớn trong khu vực ảnh hưởng mà có lẽ, Australia cũng sẽ “mất mát” rất nhiều thứ.
Australia nghe lén điện thoại của nội các Indonesia
Theo tin từ hãng AFP ngày 18/11 cho hay, cơ quan tình báo Australia đã tìm cách nghe lén các cuộc điện đàm của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, phu nhân của ông này cùng 9 Bộ trưởng trong nội các chính quyền Jakarta. Tuy nhiên, theo các tài liệu mà “người thổi còi” Edward Snowden cung cấp cho Tập đoàn truyền thông ABC của Australia và tờ The Guardian thì việc nghe lén này chỉ được thực hiện trên điện thoại di động của Tổng thống Indonesia và cũng chỉ kéo dài có 15 ngày trong tháng 8 năm 2009. Những nhân vật khác trong đó có cả Phó Tổng thống Indonesia Boediono, người vừa tới Australia tuần trước; cựu Phó Tổng thống Yussuf Kalla, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng An ninh và Bộ trưởng Thông tin Indonesia… thì bị nghe lén trong thời gian dài hơn. Các nhà phân tích đang lo ngại, những thông tin này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia.(Anh Tuấn)
Theo ANTG
Indonesia triệu hồi đại sứ ở Úc sau vụ nghe lén
Indonesia đã triệu hồi đại sứ ở Canberra để làm rõ thông tin về việc tình báo Úc nghe lén điện thoại của vợ chồng Tổng thống Yudhoyono.
Ngày 18/11, Indonesia đã triệu hồi đại sứ ở Úc về nước trong bối cảnh Thủ tướng Úc Tony Abbott đang tìm cách giảm thiểu căng thẳng sau khi có thông tin tình báo Úc đã tìm cách nghe lén điện thoại của vợ chồng Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono.
Theo đó, đại sứ Indonesia tại Canberra đã được triệu hồi về nước để tham vấn và yêu cầu làm rõ cam kết của chính phủ Úc về việc không lặp lại hành động do thám đối với Indonesia.
Trong khi đó, Thủ tướng Úc Abbott đã khẳng định: "Không ai được lợi trong việc làm hay nói bất cứ điều gì có thể phương hại đến quan hệ hai nước, và tôi sẽ không làm điều đó."
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa lại tuyên bố với các phóng viên ở Jakarta: "Đó chẳng khác gì một hành động không thân thiện đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ song phương."
Ông Natalegawa nói: "Đó không phải là hành động khôn ngoan. Nó vi phạm tất cả những công cụ pháp lý và đạo đức mà tôi có thể nghĩ tới."
Trước đó, tờ ABC của Úc dẫn các tài liệu do Edward Snowden công bố cho biết tình báo Úc đã theo dõi điện thoại của Tổng thống Indonesia Yudhoyono trong suốt 15 ngày vào tháng 8/2009, và đã có ít nhất một lần tìm cách nghe lén nội dung đàm thoại của ông Yudhoyono nhưng không thành vì cuộc gọi kéo dài chưa đầy 1 phút.
Cũng theo hãng tin ABC, ngoài nghe lén điện thoại của vơ chồng Tổng thống Yudhoyono, tình báo Úc còn giám sát liên lạc của cựu Phó Tổng thống Jusuf Kalla cùng các bộ trưởng an ninh và thông tin của nước này.
Những cáo buộc này có thể làm phức tạp hóa nỗ lực của ông Abbott nhằm ký hiệp định thương mại tự do với Indonesia và tăng cường hợp tác với nước này trong vấn đề kiểm soát dòng người tị nạn từ Indonesia nhập cư vào Úc.
Ông Zareh Ghazarian, một chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Monash ở Úc nhận định: "Thật ngây thơ khi cho rằng các quốc gia không do thám lẫn nhau, tuy nhiên sẽ không đẹp mặt chút nào nếu hành vi đó bị phát giác. Nó sẽ khiến cả hai chính phủ nổi giận và có thể khiến Indonesia có lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán song phương."
Ngày hôm qua, ông Teuku Faizasyah, người phát ngôn của Tổng thống Yudhoyono cũng đã tuyên bố rằng Úc "cần khẩn thiết làm rõ thông tin này để tránh gây thêm thiệt hại" và khẳng định "đã có thiệt hại xảy ra".
Ông này cũng cho biết Indonesia sẽ xem xét lại việc hợp tác trao đổi thông tin với chính phủ Úc, trong đó có việc bố trí các nhân viên ngoại giao Úc trong đại sứ quán ở Jakarta.
Hôm 31/10, tờ Sydney Morning Herald của Úc cũng công bố thông tin cho biết các đại sứ quán Úc cũng tìm cách nghe lén điện thoại và thu thập dữ liệu tại nhiều nước châu Á như một phần trong mạng lưới gián điệp toàn cầu do Mỹ đứng đầu.
Phát biểu tại Canberra hồi tuần trước, Phó Tổng thống Indonesia Boediono tuyên bố: "Dư luận Indonesia rất quan tâm đến vấn đề này. Tôi cho rằng hai nước cần phải đi đến một số thỏa thuận nhằm đảm bảo các bên không sử dụng thông tin tình báo để chống lại nước kia."
Theo Blooberg
ABC: Tình báo Úc nghe lén Tổng thống Indonesia Hãng thông tấn ABC của Úc đã cáo buộc các cơ quan tình báo nước này nghe lén điện thoại của Tổng thống Indonesia trong thời gian dài. Ngày 17/11, hãng truyền thông quốc gia Úc ABC (Australian Broadcasting Corp.) dẫn các tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Edward Snowden cho hay các cơ quan tình...